Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Fx. Đức
Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em!
Ga 13,13-17
Tinh thần của Tu hội là tham dự vào tinh thần của chính Đức Kitô, như thánh Vinh Sơn đề nghị: “Người đã sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18). Vì thế, “Đức Giêsu Kitô là quy luật của Tu hội Truyền giáo và phải được xem là trung tâm của đời sống và hoạt động của Tu hội” (SV. XII,130).
HP 5
Có một mối tương quan rất rõ rệt giữa Đức Giêsu và Quy Luật của chúng ta. Các Quy Luật của chúng ta dựa trên tinh thần của Đức Giêsu và là bảng chỉ dẫn để sống theo Tinh thần của Người. Bởi vì không thể cụ thể hoá toàn bộ tinh thần của Đức Giêsu vào trong các quy tắc nên chính Đức Giêsu là Quy Luật của Tu Hội.
1. Chúng ta phải luôn đặt khuôn mẫu thần linh này trước mắt chúng ta
Khi cố giải thích ý nghĩa của cụm từ “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”, thánh Vinh Sơn đã nói Đức Giêsu chính là Quy Luật của Tu Hội:
Quả thật, Chúa chúng ta đã truyền rằng “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” và chúng ta phải dâng hiến toàn bộ đời sống mình cho phận vụ ấy. Đó là ý muốn của Người cho chúng ta, bởi lẽ Người là Quy Luật của Tu Hội Truyền giáo. Người lên tiếng và chúng ta lắng nghe Lời Người, cũng như chúng ta hiến thân để thực thi Lời Người.[1]
Đức Kitô là quy luật của Tu Hội không chỉ theo một nghĩa chung chung nhưng còn theo nghĩa rằng Người dẫn dắt từng hành vi cụ thể của chúng ta, trong những hoàn cảnh riêng biệt. Thánh Vinh Sơn đã khuyên bảo cha Durand:
Một điểm nữa mà cha cần chú ý đặc biệt đó là phải luôn dựa vào sự hướng dẫn của Con Thiên Chúa. Tôi muốn nói rằng khi cha phải hành động, cha nên tự hỏi: “Liệu điều này có phù hợp với các phương châm của Con Thiên Chúa hay không?”[2]
Trong một buổi đàm luận về các phương châm Tin Mừng, thánh Vinh Sơn đã bày tỏ ước muốn Tu Hội sống và hành động theo gương Chúa Giêsu:
Ngay từ đầu, Tu Hội đã muốn rập khuôn theo gương mẫu của Chúa chúng ta bằng cách làm những gì Người đã làm, cũng như thực hành các phương châm Tin Mừng. Nhờ thế, Tu Hội có thể làm hài lòng Chúa Cha và mưu ích cho Giáo Hội… Vậy, chúng ta hãy tin tưởng rằng Đức Giêsu sẽ ban cho chúng ta ân sủng để sống mọi phương châm và mọi quy luật với mức độ trọn hảo cao nhất. Phần việc của chúng ta là thành lập một Tu Hội sống động nhờ Thần Khí của Thiên Chúa và trung thành với sự thúc đẩy của Thần Khí ấy.[3]
2. Tình yêu dành cho Chúa Cha
Hai nhân đức nền tảng nơi Đức Giêsu là yêu mến Thiên Chúa Cha và yêu thương người lân cận. Đó cũng là hai nhân đức thiết yếu mà nhà truyền giáo phải bắt chước:
Bằng chứng đầu tiên về tình yêu mà Đức Giêsu dành cho Chúa Cha là sự quý trọng của Người đối với Chúa Cha: Chúa chúng ta đã dành một sự quý trọng lớn lao cho Chúa Cha đến mức Người đã thần phục Chúa Cha trong mọi sự. Người đã liên kết mọi sự với Chúa Cha. Người không nói giáo huấn Người giảng dạy là của mình nhưng quy về cho Chúa Cha. Còn sự quý trọng nào lớn hơn sự quý trọng của Chúa Con, Đấng vốn ngang hàng với Chúa Cha nhưng đã nhìn nhận Chúa Cha là tác giả, là nguồn mạch duy nhất của mọi điều thiện hảo nơi mình?[4]
Một bằng chứng nữa về tình yêu mà Đức Giêsu dành cho Chúa Cha là sự lệ thuộc của Người vào thánh ý Thiên Chúa: Đức Giêsu đã thi hành ý muốn của Cha mình trong mọi sự. Đó là lý do Người đến ở giữa chúng ta. Người đã không làm theo ý riêng mình nhưng làm theo ý Chúa Cha. Ôi lạy Đấng Cứu Thế, Thật tốt lành làm sao! Tuyệt vời làm sao khi dâng hiến bản thân để thực hành các nhân đức của Người. Chúa là Vua Vinh Quang, nhưng đã đến trong thế gian chỉ với một mục đích duy nhất là thực thi thánh ý của Đấng đã sai mình.[5]
Bằng chứng sau cùng về tình yêu mà Đức Giêsu dành cho Chúa Cha là chính hành động yêu thương của Người: và tình yêu đó là gì? Lạy Chúa tôi! Tình yêu Người dành cho Chúa Cha sâu thẳm dường bao! Còn có tình yêu nào lớn lao như tình yêu của người đã hy sinh mọi sự cho người mình yêu? Còn có bằng chứng tình yêu nào lớn lao hơn việc chết đi cho tình yêu?[6]
3. Lòng bác ái hướng về người lân cận
Nhân đức thứ hai của Đức Giêsu là tình yêu dành cho người lân cận. Đó là một bằng chứng cho thấy tình yêu của Người dành cho Chúa Cha. Có ai đã thực thi tình yêu ấy hơn Đức Giêsu chăng?
Hãy chiêm ngưỡng Con Thiên Chúa: Một trái tim yêu thương, một ngọn lửa bừng cháy tình yêu. Lạy Chúa Giêsu, con nài xin Người dạy cho chúng con biết điều gì đã khiến Người phải từ trời xuống. Lý do gì đã khiến Người đến đây để chịu bách hại, chịu đau khổ? Ôi Đấng Cứu Thế, Ôi mạch suối tình yêu! Thật nhục nhã cho chúng con nếu phải bị giáng phạt như thế. Ai đã yêu tha nhân hơn Người? Chúa đã đến để mở lòng ra với mọi nỗi khốn khổ của chúng con, bị bắt bớ như kẻ tội đồ, chịu đau khổ và chấp nhận cái chết nhục nhã vì chúng con. Có tình yêu nào giống như thế chăng? Có ai yêu được như vậy chăng?[7]
*** Không ai trong chúng ta nghi ngờ việc Đức Giêsu là khuôn mẫu cho đời sống của mình. Tuy nhiên, bản thân tôi có đón nhận các quy luật Tin Mừng như khuôn mẫu thực sự trong đời sống hàng ngày của tôi không?
*** Có điều gì khác đang định hình cuộc sống của tôi hơn là những lời nói, gương sáng và tiêu chuẩn của Đức Giêsu không?
CẦU NGUYỆN:
Ôi Lạy Đấng Cứu Thế, xin ban cho chúng con ơn được đồng hình đồng dạng với Chúa trong cảm nghĩ và hành động để ngọn đèn của chúng con luôn cháy sáng và tâm hồn chúng con luôn rực nóng. Hỡi các anh chị em, chúng ta hãy nài xin ơn này với Chúa trong kinh nguyện và hy sinh. Chúng ta hãy dùng mọi phương thế để xin Thiên Chúa đưa Giáo Hội đi vào các chân lý thần linh này. Hãy hướng đời sống, hành động và cảm nghĩ của chúng ta đến mục tiêu ấy. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
[1] Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa, 21/2/1659, O. c., XI, 429.
[2] Lời khuyên cho cha Antonine Durand, 1656, O.C., XI., 239.
[3] Về các Phương châm Tin Mừng, 14/2/1659, O.C., XI, 427.
[4] Về các thành viên thuộc Tu Hội Truyền Giáo và công việc của họ, 13/12/1658, O.C., XI, 411.
[5] Về Đức khó nghèo, 13/8/1655, O.C., XI, 149.
[6] Về các thành viên thuộc Tu Hội Truyền Giáo và công việc của họ, 13/12/1658, O.C., XI, 411.
[7] Về Đức bác ái, 30/5/1659, O.C., XI, 555.