035. Nhìn nhận mình yếu hèn hầu có thể tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu

0
969

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Gialiemcm

“Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Đức Giêsu trả lời : “Con chồn có hàng, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”

Mt 8,20

“Chính Đức Kitô, Chúa muôn loài, đã sống trong nghèo khó đến nỗi Người đã không có nơi gối đầu. Khi bắt đầu thi hành Sứ Vụ, Người cũng hướng các Tông đồ, Môn đệ và những cộng tác viên sống nghèo khó đến nỗi họ không có gì làm của riêng,…mỗi thành viên phải cố gắng, tùy theo khả năng nhỏ bé của mình, noi gương Đức Kitô thực hành nhân đức khó nghèo này.”

LC III, 1

“Theo cách này, các thành viên sẽ chứng tỏ rằng họ hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, và nhờ đó, công việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo sẽ trở nên hiệu quả hơn.”

HP 30

Chúa Giêsu biết cách để thấu hiểu “hiện tại” và sống đúng như hiện tại đòi hỏi. Người đã sống như một người công chính. Người biết làm thế nào để cân bằng thái độ khi giao thiệp với người giàu có và trung thành tất cả những đòi hỏi trong Sứ Vụ của Người. Vì thế, cung cách sống khó khèo của Đức Giêsu trở thành một nguồn mạch cho hết thảy chúng ta, những người muốn sống khó nghèo trong Tu Hội và Giáo Hội.

1. Đấng giàu có đã trở nên nghèo khó

Thánh Vinh Sơn đã nhắc lại gương mẫu và giáo huấn của Đức Giêsu khi khuyến khích các nhà truyền giáo thực hành đức khó nghèo. Ngài nói trong lúc giải thích Luật Chung như sau:

Suy tư đầu tiên chúng ta phải có ở đây là Chúa chúng ta, Đấng Cứu Độ, Đấng Tác Thành và là Quy Luật của mọi điều thiện hảo, đã nhận thấy sự vô trật tự hết sức khi con người ham muốn sở hữu của cải vật chất xảy ra trên thế giới mà chỉ được cứu vãn nhờ thực hành điều ngược lại. Người đã sống nghèo khó đến nỗi không có nơi gối đầu, điều này thôi thúc các tông đồ và môn đệ, những người mà Chúa Giêsu nhận vào nhóm môn đệ cũng phải thực hành đức này. Kinh Thánh nói: các Kitô hữu tiên khởi luôn sẵn lòng thực hành đức khó nghèo khi không ai lấy gì làm của riêng, nhưng tất cả của cải họ có đưa vào làm của chung. Chúa chúng ta nhận thấy sự tàn phá quá lớn đã ăn sâu vào thế gian bởi lòng xấu xa muốn thu tích của cải, đây cũng là lý do khiến nhiều linh hồn bị hư mất, điều này thôi thúc chúng ta phải chiến đấu chống lại sự dữ đó bằng phương thức trái ngược là thực hành nhân đức khó nghèo.[1]

2. Xa lánh mọi thứ và chỉ cậy dựa vào một mình Thiên Chúa mà thôi

Xa lánh khỏi “mọi thứ” cho phép chúng ta sống chứng tá trong việc cậy dựa vào Thiên Chúa. Thánh Vinh Sơn suy nghĩ rất thấu đáo điều này. Chúng ta hãy suy gẫm những điều ngài đã viết cho một nhà truyền giáo, người có liên quan tới việc thất thoát tài sản của mình:

Hãy sống công chính dài lâu! Trong mắt Chúa, chúng ta phải tin rằng việc thất thoát tài sản của cha là chính đáng. Vì cũng chính Chúa, Đấng ban cho cha những của cải đó, giờ Người lại lấy đi. Chúc tụng thánh danh Người! Vì những của cải của chúng ta có thể gây nguy hiểm khi chúng không được sử dụng theo đúng ý Chúa. Trong sự sung túc của Chúa, chúng ta càng gần Người, chúng ta sẽ càng được chung phần trong Thánh Thần của Người. Trong thánh ý của Chúa Cha, chúng ta càng tìm kiếm Nước Trời và để Nước Trời cư ngụ trong mình và người khác, chúng ta càng được Người ban cho những thứ thiết yếu cho cuộc sống. Hãy tin tưởng và ngẫm nghĩ về “những năm tháng đói kém” đã qua, và nó sẽ tới nữa. Dù nó sẽ đến chẳng phải vì lỗi của cha, nhưng mọi sự đều nằm trong sự quan phòng và lòng mộ mến thánh ý của Thiên chúa. Chúng ta hãy để Cha trên trời dẫn lối và chỉ theo đuổi một ý định duy nhất trên trái đất này, đó là thánh ý Chúa Cha.[2]

3. Uy tín trong sứ vụ

“Ngày nay con người thích các chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ nghe thầy dạy là bởi vì thầy dạy là chứng nhân.”[3] Của cải vật chất đều là phù vân, và cả việc Phúc Âm hóa mà dựa trên quyền lực và của cải cũng là sự phù phiếm. Điều này đặt ra một trách nhiệm nặng nề trên các nhà truyền giáo hầu trở thành chứng nhân sống động và trung thành cho Chúa Kitô, Đấng nghèo khó, siêu thoát với tất cả của cải vật chất, hiểu rõ và tự do hoàn toàn trước mọi quyền lực của thế gian.

Công đồng Vaticanô II nhắn nhủ với các linh mục thực hành theo cách thức sau:

Vì thế, khi sử dụng trần gian như không sử dụng, các ngài đạt đến sự tự do có thể giải thoát các ngài khỏi những mối bận tâm không chính đáng, và giúp các ngài dễ dàng nghe theo tiếng Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Thái độ tự do và ngoan thuần này sẽ làm tăng triển khả năng phân định thiêng liêng, nhờ đó các ngài biết được cách hành xử thích đáng đối với thế gian và các thực tại trần thế. Điều này rất quan trọng đối với các linh mục, vì trần gian chính là nơi Giáo Hội phải thi hành sứ mệnh, và các thực tại trần thế lại vô cùng cần thiết cho sự phát triển bản thân con người. Vì thế, các ngài hãy cảm tạ Cha trên trời vì tất cả những gì Ngài đã rộng ban để các ngài có được cuộc sống tốt đẹp. Tuy nhiên, các ngài phải nghiệm xét dưới ánh sáng đức tin tất cả những gì gặp thấy trong cuộc sống, để biết sử dụng của cải trần gian hợp theo thánh ý Thiên Chúa, cũng như biết loại bỏ những gì phương hại đến sứ vụ đang thi hành.[4]

*** Bằng cách noi gương Đức Giêsu và sống ơn gọi truyền giáo, điều gì là căn cốt đối với tôi?

*** Trong cuộc sống, tôi có làm suy yếu tinh thần nghèo khó khi tập chú vào những chi tiết mà luật lệ đòi hỏi mình không?

*** Kinh nghiệm về sự nghèo khổ có giúp tôi thấy mạnh mẽ hơn khi phụ thuộc vào Thiên Chúa không hay thấy mình bị gò bó?

Cầu nguyện

Ôi Đấng Cứu Độ linh hồn con, xin ban cho chúng con ân sủng để chỉ ước muốn chiếm hữu một mình Chúa thôi. Chẳng phải các giáo sĩ hay nói: “Lạy Chúa là sản nghiệp của tôi…” và chúng ta chẳng phải là thành phần trong hàng giáo sĩ đó sao? Xin Chúa vui lòng ban cho chúng ta ân sủng để yêu mến tình cảnh nghèo khó này, và tuân giữ cách đúng đắn điều lệ giải thích về nó, hầu chúng ta có thể làm mọi sự trong khả năng mình để nêu gương cho các hậu sinh cũng biết để tâm thực hành nhân đức thánh thiện này, nhân đức mà Đức Giêsu đặc biệt yêu mến và Người sẽ ân thưởng dồi dào cho chúng ta. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đền muôn thuở muôn đời. Amen.[5]


[1] “On Poverty”  – “Về đức khó nghèo”, ngày 14 tháng 11 năm 1659, O.C., xi, số 649.

[2] Letter to Jacques Pesnelle – Thư gửi cho Jacques Pesnelle, năm 1659 hoặc 1660, O.C., viii, số140.

[3] Evangelii Nuntiandi – Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, ngày 8 tháng 12 năm 1975, số 41.

[4] Presbyterorum Ordinis – Sắc lệnh Linh mục, ngày 7 tháng 12 năm 1965, số 17.

[5] “On Poverty”  – “Về đức khó nghèo”, ngày 14 tháng 11 năm 1659, O.C., xi, số 676-677.