034. Trung thành với hồng ân đã lãnh nhận

0
956

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Gialiemcm

Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại ; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại.

2 Cr 6,14

Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.

1 Cr 6,19-20

Kết hợp mật thiết với Đức Kitô, tình huynh đệ chân thành, lòng nhiệt thành tông đồ, và khổ chế được kinh nghiệm của Giáo Hội chuẩn nhận, sẽ làm cho đời sống khiết tịnh của chúng ta thêm mạnh mẽ. Thông qua sự đáp trả liên lỉ và chín chắn đối với tiếng Chúa gọi, đó sẽ là nguồn mạch mang lại sự phong phú thiêng liêng cho thế giới, và đồng thời cũng góp phần to lớn trong việc đạt tới một sự trưởng thành nhân bản.

HP, 30

Trong Luật Chung, thánh Vinh Sơn nói: “Không ai nên tự phụ về đức khiết tịnh của mình.”[1] Công đồng Vaticanô II tuyên bố: “Đừng tự phụ về sức riêng mình.” Đức Phao lô VI cũng nói: Đời sống độc thân khiết tịnh là một “cuộc chiến trường kỳ”. Những chỉ dẫn trên giúp chúng ta nhận ra những phương tiện quan trọng thích hợp nhằm bảo vệ đức khiết tịnh của mình.

Thánh Vinh Sơn khuyên chúng ta phải thận trọng khi giao thiệp với người khác giới, tiết độ trong ăn uống, tránh nhàn cư và thực hành khổ chế ngũ quan.[2] Thánh Vinh Sơn còn khuyên các nhà truyền giáo thực hành khổ chế và dùng các phương tiện tự nhiên lẫn siêu nhiên, hầu có thể sống đời độc thân khiết tịnh.

1. Kết hợp với Đức Kitô

Đức Khiết tịnh là một hồng ân Chúa ban. Chúa Kitô yêu mến những ai sống đời trinh khiết. Vì thế, kết hợp với Đức Kitô là một trong những phương thế tuyệt hảo nhất để trung thành với hồng ân Chúa ban nhờ năng cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích:

Khi chìm sâu trong suy niệm và cầu nguyện mỗi ngày, linh mục của Đức Kitô sẽ nhận lãnh được sức mạnh và niềm vui mới vì hồng ân đã nhận được và ý thức mình đã chọn phần tốt hơn. Với lòng khiêm nhường và nhẫn nại, linh mục sẽ cầu xin Chúa, Đấng không bao giờ từ chối ai thành khẩn kêu cầu, ban ân sủng là lòng trung thành, đồng thời, tùy ý sử dụng cả những phương thế tự nhiên lẫn siêu nhiên, và đặc biệt là coi trọng những quy tắc trong việc thực hành khổ chế mà kinh nghiệm của Giáo Hội chứng thực là hữu ích trong bối cảnh hiện tại hơn trước kia. Trên hết, nhờ ân sủng là tình yêu Chúa ban, linh mục hãm mình nhằm làm triển nở mối tương quan mật thiết với Đức Kitô và từng bước tiếp cận mầu nhiệm vô biên và phong phú này, đồng thời học cho hiểu ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Giáo Hội, bởi nếu chỉ chú trọng vào một khía cạnh của mầu nhiệm này thôi thì đời sống linh mục xem ra thật vô lý, thiếu nền tảng, và điều này quả thật nguy hiểm.[3]

2. Đời Sống Chung

Cảnh cô đơn có thể xảy đến, khiến biết bao lần người sống độc thân kinh nghiệm về sự an ủi lớn lao nhờ đời sống cộng đoàn:

Hết thảy chúng ta, đặc biệt là các bề trên hãy nhớ cho rằng: khi anh em sống chung với nhau bằng tình huynh đệ chân thành, đức khiết tịnh sẽ được bảo đảm hơn.[4]

Đức Phaolô VI nhấn mạnh: phải có lòng bác ái với các linh mục đang gặp khó khăn trong việc trung thành sống đức khiết tịnh:

Các linh mục cần suy gẫm lời chỉ dẫn của Công Đồng nhắc nhở các ngài trong việc sống chung trong hàng giáo sĩ, hầu có thể thấy được một bổn phận sống động với các linh mục đang bị lo lắng vì những khó khăn đang phương hại nghiêm trọng đến hồng ân Chúa mà các ngài đã lãnh nhận. Các ngài phải có lòng bác ái nồng nhiệt hơn với những ai cần yêu thương; thấu hiểu và cầu nguyện cho ai cần sự thông cảm; giúp đỡ cách hữu hiệu và trở nên những người bạn chân thành với những ai cần lòng bác ái vô biên mà họ đáng được hưởng.[5]

3. Hiến Thân Cho Thừa Tác Vụ

Qua thừa tác vụ, có thể chúng ta phải đối diện với cơn cám dỗ chống lại đời sống độc thân khiết tịnh:

Nhờ ân sủng và bình an trong tâm hồn, linh mục sẽ đối diện với rất nhiều trách vụ trong cuộc sống và tác vụ của mình với lòng quảng đại. Nếu làm điều này với đức tin và lòng nhiệt thành, ngài sẽ tìm thấy những cơ hội mới để tỏ ra rằng nhờ việc thánh hiến chính mình và thánh hiến những người khác, ngài hoàn toàn thuộc về Đức Kitô và Nhiệm Thể của Người. Tình yêu Đức Kitô thúc bách ngài tiến lên, và sẽ giúp ngài hãy giữ những cảm nghĩ cao cả và nâng cao và làm chúng sâu sắc hơn.[6]

*** Tôi có sử dụng những phương tiện tự nhiên lẫn siêu nhiên trong nỗ lực trung thành với hồng ân của đời sống độc thân khiết tịnh không?

*** Tôi có quá tự phụ vào sức của mình trong việc trung thành gìn giữ những đòi hỏi của đức khiết tịnh không?

*** Tôi có cảm thấy được nâng đỡ trong cộng đoàn không? Tôi có giúp đỡ các anh em khác trong lúc họ gặp khó khăn không?

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã kêu gọi chúng con sống đời độc thân khiết tịnh vì Nước Trời trong niềm vui và bình an. Xin giúp chúng con tránh những nỗi ám ảnh và tiên liệu trước sai lầm có thể xảy đến, hầu chúng con tin rằng đời sống khiết tịnh là lời khuyên của Tin Mừng, mà chúng con phải sử dụng cả những phương tiện tự nhiên lẫn siêu nhiên để tiếp tục cố gắng. Chỉ có thế, chúng con mới trở nên chứng nhân đáng tin giữa thế giới về đức khiết tịnh của Tin Mừng. Lạy Chúa, sức mạnh từ đức khiết tịnh cho phép chúng con yêu thương không vụ lợi và tự do, phá tan mọi ràng buộc cản trở chúng con sẵn sàng phục vụ cho những ích lợi của Nước Trời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa Chúng con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.


[1] Common Rule – Luật Chung, khoản 4, điều 3.

[2] Ibid, điều 2-5.

[3] Sacerdotalis Caelibatus – Thông điệp về độc thân linh mục, ngày 24 tháng 6 năm 1967, số 74-75.

[4] Perfectae Caritatis – Sắc lệnh về tu sĩ, ngày 28 tháng 10 năm 1965, số 12.

[5] Sacerdotalis Caelibatus – Thông điệp về độc thân linh mục, ngày 24 tháng 6 năm 1967, số 81.

[6] Ibid, số 76