036. Tuân theo luật phổ quát về lao động

Đăng ngày: 29/07/2020
Danh mục: LINH ĐẠO

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Gialiemcm

“Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ : những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy : cho thì có phúc hơn là nhận”

(Cv 20,33-35)

Trong khi thi hành nhiệm vụ theo mục đích của Tu hội và dự phóng của Cộng đoàn, mỗi thành viên cần phải biết rằng họ bị ràng buộc bởi luật phổ quát về lao động.

(HP 31, 1)

Chẳng ngạc nhiên khi chúng ta tuyên bố rằng sự nghèo khó Tin Mừng ràng buộc chúng ta quy chiếu tới luật phổ quát về lao động. Đức khó nghèo của chúng ta là một tuyên bố rõ ràng chống lại “kẻ tầm thường” sống như “kẻ ăn bám”. Lao động thì chính đáng và bó buộc. Qua lao tác, chúng ta diễn tả tình liên đới với anh chị em, và cũng kết hợp mình với niềm vui và nỗi khó nhọc của tất cả những người lao động. Trên hết, lao động liên kết chúng ta với người nghèo, những con người thường bị đè nặng bởi những công việc thấp hèn và khó nhọc nhất.

1. Đức Giêsu, Một Con Người Của Lao Động

Thánh Vinh Sơn đã nêu ra vài lý do thúc đẩy việc lao động trong Tu Hội: Thiên Chúa, Đấng hằng làm việc, muốn chúng ta lao động vì lương thực hằng ngày: Chúa Cha nhiệm sinh ra Chúa Con từ thuở đời đời, Chúa Cha và Chúa Con gửi Chúa Thánh Thần đến; Thiên Chúa làm việc để gìn giữ thế giới trong sự ổn định của trật tự tự nhiên, và Người cũng làm việc trong mọi thụ tạo: trong các bác thợ thủ công, trong những bà nội trợ, trong con kiến, con ong.[1] Đức Giêsu cũng là một con người lao động:

Khi còn tại thế, cuộc sống của Đức Giêsu chia thành hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là từ khi sinh ra tới khi Ngài 30 tuổi. Trong suốt thời gian này, từ khi còn rất trẻ Người đã kiếm ra bánh ăn bằng chính mồ hôi trán của mình. Người là bác thợ mộc, với cái túi công cụ bên mình, làm việc như một người lao động chân tay và phụ giúp gia đình. Người làm việc từ sáng sớm cho tới chiều tà và còn tiếp tục làm việc cho tới chết… Giai đoạn hai của Chúa Giêsu bắt đầu khi Người 30 tuổi. Trong suốt 3 năm, Đức Giêsu làm việc từ lúc bình minh cho tới chiều tối, liên tục rong ruổi đó đây để giảng dạy, lúc trong hội đường, khi nơi xóm nhỏ, hầu biến đổi thế gian và mang con người tới gần hơn với Cha của Người… Ai ngỏ lời mời là Người tới và làm việc không ngừng. Thỉnh thoảng, Người tới những nơi mà Người biết các tâm hồn này có thể lôi kéo được, lúc khác Người thăm nom người bệnh tật, chữa lành phần xác trước, sau đó tới phần linh hồn.[2] 

2. Lao Động Và Sứ Vụ

Bằng tinh thần Phúc Âm hóa, lao động của chúng ta, điều mà đức khó nghèo đòi hỏi, phải hòa hợp với sứ vụ. Quả vậy, việc lao động của chúng ta không nên đi ngược với những giá trị thuộc ơn gọi của mình. Chúng ta hãy suy niệm những lời sau đây của Đức Phaolô VI:

Các con cũng gắng biết nghe thấy lời than vãn của biết bao con người bị cuốn theo cơn lốc của lao động để kiếm lời, để hưởng khoái tiêu thụ, do đó bắt buộc con người đôi khi phải làm công việc trái nhân đạo. Một khía cạnh thiết yếu của đức khó nghèo nơi các con là chứng minh ý nghĩa nhân bản của việc lao động, phải được thực hiện trong sự tự do của lý trí và đem lại cho bản tính của lao động tính cách mưu sinh và phục vụ. Công Đồng đã chẳng nhấn mạnh rất đúng lúc, là các con cần phải tuân theo “luật chung về lao động” đó sao? Làm việc để mưu sinh cho các con, mưu sinh cho anh chị em các con, để giúp đỡ những người nghèo, đó là bổn phận của các con. Nhưng những hoạt động của các con không được trái với ơn kêu gọi trong các Tu Hội của các con, cũng không thể cho phép các con thường xuyên làm những việc thay thế nhiệm vụ riêng biệt của các con. Những hoạt động ấy cũng không được lôi cuốn các con, bất cứ cách nào, đến tình trạng tục hoá, gây thiệt hại cho đời sống tu trì của các con. Vậy các con hãy lưu ý đến tinh thần thúc đẩy các con làm việc: thật là một thất bại ghê gớm, nếu các con tưởng mình “có giá trị” chỉ vì được thưởng công do những công việc trần tục đem lại.[3]

3. Giáo Hội Đề Nghị Các Công Nhân, Những Người Đang Lao Động

Lòng nhiệt thành đối với vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ con người thúc đẩy chúng ta lao động. Thánh Vinh Sơn, cũng như thánh Têrêsa đã đề nghị “làm việc thiện”. Thiên Chúa sẽ được yêu mến bởi những giọt mồ hôi trán và sức lực đôi tay chúng ta. Lao động là biểu lộ bản chất của chúng ta. Đừng khờ khạo nữa, mà hãy ra công làm việc:

Nhiều người nhìn bề ngoài khá trầm tư, nội tâm tràn đầy những tâm tình cao thượng về Chúa – nhưng khi nhu cầu tới, cần hành động thì họ “đứng hình”. Giáo hội được sánh như một cánh đồng rộng lớn đang trong mùa gặt, rất cần những thợ gặt, nhưng lắm khi thợ gặt lại thiếu. Một mặt, không gì phù hợp với Tin Mừng hơn là quy tụ các tâm hồn dưới ánh sáng và sức mạnh của việc cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng và trong cô tịch, rồi sau đó ra đi, chia sẻ cho mọi người những thiện ích thiêng liêng ấy. Làm như thế là chúng ta làm những điều mà Đức Giêsu và các Tông Đồ của Người đã làm, và biết liên kết với tâm tình của Mác-ta và Maria. Nhìn xem con chim bồ câu, nó ăn nửa miếng, rồi nửa miếng còn lại nó dùng mỏ đem về mớm cho con của nó ăn. Đó là cách thức giúp chúng ta hành động, và nhờ đó, chúng ta sẽ vừa là chứng nhân của Chúa vừa minh chứng cho sự thật là chúng ta yêu mến Người.[4]

*** Qua Luật Chung, tôi có trung thành với những đòi hỏi là làm việc cách hữu ích không?

*** Tôi có thấy mình làm việc nhiều hơn khả năng tôi có thể xoay xở không?

*** Công việc của tôi có góp phần hiện thực hóa dự phóng của Tỉnh Dòng, cũng như dự phóng tông đồ nơi cộng đoàn địa phương không?

Cầu nguyện

Chúng con nài xin Thiên Chúa, Đấng từ ngàn đời, luôn làm việc trong thần tính Ngài. Chúng con nài xin Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Đấng đã lao động khi còn tại thế như một thợ thủ công. Chúng con nài xin Chúa Thánh Thần, Đấng linh hoạt chúng con trong công việc và lao động cực nhọc. Chúng con nài xin thánh Phaolô, ngài đã tự chu cấp cho bản thân bằng chính đôi tay của mình. Chúng con nài xin các thánh đã làm việc bằng chính đôi bàn tay đạt tới sự thánh thiện. Nhờ lòng nhân hậu Chúa, xin vui lòng tha thứ khi chúng con lãng phí thời giờ Chúa ban, đặc biệt, chính chúng con thấy mình quá bất xứng với chén cơm là ân huệ Chúa ban mà chúng con hưởng dùng mỗi ngày. Một lần nữa, chúng con nài xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, ban cho chúng con ân sủng để chúng con biết làm việc mà noi gương Người. Chúng con nài xin Đức Trinh Nữ Maria và toàn thể các thánh đã đạt tới ân sủng Chúa, chuyển cầu cho chúng con từ lòng Chúa Ba Ngôi. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.[5]


[1] “On the Love of God” – “Về Tình Yêu Thiên Chúa”, ngày 19 tháng 9 năm 1649, O.C., ix, số 439.

[2] “On the Love of Work” Về Lòng Yêu Mến Lao Động”, ngày 28 tháng 11 năm 1649, O.C., ix, số 446 – 447.

[3] Evangelii Nuntiandi – Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, ngày 8 tháng 12 năm 1975, số 20.

[4] “On the Love of God” – “Về Tình Yêu Thiên Chúa”, không có ngày tháng năm, O.C., ix, số 733-734.

[5] “On the Love of Work” Về Lòng Yêu Mến Lao Động”, ngày 28 tháng 11 năm 1649, O.C., ix, số 452.