Câu chuyện mục vụ: lắng nghe tiếng khóc người nghèo

0
874

Dưới đây là những câu chuyện có thực, mới diễn ra gần đây, do cha Danny Pilario CM, Khoa trưởng Phân khoa Thần học của trường Đại học Adamson kể lại, về chuyến mục vụ cuối tuần của cha tại Payatas. Payatas là một thị trấn nhỏ, ngoại ô của thủ đô Manila, Philippines. Thị trấn này chính là nơi tập kết rác của toàn thành phố cả mấy chục năm qua và những núi rác khổng lồ này, đã trở thành nguồn nuôi sống cho hàng ngàn con người và gia đình nghèo tại đây qua nghề bới rác. Vì tính chất như thế, nên nơi đây chứa đủ mọi hạng người từ kẻ tốt lành, đến mọi thành phần bất hảo trong xã hội.

Ai đã từng đến bãi rác này chắc không khỏi chạnh lòng về những con người ở đây, và đôi lúc tự hỏi, họ có phải là con người hay không? Họ là những người nghèo không nhà cửa, đất đai, không học thức và thậm chí không căn cước, đến từ nhiều vùng của Phi Luật Tân, để bới rác “kiếm ăn” và kiếm sống. Những căn lều và những ngôi nhà trên và xung quanh bãi rác, chỉ là một sự tạm bợ chắp vá nào đó và những con người thì như những bóng ma di động kiếm ăn từng ngày, trẻ em thì thất học và lâm vào nhiều tệ nạn.

Thế những, trong hoàn cảnh ấy, có rất nhiều các tổ chức xã hội, các dòng tu đã thành lập các cộng đoàn quanh khu vực này, như một dấu chỉ hiện diện và để thuận tiện trong việc phục vụ người nghèo tại đây. Cha Pilario, CM là một trong những con người ấy. Cha đã đồng hành với những người nghèo này từ khi còn là chủng sinh và đến nay cũng đã gần 20 năm. Cứ vào mỗi cuối tuần, cha đã vượt quãng đường vài chục cây số để đến với họ. Cha cử hành thánh lễ với họ, cử hành các bí tích và viếng thăm các gia đình. Không biết là cha đã chứng kiến biết bao nhiêu hoàn cảnh và nỗi khổ của những người dân bãi rác này, nhưng có một điều là cha đã không bỏ họ qua những biến cố ấy. Cha đến để lắng nghe lời than thở đầy nước mắt của họ và mang đến cho họ lời ủi an và sự động viên. Hiện tại ngoài các dự án về giáo dục, thì cha còn đang phụ trách về dự án dạy may (SOW) để hỗ trợ (Support) các trẻ mồ côi (Orphans) và góa bụa (Widows) có thêm thu nhập và ổn định cuộc sống.

Là một thần học gia Châu Á, một giáo sư tầm cỡ, nhưng cha đã cúi xuống và lắng nghe tiếng khóc của những người nghèo này. Cha đã đồng cảm và chia sẻ những bất công mà họ đang phải chịu, vì cấu trúc chính trị đang tồn tại ở đất nước này. Một linh mục Tu Hội Truyền Giáo đã chọn cách làm thần học của mình từ ngoại biên, từ những thực tại của những người nghèo, mà cụ thể ở đây là những con người đang sống trên núi rác và qua đó, cha đã nâng cao phẩm giá của họ và làm cho họ cảm nhận được tình thương của Chúa, dù trong cơn tuyệt vọng.

Đây là những câu chuyện gần đây nhất đã được cha kể lại:

Câu chuyện thứ nhất:

Khoảng lúc 00:30 rạng sáng ngày 7 tháng 2 năm 2020, có khoảng mười thằng thanh niên cưỡi trên năm chiếc xe máy, chúng dừng lại bên lề đường ở khu 3, thị trấn Payatas B, Thành phố Quezon, chúng đều mặc áo khoác có mũ trùm đầu, cố ý để che mặt. Trong khi sáu tên kia đứng canh chừng bên lề đường, thì bốn tên còn lại có vũ trang đã vào gõ cửa nhà của Eduardo Abuyen. Khi Eduardo – một kỹ thuật viên điện thoại di động – mở cửa, anh ta bị một tên dí khẩu súng vào đầu và đã bắn ngay một phát vào mang tai anh ta. Đứa con gái của anh, đang mang thai, 14 tuổi, thì đang ngủ. Khi nghe tiếng súng nổ, cô bé thức giấc và thấy cha mình đã nằm bẹp trên sàn nhà. Cô bé vẫn nhìn thấy những người đàn ông có vũ trang ở đó, khi họ từ từ bước ra khỏi nhà và rồ xe đi. Chúng không vội vàng. Cô bé chạy ra ngoài, la hét cầu cứu từ những người hàng xóm còn đang ngủ.

Báo cáo của cảnh sát mà sau đó cô nhận được từ đồn cảnh sát đã nói rằng: cô đã nhìn không thấy 10 người đàn ông có vũ trang này, mặc dù cô đã thuật lại điều đó với cảnh sát hình sự.

Tại sao phải xóa những sự thật này? Chúng ta đang cố gắng che giấu điều gì? Tôi tự hỏi.

Chồng cô bé (18 tuổi), lúc ấy đang ở trong nhà vệ sinh thì chuyện này xảy ra, nên đã núp ở đó vì sợ bị bắn tiếp. Nhưng anh đã nghe thấy tiếng bố vợ cầu xin những kẻ giết mình với một vài từ mà anh nghe loáng thoáng: xin đừng bắn, làm ơn. Nhưng chúng đã cố tình hạ sát ông bố tội nghiệp đó, ba phát vào ngực và một phát vào đầu.

Khi tôi đã đang nói chuyện với gia đình trong ngôi nhà nhỏ của họ (nếu bạn gọi nó là một cái nhà), tôi cảm thấy một nỗi buồn và nỗi đau đớn thê thảm. Philippines đã thực sự trở thành một quốc gia của sự giết chóc. Chỉ có những người nghèo bị giết và họ không biết phải đi đâu để cầu cứu. Cho đến bây giờ đã là ba năm (kể từ ngày tổng thống Philippines phát động của chiến tranh thuốc phiện), chúng tôi đang lắng nghe những câu chuyện và hành trình với các nạn nhân, và chúng tôi cũng không biết tìm công lý ở đâu. Các cấu trúc pháp lý của xã hội này đã không giúp ích gì cho họ. Chẳng có ai làm gì để giải quyết những vụ giết người này. Những người mà chúng tôi đóng thuế để bảo vệ chúng tôi thì đang giết chúng tôi. Và Tổng thống đã xúi dục các kẻ tòng phe với ông, triệt hạ những con người này.

Tôi cảm thấy lời Thánh Vịnh như đang muốn nói dùm chúng tôi: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?” (Tv 121, 1).

Câu chuyện thứ hai:

Sau thánh lễ Chúa Nhật hôm nay, một nhóm các góa phụ của các nạn nhân EJK (“extrajudicial killings – giết mà không thông qua quá trình phân xử và kết án) ở Payatas đã đến viếng xác các nạn nhân mới. Họ cũng đã chào đón gia đình của các nạn nhân mới này, trong cuộc họp hàng tuần của họ vào ngày hôm qua. Họ vẫn còn nhớ quãng thời gian không ai đến canh thức những người thân yêu của họ. Đó là một kinh nghiệm đau đớn và họ muốn làm dịu nỗi đau của những góa phụ và các bà mẹ mới này. Sau một năm bình an tại Payatas, nay có thêm ba nạn nhân mới trong tuần vừa rồi. Tôi đã đến viếng hai đám rồi và tôi vẫn phải đi viếng đám thứ ba.

Vicente Rufino, 37 tuổi, vừa mới ra tù tháng 12 năm 2019. Anh ta bị bắt một năm rưỡi trước đó, vì nghi sử dụng ma túy. Nhưng anh đã được thả ra, vì cảnh sát đã không có được bằng chứng, để có thể kết tội anh ta. Anh trở về nhà với một người vợ rất ốm yếu, đang bệnh ung thư ở giai đoạn cuối. Chị ta đang ở trong bệnh viện thì Vicente bị giết ngay trong con hẻm chật chội, nơi dẫn đến một căn phòng rất nhỏ của anh ở cuối dãy. Hai người đàn ông có vũ trang đã đập cửa phòng của anh ta, và kết liễu anh ta bằng bảy viên đạn vào ngày 29 tháng 1 năm 2020. Một tên khác có vũ trang chịu trách nhiệm khống chế em gái của anh ta, ở một phòng khác với một khẩu súng chĩa thẳng vào đầu cô. Không một ai khóc để cầu cứu. Tất cả im lặng đến đáng sợ!

Em trai của Vincent đã bị bắt giữ một tuần trước đó. Bây giờ anh ta vẫn còn ở trong tù. Vincent là một thợ hồ trẻ, làm việc gần khu vực bãi rác này. Vincent chết mà không gặp mặt vợ, con gái và anh trai.

Câu chuyện thứ ba:

Dante Red là cha của ba đứa con còn rất nhỏ – đứa nhỏ nhất là Soc, chỉ mới vài tháng tuổi. Mấy người bạn đã đến nhà rủ anh đi nhậu lúc 9 giờ tối ngày 30 tháng 01 năm 2020. Trong khi đi tiểu ở bên đường, các tay súng đang cưỡi trên chiếc tandem, đã kết liễu anh ta bằng những phát súng liên hồi và 27 viên đạn được thu hồi trong tử thi của anh sau đó. Chúng ném shabu (thuốc phiện) vào xác chết của anh ta và rồ xe đi. Mẹ anh nói rằng anh không bao giờ nghiện ma túy.

Chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện chân tình với các bà mẹ, góa phụ và hàng xóm trong lúc canh thức. Đây là một số câu nói mà tôi thường phải nghe trong tiếng nấc của họ.

Chúng con vẫn chưa biết phải chôn như thế nào. Chi phí cho đám ma rất mắc. Ai cũng sợ, chẳng ai chơi bài để giúp chúng con – người ta sẽ chơi bài khi canh thức người chết, người thắng trong song bài sẽ cúng toàn bộ số tiền ăn bài cho gia đình – đây là một nét văn hóa tang ma của những người nghèo ở Phi Luật Tân.

Bây giờ nó có lệnh mới là giết hết những kẻ nào mới ra tù!

Chỉ có cảnh sát bắn chứ không có ai!

Chúng thưởng cho những tay giết mướn khoảng 20,000 pesos cho mỗi đầu người bị bắn (khoảng 8 triệu vn), có những giá cao hơn tùy thuộc vào nạn nhân.

Nếu con con được ra tù, xin cha vui lòng giúp nó ẩn nấp, bây giờ nguy hiểm lắm!

Trong khi chúng tôi đang trò chuyện, tôi để ý có một con gà con được để trên nắp quan tài. Tôi đã từng nhìn thấy như vậy ba năm trước và trong tất cả những buổi canh thức của EJK ở đây, từ sau ngày đó. Khi tôi hỏi tại sao họ lại làm như vậy. Mấy người mẹ đã nói rằng, giống như con gà nó cố gắng bới để nhặt những hạt gạo, chúng con cũng hy vọng Chúa cũng đánh thức lương tâm của những kẻ giết người ấy. Chúng con biết Chúa sẽ mang đến cho chúng con lẽ phải.

Tất cả những nạn nhân đều có một con gà con – đó là cách họ xin Chúa về sự can thiệp của Ngài để trả lại công bình trên thế gian này.

Cái chính quyền này luôn là một nguy cơ cho mạng sống của dân chúng. Có một nạn nhân Trung Quốc chết vì virus corona ở Philippines, thì tất cả báo chí đều hoảng hốt và cảnh báo ầm ĩ và thật đúng như thế.

Nhưng đừng chỉ nghĩ về điều ấy. Chúng tôi, đã có hơn 33.000 người dân Phi khác đã bị giết vì chiến dịch ToKhang (cuộc chiến chống thuốc phiện) trong ba năm qua. Những vụ giết chóc này thì đang tiếp tục và xã hội thì chăng bao giờ bận tâm về điều đó!

Nhưng những góa phụ thì biết hết mọi sự và họ nói đúng “bây giờ nguy hiểm lắm.” Xin Chúa đến và cứu chúng con.

Tổng thống Duterte đã từng đe dọa trong bài phát biểu của ông chỉ bốn tháng trước đây: “nếu đứa nào mà nghiện ngập… dù Liên Hiệp Quốc có biết, thì những tên ấy cũng không có đường sống, tôi không sợ ai hết.”

Nhưng, những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã vang lên trong hoàn cảnh tại Payatas: “thật không may, thứ bị vứt đi không chỉ là thức ăn và những thứ không cần thiết, mà thường chính con người cũng bị bỏ đi như thế, người mà đã bị coi như một thứ gì đó không cần thiết” (Giáo Hoàng Phanxicô, ngày 13 tháng 1 năm 2014).

Đấy là những câu chuyện có thật, và tương tự như thế, đang diễn ra hằng ngày tại đất nước phần đông Công Giáo này. Mạng sống người nghèo đã bị coi như một thứ “dịch tễ” cần phải loại trừ, để mệnh danh cho cái “làm sạch quốc gia”. Người nghèo đang kêu van Chúa và họ mong Ngài sẽ nhậm lời, vì Thiên Chúa lắng nghe tiếng khóc của người nghèo: “Chúa đối đầu với quân gian ác, xoá nhoà tên tuổi chúng trên đời, nhưng để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu” (Tv 34, 16-17).

Để biết rõ hơn về cuộc chiến bất công này, xin xem thêm tư liệu (tiếng Anh) do Tổ Chức Nhân Quyền nước này cung cấp.

Manila, February 2020
Pt. Phêrô phạm Minh Triều, CM