1. Các bài đọc
Bài đọc 1: 2 Sb 36,14-16;19-23
Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ 2: cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải phóng của dân tộc.
Đáp ca: Tv 136,1-2. 3. 4-5. 6
Thánh vịnh 136: lời than khóc bên bờ sông Babylon.
Bài đọc 2: Ep 2,4-10
Trích thư thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Êphêsô: nhờ ân sủng của Chúa mà chúng ta được cứu độ.
Tin Mừng: Ga 3,14-21
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng, Con Người sẽ trỗi dậy, để rồi, tất cả những kẻ tin theo Người sẽ có sự sống đời đời.
2. Chia sẻ
Chúa nhật thứ 4 Mùa Chay còn gọi là Chúa nhật Laetare. Laetare theo tiếng Latinh có nghĩa là vui lên. Đó là niềm vui của lịch sử dân Chúa đã được cứu và xót thương qua những biến cố.
Các bài đọc hôm nay gợi lại những biến cố mà dân Do thái đã trải qua nhờ bàn tay của Thiên Chúa cứu sống. Họ đã nếm trải đủ mùi vị đắng cay của cuộc đời đi lưu đày ở Babylon, như bài đọc một, sách Sử Biên Niên đã nói.
Họ đã bị mất đền thờ, ra khỏi đất mà tổ tiên đã chiếm được theo như Chúa hứa. Luật Tohra cũng không còn nữa. Vì với dân: một Chúa, một đền thờ; một miền đất, chính là di sản thiêng liêng của họ. Họ không thể sống hạnh phúc mà thiếu một trong những điều ấy.
Ấy vậy mà, vì sự không vâng lời Chúa, mà họ đã phải đi lưu đày, sống giữa dân ngoại. Đây là nỗi tủi nhục nhất của họ, khi họ đã không còn tin và vâng theo Chúa.
Thế nhưng, lòng thương xót vô bờ bến Chúa đã mở lòng vua Cyrô, vua xứ Ba-tư để cho dân được trở về miền đất của cha ông, mà tái thiết đền thờ kính Đức Chúa. Có niềm vui nào bằng, khi Chúa cho dân hưởng lại tự do của một dân mà Ngài đã tuyển chọn. Dân chúng vui mừng hoan hỷ.
Kinh nghiệm thứ hai, ngay trong phần đầu của bài Tin Mừng, khi Chúa Giêsu trả lời cho ông Nicôđêmô về kinh nghiệm con rắn đồng trong sa mạc. Biến cố mà chính Chúa đã cứu dân khỏi bị phạt vì tội bất phục tùng, nổi loạn chống lại Thiên Chúa. Một lần nữa Chúa lại xót thương và cho dân được sống nhờ nhìn lên con rắn đồng. Dân đã đối mặt với kinh nghiệm ranh giới giữa cái chết và sự sống và nhận ra lòng thương xót và quyền năng của Chúa, qua lời khẩn cầu của tôi tớ Ngài là Môsê. Con rắn đồng chính là hình bóng của Đấng chịu đóng đinh. Vì nhờ đấng ấy, mà con người sẽ được cứu độ, sau sự phục sinh của Ngài.
Đây là những gì thánh Phaolô nói với giáo đoàn Êphêsô: “nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.” (Ep 2,5-6 ). Như vậy ơn cứu độ chúng ta lãnh nhận là đến từ ân sủng của Thiên Chúa, dù thật khó để hiểu hết mầu nhiệm của thập giá. Ơn này xuất phát từ Thiên Chúa, chứ không phải bởi bất cứ công trạng nào của con người. Và điều đó đến từ đức tin “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Những hình ảnh mà thánh Gioan khắc họa, những hình ảnh tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, giữa những kẻ tin và không tin, sự thiện và sự ác, ơn cứu độ và sự bị kết án… Đây như phần suy tư thần học của tác giả Tin Mừng về những gì trong phần thứ nhất, chính Chúa Giêsu đã giải thích cho Nicôđêmô.
Con người tội lỗi và muốn che dấu tội lỗi của mình. Thế nhưng Chúa Giêsu là ánh sáng thế gian. Ngài mặc khải cho con người biết rằng, Ngài có quyền năng để tha tội và mang con người đến sự sống muôn đời. Ngài có khả năng chữa lành những thương tích nơi tâm hồn chúng ta qua cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài. Đó chính là Tin Mừng cứu độ.
Tin Mừng này làm cho chúng ta vui mừng. Đó chính là những gì chúng ta đang cử hành ngày Chúa nhật thứ IV Mùa Chay hôm nay, với niềm vui hy vọng về ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban cho chúng ta. Niềm vui này sẽ kéo dài mãi trong đời sống chúng ta. Vì Chúa giải thoát chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và sự chết. Và chúng ta vui mừng hân hoan vì Đức Kitô chính là Đấng cứu độ thế gian.
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM