Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Fx. Đức
Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô.
Ep 4,11-12
Tu hội Truyền giáo, theo truyền thống do thánh Vinh Sơn để lại, thực thi công việc tông đồ của mình trong sự hợp tác chặt chẽ với các Giám mục và Giáo sĩ giáo phận. Vì lý do này, thánh Vinh Sơn thường khẳng định cho dù Tu hội được hưởng quyền tự trị đã được trao ban do luật phổ quát hoặc do miễn trừ, Tu hội Truyền giáo vẫn thuộc hàng Giáo sĩ triều.
HP 3,2
“Chúng ta thuộc về hội dòng của Thánh Phêrô” – đây là cụm từ thánh Vinh Sơn đã sử dụng trong những dịp nói chuyện về Tu Hội. Thực tế là Tu Hội không được Giáo Hội xác định như một dòng tu nhưng như một Hiệp hội giáo sĩ triều, một Tu đoàn Tông đồ. Đó không chỉ đơn thuần là sự phân biệt về mặt pháp lý, mà còn là một sự phân biệt kéo theo những đòi buộc cả về mặt linh đạo lẫn mục vụ.
1. Một sáng kiến thánh thiện
Tu Hội Truyền Giáo không phải là một dòng tu, nhưng điều đó không có nghĩa là nó ít mang tính chất tu trì. Thánh Vinh Sơn đã viết cho Mẹ Chantal rằng: “Chúng ta không đáng là tu sĩ”. Khi nói Tu Hội không phải là dòng tu thì điều đó không có nghĩa là Tu Hội không bị đòi buộc phải vươn đến một đức ái tương xứng. Thánh Vinh Sơn nói: “Chúng ta phải ở trong đức ái… Chúng ta hiến thân để thực thi yêu thương một cách cụ thể và trung thành.[1]
Tu Hội Truyền Giáo có phải là một dòng tu không? Không phải đâu. Chúng ta là những linh mục triều, những người sống trong thân phận mà chính Đức Giêsu đã chọn cho mình, đó là từ bỏ của cải, danh vọng và khoái lạc trần thế… Mặc dù chúng ta không phải là tu sĩ, chúng ta vẫn thuộc về một hội dòng, không phải hội dòng của thánh Phanxicô, cũng không phải của thánh Đa Minh, nhưng chúng ta là thành viên của Hội dòng Thánh Phêrô. Và chúng ta đảm nhận lời khấn khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục với một sự kiên định lớn hơn.[2]
Khi viết cho cho cha Portail, thánh Vinh Sơn đã tóm kết suy nghĩ của ngài về “bản chất triều” của Tu Hội Truyền Giáo:
“Chúa quan phòng đã gợi lên trong Tu Hội một sáng kiến thánh thiện. Qua việc tuyên khấn những lời khấn đơn, chúng ta được đặt vào một tình trạng mà nhờ đó, chúng ta sở hữu những điều tốt đẹp nhất trong đời sống tu trì. Nhưng đồng thời, chúng ta là những linh mục triều, và với tư cách là những linh mục bé mọn của giáo phận, chúng ta duy trì sự vâng phục với Đức Giám mục.[3]
2. Những tôi tớ trung thành của Đức giám mục
Hội Thánh không phải là một tổ hợp các giáo hội riêng lẻ. Đúng hơn, Hội Thánh là sự hiện diện trọn vẹn của bí tích cứu độ. Mỗi cộng đoàn giáo hội địa phương là một ơn huệ đối với toàn thể Giáo Hội. Những cộng đoàn ấy khiến Giáo Hội mở ra để trao ban và đón nhận các cộng đoàn địa phương khác. Tu Hội ý thức về ơn gọi phổ quát của mình là phục vụ các giáo hội địa phương. Dựa theo giáo huấn của Công Đồng Vatican II, chúng ta tự xem mình là những phần tử của gia đình giáo phận.[4]
Thánh Vinh Sơn đã bày tỏ cùng một cảm nghĩ khi ngài viết cho một Đức giám mục và nói:
Chúng con hoàn toàn theo sự hướng dẫn của các Đức giám mục, trong việc đi đến bất cứ nơi nào các ngài sai chúng con đến… Trước sự hiện diện của các Đức giám mục, chúng con giống như những đầy tớ trong Tin Mừng. Khi các ngài nói đi thì chúng con phải đi; khi các ngài nói đến, thì chúng con phải đến; khi các ngài nói làm điều này thì chúng con phải làm. Ngoài ra, với tư cách là các cha xứ và cha phó ở miền quê, chúng con đón nhận sự sửa dạy huynh đệ của các ngài và chào đón các ngài đến viếng thăm. Tuy nhiên, để trì sự hợp nhất trong tinh thần, các nhà truyền giáo phải vâng lời Bề trên Tổng quyền trong những vấn đề liên quan đến kỷ luật nội bộ.[5]
3. Cộng tác chặt chẽ với hàng giáo sĩ triều
Sự cộng tác mật thiết với hàng giáo sĩ giáo phận được chứng tỏ trong thái độ của các nhà truyền giáo khi chấp nhận xem cha xứ như người có trách nhiệm trực tiếp đối với hoạt động mục vụ:
Các nhà truyền giáo phải kính trọng các cha xứ và cha phó ở những nơi mà họ rao giảng Tin Mừng. Họ không được làm gì phật lòng các ngài, cũng như không được làm gì mà không có sự chấp thuận hay báo trước với các ngài, nhất là trong những vấn đề hệ trọng.[6]
*** Chúng ta có thường trao đổi với nhau rằng mình không phải là tu sĩ không? Chúng ta có ý gì khi nói như thế?
*** Tôi uốn nắn bản thân ra sao để hoà đồng với hàng giáo sĩ giáo phận? Cộng đoàn địa phương mà chúng ta đang sống và làm việc có thái độ như thế nào đối với giáo phận?
CẦU NGUYỆN:
Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa vì đã sinh ra Tu Hội này cùng với các phần tử của nó. Tạ ơn Chúa vì đã đặt chúng con vào Hội dòng của thánh Phêrô, hay đúng hơn là của Đức Kitô. Chúng con nguyện xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
[1] Về Đức bác ái, 30/5/1659, O.C., xi, 564.
[2] Về các Lời khấn, 7/11/1659, O.C., xi, 643-644.
[3] O.C., III, 224.
[4] Christus Dominus, 28/10/1965, 34.
[5] O.C., I, 341.
[6] Đề tài về các lầm lỗi, 29/10/1638, O.C., XI, 30