046. Tình yêu và lòng tôn kính dành cho cha trên trời

0
923

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Fx. Đức

Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc này đây – giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.

Ga 4,23-24

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.

Ga 15,9-10

Tinh thần của Tu hội bao gồm những thái độ nội tâm của riêng Đức Kitô, mà ngay từ đầu, Đấng Sáng Lập đã khuyên nhủ các thành viên phải có: yêu mến và tôn thờ Chúa Cha, tình yêu trắc ẩn và hữu hiệu đối với người nghèo, cũng như vâng phục sự quan phòng của Thiên Chúa.

HP 6

Nhìn từ nhãn quan Kitô học Vinh Sơn, Hiến Pháp của chúng ta có đủ những đặc tính được xem là quan trọng và phù hợp nhất đối với sứ vụ truyền giáo, trong đó có tình yêu và lòng tôn kính dành cho Chúa Cha. Theo thánh Vinh Sơn, đặc điểm này bắt nguồn từ hai nhân đức nền tảng của Chúa Giêsu.[1]

1. Lòng tôn kính và cảm phục dành cho Thiên Chúa

Sau khi trình bày suy nghĩ của mình về tầm quan trọng của Tinh Thần Đức Giêsu trong đời sống chúng ta, thánh Vinh Sơn đã kết luận rằng Thiên Chúa phải được tôn kính, cảm phục và yêu mến:

Thưa anh em, chúng ta phải làm việc với lòng tôn kính Thiên Chúa và cố gắng để có được một lòng yêu mến lớn lao. Ôi! nếu chúng ta có cái nhìn tinh tế để thấu suốt quyền năng vô hạn Người, thì chúng ta sẽ thu lượm được biết bao cảm nghĩ cao đẹp về Người! Chúng ta sẽ nói như Thánh Phaolô, rằng “mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới” [2]. Thiên Chúa là sự dịu dàng vô tận, là thực thể tối cao và vinh quang vĩnh cửu, là sự thiện hảo vô hạn thâu tóm mọi điều thiện hảo; mọi sự nơi Người đều vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta. Nguyên việc biết rằng Thiên Chúa vượt quá mọi hiểu biết cũng đủ để cho chúng ta phải tôn kính Người. Và lòng tôn kính này phải làm cho chúng ta tan biến đi trước sự hiện diện của Người, và nói về Người với tâm tình khiêm nhường, kính tôn và cảm phục. Sự tôn kính dành cho Thiên Chúa sẽ mang lại cho chúng ta lòng khao khát liên lỉ là thực thi thánh ý Người và khước từ những gì nghịch lại với Người.[3]

2. Chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa để yêu mến Người

Phải, hỡi người anh em rất thân mến của tôi, đây là điều đúng đắn và không được nghi ngờ rằng thầy phải yêu mến Người, và trên hết, thầy phải tiếp tục yêu mến Người ngay cả trong lúc này khi mà cái chết đang gần kề. Thiên Chúa dựng nên chúng ta theo hình ảnh Người và giống như Người để chúng ta có thể yêu mến Người. Bởi lẽ chúng ta chỉ yêu những gì giống với mình, nếu không phải trong mọi trường hợp, thì ít là trong một số trường hợp. Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta với ý định để cho chúng ta yêu mến Người. Chúng ta được dựng nên trong tình yêu và do đó, chúng ta có đủ mọi phương thế để đáp trả ơn huệ tình yêu này. Khi thấy tội lỗi làm hư hỏng và xoá bỏ hình ảnh của Thiên Chúa nơi chúng ta, thì Đức Giêsu, người yêu của lòng chúng ta, đã nhất quyết phá vỡ lề luật của bản tính để chữa lành sự tổn thương đó. Không bằng lòng với việc ghi khắc ân huệ thần linh trên chúng ta, Người đã lựa chọn trở nên giống như chúng ta, mặc lấy bản tính nhân loại của chúng ta. Vậy, ai còn có thể từ chối một bổn phận chính đáng và vinh dự là yêu mến Người?[4]

3. Tu Hội này hiến thân để làm cho thế gian tôn kính và yêu mến Thiên Chúa

Yêu ai là muốn cho người đó điều tốt lành. Yêu Thiên Chúa là muốn cho danh thánh Người được biểu lộ, được nhận biết và được tôn kính trên khắp hoàn cầu: đó là muốn cho triều đại Thiên Chúa hiển trị trên mặt đất, thánh ý Người được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Thánh Vinh Sơn đã phân biệt giữa tình yêu cảm tính và tình yêu thiết thực. Tình yêu cảm tính là thứ tình cảm ấm áp và êm dịu mà người ta dành cho người mình yêu; còn tình yêu thiết thực thì bao gồm cả việc thực hiện những điều người yêu mong muốn và yêu cầu. Đức Giêsu đã nhắc đến tình yêu này khi Ngài nói: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14,21)

Đức Giêsu đã đưa ra dấu chứng cho tình yêu này là: ai yêu Người thì giữ Lời Người; mà Lời Thiên Chúa được gồm tóm trong giáo huấn và lời dạy bảo của Người. Chúng ta sẽ chứng minh tình yêu của mình khi chúng ta yêu mến giáo huấn của Chúa và giảng dạy giáo huấn ấy cho người khác. Theo lối lập luận này, ơn gọi của Tu Hội chính là ơn gọi yêu thương, trong mức độ Tu Hội gắn bó với giáo huấn và lời dạy bảo của Đức Giêsu Kitô. Do đó, Tu Hội hiến thân để làm cho thế gian tôn kính và yêu mến Thiên Chúa.[5]

*** Tôi có chứng tỏ tình yêu và lòng tôn kính Thiên Chúa trong đời sống và hoạt động hàng ngày của tôi hay không?

*** Theo mức độ nào mà tôi có thể nói như thánh Vinh Sơn: “Thật tốt đẹp biết bao khi được ở trong thế gian này, được tạ ơn Thiên Chúa và làm cho người khác nhận biết và yêu mến Người”?[6]

CẦU NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa của lòng con, sự tốt lành vô cùng của Chúa đã không cho phép con yêu thương mà trước hết không nghĩ tới tình yêu Người đã dành cho con. Xin hãy chiếm lấy tâm hồn và tự do của con. Làm sao con có thể mong đợi điều tốt lành nào khác nếu không phải là điều tốt lành đến từ Người? Bởi lẽ Chúa đã yêu con hơn con yêu chính bản thân mình. Chúa là niềm ước ao hạnh phúc vô tận của con và Chúa có quyền năng để làm cho hạnh phúc ấy sinh hoa trái. Con chẳng có gì, cũng không mong đợi gì ngoài Người. Chúa là điều thiện hảo duy nhất của con. Ôi, lạy Đấng tốt lành vô cùng, liệu con có thể yêu Người nhiều như tất cả các Seraphim. Dù đã quá muộn để bắt chước họ; nhưng ít ra con có thể dâng cho Người, với tất cả tấm lòng, tình yêu của Đức Nữ Vương rất thánh các Thiên Thần. Ôi lạy Chúa con, trước toàn thể trời đất, con xin dâng cho Người trái tim con. Ngoài tình yêu, con còn ca ngợi những phán quyết của Cha Quan Phòng dành cho tôi tới hèn mọn này. Con chê ghét tất cả những gì ngăn cách con với người khác. Ôi, Chúa của sự thiện hảo, Đấng khao khát tình yêu của những kẻ tội lỗi. Xin ban cho con ơn yêu mến Người và thực thi thánh ý Người; không phải ý con nhưng ý Người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.


[1] Thư gửi Jean Parre, 11/8/1657, O.C., VI, 370.

[2] 1 Cor 2, 9.

[3] Về các thành viên thuộc Tu Hội Truyền Giáo và công việc của họ, 13/12/1658, O.C., XI, 412

[4] An ủi một tu huynh đang hấp hối, 1645, O.C., XI, 64-65.

[5] Về Tình yêu Thiên Chúa, O.C., XI, 736.

[6] Sđd, 808.