Bác ái và thăng tiến con người trong cuộc đại phúc

0
823

Mary Grace Deriu, DC

Nhiệm vụ của tôi là trình bày đề tài: Bác Ái Và Thăng Tiến Con Người Trong Cuộc Đại Phúc.

Để mở đầu, tôi xin được tóm tắt các đường hướng làm việc của chúng ta:

1. Cuộc đại phúc luôn được các nhà truyền giáo chuẩn bị và tổ chức, với đồng ý của vị linh mục quản xứ và các hội đoàn hoạt động trong giáo xứ. Họ sẽ chọn đề tài, sắp xếp thời điểm tốt nhất, và quyết định mọi vấn đề cần thiết cho sự thành công của cuộc đại phúc. Ngay khi có thể, những người đại diện của các đoàn thể đã được đề cập trên đây phải gặp gỡ nhau để giải quyết những vấn đề thực tế mà chúng ta có thể gặp phải.

2. Chúng ta, các thành viên của nhóm, làm việc theo từng hai người một, một giáo dân và một nữ tu, tùy thuộc vào các nhu cầu của cộng đoàn cũng như vào khả năng của chúng ta. Nên có hai hoặc ba cặp khác nhau tham gia vào sứ vụ như tôi đã lưu ý, và phải tham gia khoảng hai hoặc ba tuần. Chúng ta sẽ đến trước các nhà truyền giáo 7 ngày. Ban đầu chúng ta làm việc một mình. Sau đó chúng ta sẽ thực hiện vai trò của chúng ta trong khi các nhà truyền giáo bắt đầu công việc của họ.

3. Vào ngày chúng ta đến, cha xứ sẽ ủy nhiệm cho chúng ta bằng một nghi thức đơn giản và ấn tượng trong Thánh lễ hoặc trong giờ Kinh chiều. Nghi thức đơn giản bao gồm việc đeo Thánh giá trước cộng đoàn đang hiệp thông cầu nguyện. Ngay lúc này công việc của chúng ta chính thức bắt đầu.

4. Chúng ta tìm kiếm các gia đình có thể tham gia công việc này. Thông thường thì các bữa ăn sẽ tổ chức cùng với gia đình, còn chỗ ở thì tùy thuộc vào những gì chúng ta thấy thuận tiện.

Sau đó chúng ta bắt đầu thăm các gia đình. Khởi đi từ ngoại vi và hướng vào trung tâm, chúng ta làm công việc tiếp xúc với tất cả gia đình chủ chốt. Chúng ta tiếp xúc với họ; giải thích chương trình đại phúc; cố gắng làm cho họ có ý thức về các bổn phận được mang đến nhờ thời khắc của ân sủng này. Chúng ta tạo nên một bầu khí thuận lợi để từ đó phát triển thành một mối tương quan thân mật, nhờ đó chúng ta có thể nắm bắt được những vấn đề khác nhau trong đời sống của họ. Và khi nắm bắt được các cơ hội được mở ra cho chúng ta, cũng như tìm được nơi chốn thích hợp, chúng ta sẽ đề nghị một buổi gặp gỡ với nhà truyền giáo. Thường thì chính chúng ta phải chỉ ra những trường hợp liên quan đến những người già cả và ốm yếu.

Loại hình tiếp cận này cho phép chúng ta nhận thức được những vấn đề và những khó khăn, và thậm chí cả những niềm vui của những người mà chúng ta gặp gỡ. Từ điều này phát xuất một thông điệp, một thông điệp rất đơn sơ về Đức Kitô và Tin Mừng, chuẩn bị cho một thông điệp hoàn chỉnh và quy củ hơn sẽ được một nhà truyền giáo mang đến.

Kinh nghiệm về cuộc đại phúc trong tư cách là một Nữ Tử Bác Ái luôn luôn tuyệt vời. Có những thời khắc rất đẹp và rất phong phú, đến cùng với những điều tốt lành trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Nhờ những trải nghiệm này, tôi đã tìm ra phương thế để có được một cảm thức và sự quan tâm sâu sắc hơn đối với các vấn đề hiện tại, làm cho tôi cởi mở và sẵn sàng hơn.

Như Mẹ Guillemin đã từng nói: “Người Nữ Tử Bác Ái phải đưa mắt đến tận cùng của thế giới”, và hư thánh Vinh Sơn, chúng ta ý thức về những thực tại mới mà chúng ta bắt gặp, những thực tại đó là những dấu chỉ của thời đại.

Chắc chắn không có gì là mới mẻ, nhưng vấn đề mà chúng ta gặp phải, thậm chí là càng ngày càng gia tăng, là vấn đề của những người “lầm đường lỡ bước”. Đây là một vấn đề khó dàn xếp bởi vì có nhiều lý do khiến người ta đi lạc ra khỏi đời sống đạo tận tụy và năng động. Ngay cả trong những trường hợp phức tạp hơn, chẳng hạn như với những người tuyên bố là không quan tâm gì đến Thiên Chúa, và không có bất cứ điều gì phải làm với Ngài, thì thái độ của chúng ta phải luôn luôn là một người Kitô hữu, luôn luôn gặp gỡ những người này với tinh thần của Chúa, chỉ lên tiếng với tình yêu nhân danh Giáo Hội, thậm chí, nếu cần thiết phải giúp đỡ những nhu cầu vật chất của họ, cùng với việc cầu nguyện theo cách thức tự nhiên của thánh Vinh Sơn.

Về phương diện thực hành, chúng ta tìm một sự chỉ dẫn chính xác và đúng đắn trong Cẩm nang hướng dẫn của chúng ta. Cho phép tôi được trích dẫn một điều khoản trong đó, số 40, nói rằng: “Chúng ta sẽ phải là những chứng nhân của Đức Kitô, Chúa của cuộc đời chúng ta, để những ai gặp gỡ và lắng nghe chúng ta, đều có thể được gặp Ngài qua chúng ta.”

Trải nghiệm hay nhất của tôi về cuộc đại phúc là khi tôi chứng kiến những kẻ đi lạc quay trở về Thiên Chúa Cha: niềm vui sâu sắc và to lớn mà họ cảm thấy sau một khoảng thời gian rất dài đi hoang; hạnh phúc rõ rệt mà họ cảm nhận khi được giải thoát khỏi gánh nặng của những điều đã ràng buộc họ, và được nhấc ra khỏi hố tuyệt vọng của họ.

Điều rất quan trọng là phải làm cho các tâm hồn trò chuyện với nhau, nhất là trong gia đình. Có nhiều trường hợp, người ta thấy cô đơn đang khi sống với các thành viên gia đình, với vợ chồng, cha mẹ, và con cái. Tất cả chúng ta cũng phải thường xuyên chú ý đến trường hợp không thể tương tác và lắng nghe, đúng như người xưa đã nói: “Người ta cô đơn nhất chính là lúc đang ở trong một đám đông.” Vì thế, chúng ta phải đặc biệt chú ý đến những người biểu lộ một khao khát đơn giản là tìm kiếm một người nào đó để trò chuyện.

Chúng ta thường gặp những người chỉ yêu cầu chúng ta chú ý đến họ một chút, dành cho họ một phút hoặc chút ít thời giờ để họ được nói chuyện với chúng ta. Khi chúng ta đơn thuần lắng nghe họ, họ cảm thấy mình quan trọng. Nhiều lần, từ việc lắng nghe một cách vô tư này, một niềm tin mạnh mẽ được nảy sinh. Chúng ta cần lưu ý rằng, điều này thường xảy ra nếu họ không biết chúng ta, những rào cản của e ngại và của mối quan hệ giữa con người bị phá vỡ, và hơn nữa, sự tôn trọng, tin tưởng và quý mến mà họ dành cho chúng ta khiến chúng ta tôn trọng họ và thể hiện thái độ của chúng ta với họ.

Chúng ta kết thúc cuộc gặp gỡ của chúng ta với một lời nguyện vắn tắt, với một bữa tiệc chia tay thân mật và trìu mến, bày tỏ mong ước gặp lại nhau trong cuộc đại phúc. Và như vậy từ nhà này tới nhà kia, từ gia đình này tới gia đình khác, từ ngôi nhà cuối cùng của miền quê, chúng ta đi vào trung tâm của thị trấn.

Từ trải nghiệm của tôi về cuộc đại phúc, tôi đã học được một bài học lớn: Đó là nghĩa vụ tôn trọng tới tột cùng; tôn trọng mọi người chúng ta gặp. Dù tôi có thể không hiểu, không chia sẻ cảm xúc của họ, nhưng tôi có bổn phận phải tôn trọng. Mỗi ngày tôi gặp gỡ những nền văn hóa và lối sống rất khác biệt với nền giáo dục và đào tạo của tôi. Tôi nhớ lại một huấn từ quan trọng của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, chỉ ra rằng thời đại của chúng ta không cần những nhà thuyết giảng, nhưng cần những chứng nhân. Mỗi ngày, những cuộc chiến đấu trong cuộc sống hàng ngày cứ lặp đi lặp lại câu nói này. Hơn ai hết, những người nghèo về phương diện nhận thức, những người không còn bất cứ thứ gì, những người đã mất hết tất cả, đã làm cho tôi thấu hiểu bằng sự im lặng và bằng nỗi đau của họ, rằng tất cả những gì họ muốn ở tôi là giúp họ lấy lại phẩm giá của họ. Tôi đang bước trên con đường của họ để đồng hành với họ dù chỉ là ngắn ngủi. Tôi phải đi với họ để bằng những việc làm của mình, tôi cho họ thấy được rằng, luôn có thể lại bắt đầu bước trên một con đường mà họ có thể đã quên.

Đây là điều mà việc thăng tiến con người đã dạy cho tôi qua công việc mà tôi đã làm trong cuộc đại phúc. Dường như cách thức này rất thích hợp trong bối cảnh của việc Phúc Âm hóa toàn cầu. Đây là một điều rất hay được phát biểu trong một văn kiện mục vụ từ các Giám mục Ý, với tựa đề Phúc âm hóa và Bí tích. Ở đoạn 33, số 81 chúng ta đọc thấy: “Giá trị của mọi chiều kích thăng tiến con người mà con người thời đại chúng ta nhận thức được đều dựa trên nền tảng Tin Mừng. Chúng được tái hiện và hồi sinh trong chính đời sống của Giáo Hội. Căn tính của thực tại bí tích phù hợp với những người nam và người nữ trong những hoàn cảnh cụ thể của họ, được hiểu trong tất cả sự chiều sâu của chính thực tại đó. Nó làm cho người ta nhận ra và đấu tranh cho những nhu cầu chính đáng của sự thăng tiến này, cho sự giải phóng, cho công lý và hòa bình.”

Và quý vị, là những linh mục, nữ tu và giáo dân, quý vị biết rõ hơn tôi điều gì đã được khắc sâu vào tâm trí những người có mặt trong hội nghị này, hãy làm cho nó trở thành bổn phận của chúng ta trong các cuộc đại phúc, ngõ hầu chúng ta sát cánh bên nhau và làm sáng tỏ tất cả đường hướng mà Giáo Hội phải đi.

Chắc chắn chúng ta phải trình bày điều này cho những người chúng ta gặp gỡ với niềm xác tín, làm cho họ hiểu rằng Giáo Hội được cấu thành bởi những người được rửa tội. Đó là những người tuyên xưng đức tin đang khi vẫn kính trọng những người không có cùng tín ngưỡng với mình.

Chúng ta xin phó dâng công việc của chúng ta cho Đức Maria và thánh Vinh Sơn – nhà truyền giáo và tôi tớ của người nghèo. Xin các ngài hướng dẫn chúng ta trong việc loan báo Tin Mừng của Đức Kitô; xin các ngài chúc lành cho chúng ta và những người mà chúng ta đã gặp và sẽ gặp trong tương lai.