Bài giảng lễ phong Chân Phước Frédéric Ozanam

0
832

Nhà thờ Đức Bà Paris, thứ sáu, 22/08/1997

1. “Tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa” (1Ga 4,7). Hôm nay, trình thuật Tin mừng cho chúng ta hình ảnh người Samari nhân hậu. Trong dụ ngôn này, Đức Kitô muốn tỏ cho nhà thông luật biết ai là người thân cận, được đề cập trong điều răn lớn của Lề Luật: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”(Lc 10:27). Nhà thông luật hỏi Chúa về việc ông ta phải làm gì để được sự sống đời đời; và ông ta đã thấy những lời này là câu trả lời dứt khoát. Ông ta biết rằng yêu mến Chúa và người thân cận là điều răn đứng đầu và lớn nhất. Tuy nhiên, ông ta vẫn hỏi thêm: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10, 29).
Việc Đức Giêsu đưa ra dụ ngôn về người Samari để trả lời câu hỏi này rất đáng chú ý. Trên thực tế, cách đặc biệt những người Samari không được người Do Thái coi trọng. Hơn nữa, Đức Kitô so sánh hành vi của người Samari này với hành vi của một thầy tư tế và một thầy Lêvi, khi họ thấy một người bị những tên cướp đánh trọng thương nặng bởi những tên cướp, nửa sống nửa chết nằm trên đường và đi qua mà không giúp đỡ. Trái lại, người Samari nhìn thấy người đau khổ, thì “chạnh lòng thương” (Lc 10, 33). Lòng trắc ẩn khiến ông thực hiện một loạt hành động. Đầu tiên, ông băng bó vết thương, sau đó, ông đưa người ấy đến quán trọ chăm sóc anh ta và trước khi đi, ông đưa cho chủ quán trọ một số tiền cần thiết để chăm sóc người ấy (x. Lc 10, 34-35). Ví dụ này thật ý nghĩa. Nhà thông luật đã nhận được câu trả lời rõ ràng về câu hỏi: Ai là người thân cận của tôi? Người thân cận là mọi người mà không có ngoại lệ. Không cần phải biết quốc tịch, nhóm xã hội hay tôn giáo nào. Nếu người đó cần, họ phải được giúp đỡ. Đây là những gì được Lề Luật đứng đầu và lớn nhất đòi hỏi, luật yêu mến của Thiên Chúa và tha nhân.
Trung thành với điều răn của Chúa, Frédéric Ozanam tin vào tình yêu, tình yêu của Chúa dành cho từng người. Ngài cảm thấy mình được mời gọi yêu thương, làm gương mẫu về một tình yêu vĩ đại dành cho Chúa và tha nhân. Ngài đã đến với tất cả những người cần được yêu thương hơn những người khác, những người mà tình yêu của Thiên Chúa không thể được biểu lộ một cách hiệu quả qua tình yêu của một người khác. Ozanam đã khám phá ra ơn gọi đó của mình, con đường mà Chúa Kitô đã gọi. Ngài tìm thấy con đường thánh thiện của mình và quyết chí đi theo.
2. “Tình yếu bắt nguồn từ Thiên Chúa”. Tình yêu của con người bắt nguồn từ Luật của Thiên Chúa: bài đọc thứ nhất trong Cựu Ước cho chúng ta thấy điều này. Chúng ta khám phá ở đó một mô tả chi tiết về các hành động liên quan đến việc yêu thương tha nhân. Dường như là một sự chuẩn bị cho dụ ngôn Người Samari nhân hậu.
Bài đọc thứ hai, được trích từ Thư thứ nhất của thánh Gioan, giải thích ý nghĩa của từ “Tình yếu bắt nguồn từ Thiên Chúa”. Thánh Tông đồ viết cho con cái mình: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yếu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu.” (1 Ga 4, 7-8). Câu nói này của thánh Tông đồ thực sự là trung tâm của Giao ước mới, chóp đỉnh mà tất cả những gì được viết trong Tin mừng và trong các Thư hướng dẫn chúng ta. Thánh Gioan viết tiếp: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người dã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta (1 Ga 4,10). Tha thứ là dấu chỉ tình yêu mà Con Thiên Chúa đã mang lại cho chúng ta. Thế thì, yêu người thân cận, yêu từng con người, không chỉ là một điều răn. Đó còn là một đòi hỏi bởi kinh nghiệm sống yêu mến Chúa. Đó là lý do tại sao thánh Gioan có thể viết: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.” (1 Ga 4, 11).
2. Thánh Gioan tiếp tục giáo huấn trong Thư của ngài, thánh Tông đồ viết: “Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng, chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta.” (1 Ga 4, 12-13). Khi ấy, tình yêu là nguồn hiểu biết. Nếu, một mặt, sự hiểu biết là điều kiện của tình yêu, thì mặt khác, tình yêu làm cho sự hiểu biết của chúng ta nảy nở. Nếu chúng ta ở lại trong tình yêu, chúng ta sẽ kinh nghiệm sâu xa tác động của Chúa Thánh Thần, Người cho phép chúng ta thông phần vào tình yêu cứu chuộc của Chúa Con, Đấng mà Chúa Cha đã sai đến để cứu thế gian. Khi nhận biết Đức Kitô là Con Thiên Chúa, chúng ta ở lại trong Người và qua Người, chúng ta ở lại trong Thiên Chúa. Nhờ công trạng của Đức Kitô, chúng ta tin tưởng vào tình yêu, chúng ta nhận biết tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa là tình yêu (x. 1 Ga 4, 16). Sự hiểu biết này xuyên suốt tình yêu, cách nào đó là yếu tố chủ chốt của toàn bộ đời sống tâm linh của người Kitô hữu. “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1 Ga 4, 16)
3. Trong khung cảnh của Ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới tại Paris năm nay, tôi chuẩn bị phong chân phước cho Tôi Tớ Chúa Frédéric Ozanam. Tôi thân ái chào Đức Hồng y Jean-Marie Lustiger, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Paris, thành phố đặt mộ của vị tân Chân phước. Tôi vui mừng với sự hiện diện của các Đức cha đến từ nhiều quốc gia trong sự kiện này. Tôi âu yếm chào các thành viên của Hiệp hội Thánh Vinh Sơn Phaolô, những người đến từ khắp nơi trên thế giới dịp lễ tuyên phong chân phước Vị Sáng lập của mình, cũng như những vị đại diện gia đình thiêng liêng vĩ đại của Thánh Vinh Sơn. Mối liên hệ với các thành viên Vinh Sơn đã gần gũi từ ngày đầu của Hiệp hội, từ khi một Nữ tử Bác ái, chị Rosalie Rendu hướng dẫn cậu Frédéric Ozanam và các bạn đồng hành của cậu đối với người nghèo ở khu phố Mouffetard, vùng lân cận Paris. Các môn sinh của Thánh Vinh Sơn Phaolô thân mến, tôi khuyến khích anh em hãy liên kết với Hiệp hội để những người nghèo, với tư cách là người truyền cảm hứng cho anh em như lòng anh em luôn mong ước, có thể được yêu mến và được phục vụ tốt hơn, và Chúa Giêsu Kitô được tôn vinh nơi con người họ.
4. Frédéric Ozanam yêu mến tất cả người túng quẫn. Từ khi còn trẻ, ngài nhận thức được rằng, không đủ để nói về đức ái và sứ mạng của Giáo hội trên trần gian: thay vào đó, điều cần thiết là một cam kết hữu hiệu của các Kitô hữu phục vụ người nghèo. Ngài có trực giác giống như Thánh Vinh Sơn: “Chúng ta hãy yêu mến Chúa, hỡi anh em, chúng ta hãy yêu mến Chúa, bằng sức lực đôi cánh tay của chúng ta, bằng mồ hôi trên trán của chúng ta” (Thánh Vinh Sơn Phaolô, XI, 40). Để thể hiện điều này một cách cụ thể, ở tuổi hai mươi, cùng với một nhóm bạn, ngài đã thành lập Hiệp hội Thánh Vinh Sơn Phaolô nhằm giúp đỡ những người rất nghèo, trên tinh thần phục vụ và chia sẻ. Hiệp hội này, từ Pháp, nhanh chóng lan rộng ra tất cả các nước châu Âu và toàn thế giới. Bản thân tôi là một sinh viên trước Thế chiến thứ hai và cũng là một thành viên trong đó.
Từ đó trở đi, tình yêu với những người túng thiếu cực độ, của những người không có ai chăm sóc, trở thành trọng tâm cuộc sống và mối quan tâm của Frédéric Ozanam. Nói về những con người này, ngài viết: “chúng ta phải quỳ bên chân họ và nói với họ, như thánh Tông đồ: ‘Tu es Dominus meus – bạn là Chúa của tôi’. Bạn là chủ còn chúng tôi là tôi tớ, bạn đối với chúng tôi là những ảnh tượng thánh của Thiên Chúa, mà chúng tôi không thấy và không biết cách yêu Người, trong một cách thức khác, chúng tôi yêu Người qua bạn” (Gửi tới Louis Janmot).
5. Ngài quan sát tình hình thực tế của người nghèo và vì thế, việc tìm cách giúp đỡ họ thăng tiến ngày càng hiệu quả hơn. Ngài hiểu rằng, bác ái phải đưa đến những nỗ lực khắc phục bất công. Bác ái và công lý đi song hành. Việc đầu tiên, ngài đã có dũng khí sáng suốt để tìm kiếm cam kết chính trị và xã hội, trong một thời kỳ hỗn loạn của cuộc sống đất nước, vì không có xã hội nào có thể chấp nhận sự bần cùng, đơn giản như thể đó là một định mệnh, mà không làm tổn hại đến niềm vinh dự của xã hội đó. Chính vì vậy, điều mà chúng ta có thể thấy nơi ngài như là tiền thân của học thuyết xã hội của Giáo hội, điều mà Đức Giáo hoàng Leo XXIII đã bày tỏ trong Thông điệp Rerum Novarum vài năm sau đó.
Đối diện với tất cả các hình thức nghèo đói tràn ngập nơi rất nhiều con người, bác ái là một dấu hiệu tiên tri về sự cam kết của người Kitô hữu bước theo Đức Kitô. Tôi mời gọi anh chị em giáo dân, và đặc biệt là các bạn trẻ, thể hiện lòng can đảm và khả năng sáng tạo trong việc xây dựng một xã hội huynh đệ hơn, xã hội mà những người kém may mắn sẽ được quý trọng với tất cả phẩm giá của họ và họ sẽ có phương tiện để sống trong sự tôn trọng. Với sự khiêm tốn và niềm tin vô hạn vào Chúa Quan Phòng, nét đặc trưng con người Frédéric Ozanam, anh chị em hãy mạnh dạn chia sẻ của cải vật chất và tinh thần của anh chị em cho những người gặp khó khăn!
6. Chân phước Frédéric Ozanam, vị tông đồ bác ái, người chồng và người cha gương mẫu, người giáo dân Công giáo vĩ đại của thế kỷ XIX, là một sinh viên đại học đóng vai trò quan trọng về phong trào trí tuệ của thời đại. Là một sinh viên, và sau đó là một giáo sư nổi tiếng ở Lyon, Paris, và Đại học Sorbonne, ngài nhắm mục tiêu trên hết là tìm kiếm và thông truyền chân lý trong sự bình an, và tôn trọng xác tín của những người không giống với mình. “Học cách bảo vệ niềm tin của bạn mà không ghét đối phương của bạn” – ngài viết – “hãy yêu những người có suy nghĩ khác với mình, … chúng ta đừng phàn nàn về thời đại và hãy phàn nàn nhiều hơn về bản thân” (trong lá thư, ngày 09/04/1851). Với sự dũng cảm của một tín hữu, với việc lên án tất cả sự ích kỷ, ngài đã tham gia tích cực vào việc canh tân khuân mặt và tác động của Giáo hội trong xã hội thời đại của mình. Vai trò của ngài trong việc khai mở các Hội nghị vào Mùa Chay tại Nhà thờ Đức Bà Paris được biết đến rộng rãi, với mục đích giúp cho các bạn trẻ nhận được một chỉ dẫn tôn giáo mới nhất, về những vấn đề lớn chống lại đức tin của họ. Là một nhà tư tưởng và hành động, Frédéric Ozanam để lại cho môi trường đại học ngày nay, các giáo sư cũng như sinh viên, một mẫu mực của sự cam kết dũng cảm, có khả năng nghe tiếng nói tự do và đòi hỏi khắt khe trong việc tìm kiếm chân lý, và bảo vệ phẩm giá của từng con người. Có thể ngài cũng dành cho họ một lời mời gọi thánh thiện!
7. Hôm nay, Giáo hội xác nhận phẩm chất đời sống Kitô hữu mà Ozanam đã chọn, cũng như con đường mà ngài đã đi qua. Giáo hội nói với ngài: hỡi Frédéric, con đường của ngài thực sự là con đường thánh thiện. Hơn một trăm năm trôi qua và lúc này là thời cơ thích hợp để khám phá lại con đường đó. Điều cần thiết là tất cả những người trẻ chừng tuổi các bạn, những người đã tụ họp nhau với con số lượng đông đảo ở Paris, đến từ mọi nước của châu Âu và trên thế giới, nhận ra con đường này cũng là con đường của mình. Họ phải hiểu rằng, nếu họ muốn trở thành Kitô hữu đích thực, họ phải đi chung một con đường. Hãy mở rộng hơn con mắt tâm hồn của mình đối với nhu cầu của rất nhiều người ngày nay. Có thể họ thấy các nhu cầu này là những thách thức. Có thể Chúa Kitô mời gọi họ, bằng từng tên mỗi người, để mỗi người có thể nói: đây là con đường của tôi! Trong các chọn lựa mà họ sẽ thực hiện, hỡi Frédéric, sự thánh thiện của ngài sẽ được chuẩn nhận một cách đặc biệt nơi họ. Và niềm vui của ngài sẽ là niềm vui to lớn. Ngài đã thấy tận mắt Đấng là tình yêu, xin hãy là vị hướng dẫn cho tất cả bạn trẻ này trên con đường mà họ sẽ chọn, theo mẫu gương ngài hôm nay!
NHÂN CHUYẾN TÔNG DU CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II TỚI PARIS, NHÂN DỊP NGÀY ĐẠI HỘI GIỚI TRẺ THẾ GIỚI LẦN THỨ 12
(từ ngày 21-24/08/1997)
NDĐ chuyển ngữ từ w2.vatican.va