Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Fx. Đức
Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ.
Mc 3,13-15
Tu hội Truyền giáo là một Hiệp hội giáo sĩ đời sống tông đồ và thuộc quyền Giáo hoàng, trong đó, các thành viên theo đuổi một mục đích tông đồ riêng biệt, theo di sản do thánh Vinh Sơn để lại và đã được Giáo hội phê chuẩn. Họ sống chung với nhau như những người anh em bằng cách theo lối sống riêng của họ, và cố gắng đạt tới đức ái trọn hảo bằng cách tuân giữ Hiến pháp.
HP 3,1
Đời sống chung được sinh ra cùng lúc với Sứ vụ truyền giáo. Không thể hiểu được sứ vụ truyền giáo Vinh Sơn nếu thiếu đời sống chung. Do đó, đời sống chung là một yếu tố thiết yếu trong đời sống tông đồ của Tu Hội Truyền Giáo.
1. Chúng ta gắn bó với công việc này là để sống trong Cộng đoàn
Bản hợp đồng thành lập Tu Hội Truyền Giáo và Chứng thư thiết lập hiệp hội của các Thành viên đầu tiên, đã phát biểu rõ ràng rằng lý do của đời sống chung là để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Đời sống cộng đoàn là “chất liệu” của cái được làm ra.
Chúng ta gắn bó với công việc đặc biệt này là để có thể sống với nhau như một tu đoàn, một hiệp hội hay một hội đồng, và để chúng ta có thể làm việc vì ơn cứu độ của người dân quê nghèo chiếu theo những đòi hỏi và nền tảng của Tu Hội.[1]
Luật Chung còn ghi lại cách cụ thể hơn nữa những hoạt động của đời sống chung:
Mọi người cần phải giữ đúng thời khóa biểu mà Tu hội vẫn tuân giữ, cho dù ở nhà hoặc nơi truyền giáo, đặc biệt là đối với những giờ thức dậy và đi ngủ, cầu nguyện, đọc Các giờ kinh phụng vụ và giờ cơm.[2]
2. Đức ái là thiên đường của cộng đoàn
Tự chúng, các yếu tố trên không đủ; các yếu tố ấy còn đòi hỏi phải có tình yêu thương huynh đệ đi kèm. Thánh Vinh Sơn đã nói: “Đức ái là thiên đường của cộng đoàn”.
Đức ái là linh hồn của các nhân đức và là thiên đường của cộng đoàn. Nếu có đức ái, nhà Saint Lazare nhất định sẽ là thiên đường; hạnh phúc viên mãn của đời sống vĩnh cửu là tình yêu, và vì thế, không có gì đáng khao khát hơn là sống với nhau trong tình yêu và cảm thấy được yêu.[3]
Luật phổ quát của Giáo Hội khẳng định tình huynh đệ, bắt rễ trong đức ái, là yếu tố năng động trong đời sống cộng đoàn:
Ðời sống huynh đệ, với đặc điểm riêng thích hợp với mỗi hội dòng, nhờ đó các phần tử được kết hợp trong Ðức Kitô dường như trong một gia đình đặc biệt, cần được xác định cách nào để trở nên một sự hỗ trợ cho tất cả các phần tử trong việc chu toàn ơn gọi của mỗi người. Do sự thông hiệp huynh đệ, được đâm rễ và xây dựng trên Ðức ái, các phần tử phải trở nên gương mẫu của sự hòa giải đại đồng trong Ðức Kitô.[4]
3. Sự cô tịch đem lại cho chúng ta khoảng ngừng giữa công việc, và công việc là khoảng ngừng của cô tịch.
Từ thời cha Abelly, người ta thường trích dẫn câu: Nhà truyền giáo phải là “một tông đồ khi ra ngoài làm việc và là tu sĩ Brunô khi ở nhà”. Thánh Vinh Sơn cũng đã viết điều tương tự cho một người anh em.[5] Có hai thời điểm phân biệt nhau trong đời sống của một nhà truyền giáo; cả hai đòi hỏi những thái độ khác nhau. Tuy nhiên, trên hết, đời sống chung đòi buộc mọi người phải tạo ra một môi trường thích hợp với đời sống truyền giáo.
Chúng ta cần phải chú tâm nỗ lực tạo những điều kiện cần thiết cho công việc, sự nghỉ ngơi, kinh nguyện, và việc chung sống với nhau: vì thế, chúng ta sử dụng các phương tiện truyền thông một cách khôn ngoan và có chừng mực. Tuy vẫn phải đáp ứng những đòi hỏi của việc tông đồ, chúng ta cần phải dành riêng một phần nào đó của Nhà mình cho sự riêng tư của Cộng đoàn.[6]
*** Đâu là quan điểm của tôi về đời sống chung trong Tu Hội Truyền Giáo?
*** Cho đến giờ, đâu là kinh nghiệm của tôi về đời sống cộng đoàn? Tôi hài lòng hay thất vọng? Tại sao?
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa Cứu Thế, xin hãy làm thấm nhuần đức ái trong trái tim những người được Chúa mời gọi bước vào trong Tu Hội này, bởi vì chỉ nhờ tình yêu thương chúng con dành cho nhau mà kẻ mạnh mới có thể nâng đỡ người yếu và cũng chỉ nhờ tình yêu ấy mà chúng con mới hoàn tất được công việc Chúa đã trao phó. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
[1] Biên bản hợp tác của các thừa sai đầu tiên, 4/9/1627, O.C., x, 243
[2] Luật chung X,18
[3] Về Đức ái huynh đệ, O.C., XI, 768
[4] Giáo luật, 602
[5] O.C., II, 183
[6] Hiến Pháp 24,4