Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Gialiemcm
Tôi không tự ý làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.
Ga 5,30
Việc tham dự vào mầu nhiệm vâng phục của Đức Kitô đòi hỏi tất cả chúng ta cùng nhau tìm kiếm thánh ý Chúa Cha. Chúng ta thực hiện điều này thông qua việc chia sẻ với nhau những kinh nghiệm, đối thoại một cách cởi mở và có trách nhiệm, trong đó những khác biệt về tuổi tác và não trạng tương tác lẫn nhau, nhờ vậy, những định hướng chung có thể xuất hiện và phát triển, và dẫn đến việc đưa ra những quyết định.
HP 37,1
Vâng theo giáo huấn của Tin Mừng là góp phần vào thực tại Đức Kitô, nghĩa là tham gia vào mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người. Vì thế, cộng đoàn hiệp với các bề trên phải dấn thân vào hành trình biện phân thánh ý Chúa. Một khi nhận thức được như thế, các thành viên phải chấp nhận và sống trao ban hết mình cách quảng đại. Quả vậy, Đức Giêsu đã bằng lòng vâng phục chấp nhận chết trên thập giá, Người được tôn vinh vượt trên mọi thụ tạo khác.[1]
1. Biện phân chung giúp ích cho việc vâng phục
Trong tương quan với người khác, chúng ta khám phá ra sự cần thiết của việc đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm và biện phân chung (tuy vẫn tôn trọng quyền quyết định của bề trên).[2] Điều đó mang lại cho chúng ta rất nhiều giá trị: đó là tinh thần đồng trách nhiệm, tôn trọng nhau, cộng tác, tin tưởng và cởi mở. Tất cả điều đó giúp chúng ta nhận ra thánh ý Thiên Chúa và cách thức thi hành thánh ý Người:
Bởi vậy, để phục vụ lợi ích chung thì quyền bính và đức vâng phục là hai phương diện bổ túc cho sự tham gia vào hiến lễ của Đức Kitô: người có quyền bính thì phải phục vụ anh chị em mình theo kế hoạch yêu thương của Chúa Cha; đón nhận những chỉ dẫn của bề trên hầu các tu sĩ bước theo gương Thầy Chí Thánh và cộng tác vào công cuộc cứu độ của Người. Như thế, quyền bính và tự do cá nhân, thay vì chống đối, phải cùng nhau thi hành thánh ý Thiên Chúa đã được nhận ra trong tình huynh đệ nhờ một cuộc đối thoại đầy tin tưởng giữa bề trên và tu sĩ khi liên quan đến một trường hợp cá nhân, hoặc nhờ một cuộc bàn luận chung về những gì có liên hệ đến cả cộng đoàn. Trong cuộc tìm kiếm ấy, các tu sĩ phải tránh đừng để tâm trí dao động quá mạnh, cũng phải tránh đừng làm cho những quan niệm của thời đại lấn át ý nghĩa sâu xa của đời sống tu trì. Mỗi người đều có nhiệm vụ, nhưng đặc biệt là các bề trên và những người thi hành một trách nhiệm giữa anh chị em có nhiệm vụ phải làm thức tỉnh lại trong các cộng đoàn những xác tín về đức tin, để những xác tín này hướng dẫn các tu sĩ. Cuộc tìm kiếm có mục đích là đào sâu những xác tín và đưa những xác tín ấy ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày, tùy theo những nhu cầu của thời đại chứ không hề nhắm mục đích đem những xác tín ấy ra xét lại. Cuộc tìm kiếm chung ấy phải kết thúc với khi bề trên đưa ra một quyết định, bởi sự hiện diện và chấp nhận của các ngài không thể nào thiếu được trong mỗi cộng đoàn.[3]
2. Tự do và vâng phục
Điều gì đang chiếm ưu thế: tự do hay vâng phục? Đức Phaolô VI trả lời:
Đức Kitô buộc mỗi người phải liều mất mạng sống mình nếu họ muốn theo Người. Các con tuân giữ giáo huấn này bằng cách đón nhận những lời chỉ dẫn của các bề trên của mình như là người bảo đảm về lời khấn của các con, qua đó các con dâng trao hoàn toàn ý riêng như một lễ tế hy sinh chính mình cho Chúa. Đức vâng phục Kitô giáo là một sự tùng phục thánh ý Thiên Chúa vô điều kiện. Nhưng đức vâng phục của các con còn chặt chẽ hơn nữa vì các con đã xem vâng phục như mục đích trao ban đặc biệt, và việc các con tự ý giới hạn những chọn lựa. Các con trở nên tu sĩ như hiện nay là một hành động hoàn toàn tự do: nhiệm vụ của các con là làm cho hành động ấy trở nên sống động hơn, vừa bằng sáng kiến riêng, vừa bằng cách các con sẵn lòng hưởng ứng những mệnh lệnh của các bề trên các con. Vì thế mà Công Đồng nhìn nhận ‘sự tự do được đức vâng phục củng cố’ là một trong những ân huệ của bậc tu dòng, và nhấn mạnh rằng đức tuân phục ấy “thay vì giảm bớt phẩm giá con người, lại làm cho con người trở nên trưởng thành bằng cách làm lớn mạnh quyền tự do làm con Thiên Chúa”.[4]
3. Lương tâm hay vâng phục?
Lương tâm là tiếng nói thánh thiêng trong đó con người đối diện với Chúa, và cũng là nơi tiếng Chúa nói.[5] Nếu xảy ra sự xung khắc giữa lương tâm và vâng phục, chúng ta nên làm gì? Thánh Vinh Sơn đưa ra giải pháp sau, sau khi đã gạn lọc những trường hợp xem chừng hiển nhiên:
Tất cả mọi thành viên sẽ vâng lời Bề trên Tổng Quyền cách mau mắn, vui vẻ và kiên định trong tất cả những điều không phải là tội. Dù sự vâng lời này có đôi chút mù quáng, nghĩa là chúng ta phải dẹp bỏ phán đoán và mong muốn riêng, không chỉ liên quan cho những điều ngài nói cách rõ ràng, nhưng thậm chí với cả ý định của ngài nữa, bởi tin rằng những điều ngài đề nghị luôn là điều tốt nhất và chúng ta sẵn sàng làm theo những gì ngài muốn, giống như chiếc dũa trong tay người thợ thủ công.[6]
Một giải pháp khác được Đức Phaolô VI đưa ra cho chúng ta:
Ngoài trật tự trái nghịch hiển nhiên liên quan tới lề luật của Chúa, hoặc hiến pháp của Hội dòng, hoặc một sự dữ nghiêm trọng và minh nhiên ra… liên quan tới việc cân nhắc điều thiện hảo cao hơn, các quyết định của bề trên có thể thay đổi tùy quan điểm. Thật sự, việc làm theo chỉ thị dường như thiếu thiện hảo khách quan, nghĩa là bất chính và nghịch với lương tâm, điều này dẫn tới một điều phi thực tế, coi nhẹ sự tối tăm và sự mâu thuẫn trong thực tế của nhiều con người. Ngoài ra, khước từ vâng phục thường kéo theo sự thiệt hại nghiêm trọng về thiện hảo khách quan. Một tu sĩ không nên quyết định vội vàng vì như thế sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa quyết định của lương tâm mình và ý muốn bề trên. Nhiều khi sẽ có trường hợp ngoại lệ, đó là sự đau khổ nội tâm chân thực, theo gương mẫu của chính Đức Kitô ‘Đấng cũng trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục’.[7]
*** Tôi có mở lòng ra để đối thoại không? Trong những cuộc họp của cộng đoàn, tôi có đóng góp ý kiến hầu phân định thánh ý Chúa vì lợi ích cộng đoàn cũng như vì quyết định của bề trên không?
*** Khi thấy mâu thuẫn giữa tự do, lương tâm và vâng phục tôi có vững tin vào giáo huấn của thánh Vinh Sơn cũng như Công đồng Vaticanô II không?
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Người đã vâng phục tới chết hơn là bất tuân, xin ban cho chúng con ân sủng, để chúng con có sức thi hành mọi sự vì danh dự và vinh quang Chúa. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.[8]
[1] Pl 2, 9-11.
[2] Constitutions – Hiến pháp, điều 97, khoản 2.
[3] Evangelica Testificatio – Tông huấn chứng tá phúc âm, ngày 29 tháng 6 năm 1971, sô 25.
[4] Ibid, 27.
[5] Gaudium et Spes – Hiến chế về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, ngày 7 tháng 12 năm 1965, số 16.
[6] Common Rule – Luật chung, chương v, điều 2.
[7] Perfectae Caritatis – Sắc lệnh về Đời sống tu trì, ngày 29 tháng 6 năm 1971, số 28.
[8] “On the Practice of Asking Permission” – “Thực hành việc xin phép”, ngày 27 tháng 7 năm 1653, O.C., ix, số 589.