037. Tài sản cộng đoàn

0
1064

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Gialiemcm

Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu.

(Cv 4,34-35)

Những thu nhập do công việc của mỗi người, hay bất cứ những gì nhận được bằng bất cứ cách nào, với tư cách là thành viên của Tu Hội, sau khi gia nhập, như hưu bổng, tiền trợ cấp, hay lợi tức từ bảo hiểm, sẽ là tài sản chung của Cộng đoàn chiếu theo luật riêng của chúng ta ; để nhờ đó, theo gương các Kitô hữu tiên khởi, chúng ta có thể sống một sự cộng thông tài sản thực sự, và có thể giúp đỡ lẫn nhau trong tình huynh đệ.

(HP 32, 2)

Đời sống khó nghèo trong cộng đoàn là một khía cạnh quan trọng của sự nghèo khó Tin Mừng. Đời sống chung đòi hỏi việc chia sẻ của cải. Làm thế nào một người có thể làm chứng về đời sống chung mà không có sự cộng thông tài sản? Làm thế nào một người có thể kiên trì, trưởng thành và tăng tiến trong đời sống chung mà không có việc trao cho nhau những gì mình có hay đạt được? Làm thế nào sự khó nghèo có thể là nhân đức của Tin Mừng nếu nó không dẫn tới một tình yêu hỗ tương?

1. Mọi sự được sử dụng chung

Thánh Vinh Sơn lấy gương khó nghèo của Đức Giêsu, các Tông Đồ và các Kitô hữu tiên khởi làm nền tảng cho việc thực hành đức khó nghèo trong Tu Hội. Quả vậy, trong Luật Chung, ngài đã lập một chuỗi các quy tắc rõ ràng và mang tính sống còn về việc sử dụng tài sản chung. Ngài còn nhấn mạnh một khía cạnh quan trọng nữa về đức khó nghèo là tin cậy vào ý muốn của bề trên:

Mọi thành viên trong Tu Hội, dù cá nhân hay tập thể, theo gương các Kitô hữu tiên khởi phải ý thức rằng mọi sự là của chung, và sẽ được bề trên phân phối cho từng người, như lương thực, quần áo, sách vở, đồ đạc… tùy theo nhu cầu mỗi người. Tất cả chúng ta đã chấp nhận đức khó nghèo, và như thế, chúng ta cần tránh những gì nghịch với nhân đức này, không ai được sử dụng bất cứ vật dụng hay tài sản nào của Tu Hội, cũng như khi sang nhượng chúng cho người khác mà không có phép của bề trên.[1]

2. Khó nghèo cốt để tương trợ lẫn nhau

Bản văn sau đây nói rõ ràng về việc chia sẻ của cải dứt khoát nhằm hỗ trợ đời sống chung của chúng ta. Đức Phaolô VI đưa ra cho chúng ta những lưu ý sau:

Nhu cầu cấp bách của việc chia sẻ huynh đệ phải bảo tồn được giá trị Phúc Âm. Theo sách “Giáo Huấn của Mười Hai Tông Đồ” (Didakhê): “Nếu anh em chia sẻ với nhau của cải đời đời, anh em lại càng phải chia sẻ với nhau của cải mau hư nát”. Sống đức khó nghèo thiết thực bằng cách để của cải làm của chung kể cả tiền lương, sẽ minh chứng về sự hiệp thông thiêng liêng hòa hợp với nhau; sống khó nghèo như thế sẽ là một lời kêu gọi sống động tới hết thảy những người giàu có, đồng thời là cách nâng đỡ những anh chị em đang túng bấn. Lòng mong ước chính đáng quyền thi hành trách nhiệm cá nhân không bao hàm việc hưởng lợi tức riêng tư, nhưng là chia sẻ huynh đệ trong đời sống chung. Những hình thức sống khó nghèo của mỗi người và mỗi cộng đoàn tùy thuộc vào bản chất của từng Hội Dòng, cũng như phương thức tuân phục được thực thi trong mỗi Hội Dòng. Như thế, tùy vào ơn gọi đặc thù của mỗi người mà đặc tính “lệ thuộc” gắn liền với mọi hình thức khó nghèo.[2]

3. Đức khó nghèo làm chúng ta giàu có

Sự khó nghèo của Đức Giêsu hàm chứa một sự giàu có vô cùng: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”(2 Cr 8,9). Sự nghèo khó trong cộng đoàn lại làm giàu cộng đoàn bởi được sự nghèo khó của Đức Giêsu làm cho sinh động:

Thật sự là “sự nghèo khó của Người lại làm cho chúng ta trở nên giàu có”. Đức Giêsu là thầy dạy và là phát ngôn viên về đức khó nghèo làm chúng ta nên giàu có. Vì lẽ đó, Người nói với chàng thanh niên trong Tin Mừng nhất lãm: “Hãy bán hết những gì anh có và đem cho… và anh sẽ có một kho tàng ở trên trời”. Đây là một lời mời gọi làm giàu người khác, nhờ sự nghèo khó của mình. Tuy nhiên, ý nghĩa sâu sắc của lời mời gọi này ẩn giấu bằng chứng về sự giàu sang vô tận của Thiên Chúa, Đấng mà nhờ mầu nhiệm ân sủng trao ban cho tâm hồn con người, tạo nên trong con người, ngang qua đức khó nghèo, một nguồn mạch làm cho những người khác nên giàu có, không thể sánh với bất kỳ nguồn mạch nào khác từ của cải vật chất. Nguồn mạch này trao ban cho người khác những ân huệ theo cách thức của chính Chúa đã làm. Sự trao ban này được nên trọn hảo nhờ bối cảnh là mầu nhiệm về Đức Giêsu Kitô, Đấng “lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng ta trở nên giàu có”.[3]

*** Tôi có trung thành tuân giữ những quy tắc về sự nghèo khó đã được quy định trong Tỉnh Dòng cũng như trong cộng đoàn địa phương không?

*** Tôi có lưu tâm tới những quy tắc chi tiết đã quy định không?

*** Làm thế nào để tôi sử dụng của cải Chúa ban?

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa quyền uy, mọi sự con là, con có đều do Người khấng ban. Đừng để con dính bén hay ích kỷ vui hưởng những ân huệ đó, nhưng giúp con sẻ chia cách quảng đại với anh chị em con và với người nghèo khó. Lạy Chúa nhân lành, xin ban cho con nhờ luyện tập nhân đức khó nghèo sẽ là động lực thúc đẩy con sống trong cộng đoàn với tình thương mến huynh đệ, những người con hằng gắn bó. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.


[1] Common Rule – Luật Chung, khoản 3, điều 9.

[2] Evangelica Testificatio – Tông Huấn Chứng Tá Phúc Âm, ngày 29 tháng 6 năm 1971, số 21.

[3] Redemptionis Donum – Tông Huấn Hồng Ân Cứu Chuộc, ngày 25 tháng 3 năm 1985, số 12.