047. Tình yêu trắc ẩn và thiết thực

0
1079

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Fx. Đức

Khi Đức Giê-su và môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-khô, dân chúng lũ lượt đi theo Người. Và kìa có hai người mù ngồi ở vệ đường, vừa nghe Đức Giê-su đi ngang qua đó, liền kêu lên rằng: “Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Đám đông quát nạt, bảo họ im đi, nhưng họ càng kêu lớn hơn nữa: “Lạy Ngài, lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Đức Giê-su dừng lại, gọi họ đến và nói: “Các anh muốn tôi làm gì cho các anh?” Họ thưa: “Lạy Ngài, xin cho mắt chúng tôi được mở ra!” Đức Giê-su chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người.

Mt 20,29-34

Tinh thần của Tu hội bao gồm những thái độ nội tâm của riêng Đức Kitô, mà ngay từ đầu, Đấng Sáng Lập đã khuyên nhủ các thành viên phải có: yêu mến và tôn thờ Chúa Cha, tình yêu trắc ẩn và hữu hiệu đối với người nghèo, cũng như vâng phục sự quan phòng của Thiên Chúa.

HP 6

Tin Mừng chứa đầy những tình huống Đức Giêsu bị lòng trắc ẩn thúc đẩy thực hiện các phép lạ. Thánh Vinh Sơn đã bị tác động bởi hình ảnh ấy của Đức Giêsu, Đấng đã mang nơi mình đau khổ của người khác. Đấng Sáng Lập Tu Hội này mong muốn tất cả các nhà truyền giáo của mình được đổ đầy lòng thương xót và trắc ẩn.

1. Ngài đã làm người để đồng cảm với nỗi khốn khổ của chúng ta

Bởi vì Con Thiên Chúa không thể biểu lộ lòng trắc ẩn của Người trong tình trạng vinh quang mà Người có được ngay từ thuở đời đời nơi thiên đàng, nên Người đã nhất định trở thành người và là Thượng tế của chúng ta để đồng cảm với nỗi khốn khổ củng chúng ta. Nếu chúng ta được sống với Người nơi thiên đàng thì chúng ta cũng phải giống như Người là đồng cảm với nỗi khốn khổ của anh chị em mình. Là nhà truyền giáo, chúng ta bắt buộc phải có tinh thần trắc ẩn, bởi lẽ tình trạng và ơn kêu gọi của chúng ta đòi hỏi chúng ta phục vụ những con người khốn khổ nhất, bị bỏ rơi nhất cũng như những người bị áp bức về thể xác lẫn tinh thần. Trước hết, chúng ta phải thương cảm và động lòng với những đau khổ của các anh chị em mình. Tiếp đến, như Đức Giêsu đã khóc thương thành Giêrusalem trước những tai hoạ sắp giáng xuống, chúng ta phải có hành động biểu lộ rõ ràng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn đối với các anh chị em mình. Rồi sau đó, chúng ta phải nói những lời thương cảm và tỏ lộ sự chia sẻ sâu sắc của chúng ta trước niềm vui và nỗi buồn của người lân cận. Sau cùng, chúng ta phải an ủi và giúp đỡ mọi người trong tình cảnh thiếu thốn và khổ sở của họ, và chúng ta cần nỗ lực giải thoát họ khỏi mọi đau khổ; bởi vì trái tim và đôi tay phải luôn đi đôi với nhau.[1]

2. Ai không biết chạnh lòng thương với những những người đau khổ, người đó chỉ là những kẻ mang danh Kitô hữu mà thôi… Người đó còn tệ hơn con vật

Trong bài nói chuyện về đức ái, Thánh Vinh Sơn đã chỉ ra những hiệu quả của đức ái. Hiệu quả thứ tư là chạnh lòng thương.

Chạnh lòng thương có nghĩa là chịu đau khổ với anh chị em mình, là khóc với kẻ khóc. Không giống những kẻ chẳng bao giờ cảm thấy đau với nỗi đau của người nghèo, chạnh lòng thương là sự biểu hiện của tình yêu, một thứ tình yêu có thể đưa chúng ta đi vào trong tình cảm và tâm hồn của người khác. Ôi, hãy xem Con Thiên Chúa yêu thương như thế nào! Khi Người được hỏi có muốn gặp Lazarô không… người đã đi ngay. Cô Maria đã chỗi dậy và đi với Người, vừa đi vừa khóc, những người Do Thái đi theo cô cũng khóc. Mọi người bắt đầu khóc và Đức Giêsu cũng khóc với họ. Người đã thương mến và động lòng trắc ẩn. Chính vì tình yêu dịu dàng ấy mà Người đã từ trời xuống… Cũng thế, chúng ta cũng phải chạnh lòng thương với những anh chị em khốn khổ của cùng ta và chia sẻ nỗi khổ đau với họ. Về điểm này, Thánh Phaolô cũng đã nhạy cảm làm sao. Ôi, Chúa Cứu Thế, Đấng đã đổ đầy lòng trắc ẩn trên thánh Tông đồ Phaolô, xin làm cho chúng con có thể nói được như Người: Có ai yếu đuối mà tôi lại không cảm thấy mình yếu đuối? (2 Cr 11,29)[2]

3. Đây là một con người đầy lòng thương xót

Thánh Vinh Sơn đã nói: “Hãy nghĩ về gánh nặng sẽ chất lên vai chúng ta trong giờ chết, nếu chúng ta không có lòng thương xót”. Ngài đã kêu gọi nhà truyền giáo phải biết thương xót:

Khi thăm viếng người nghèo, chúng ta phải cảm thông cũng như chịu đau khổ cùng với họ và chúng ta phải mặc lấy tâm tình như vị Tông đồ vĩ đại đã nói: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người” (1 Cr 9,22). Nếu chúng ta đồng cảm với nỗi đau của anh chị em mình, chúng ta sẽ không bao giờ phải chịu những lời đáng sợ của vị ngôn sứ xưa: “Nỗi sầu riêng, mong người chia sớt, luống công chờ, không được một ai; đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu” (Tv 69,21). Sau đó, chúng ta phải làm mềm lòng mình ra để trở nên nhạy bén nỗi đau khổ và khốn quẫn của người lân cận. Chúng ta phải nài xin Thiên Chúa ban cho chúng ta lòng thương xót vốn là lòng thương xót của chính Người; bởi lẽ như Giáo Hội dạy, đặc tính riêng biệt của Thiên Chúa là thương xót và ban tặng lòng thương xót ấy cho dân Người. Vậy hỡi anh em, chúng ta hãy có lòng thương xót, và biểu lộ lòng thương xót ấy trong mọi sự, sao cho chúng ta không bao giờ phải gặp người nghèo mà không biết an ủi họ; cũng như khi gặp một người dốt nát, chúng ta phải biết nói một vài lời có sức khơi dậy lòng tin và dạy cho người ấy những gì cần thiết để được cứu độ. Anh em hãy nài xin Thiên Chúa đổ đầy lòng thương xót trên anh em để nếu có bất cứ ai gặp gỡ một nhà truyền giáo thì họ có thể nói rằng: “Đây là một con người đầy lòng thương xót”. Sau cùng, chúng ta hãy suy ngẫm điều này: chúng ta cần lòng thương xót biết bao. Chúng ta phải biểu lộ lòng thương xót cho người khác trong mọi hoàn cảnh, và phải chịu đựng mọi sự vì mục tiêu ấy.[3]

*** Người ta nói rằng một thành viên Vinh Sơn ít nhất cũng phải cảm thấy nơi mình sự đau khổ, nghèo đói và muộn phiền của người nghèo. Tôi có thể nói như vậy về mình hay không?

*** Khi biết mình có thể thực sự làm gì, tôi có biến lòng trắc ẩn của mình thành những hành động thiết thực không?

CẦU NGUYỆN:

Ôi, lạy Chúa Cứu Thế, xin đừng để con làm cho ơn gọi của mình ra hư hỏng. Xin đừng cất khỏi Tu Hội này lòng thương xót của Ngài. Vì lạy Chúa, nếu như Người rút khỏi chúng con lòng thương xót của Người, thì chúng con sẽ chẳng còn gì. Xin ban lòng thương xót của Chúa cho chúng con. Xin ban lòng thương xót ấy cùng với tinh thần dịu hiền và khiêm nhường. Vâng, chúng ta hãy nài xin Thiên Chúa tuôn đổ và gìn giữ lòng thương xót và trắc ẩn của Người trên chúng ta để bất cứ ai gặp gỡ một nhà truyền giáo Vinh Sơn thì đều có thể nói: “Đó là một người đầy lòng thương xót”. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.


[1] Về tinh thần cảm thông, O.C., XI, 771.

[2] Về Đức bác ái, 30/5/1659, O.C., XI, 560.

[3] Về tinh thần thương xót và cảm thông, 6/8/1656, O.C., XI, 233-234.