Luigi Mezzadri
7. KẺ RỐT HẾT GIỮA NHỮNG NGƯỜI RỐT HẾT
Mỗi người đều có một nhược điểm: hoặc tiền bạc, tính dục, quyền thế, tham vọng. Đối với cha Vinh Sơn, nhược điểm của ngài là người nghèo. Vì vậy, cha đã thi thố tất cả khả năng của mình, cha đã tìm được những nguồn tài lực mới và có nhiều ơn gọi hơn. Đối với Hoàng hậu, cha cũng đã trả lời “không” khi bà muốn cha chịu trách nhiệm về dự định mù mờ được biết dưới tên gọi “Bệnh viện Trung ương”: Nhưng cha không thể từ chối lời kêu cứu của những nô lệ ở Tunis và Alger, thì chính là để đáp ứng nhu cầu của những nô lệ công giáo, hơn 20.000 ở Algérie và khoảng 6.000 ở Tunisie. Thời đó, số nô lệ tương đương với số dân của hai thành phố bậc trung bình như thành phố Grenoble mới chỉ có khoảng 20.000 dân vào năm 1710, và Nancy khoảng từ 4.000 – 5.000 người vào năm 1645.
Việc xâm nhập vào những miền đất của Hồi giáo không mấy khó khăn, nhưng ở lại đó lại là vấn đề khác. Cha Vinh Sơn, một con người rất khôn khéo, đã tìm được danh nghĩa ngoại giao cho hoạt động của các vị thừa sai. Theo tập tục thời đó, người ta có thể mua một số chức vụ nào đó. Vào một thời điểm mà ý thức về quốc gia khác với ý thức của chúng ta hiện nay thì chuyện mua chức tước là việc bình thường. Bà Công tước D’Aiguillon đã giúp cha mua hai chức vụ: lãnh sự Alger và Tunis.
Julien Guérin cập bến Tunis vào tháng 11 năm 1645 với uỷ nhiệm thư làm lãnh sự. Cha bắt đầu quan sát, rồi hành động cách thận trọng. Cha đã mở một nhà nguyện cách dè dặt và bắt đầu các cuộc cử hành công khai. Lễ Phục Sinh năm 1647, cha nhận được phép dạy giáo lý trong mười ngày cho các nô lệ của một chiến thuyền. Đồng thời, Toà Lãnh sự Alger được tổ chức hoạt động.
Trong hai trung tâm này, sinh hoạt khá nhộn nhịp. Uỷ nhiệm thư ngoại giao không hữu hiệu gì cho lắm. Viên lãnh sự ở Alger bị đánh, rồi bị giam và bắt buộc phải trả nợ mà những người nô lệ Công giáo đã vay, rồi bỏ trốn hoặc không trả được.
Quyền đặc miễn về ngoại giao còn tương đối, nhưng sự miễn dịch y tế hầu như số không. Thực vậy một số tu sĩ Vinh Sơn đã can đảm bỏ mình trên đất Phi châu. Bệnh dịch hạch bắt đầu “cướp đi cuộc sống” của Boniface Nouelly ở Alger vào năm 1647. Sau đó đến lượt Jacques Lesage và Jean Dieppe qua đời. Năm 1648, đến lượt cha Julien Guérin qua đời, cuối cùng chỉ còn lại Jean le Vacher.
Với những anh em đến thay thế người quá cố, cha Vinh Sơn phải nhắc nhở các ngài làm việc vừa thôi, đó là Philipe và Jean le Vacher. Các ngài thăm viếng người nô lệ, chăm sóc họ, giải quyết những vấn đề của họ, nâng đỡ và dạy giáo lý, phải cố gắng vượt qua ngờ vực và nguy hiểm. Mọi sự trở nên phức tạp hơn khi người ta tìm cách đưa những người bội giáo trở về đức tin. Khổ hình dành cho anh Pierre Bournuny, gốc Baléares, một thanh niên công giáo, thật khủng khiếp. Sự hối hận vì đã chối đạo làm cho anh áy náy trong lòng. Anh thường lặp đi lặp lại không ngừng: “Chúa Kitô đã chết vì tôi, thì tôi chết cho Người là điều chính đáng”. Sau khi quyết định trở về lại với Kitô giáo, anh đã đến trình diện với vị Tổng trấn Hồi giáo để tuyên xưng đức tin. Anh ta làm như vậy không khác nào quyết định cái chết cho chính mình. Một giàn hoả thiêu đã được đốt lên và vị tử đạo trẻ tuổi đó đã được đốt cháy như ngọn đèn, không phải được giấu dưới thùng nhưng thắp sáng trên giá đèn.
Mọi sự khởi đầu với việc gởi một nhóm thừa sai đầu tiên đến đảo Saint Laurent vào năm 1648. Các ngài có sứ mệnh chăm lo đời sống đạo cho những kiều dân Pháp và rao giảng Phúc âm cho người dân bản xứ. Và trong nhiều đợt, cha đã gởi đi tất cả là 25 nhà truyền giáo.
Vừa mới đặt chân đến Fort Dauphin, ở cuối hòn đảo lớn, các thừa sai bắt đầu công việc tông đồ. Một tu sĩ qua đời hầu như ngay tức khắc, nhưng cha Charles nacquart bắt đầu liền công tác tông đồ giữa những người dân bản xứ. Cha rửa tội ít, nhưng cha giảng dạy Phúc âm rất nhiều. Cha muốn xây dựng giáo đoàn mới trên nền tảng của những xác tín vững chắc, chứ không phải trên số đông tân tòng. Cha cũng có nhiều dự án, trong số này có dự định làm một cuốn giáo lý bằng tiếng bản xứ. Ngài xin cha Vinh Sơn giúp đỡ.
Bốn năm trôi qua, nhóm thừa sai thứ hai lại được gởi đến đây, đứng đầu là cha Toussaint Bourdaise, một con người được đánh giá thấp tại Pháp, nhưng bên trong cháy bùng ngọn lửa tông đồ. Đoàn thừa sai đến nơi, thiếu một cha, ngài đã qua đời trong cuộc hành trình. Khi các ngài cập bến, cha Nacquart không còn ở đó để tiếp đón họ vì cha đã qua đời từ 4 năm trước. Sau đó hai người anh em của cha Bourdaise lại ra đi. Cha viết cho cha Vinh Sơn một lá thư thảm não: “Cha Belleville đã chết dọc đường, rồi cha Prévost… cha Dufour… cũng qua đời… Chỉ còn lại một mình tôi, người đầy tớ đáng thương còn sống sót để báo tin này cho cha”.
Cha Vinh Sơn lại gởi một nhóm các thừa sai khác. Nhưng lần này lại bị đắm tàu, ngay trước lúc khởi hành, trên sông Loire vào năm 1656. Điều làm cha Vinh Sơn lo lắng nhất là thiếu sự liên lạc thư từ tin tức, vì các con cha ở rất xa. Cha không được tin gì về các ngài. Cha chỉ biết cầu nguyện và sống trong hy vọng. Trong mùa hè năm 1657, một chiếc tàu đã cập bến ở Nantes, cha đã nói với cộng đoàn: “Được biết là có một chiếc tàu đã tới Nantes, nhưng chúng tôi không nhận được tin tức gì cả, chúng ta chờ để biết hoàn cảnh của các anh em ở xa đó như thế nào. Họ đã chết hay còn sống? Chúng ta đều không rõ. Nhưng dù các ngài thế nào, chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa cho họ. Và cho dù các ngài đã chết, thì có phải vì vậy mà chúng ta đành bỏ rơi công trình này chăng, chính các anh em chúng ta và những người đi trước nữa đã bắt đầu khai phá mảnh đất đó? Ôi lạy Chúa Giêsu, phải giữ lại công tác này”.
Vào năm sau, cha quyết định gởi thêm một nhóm thừa sai mới nữa, nhưng lần này thuyền chở các ngài bị một tàu Tây Ban Nha bắt giữ. Trong một lần nói chuyện ngày 11.11.1658, với một giọng nghẹn ngào vì xúc động, cha Vinh Sơn đã cho anh em biết những tin tức vừa dồn dập đến và làm cha rất lo lắng. Bệnh dịch hạch hoành hành tại Varsovie, nguy hiểm đe doạ các toà lãnh sự ở miền Bắc Phi châu và những tai hoạ liên tục đến với các thừa sai trong các cuộc hành trình. Đến đây cha sực nghĩ đến nơi hòn đảo xa xôi kia nằm dưới chòm sao Thiên Ngưu, cha Bourdaise đang sống một mình: “Cha Bourdaise đang ở xa chúng ta, sống một mình, và như anh em đã biết, ngài đã đưa về cho Chúa Giêsu biết bao người nghèo trên mảnh đất ấy, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho ngài và cha Vinh Sơn kêu lên: Cha Bourdaise, cha còn sống hay đã chết? Nếu cha còn sống, xin Chúa hãy giữ gìn cha, nếu cha ở trên trời, xin hãy cầu cho chúng tôi”.
Cha Bourdaise thật sự đã qua đời từ hơn một năm rưỡi trước đó. Còn chuyến đi cuối cùng thì bị đắm tàu và quay trở về lại Pháp.