Nếu nói Gannes-Foleville[1] là biến cố khai sinh Tu hội Truyền giáo, thì bí tích hòa giải phải là điều cốt lõi nơi Gannes-Foleville. Hình ảnh người nông dân nghèo trên giường bệnh tại Gannes được “xưng tội chung”[2] đã làm cha Vinh Sơn phải suy nghĩ rất nhiều về những tâm hồn nghèo khổ bị bỏ rơi bởi không có linh mục giải tội cho họ. Tiếp đó, tại nhà thờ Foleville, cha Vinh Sơn giảng về việc xưng tội chung và cách thức xưng tội cho thật tốt. Kết quả là đoàn hối nhân đông đảo đủ mọi thành phần đi xưng tội đến nỗi cha phải xin các cha dòng Tên ở Amiens trợ giúp. Như thế, bí tích hòa giải như chiếc chìa khóa giúp tháo cởi gông cùm tội lỗi đang trói buộc những tâm hồn khốn khổ, nó mở ra cánh cửa thành lập Tu hội Truyền giáo. Bài viết này không những trình bày về bí tích hòa giải đối với thánh Vinh Sơn, mà tôi chú tâm cách riêng đến: bí tích hòa giải trong sứ vụ của nhà thừa sai Vinh Sơn.
1. Bí Tích Hòa Giải Đối Với Thánh Vinh Sơn
Cha Vinh Sơn nhận thức rõ về Giáo hội Pháp thế kỷ XVII xuống cấp cách thảm hại: Sự khốn khổ tinh thần của Kitô hữu đánh mất Tin Mừng; Tình trạng thiếu chuẩn bị cách đáng sợ của hàng giáo sĩ, vì họ không biết đến những tiêu chuẩn sơ đẳng trong việc thi hành thừa tác vụ.[3] Có lần, cha Vinh Sơn kể lại sự kiện một phu nhân đến xưng tội với một cha sở. Bà ta chú ý thấy rằng, cha sở chỉ lẩm nhẩm điều gì đó mà không ban phép giải tội cho bà. Bà khó chịu về điều này nên yêu cầu một tu sĩ viết cho bà công thức tha tội trên giấy. Bà quay lại xưng tội đồng thời yêu cầu cha sở đọc những lời tha tội có ghi trên giấy, cha đã làm theo ý bà. Bà tiếp tục làm như thế cho những lần khác khi xưng tội với cha sở, đồng thời trao cho cha tờ giấy, vì cha không biết những lời phải nói.[4]
Cuối năm 1613, cha Vinh Sơn đến làm gia sư trong gia đình Gondi, đồng thời làm tuyên úy nhà thờ riêng trong lãnh thổ của họ. Nhiệm vụ tuyên úy buộc cha tháp tùng gia đình Gondi trong những chuyến di chuyển đến Joigny, Montmiral, Villepreux và nhiều nơi khác. Đó là cánh đồng rộng lớn để truyền giáo, cha dạy giáo lý cho các gia nhân và dân làng ở vùng thôn quê. Cha giảng đạo và khuyến khích họ học giáo lý, đi xưng tội, … Vào một ngày tháng giêng năm 1617, với biến cố tại Gannes-Folleville, cha Vinh Sơn giúp cho một nông dân hấp hối xưng thú tội cả cuộc đời ông. Điều này thôi thúc cha tìm ra phương thuốc cho tình trạng khẩn cấp và trầm trọng của những con người khốn khổ. Ngày 25 tháng giêng năm 1617, cha giảng một bài về việc xưng tội chung cách hùng hồn với ngôn ngữ bình dân dễ hiểu. Bài giảng này đã đánh dấu việc khởi sự của cuộc đại phúc. Cha đã lôi cuốn được rất nhiều tâm hồn trở lại, chạy đến với tòa giải tội. Cha Vinh Sơn và một linh mục cùng đi đã giải tội không kịp nghỉ, đến nỗi phải nhờ đến các cha dòng Tên ở Amiens trợ giúp. Các cha làm việc quá tải bởi dòng người kéo đến xưng tội rất đông. Sau đó, các cha tiếp tục giảng dạy cho dân chúng ở các làng khác trong lãnh thổ gia đình Gondi và đạt được nhiều chiến thắng.[5]
Các cuộc đại phúc đã hình thành, và thành quả của đại phúc không chỉ là việc người dân khốn khổ được học giáo lý, được xưng tội, mà cả những linh mục, những người đang cần một biến đổi mới. Cha Vinh Sơn là người được biến đổi trước hết. Sau cha Vinh Sơn, sẽ còn nhiều linh mục, tu sĩ khác cùng ý hướng dấn thân phục vụ người nghèo trong Đức Kitô. Việc thành lập Tu hội Truyền giáo vào năm 1625 đã minh chứng điều đó.
Như vậy, với cha Vinh Sơn, bí tích hòa giải không chỉ là công cụ hữu hiệu trong các cuộc đại phúc, mà hơn thế nữa, đó là bí tích tình yêu, bí tích hàn gắn tương quan bị đổ vỡ giữa con người với Thiên Chúa, hàn gắn tương quan giữa con người với nhau. Bí tích này là điều tất yếu trong sứ vụ của nhà thừa sai Vinh Sơn.
2. Bí Tích Hòa Giải Trong Sứ Vụ Của Nhà Thừa Sai Vinh Sơn
Khi soạn Luật Chung, cha Vinh Sơn khẳng định: “Tu hội Truyền giáo bao gồm các giáo sĩ và các tu huynh. Công việc của các giáo sĩ là: đi đến các làng mạc và thôn xóm theo gương Chúa chúng ta và các môn đệ của Người, bẻ bánh Lời Chúa cho những người bị bỏ rơi bằng cách rao giảng và dạy giáo lý. Họ khuyến khích dân chúng xưng tội tổng quát về toàn bộ đời sống và ngồi tòa giải tội cho họ.”[6] Bên cạnh đó, nhà thừa sai hiểu rõ mục tiêu cơ bản của đại phúc là Kitô hóa dân nghèo miền quê, là việc giúp cho người nghèo nhận biết Chúa, tái truyền giáo, dạy giáo lý, kêu gọi con người ăn năn sám hối đến tòa giải tội, khuyến khích họ thực hành lối sống luân lý, tăng trưởng đời sống thiêng liêng. Mục tiêu này cho thấy bí tích hòa giải không thể thiếu trong sứ vụ của nhà thừa sai.
Bởi thế, một vài hướng dẫn mục vụ bí tích hòa giải trong việc truyền giáo là điều cần thiết cho các thừa sai. Khi viết đến những thực hành thiêng liêng trong Tu hội, cha Vinh Sơn nhận định: “Một trong những sứ mạng quan trọng trong việc truyền giáo của chúng ta là khuyến khích người khác thường xuyên lãnh nhận bí tích hòa giải và Thánh thể một cách xứng đáng. Do đó, chính chúng ta cần phải làm gương sáng cho họ trong những việc này, và thậm chí còn vượt xa hơn chứ không phải chỉ làm gương sáng. Vì vậy, chúng ta cần phải thực hiện cách hoàn hảo các điều ấy. Để cho những điều đó được thực hiện trong trật tự, các linh mục sẽ xưng tội hai lần mỗi tuần, hay ít là một lần mỗi tuần, với một linh mục được chỉ định trước, chứ không phải với bất cứ ai khác, nếu không có phép của Bề trên. Nếu không có gì cản trở, họ sẽ cử hành thánh lễ hàng ngày. Tuy nhiên, đối với những ai không phải là linh mục, họ sẽ xưng tội mỗi thứ bảy và vào những ngày áp lễ trọng với một trong những vị giải tội nói trên, trừ khi Bề trên đã chỉ định một ai khác, và theo lời khuyên của cha linh hướng, họ sẽ rước lễ vào các Chúa nhật và vào những ngày lễ trọng nói trên, đồng thời phải tham dự thánh lễ hàng ngày.”[7]
Linh mục thừa sai là người sẵn sàng đi đến vùng ngoại vi và gặp gỡ nhiều thành phần dân chúng. Họ không chỉ rao giảng Tin Mừng cho người chưa biết Chúa, mà còn giúp cho những ai biết Chúa nhưng lạc xa Chúa biết sám hối trở về với Ngài. Ngoài những đòi hỏi cơ bản mà một cha giải tội phải có (kiến thức tổng quát về thần học, giáo luật, tâm lý mục vụ; ơn khôn ngoan phân định; các nhân đức bác ái, nhẫn nại, cương quyết, ngay thẳng)[8] vị linh mục thừa sai sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức để đến với hối nhân trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Các thừa sai như thầy lang tốt lành đi từ làng này sang làng nọ để chữa trị bệnh tâm hồn nơi các hối nhân. Họ không chỉ đóng vai trò là lương y mà còn là người bạn dịu hiền, không chua cay gắt gỏng, là dấu chỉ giúp hối nhân nhận ra khuôn mặt nhân từ của Thiên Chúa.
Linh mục thừa sai khi được giao mục vụ ở những xứ truyền giáo cần lưu ý đến việc giáo huấn tín hữu về việc thống hối, bao gồm: sự sám hối; đào tạo lương tâm; ý thức về tội, cám dỗ, … Tuy nhiên, “tội” chỉ là một khía cạnh tiêu cực, điều quan trọng hơn là cần nêu bật khía cạnh tích cực của đời sống Kitô hữu. Điều đó có nghĩa là vị thừa sai giúp các tín hữu cải hoán não trạng theo tinh thần Phúc Âm và nỗ lực nên thánh hàng ngày. Các ngài sẽ giúp cho các Kitô hữu hiểu rằng, sứ vụ hòa giải không chỉ giới hạn trong phụng vụ bí tích, nhưng bao trùm trong mọi sinh hoạt hàng ngày: bằng lời cầu nguyện; bằng lời nói tha thứ cho nhau; bằng những hành động làm hòa trong tình bác ái và đối thoại. [9]
Việc giáo huấn tín hữu về thực hành sám hối, lãnh bí tích hòa giải còn được các linh mục thừa sai thực hiện rất tốt qua các tuần đại phúc. Trong Tông huấn Reconcialatio Et Poenitentia về hòa giải và sám hối, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng: “Các chủ chăn nhiệt tình và sáng kiến không thiếu dịp rao giảng huấn giáo hòa giải và sám hối trong tầm rộng lớn và khác biệt của nó, bằng cách lưu ý về sự dị biệt văn hóa và huấn luyện lòng đạo của những người mà các vị trình bày. Các bài Kinh Thánh, nghi thức thánh lễ và những bí tích khác, cũng như các cơ hội cử hành các bí tích thường cũng là cơ hội thuận tiện cho huấn giáo. […] Tôi muốn nêu bật sự quan trọng và hiệu quả của các tuần đại Phúc cho việc huấn giáo này. Nếu được thích nghi với nhu cầu riêng của thời đại, chúng có thể trở thành dụng cụ sáng giá để giáo dục đức tin, đặc biệt trong điều liên quan tới sám hối và hòa giải.”[10]
Đối với những vị thừa sai không là linh mục, họ là những thầy Tu huynh, dĩ nhiên họ không có chức thánh để ngồi tòa. Thế nhưng, trong các tuần đại phúc, họ vẫn có thể đóng vai trò sứ giả hòa bình, khi thăm viếng bệnh nhân, nói chuyện với giáo dân, thậm chí làm người hòa giải trong các cuộc tranh chấp hay hiểu lầm. Họ khuyến khích hối nhân đến tòa giải tội, hoặc có thể dẫn cha giải tội đến với những hối nhân khó khăn trong việc đi lại.
Còn đối với những chủng sinh Vinh Sơn, không những họ được đào tạo trở nên những thừa sai của Đức Kitô mà còn là chứng nhân của lòng “Thương Xót.”[11] Bởi thế, chủng sinh cần phải cố gắng thủ đắc những đức tính nhân bản, tri thức, khả năng mục vụ. Họ được huấn luyện tác vụ bí tích sám hối ngay từ những năm ở chủng viện, không những nhờ việc học thần học tín lý, luân lý, tu đức và mục vụ nhưng còn nhờ việc học các khoa nhân văn, huấn luyện về đối thoại, cách riêng là cách tiếp xúc trong lãnh vực mục vụ.[12] Họ được chuẩn bị kỹ càng cho việc ngồi tòa giải tội sau này.
3. Nhận Định Và Kết Luận
Bí tích hòa giải là bí tích tình yêu cho mọi người, trong mọi thời. Nơi bí tích hòa giải, hối nhân cảm nhận được tình yêu, lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha đối với những đứa con đi hoang biết quay trở về. Hối nhân đến tòa giải tội không đơn giản là xưng thú tội lỗi của mình với Chúa qua cha giải tội, nhưng là việc đến với Chúa để nhận lãnh ân sủng, điều mà mỗi người luôn luôn cần. Tâm điểm của việc xưng tội là Đức Giêsu, Đấng chờ đợi chúng ta, lắng nghe và tha thứ cho chúng ta. Trong trái tim Chúa Giêsu, con người chúng ta luôn quan trọng hơn những lỗi lầm.
Bí tích hòa giải là bí tích thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa. Qua dụ ngôn người cha nhân hậu,[13] Đức Giêsu cho thấy, người cha như bị khuất phục bởi niềm tin và lòng thương xót, ông bỏ qua tất cả để phục hồi địa vị cho con mình. Lòng thương xót phát sinh hoa trái hạnh phúc, ông lại có thể làm cha, có lại đứa con để yêu thương. Cũng thế, mỗi lần ta xưng tội và được tha thứ là mỗi lần Thiên Chúa lại có thể làm Cha yêu thương chúng ta.[14] Cha Vinh Sơn cảm nhận được lòng thương xót, sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho nhân loại lớn lao dường nào. Cha biết con người phải sớm giao hòa với Thiên Chúa và cần làm hòa với nhau. Bởi thế, trong các cuộc đại phúc, bí tích giao hòa là chìa khóa hữu ích được cha và các thừa sai dùng để mở ra rất nhiều cánh cửa nội tâm bị khóa kỹ từ lâu.
Nhận định cuối được trích từ Tông huấn Reconcialatio Et Poenitentia: các linh mục là những thừa tác viên của bí tích sám hối, nhưng cũng là hối nhân. Họ cần phải đón nhận những ơn phúc phát sinh từ bí tích hòa giải. Nếu như linh mục thờ ơ không đến với bí tích hòa giải một cách đều đặn và sốt sắng đích thực, đời sống của họ sẽ bị suy thoái.[15] Bởi thế, các linh mục, nhất là những linh mục thừa sai Vinh Sơn hãy yêu mến bí tích hòa giải, hãy năng ngồi tòa giải tội như một phương thế hữu hiệu để nên thánh trong tác vụ. Linh mục hãy nhớ rằng, ngài chỉ là đại diện của Thiên Chúa chứ không phải là Thiên Chúa. Linh mục mang thân phận mỏng dòn như bao người khác, cũng chẳng thánh thiện hay đạo đức hơn ai. Linh mục cũng trải qua những lúc nghi nan, tăm tối, không biết đâu là ý Chúa. Ý thức điều đó, các ngài sẽ tạo cho mình một tâm tình mến yêu và một thái độ đối thoại chân thành.[16]
Chắc chắn rằng, thi hành tác vụ bí tích hòa giải là điều khó khăn, tổn sức và đòi hỏi nhất đối với linh mục, nhưng cũng là một trong những tác vụ cao đẹp và an ủi nhất.[17] Riêng đối với các nhà thừa sai Vinh Sơn, bí tích tình yêu này là điều tất yếu trong sứ vụ truyền giáo. Họ được mời gọi thi hành tác vụ hòa giải cách trung thành và cần mẫn. Họ sẽ là những người mang Tin Mừng đến với muôn dân, sẽ là sứ giả hòa giải giữa con người với Thiên Chúa. Điều quan trọng là, họ bắt chước Đức Giêsu, vị mục tử nhân lành, và qua họ, hối nhân nhận ra khuôn mặt nhân từ của Thiên Chúa.
Giuse Nguyễn Đức Duy.
[1] Vùng đất thuộc lãnh thổ gia đình Gondi
[2] Là hình thức xưng tội tổng quát (mọi tội phạm từ khi còn nhỏ đến thời điểm xưng tội) phân biệt với hình thức giải tội tập thể.
[3] x. Fr José María Román C.M, Thánh Vinh Sơn Phaolô Tiểu Sử, Lm Phaolô Phạm Văn Trị chuyển ngữ, 122.
[4] x. SV. XI, 170.
[5] x. Ibid, 132-145.
[6] LC, I, 2.
[7] LC, X, 6.
[8] Phan Tấn Thành. OP, Những Bí Tích Chữa Trị, 153.
[9] x. Ibid, 184.
[10] Reconcialatio Et Poenitentia, số 26.
[11] Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót
[12] x. Reconcialatio Et Poenitentia, số 29.
[13] x. Lc 15,11-32
[14] x. Lm. Bernard Bro, Bí Tích Hòa Giải – Sách Đi Tìm Sự Tha Thứ, 19.
[15] x. Reconcialatio Et Poenitentia, số 31.
[16] x. Phan Tấn Thành. OP, Những Bí Tích Chữa Trị, 157.
[17] x. Reconcialatio Et Poenitentia, số 29.