018. Thiên Chúa muốn chúng ta tuyên khấn

0
2240

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Fx. Đức

Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.

Rm 12,1-2

Để đạt được mục đích của Tu hội Truyền giáo một cách hữu hiệu và lâu dài hơn, các thành viên của Tu hội tuyên khấn kiên định, khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục theo Hiến pháp và Quy chế.

HP 3,3

Việc đưa các lời khấn vào Tu Hội không phải là chuyện dễ dàng. Các lời khấn này đã trở nên hiện thực trong Tu Hội nhờ kinh nghiệm và xác tín của thánh Vinh Sơn về giá trị thiêng liêng và tông đồ của chúng. Bản thân ngài cũng đã kiên trì theo đuổi ý tưởng ấy. Sau một quá trình nghiền ngẫm lâu dài, thánh Vinh Sơn đã đi đến kết luận rằng: Thiên Chúa muốn Tu Hội tuyên khấn kiên định, khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời.

1. Tuyên khấn là trao phó mọi sự cho Thiên Chúa

Giáo huấn truyền thống luôn dạy rằng theo một nghĩa nào đó, việc tuyên khấn là một phép rửa mới, một sự tử đạo sống động, một hy tế. Thánh Vinh Sơn cũng đã truyền lại điều ấy cho các nhà truyền giáo:

Những lời khấn là một phép rửa mới. Chúng tác động trên chúng ta cũng giống như phép rửa. Bởi lẽ nhờ phép rửa, chúng ta được kéo ra khỏi tình trạng nô lệ Satan, trở thành con cái Thiên Chúa và được chung hưởng Thiên đàng. Đó cũng là điều mà những lời khấn mang lại. Và vì thế, một số người muốn nên hoàn thiện đã không bằng lòng với việc được rửa tội hay việc từ bỏ ma quỷ cùng với mọi công việc và phù hoa của nó, nhưng hơn thế nữa, họ đã bán mọi của cải và từ bỏ mọi vinh dự và khoái lạc. Giờ đây, nhờ lòng thương xót của Chúa mà chúng ta được ở trong tình trạng ấy. Đó không phải là lý do để tạ ơn Người hay sao? Một linh mục thánh thiện đã nói “Nếu chỉ ở trong tình trạng trọn lành thôi thì không đủ, mà còn phải lo săn sóc tình trạng ấy nữa”. Có người còn nói rằng việc tuyên khấn và thực hiện những lời khấn ấy là một cuộc tử đạo liên lỉ… Đảm nhận các lời khấn cũng có nghĩa là dâng hiến hy lễ chính bản thân cho Thiên Chúa, một hy lễ phải bị thiêu đốt bằng lửa… Do đó, những người thực thi đức khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời sẽ dâng trao tất cả cho Thiên Chúa… và đó là một của lễ trọn hảo.[1]

2. Chúng ta trở thành hình ảnh của Đức Giêsu Kitô

Giá trị Kitô học của các lời khấn là động lực chính yếu dẫn đến việc đưa các lời khấn vào Tu Hội Truyền Giáo:

Tình trạng đẹp lòng Thiên Chúa nhất là tình trạng trọn lành. Đó là tình trạng mà Đức Giêsu đã sống khi còn ở trần gian và Người cũng đã đòi buộc các tông đồ phải sống như thế. Tình trạng này gồm tóm trong việc sống khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời và kiên định. Do đó, mọi phần tử của Tu Hội phải sống tình trạng này.[2]

Các thừa sai tuyên khấn bởi vì: 1. Hành động này gắn kết họ với Thiên Chúa một cách chặt chẽ hơn; 2. Hành động này cũng trao phó Tu Hội và các thành viên của nó cho Thiên Chúa; 3. Hành động này làm cho các thừa sai giống Chúa Giêsu hơn và gia tăng khả năng thi hành phận vụ của họ.[3]

3. Các lời khấn là bảo chứng lớn lao cho lòng trung thành của chúng ta với Giáo Hội

Giá trị Giáo Hội học của các lời khấn đã được Công Đồng Vatican II phát biểu rõ ràng trong Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân và Sắc lệnh Đức Ái Trọn Hảo. Thánh Vinh Sơn đã từng suy ngẫm về khía cạnh này trong một lá thư gửi cho Đức Tổng Giám mục Paris, ngài viết:

Giáo Hội giao phó của cải thiêng liêng của con cái mình cho những người nam mà qua bí tích truyền chức, họ buộc phải duy trì tình trạng giáo sĩ suốt đời. Cũng vậy, Giáo Hội trao người vợ cho người chồng qua Bí tích hôn phối và họ buộc phải sống trong tình trạng ấy suốt cuộc đời họ. Vì thế, bên cạnh một vài luật trừ, các hội dòng và các cộng đoàn phải luôn luôn xác tín rằng việc ràng buộc các phần tử của mình với các lời khấn là cần thiết… để họ có thể kiên vững trong ơn gọi và trong việc tuân giữ kỷ luật.[4]

*** Tôi có nhận thức và đánh giá đúng giá trị thần học của các lời khấn không?

*** Tôi có kinh nghiệm về giá trị thiêng liêng và tông đồ của các lời khấn trong đời sống hàng ngày của mình không?

*** Tôi có làm mới lại trong tâm hồn các lời khấn của mình không?

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa là Cha rất thánh, xin chứng nhận sự quyết tâm của các tôi tớ Chúa. Xin làm cho ân sủng phép rửa mà chúng con muốn củng cố bằng những cam kết mới được phát sinh hoa trái dồi dào trong chúng con, để chúng con có thể dâng lên Người lời ca ngợi và nhiệt thành loan truyền Nước Thiên Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.


[1] Về các lời khấn, 7/11/1659, O.C., XI, 642.

[2] Thư gửi Etienne Blatiron, 19/2/1655, O.C., VI, 296.

[3] Từ Tổng Đại Hội được tổ chức tại San Lazar, 1651, O.C., X, 413.

[4] Phê Chuẩn của Đức Tổng Giám Mục Paris về Các lời khấn trong Tu Hội Truyền Giáo, 19/10/1641, O.C., X, 347.