051. Lễ Thánh Vinh Sơn Phaolô – 27/9

0
1492

Tác giả: Miguel Perez Flores, C.M. & Antonino Orcajo, C.M.
Chuyển ngữ: Fx. Đức

Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”

Mt 25,34-36

Vào lúc rạng sáng ngày 27 tháng 9 năm 1660, dưới gánh nặng của năm tháng và công việc, Vinh Sơn Phaolô đã trao trả sự sống lại cho Thiên Chúa, Đấng mà ngài luôn tin tưởng. Một nhóm nhà truyền giáo ở cộng đoàn Saint Lazare đã chứng kiến Đấng Sáng Lập Tu Hội bình an bước từ thời gian đi vào vĩnh cửu. Ngài đã để lại một cuộc đời tràn ngập các công trình bác ái và một di sản thiêng liêng và tông đồ phong phú vô tận. Những di sản ấy sẽ duy trì ơn gọi nơi các hiệp hội của ngài. Cái chết không đến với ngài cách bất ngờ; trong nhiều năm, ngài đã chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ hân hoan này với Thiên Chúa, triều thiên cho các thành tựu của ngài.

1. Sứ mạng của Chúa Giêsu là làm việc cho người nghèo

Người nghèo là trung tâm ơn gọi và hoạt động của thánh Vinh Sơn. Bắt chước Đức Giêsu Kitô, Vinh Sơn Phaolô chọn người nghèo làm gia nghiệp cho mình. Ngài đã hoàn tất những lời mà 2 năm trước khi qua đời, ngài đã nói với các nhà truyền giáo:

Hạnh phúc cho những ai khi vào giờ chết có thể lặp lại những lời đẹp đẽ của Chúa chúng ta: “Chúa đã sai tôi đem Tin Mừng đến cho người nghèo”. Anh em thấy đó: công việc chính của Chúa Giêsu là làm việc cho người nghèo. Người đã vui lòng hiến thân vì người nghèo và những người bị ruồng bỏ. Khốn cho chúng ta nếu vì hèn nhát mà không thực thi các bổn phận: giúp đỡ người nghèo. Nếu chúng ta không phục vụ những kẻ rốt hết trong anh chị em mình thì chúng ta sẽ bị loại ra khỏi Nước Thiên Chúa.”[1]

2. Cái chết luôn đến quá trễ

Thánh Vinh Sơn sống lâu hơn gấp hai lần so với tuổi thọ trung bình của người cùng thời. Chẳng có ý tưởng về sự chết hay thử thách nào có thể khiến cho ngài hoảng sợ. Ngài không xem cái chết như một trở ngại nhưng đúng hơn, như một sự giải phóng cần thiết. Ngài muốn được chết bên vệ đường chứ không phải trong chiếc ghế bành. Quả thế, ngài muốn chết “với vũ khí cầm tay” đang khi chăm sóc người nghèo đến giờ phút cuối cùng. Trước sự phản đối của một số nhà truyền giáo về sứ vụ truyền giáo, ngài la lên:

Có phải là bất hạnh không khi một người vợ từ cuộc lưu đày được đoàn tụ với người chồng? Có phải là bất hạnh không khi kẻ lữ hành được trở về quê hương? Có phải là bất hạnh không khi con tàu lênh đênh được cập bến? Thế thì cái chết có đáng sợ không khi nó là điều chúng ta chẳng bao giờ ước ao cho đủ và luôn tới quá trễ?”[2]

3. Sống và chết trong vị trí mà chúng ta được đặt vào

Đức Alexander VII đã ban cho tất cả các nhà truyền giáo ơn đại xá trong giờ lâm tử. Là con người của đức tin, 5 năm trước khi qua đời, Vinh Sơn Phaolô đã tín thác vào đặc ân này – một đặc ân xoá bỏ mọi vết nhơ với điều kiện là vẫn trung thành với ơn gọi của mình. Ngài nói:

Vào giờ phút lâm chung, chúng ta sẽ được thắt đai tinh tuyền, nhờ đó, chúng ta được đẹp lòng Thiên Chúa khi chúng ta phải trao lại cho Người sổ sách cuộc đời chúng ta. Trong Tin Mừng, Chúa chúng ta đã xua đuổi kẻ trình diện trước mặt Người nhưng không mặc y phục lễ cưới. Y phục này được trao cho chúng ta trong giờ chết nhờ đặc ân kia, nếu chúng ta sẵn sàng sống và chết trong vị trí mà chúng ta được đặt vào.”[3]

*** Tôi có thể cùng nói với thánh Vinh Sơn rằng tôi không e ngại cái chết bởi vì tôi đã tận hiến cho Chúa trong việc rao giảng Tin Mừng cho người nghèo không?

*** Tôi có xem người nghèo là gia nghiệp của tôi mà tôi sẵn sàng chết vì họ không?

*** Tôi có thấy nhu cầu bác ái như thánh Vinh Sơn đã thấy không?

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho tôi trung của Chúa là thánh Vinh Sơn Phaolô mọi đức tính xứng bậc tông đồ, để thánh nhân phục vụ người cùng khốn và đào tạo các linh mục; xin cho chúng con là những kẻ noi theo lời người dạy, luôn cháy bừng đức ái của người để yêu mến những gì người đã yêu mến và thực hành những gì người đã dạy. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.


[1] O.C., XI, 56-57

[2] Ibid., 58

[3] O.C., XI, 123