Biểu Tượng Và Châm Ngôn Của Tu Hội Truyền Giáo

0
2412

Tác giả: John E. Rybolt C.M.
Dom. Trịnh Công Sơn chuyển ngữ

Dẫn nhập

            Có một câu hỏi được đặt ra là Tu Hội Truyền Giáo có biểu tượng và châm ngôn chính thức nào để tượng trưng hay không? Và như chúng ta đã biết, Tu Hội thường dùng một biểu tượng hình bầu dục (oval) có vòng khung viền quanh hình ảnh Chúa Giêsu đứng trên địa cầu, mặt Người hướng thẳng phía trước, hào quang tỏa chiếu quanh đầu, và đôi tay giang rộng xuống dưới. Biểu tượng này thường được sử dụng nhất nên trở thành thân thuộc với các thành viên của Tu Hội. Bài viết này sẽ giúp chúng ta thấy rằng hình ảnh quen thuộc này của Chúa Giêsu và câu châm ngôn Evangelizare pauperibus misit me (Ngài sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo) của Tu Hội đều đã có từ thời thánh Vinh Sơn. Tuy nhiên, việc sử dụng biểu tượng và câu châm ngôn này chung với nhau, nghĩa là hình ảnh biểu tượng hình bầu dục có câu châm ngôn viền quanh thì chỉ bắt đầu từ thế kỉ XIX.

Nguồn gốc của Biểu tượng

             Thánh nữ Louise de Marillac được xem như là tác giả đầu tiên của biểu tượng Tu Hội. (1) Bởi vì trong số những hình ảnh thánh mà thánh nữ đã vẽ, có một bức tiểu họa vẽ Chúa Giêsu Phục Sinh; trong bức họa này, thánh nữ đã vẽ Chúa Giêsu đứng trên một quả địa cầu hoặc trên đám mây, đầu Người tỏa chiếu hòa quang, gương mặt hướng thẳng phía trước, đôi cánh tay buông xuống, và trên vai trái của Người phủ một dải áo choàng. Hơn thế nữa, thánh nữ còn vẽ Người mang dấu tích của bốn vết thương: các lỗ đinh trên đôi bàn chân và đôi bàn tay mở rộng. Đáng tiếc rằng, bức tiểu họa này đã không được đề ngày tháng, và trong các bút tích của thánh nữ cũng không thấy nói gì về nó, tuy nhiên, bức tiểu họa này là nguyên bản của bức tranh “Thiên Chúa Bác Ái” (Lord of Charity) hiện còn được lưu giữ.

            Bức họa này miêu tả hình ảnh Chúa Giêsu đang đưa tay hướng tới những người nghèo bên dưới, với dụng ý bồi dưỡng thêm lòng đạo đức cho những thành viên Hội Bác Ái. Trong một bức thư, tạm thời được cho là viết vào tháng 8 năm 1647, thánh Louise đã viết cho thánh Vinh Sơn: “Nếu cha có bất cứ hình ảnh nào giống với bức Thiên Chúa Bác Ái trong các cuốn sách của cha, một cách khiêm hạ nhất, con xin cha hãy gửi cho con một bức.” (2) Nhưng những lời này trong bức thư cũng không nói lên được điều gì rõ ràng. Chúng ta chỉ có thể hiểu là có lẽ thánh Louise đang nói đến những hình ảnh thánh (holy pictures) thường được chèn vào trong một cuốn sách, hoặc là ngài đang nói đến các bản sao khác của bức tranh này. Điểm quy chiếu rõ ràng nhất về điều này được tìm thấy trong một bức thư khác, tạm cho là được viết giữa các năm 1640 và 1646. Trong bức thư, thánh nữ Louise đã viết cho một chị nữ tu: “Tôi gửi kèm những bức tranh này cho chị, đó là một bức tranh “Thiên Chúa Bác Áí” để treo trong căn phòng mà chị đón tiếp người nghèo, bức còn lại để treo trong phòng của chị.”(3)  Vào ngày 29 tháng 9 năm 1656, trong bức thư gửi cho cha Jean Martin từ Paris, rất có thể cha Vinh Sơn đã nói đến với những bức tranh tương tự: “Chúng tôi sẽ gửi cho cha những bức tranh về Hội Bác Ái mà cha đã yêu cầu”. (4) Vì từ “hình ảnh” (image) thường được dùng để nói đến những bản sao nhỏ, nên chúng ta cũng không biết liệu có phải thánh Vinh Sơn nói đến chúng hay là nói đến sáu hoặc nhiều hơn những bức vẽ lớn khác mà hiện nay vẫn còn được lưu giữ. Nhưng điều cần lưu ý là trong số những bức tranh Thiên Chúa Bái Ái này, không có bức nào có câu châm ngôn hiện tại của Tu Hội.

Sử dụng Biểu tượng làm con dấu              

            Cuộc nghiên cứu những dấu sáp trên các bức thư mà thánh Vinh Sơn đã viết và những con dấu đầu tiên khác đã cho thấy rằng hình ảnh Thiên Chúa Bác Ái đã được chọn làm con dấu của Tu Hội Truyền Giáo, nhưng trong hình ảnh đó không có bốn dấu đinh. Dòng chữ trên những con dấu này liên quan tới người hay Nhà (cộng đoàn) sử dụng con dấu, chẳng hạn như SUPERIOR GENERALIS. CONGREG. MISSIONIS. Theo các tài liệu hiện còn, lần đầu tiên thánh Vinh Sơn sử dụng con dấu này là trong bức thư được viết vào ngày 31 tháng 3 năm 1641. Từ những năm 1650 thì việc sử dụng các con dấu tương tự như vậy trong các Nhà (cộng đoàn) khác được phổ biến.

Đến thời cha René Almeras kế vị thánh Vinh Sơn, ngài đã điều chỉnh lại các vấn đề về con dấu. Ngài đã nói về việc đó trong bức thư luân lưu đề ngày 4 tháng 8 năm 1670,  kèm theo Bản Quy Chế đã được Tổng Công Hội năm 1668 duyệt lại. Tuy nhiên, ngài chỉ mô tả dòng chữ chứ không mô tả con dấu, và ngài cũng không nói đến vấn đề câu châm ngôn.

Chúng ta cần lưu ý rằng, trong bản in khắc được làm vào năm 1658 để in trang bìa của cuốn Luật Chung không vẽ con dấu hay câu châm ngôn, và trong các bản quy luật hay các tài liệu ban đầu khác cũng không buộc phải sử dụng chúng. Tuy nhiên, cha Firmin Get, Bề trên ở Marseille đã viết thư thỉnh cầu đấng sáng lập Tu Hội cho phép trưng bày huy hiệu của Tu Hội trên một tòa nhà mới và ngài đã nhận được hồi đáp như sau: “Très volontiers je trouve bon que vous fassiez mettre sur la porte de votre nouveau bâtiment les armes dont vous m’avez envoyé le modèle.” (5) [“Tôi rất sẵn lòng chấp thuận việc cha đặt huy hiệu trên cửa chính của tòa nhà mới, như mẫu mà cha đã gửi cho tôi.”] Hiện nay, tờ giấy mỏng manh mà cha Get đã gửi cho thánh Vinh Sơn, với hình vẽ của huy hiệu và câu châm ngôn, có thể vẫn còn được lưu giữ trong văn khố của Nhà Mẹ Tu Hội Truyền Giáo. Theo kiểu dáng truyền thống, huy hiệu này không mang hình bầu dục giống như các con dấu nhưng là hình chữ nhật. Trong hình vẽ này, câu châm ngôn được viết trong một dải băng nằm ở phía dưới chiếc khiên, và không bao quanh hình ảnh trên chiếc khiên. Theo như trong bức thư này thì có vẻ như cha Get là người thiết kế biểu tượng, nhưng những bức thư sau này lại cho thấy những điều khác. Có thể khi hồi đáp cho cha Get, những gì mà thánh Vinh Sơn muốn nói là ngài đã chấp thuận việc sử dụng hình ảnh biểu tượng truyền thống được lấy từ các con dấu, làm thành huy hiệu và thêm vào câu Kinh Thánh.

Nguồn gốc câu Châm ngôn của Tu Hội

Cho đến bây giờ, không có tài liệu nào nói về nguồn gốc câu châm ngôn của Tu Hội Truyền Giáo. Cha Louis Abelly, người đầu tiên viết tiểu sử thánh Vinh Sơn đã không đề cập đến việc lựa chọn câu châm ngôn cho cả Tu Hội cũng như cá nhân đấng sáng lập. (6) Có thể cha Firmin Get là người đã chọn câu châm ngôn ( xem thư 1872 ở trên), nhưng điều này cũng không chắc chắn nên việc tìm hiểu điều này càng trở nên quan trọng . Thánh Vinh Sơn thường xuyên bàn luận về câu Kinh Thánh có nguồn gốc từ sách Isaiah và được trích từ Tin Mừng Luca 4, 18, “Evangelizare pauperibus misit me” (“Ngài sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo”), nhưng ngài đã không tuyên bố rằng câu này tóm tắt toàn bộ linh đạo của ngài. (7) Trong thư giới thiệu Luật Chung của Tu Hội, ngài đã ám chỉ đến câu châm ngôn: “Lý tưởng của tôi là được làm người tiếp nối sứ mạng của Đức Kitô, sứ mạng đó chính là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó [“quae potissimum in Pauperum Evangelizatione consistit”] nên tôi phải nhìn mọi việc theo nhãn quan của Người và ước muốn những gì Người muốn”. Tuy nhiên, điều này cũng không giống với việc lựa chọn một câu châm ngôn. (8)

Trong bản in khắc “Cha Vinh Sơn Phaolô, đấng sáng lập và Bề Trên tiên khởi của Tu Hội các Linh mục giảng đại phúc” của Hérault từ cuối thế kỷ XVII, câu Kinh Thánh “Evangelizare pauperibus misit me etc. Luc c.4.” đã được thêm vào trong phần ghi dòng chữ phía dưới bức chân dung của ngài (9). Điều này chỉ có thể chứng tỏ đã có một ai đó, chẳng hạn như Hérault, đã liên kết câu này với thánh Vinh Sơn Phaolô. Tuy nhiên, như vậy cũng có thể cho thấy việc liên hệ câu Kinh Thánh đó với đấng sáng lập Tu Hội đã được sử dụng rộng rãi hơn.

Ngưng sử dụng và Khôi phục

Trong thời kì trước Cách mạng Pháp, người ta chỉ sử dụng biểu tượng hình bầu dục hoặc các con dấu hình tròn trong thư từ và tài liệu. Bởi vì con dấu được dùng cần phải tượng trưng cho quyền lực nên câu châm ngôn không được dùng chung với nó. Câu Kinh Thánh này chỉ được khắc trên hình cuốn sách nằm ở phần bàn chân của thánh Vinh Sơn trong bức tượng lớn mà nhà điêu khắc Pietro Bracci (1700 – 1773) đã tạc để đặt trong Đền thờ Thánh Phêrô tại Vatican vào năm 1754.

Mặc dù trong biểu tượng được dùng làm con dấu không thấy có câu châm ngôn này, tuy nhiên, trong thế kỷ XVIII còn có hai câu Kinh Thánh khác liên quan tới thánh Vinh Sơn Phaolô. Những câu Kinh Thánh này được thấy trong các bản in khắc, các bức tranh và các hình ảnh đạo đức khác nhau. Có lẽ những câu này được sử dụng như những khẩu hiệu (slogan) hơn là châm ngôn (motto). Câu thứ nhất và cũng là câu phổ biến nhất là CHARITAS CHRISTI URGET NOS, [“Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi”]. (10) Mặc dù thánh nữ Louise đã dùng một cách diễn tả khác khi chọn câu Kinh Thánh này làm châm ngôn cho Tu Hội Nữ Tử Bác Ái (“Tình yêu Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh thúc bách chúng tôi”) thì câu Kinh Thánh này cũng được dùng để tưởng nhớ lòng yêu mến của thánh Vinh Sơn với bác ái thiết thực.

Câu thứ hai được dùng như một châm ngôn là AD SALUTEM PAUPERUM ET CLERI DISCIPLINAM, [“vì ơn cứu độ cho người nghèo và việc đào tạo hàng giáo sĩ”]. Câu này được lấy từ những bút tích của thánh Vinh Sơn được sưu tập sau khi ngài được phong thánh và được thấy trong một vài bản in khắc trong thời kỳ này.

Ngay sau Cách mạng Pháp, vấn đề đặt biểu tượng và châm ngôn của Tu Hội Truyền Giáo không còn cần thiết và cũng không được quan tâm nhiều. Hơn thế nữa, hình ảnh biểu tượng có hay không có câu châm ngôn cũng không còn được in trên các trang bìa của các cuốn sách chính thức của Tu Hội được in ở Pháp.  Các biểu tượng đó cũng không được vẽ trong các tác phẩm của Thầy François Charbonnier, họa sĩ của Nhà Mẹ, làm việc trong những năm 1840. Không nói đến các điểm truyền giáo ở hải ngoại, thì trên khắp cả Châu Âu, chẳng hạn như ở Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan, người ta không thể tìm thấy những bản vẽ mẫu có nguồn gốc từ những biểu tượng đầu tiên của Tu Hội. Thay vào đó, người ta bắt đầu sử dụng hình ảnh hai ký tự SV lồng vào nhau. Vào năm 1830, hình ảnh hai ký tự SV này được gắn trên chiếc quan tài mới, được làm để đựng thi hài của đấng sáng lập và trên bàn thờ của Nhà Mẹ. Sau đó, hình ảnh này còn được in trên những trang bìa của những cuốn sách, trên đầu các bản văn thư, và thình thoảng cũng được các Nhà (cộng đoàn) dùng làm con dấu.

Vào thời của cha Jean – Baptiste Étienne (1843 – 1874) làm Bề Trên Tổng Quyền, khi Tu Hội ngày càng quy củ hơn thì việc làm biểu tượng cho Tu Hội bắt đầu phát triển trở lại. Trong các Tỉnh Dòng lâu đời, con dấu của Giám Tỉnh hay của Tỉnh Dòng được khôi phục để tiếp tục sử dụng hoặc được thay thế bằng con dấu khác, còn các Tỉnh Dòng trẻ thì được làm các con dấu mới. Biểu tượng được khôi phục cũng được dùng trong việc trang trí nhà nguyện của Nhà Mẹ, nhưng không có câu châm ngôn nào, thay vào đó là hàng chữ lớn trong nhà nguyện: PERTRANSIIT BENEFACIENDO [“Người thi ân giáng phúc” ]. (11)

Tuy nhiên, mặc dù có sự khôi phục như vậy nhưng trong các văn kiện của các Tổng Công Hội cũng như biên bản các kỳ họp Tổng cố vấn ở thế kỷ XIX vẫn không thấy có bất cứ điều gì nói đến việc chính thức thừa nhận sử dụng biểu tượng và châm ngôn làm con dấu. Có lẽ, phải nhờ đến việc Tu Hội Nữ Tử Bác Ái sử dụng biểu tượng và câu châm ngôn thường được in trên các trang bìa của các cuốn sách chính thức của họ từ năm 1852 thì Tu Hội Truyền Giáo mới được thúc đẩy để thừa nhận biểu tượng và châm ngôn của mình. (12)

Có một điều khác cũng ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng biểu tượng và câu châm ngôn của Tu Hội là những bản in khắc Mẫu Ảnh Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ. Nhìn từ xa thì gần như không phân biệt được biểu tượng của Tu Hội Truyền Giáo với Mẫu Ảnh Đức Mẹ Hay Làm Phép Lạ. Cách nào đó, nếu hình dáng mẫu ảnh được mô phỏng theo hình dáng biểu tượng của Tu Hội thì rất có thể việc Tu Hội sử dụng biểu tượng và câu châm ngôn cùng với nhau cũng được gợi hứng từ mẫu ảnh.

Lần đầu tiên việc sử dụng châm ngôn viền quanh biểu tượng được biết đến là ở ngoài Châu Âu, trong các thành viên của Tỉnh Dòng Hoa Kỳ. Vì thấy cần phải đồng nhất với nhau hơn, các thành viên của Tỉnh Dòng Hoa Kỳ đã in biểu tượng và câu châm ngôn trên đầu các bản văn thư bằng nhiều cách khác nhau. Trong những hình mẫu thử nghiệm này không có hình nào được làm theo biểu tượng hình bầu dục đầu tiên có câu châm ngôn đã có từ năm 1862. Biểu tượng này được in trên đầu các bản văn thư soạn thảo cho Tỉnh Dòng và cho các Nhà bởi nhà in Murphy ở Baltimore. Vì các bản văn thư của Hoa Kỳ được phổ biến rộng rãi hơn nên có thể cho rằng những nơi khác đã làm theo mẫu của họ. (13)

Lần đầu tiên việc sử dụng biểu tượng cùng với câu châm ngôn được biết đến ở Pháp là vào năm 1870, trên một tấm giấy da thiếp vàng được chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm tuyên khấn và 27 năm được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền của cha Étienne. Biểu tượng với câu châm ngôn này được làm theo một bản in khắc của họa sĩ Dumont trong một ấn bản chính thức có từ năm 1876. (14) Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa thể biết Tỉnh Dòng Pháp đã tự triển khai mẫu biểu tượng cho mình hay lấy mẫu từ phiên bản biểu tượng của Tỉnh Dòng Hoa Kỳ, nhưng dường như rất có thể mẫu biểu tượng trên các văn thư của Tỉnh Dòng Hoa Kỳ đã được các Tỉnh Dòng khác bắt chước. Từ năm 1876, biểu tượng có câu châm ngôn của họa sĩ Dumont bắt đầu được sử dụng rộng rãi, nó được thấy trong Catalogue des Maisons et du Personnel, và trên bìa của cuốn Annales de la Congrégation de la Mission. Tuy nhiên, mẫu biểu tượng mới cũng được thấy trong hình dạng của huy hiệu đã được nói trên đây, và hai mẫu biểu tượng này cũng đã được luân phiên sử dụng trong một số ấn phẩm chính thức. (15)

Việc sử dụng biểu tượng hiện nay, Ý nghĩa Thần học

Ngày nay, có nhiều cách khác nhau để sử dụng biểu tượng cùng với câu châm ngôn. Tuy nhiên, Tu Hội không chính thức dùng một “logo” nào. Thay vì vậy, Tu Hội cùng sử dụng một số phiên bản biểu tượng khác nhau.

Việc sử dụng biểu tượng và câu châm ngôn cũng mang ý nghĩa Thần học: những ai bước theo thánh Vinh Sơn có thể được an ủi và mạnh mẽ khi đồng hóa mình với Đức Giêsu, Đấng đã được sai đến để rao giảng Tin Mừng, Đấng được chúc tụng nhưng vẫn đang còn chịu tổn thương. Câu Kinh Thánh “Ngài đã sai tôi” có thể được cá vị hóa thành một ơn gọi truyền giáo và một niềm khích lệ đức tin.


(1) Đây cũng là kết luận của E. Didron, “Louise de Marillac et le Sacré Coeur,” Petits Annales de Saint Vincent de Paul 1:6 (15 /6/ 1900) 174.

(2) Spiritual Writings of Louise de Marillac. Correspondence and Thoughts. ( Louise Sullivan biên dịch), Brooklyn: New City Press, 1991, tr. 224. Coste 3:254, thư 999; Coste xác định thư này được viết vào tháng 10 năm 1647.

(3) Bút tích thiêng liêng của thánh Louise (Spiritual Writings) tr. 334 (Thư số 3.)

 (4) Coste, 6:98; thư 2150.

(5) Coste, 5:379, thư 1872,  ghi chú số 2, viết ngày 14 /5/ 1655. Mẫu con dấu này được miêu tả như trong Armorial de Marseille của Godefroi de Montgrand, và trong H. Simard, Saint Vincent de Paul et ses oeuvres à Marseille (Lyon: E. Vitte, 1894), tr. 96.

 (6) Tuy nhiên, cha Abelly nhận xét như sau: “Chúng ta có thể nói thật rằng chúng ta đã không nhận ra nó, ngài [thánh Vinh Sơn] đã để lại cho chúng ta một bức họa miêu tả toàn bộ cuộc đời ngài và một kiểu câu châm ngôn, khi ngài nói rằng: “Không có gì làm tôi hài lòng ngoài việc ở trong Đức Giêsu Kitô” (Abelly, Cuộc đời thánh Vinh Sơn, tập 1, tr. 103.)

(7) Xem bài nói chuyện 180, về những quy luật, ngày 17/5/1658, về cuộc thảo luận câu châm ngôn này (Coste 12: 3ff); bài nói chuyện 195, ngày 6/12/1658, về kết cục của Tu Hội (Coste 12: 90ff); bài nói chuyện 216, 7/ 11/ 1659, về các lời khấn (Coste 12:367f.); bài nói chuyện 19, (Coste 11:32), and bài nói chuyện 86, 29 / 10 / 1638, về đức Kiên định (Coste 11:108ff.). Dù câu này được trích từ bản dịch Kinh Thánh tiếng La tinh (Vulgata), nhưng trong các bản gốc ( bằng tiếng Hipri, Hy Lạp ) và các bản dịch hiện đại thì câu này được phân chia kiểu khác  “…vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha…”

 (8) Những quy chiếu khác cũng có trong Luật Chung 1,1: “quando evangelizavit pauperibus,” evangelizare pauperibus, maxime ruricolis.”

(9) Chalumeau papers, C613, Hérault,Văn khố của Tu Hội Truyền Giáo, Paris.

 (10) 2Cr 5, 14.

(11) Cv 10, 38.

(12) Prières extraites du formulaire à l’usage des Filles de la Charité, Paris, 1852.

 (13) The American text sometimes reads: EVANGELIZARE PAUPERIBUS MISIT ME DEUS. CONG. MISS.

(14) Acta Apostolica… in Gratiam Congregationis Missionis. (Paris, 1876).

(15) Việc sử dụng kết hợp biểu tượng của Tu Hội Truyền Giáo và Tu Hội Nữ Tử Bác Ái, cùng với hình ảnh hai ký tự VS hay đôi khi là AM lồng vào nhau dường như chỉ bắt đầu từ cuối những năm 1930.