Cầu nguyện theo linh đạo Vinh Sơn

0
2346

Javier Álvarez Murguía, CM

Giới thiệu

Tôi cảm thấy rất thích thú khi chuẩn bị bài suy tư về “Cầu nguyện theo linh đạo Vinh Sơn” cho các nữ tu của Học Viện Vinh Sơn Châu Á. Tôi nghĩ rằng đã tập hợp những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc đời và giáo huấn của thánh Vinh Sơn liên quan đến chủ đề này, theo những gợi ý của Sơ Tổng Cố Vấn Julma Neo.

Bây giờ tôi mời bạn đọc chậm bài này, lưu tâm đến những phần thu hút sự chú ý của bạn và tự hỏi tại sao chúng thu hút. Khi bạn suy gẫm về bài này, đừng bao giờ đánh mất cái nhìn về khía cạnh Thánh Vinh Sơn là một thầy dạy cầu nguyện, không chỉ qua lời dạy mà trên hết là cách sống của thánh nhân. Đặc biệt bạn hãy dành thời gian để đọc nhiều trích dẫn từ Thánh Vinh Sơn mà tôi cung cấp, để qua đó, cố gắng tưởng tượng và khám phá kinh nghiệm cầu nguyện của thánh nhân. Cuối cùng, khi đọc, bạn hãy luôn chất vấn chính mình liệu các khía cạnh khác nhau của việc cầu nguyện mà bạn đang khám phá có hợp với thời đại của chúng ta không. Ngoài ra, hãy tự hỏi nên làm thế nào để việc cầu nguyện theo linh đạo Vinh Sơn trở nên thích nghi với bối cảnh văn hóa xã hội hiện nay tại đất nước của bạn. Hãy tận hưởng hành trình!

Kinh nghiệm cầu nguyện của thánh Vinh Sơn

Không có gì mới khi nói rằng thánh Vinh Sơn là một người cầu nguyện. Kể từ thời sử gia Abelly, điều này đã được tái khẳng định theo nhiều cách khác nhau. Hơn nữa, đây luôn là một trong những kết luận trực tiếp của bất kỳ độc giả nào tiếp xúc với thư tín và bài viết của thánh nhân.

Và đúng như vậy, thánh Vinh Sơn đã được trao tước hiệu “vị thầy cầu nguyện.”[1] Trong suốt bài này, chúng ta sẽ xem xét những lời dạy phong phú của thánh nhân, vẫn còn được áp dụng cho đến ngày hôm nay. Tuy nhiên, bởi vì cầu nguyện chủ yếu là một đề tài về trải nghiệm, chủ thể cầu nguyện chắc chắn được Thiên Chúa nâng lên. Dường như không thể là một thầy dạy cầu nguyện mà trước tiên không phải là người cầu nguyện. Kinh nghiệm và lời dạy liên hệ với nhau đến mức “ở trong người ấy, lời dạy không gì khác hơn là một sự diễn tả và là một sản phẩm của kinh nghiệm, là việc cụ thể hóa và minh định lời dạy của mình.”[2] Trước khi thánh Vinh Sơn được gọi là “vị thầy cầu nguyện”, chúng ta phải giả định rằng kinh nghiệm cầu nguyện của thánh nhân đã tiến triển theo nhịp điệu phù hợp với quá trình biến đổi của chính thánh nhân, bắt đầu từ năm 1617. Tác giả Dodin đảm bảo với chúng ta rằng bắt đầu từ năm này, trọng tâm lời cầu nguyện của thánh Vinh Sơn đã thay đổi: thánh Vinh Sơn không còn ích kỷ, nhưng mở lòng mình ra với ý muốn của Thiên Chúa; đồng thời việc chuyển cầu cho người nghèo ngày càng nhiều hơn cho đến khi nó vượt qua những lợi ích của chính ngài.[3]

Trong giai đoạn “chín mùi của các sáng kiến”, thánh Vinh Sơn đã để lại cho chúng ta rất ít những suy niệm thiêng liêng, đến mức chúng ta hầu như không biết gì về những kinh nghiệm nội tâm của thánh nhân. Không có gì ngoại thường nơi việc cầu nguyện của thánh Vinh Sơn, do đó sử gia Abelly – một người chứng kiến tận mắt ba mươi năm cuộc đời thánh Vinh Sơn – nói về thánh nhân: “Chúng ta chưa thể khám phá chính xác phương thức cầu nguyện mà Cha Vinh Sơn đã sử dụng, là phương thức bình thường hay phi thường. Với lòng khiêm nhường, Cha Vinh Sơn luôn che giấu hết sức có thể những ân huệ mà thánh nhân đã nhận được từ Thiên Chúa.”[4] Nhiều khi, sự nhạy cảm quá mức của khiêm nhường khiến thánh nhân nghĩ rằng công việc của mình sẽ không được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, nhiều dữ kiện gián tiếp bộc lộ cho chúng ta thấy cuộc sống nội tâm của thánh nhân. Chẳng hạn, thánh Vinh Sơn lặp đi lặp lại trong các hoàn cảnh khác nhau rằng:“một Nữ tử Bác ái không thể tồn tại nếu chị ấy không cầu nguyện”, “cầu nguyện là sức sống của linh hồn chúng ta, nhờ cầu nguyện mà ơn gọi được gìn giữ, nếu không cầu nguyện, chị sẽ cảm thấy công việc của mình quá nặng nhọc, chị sẽ không có sức mạnh, lòng can đảm hoặc nhân đức…”, “ cầu nguyện là suối nguồn tươi trẻ.”[5] Thánh nhân thậm chí còn quả quyết rằng Một người cầu nguyện có khả năng làm được tất cả”[6] và rằng “Tu Hội Truyền Giáo sẽ tồn tại bao lâu còn trung thành với việc thực hành tâm nguyện.”[7] Nếu thường xuyên bộc lộ chính mình trong những hạn từ như thế, liệu người ấy có thể ở xa đời sống cầu nguyện không? Một dữ kiện khác nữa là: trong các bài viết của mình, thánh Vinh Sơn đã để lại cho chúng ta một số lượng đáng kể những lời cầu nguyện do chính thánh nhân soạn ra. Dường như thánh Vinh Sơn đã không lên kế hoạch trước, nhưng thánh nhân thường xuyên bắt đầu hoặc kết thúc các buổi đàm luận bằng lời cầu nguyện về một chủ đề nhất định.[8] Dường như không thể đưa ra những lời cầu nguyện một cách tự nhiên và bộc phát như vậy nếu người đó không có liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Henri Bremond – chuyên gia về lịch sử linh đạo Pháp quốc vào thế kỷ 17 – khẳng định một cách không nghi ngờ rằng “chúng ta sẽ phác hoạ một Vinh Sơn Phaolô không có thật, nếu trước hết chúng ta không xem thánh nhân là một nhà thần bí.”[9]

Các bậc thầy và hình ảnh trong việc cầu nguyện của thánh Vinh Sơn

Thánh Vinh Sơn không bao giờ giữ kín về các tác giả hay các tác phẩm mà thánh nhân đã tham khảo để tìm kiếm sự hiểu biết về giáo thuyết và để cụ thể hóa cách hiểu biết về cầu nguyện của riêng mình. Hơn nữa, những tác giả này là các bậc thầy cầu nguyện. Nổi bật nhất trong số đó là thánh Francis de Sales, người được xem là có ảnh hưởng nhất, có lẽ là do ở cùng thời và cùng đất nước với thánh Vinh Sơn, đồng thời cả hai có mối liên hệ thân thiết với nhau. Thánh Vinh Sơn thường xuyên nói về thánh Francis de Sales và sự hướng dẫn của thánh nhân với lòng ngưỡng mộ lớn lao.[10] Thánh Vinh Sơn đặc biệt học được rất nhiều từ phương pháp cầu nguyện của thánh Francis de Sales. Ngài đề nghị các thừa sai và các nữ tử đọc hai tác phẩm quan trọng nhất của thánh nhân: Dẫn vào đời sống thiêng liêngKhảo luận về Tình yêu Thiên Chúa. Qua thánh Francis de Sales, ngài biết và ngưỡng mộ thánh Teresa Avila. Ngài đặc biệt học được từ thánh nữ ý thức về sự kiên định, thánh nhân thường xuyên nói với các nhà truyền giáo và các Nữ tử Bác ái về điều này. Mặc dù có vẻ như không chắc lắm, nhưng chúng ta cũng không có đủ bằng chứng để coi nhẹ khả năng thánh Vinh Sơn đã tiếp cận với các tác phẩm của thánh Teresa Avila. Truyền thống Inhaxiô cũng ảnh hưởng và thúc đẩy thánh Vinh Sơn. Ngài đã ghi nhớ lời khuyên trong truyền thống Inhaxiô về tâm nguyện, thực hành và dạy người khác về tâm nguyện. Các nhà truyền giáo Vinh Sơn đã rất quen thuộc với Sổ tay Nguyện gẫm của cha Busee, S. J. và các Nữ tử Bác ái đã sử dụng Sổ tay của cha thánh Jure. Luis de Granada trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng và sự phổ biết của tính dễ xúc động. Đây là khía cạnh mà thánh Vinh Sơn đã hoà nhập vào sự hiểu biết cá nhân của mình về cầu nguyện. Khảo luận về cầu nguyện của tác giả này cùng với các tác phẩm của thánh Francis de Sales vừa được đề cập, là những cuốn sách được Đấng sáng lập của chúng ta khuyến khích cách đặc biệt nhất.

Tuy nhiên, tất cả những ảnh hưởng này đã không biến thánh Vinh Sơn thành một người tiếp nhận đơn thuần, nghĩa là đặt xen kẽ hoặc sắp xếp hỗn hợp các quan điểm, phương pháp và câu hỏi thực tế về cách cầu nguyện. Thánh nhân biết cách đặt bản thân mình vào từng hoàn cảnh một cách cá nhân và sáng tạo, cũng như tích hợp các khía cạnh giáo thuyết khác nhau cho đến khi ngài thành công trong việc xây dựng cho mình một phương cách rất riêng, không những đòi hỏi khắt khe mà đồng thời còn linh động. Điều này phản ánh cách hiểu đặc biệt về cầu nguyện của thánh Vinh Sơn, trên hết là khi giúp đỡ các Nữ tử Bác ái, nhiều người trong số họ là những thiếu nữ đơn sơ, mù chữ, có thể đạt đến đỉnh cao của cầu nguyện, cầu nguyện theo bất cứ cách nào có thể, một cách vừa đơn giản vừa cao siêu.

Trong những lần khác, thánh Vinh Sơn đã trình bày định nghĩa riêng của ngài về cầu nguyện rất rõ ràng. Trong một lần lặp lại cầu nguyện với các nhà truyền giáo, thánh Vinh Sơn nói: “Tâm nguyện là nâng cao tâm trí để dâng những nhu cầu của chúng ta lên Chúa và để cầu xin lòng thương xót và ân sủng của Ngài.”[11] Một lần khác, bằng những lời rất chính xác, thánh Vinh Sơn nhận thấy rằng: “Cầu nguyện là một bài giảng mà chúng ta thuyết giảng cho chính mình, để thuyết phục bản thân về nhu cầu chúng ta phải hướng về Thiên Chúa, cộng tác với ân sủng của Ngài, tìm ra những tật xấu từ tâm hồn của chúng ta và thay thế chúng bằng những nhân đức.”[12]

Chúng ta có thể tìm thấy ít nhất hai định nghĩa nữa nhưng sẽ không được xem xét ở đây vì chúng không đóng góp hay bổ sung gì thêm cho hai định nghĩa vừa nêu. Hầu hết, chúng cho thấy những thay đổi nhỏ trong ngôn ngữ, chẳng hạn như “cuộc trò chuyện của linh hồn với Thiên Chúa”,[13] sự hiệp thông qua lại khi Thiên Chúa nói với linh hồn,[14] điều thiết yếu không thay đổi chút nào.[15]

Có hai yếu tố xuất hiện trong các định nghĩa về cầu nguyện: đầu tiên là hành động của người cầu nguyện phải ra khỏi chính mình để “nâng tâm hồn lên tới Chúa.” Thuật ngữ nâng lên là một hành động không liên quan gì đến những hiện tượng lạ thường mà đôi khi người ta có thể trải nghiệm. Đơn giản nó có nghĩa là một khuynh hướng nội tâm dẫn đến việc người ta làm cho niềm tin vào Thiên Chúa trở nên sống động và cá vị, cho đến khi Người trở nên gần gũi và thân mật đến nỗi không thể phân biệt sự hiện diện của Thiên Chúa với sự hiện hữu nội tại của chính mình. Yếu tố thứ hai làm nên lợi ích cụ thể mà việc cầu nguyện đem lại: cầu khẩn Thiên Chúa giúp thay thế các tật xấu bằng các nhân đức, để ca ngợi Chúa và tìm thánh ý Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Những so sánh và hình ảnh mà thánh Vinh Sơn dùng để mô tả việc cầu nguyện giúp chúng ta hiểu rõ suy nghĩ của ngài. Trong đó, có một số đến từ thần học thiêng liêng và đã được giảng giải chi tiết hơn bởi các bậc thầy vĩ đại về linh đạo. Tổng cộng, chúng ta có thể đếm được hai mươi chín cách nói khác nhau về cầu nguyện: một số cách nhấn mạnh sự cần thiết của cầu nguyện, một số nói đến ý nghĩa của chính việc cầu nguyện, những cách khác quả quyết giá trị của việc đối thoại với Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta hãy nhìn vào một số cách nói quan trọng nhất: “Cầu nguyện giống như nước dinh dưỡng mang lại sự sống cho linh hồn… chúng ta giống như những khu vườn khô cằn, trong đó hạn hán khiến tất cả các loài cây đều chết nếu không có sự chăm sóc và làm việc chăm chỉ của người làm vườn. Đó là lý do tại sao bạn phải có thói quen thánh thiện của việc tâm nguyện, việc ấy giống như sương sa nhẹ nhàng, làm ướt tâm hồn bạn mỗi sáng bởi ân sủng tuôn đổ từ Thiên Chúa.”[16]

“Cầu nguyện… là manna hằng ngày từ trời ban xuống,”[17] đó là “lương thực”[18] cho linh hồn chúng ta… do đó, một Nữ tử Bác ái không cầu nguyện thì không thể tiếp tục trong sứ vụ của mình “vì trong cầu nguyện mà chúng ta tìm thấy sức mạnh để tiếp tục phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.”[19]

Một so sánh mạnh mẽ khác của việc cầu nguyện như là không khí. Thánh Vinh Sơn nói với các Nữ tử Bác ái vào năm 1648: “Nhân danh Thiên Chúa, các con đừng bỏ cầu nguyện và phải hiểu được tầm quan trọng của việc cầu nguyện sốt sắng… cầu nguyện là cần thiết để giữ gìn sự sống của linh hồn như không khí cần thiết cho con người, hoặc như cá sống nhờ nước.”[20]

Thánh Vinh Sơn còn so sánh lời cầu nguyện với chức năng của linh hồn đối với thân xác.“Cầu nguyện với linh hồn cũng giống như linh hồn đối với thân xác. Một thân xác không có linh hồn thì chỉ là một xác chết, cũng thế một linh hồn không cầu nguyện thì không có sự sống.”[21] Ngài cũng giải thích sự ưu việt của cầu nguyện bằng cách sử dụng các thuật ngữ khác, không kinh điển và nổi tiếng như những điều đã được đề cập, nhưng cũng không kém phần ý nghĩa: “Tâm nguyện là một thành lũy bất khả xâm phạm sẽ bảo vệ các nhà truyền giáo khỏi mọi kiểu tấn công. Nó giống như một kho vũ khí thần bí, lâu đài của David, sẽ là nguồn cung cấp sức mạnh cho họ…[22] Thánh Vinh Sơn khuyên cha Antoine Durand lúc được bổ nhiệm làm bề trên Chủng viện Agde:[23]Cầu nguyện là kho dự trữ mà nơi đó cha sẽ tìm được những lời giáo huấn cần thiết cho cha để chu toàn công việc mà cha lãnh nhận.”[24] Đó là “nguồn vui” vì chuyện trò với Chúa chắc chắn phải cảm thấy vui thích hơn là nói chuyện với những con người cho dù nổi tiếng nhất;[25] nó có một ảnh hưởng hữu ích và tươi mới giúp người ta bước theo đường lối của Chúa.[26] Tóm lại, qua tất cả những so sánh này, thánh Vinh Sơn dẫn chúng ta đến kết luận “một người cầu nguyện có khả năng làm mọi thứ.”[27] Chúng ta có thể nói như thánh Phaolô rằng: “Tôi có thể làm được mọi sự với Đấng ban sức mạnh cho tôi.”  (Pl 4,13)

Quan tâm đến sự trổi vượt của một năng lực nào đó của con người, thánh Vinh Sơn phân biệt ba cách thức tương quan với Thiên Chúa, tất cả đều cần thiết và hữu ích vì chúng dẫn đến cùng một mục tiêu. Mặc dù có thể thiết lập một tiến trình giữa chúng (thánh Vinh Sơn đề xuất như vậy), tuy nhiên, dường như người ta vẫn có thể dùng những hình thức cầu nguyện đơn giản hơn ngay cả khi họ đã đạt đến cấp độ kết hiệp với Thiên Chúa cao hơn.

Sự cần thiết của cầu nguyện

Cầu nguyện cần thiết vì nhiều lý do. Chúng ta sẽ thấy rõ những lý do này trong chính lời của thánh Vinh Sơn:

1. Con người là một người cầu nguyện (homo orans). Định nghĩa về con người không chỉ dựa trên việc chúng ta sử dụng một số công cụ nhất định hoặc khả năng thay đổi các điều kiện của cuộc sống. Do đó, định nghĩa trí nhân (homo sapiens) là không đủ. Con người được định nghĩa là người cầu nguyện theo nghĩa: con người xác nhận chân lý hiện hữu của chính mình trong việc tôn thờ, cầu nguyện, ca ngợi, lắng nghe và đáp lại Thiên Chúa.[28] Nói cách khác, con người không dấn thân vào việc thực hành này thì con người tự xem mình như là thần linh, điều này mâu thuẫn với yếu tính của bản tính con người vốn dẫn đưa con người mở ra với Đấng là nguyên nhân tối hậu cho sự hiện hữu của con người. Do đó, nếu không cầu nguyện người ta sẽ không thể đi đến chân lý tối hậu cũng như không thể khám phá ra căn tính và nguồn gốc của đời mình. Sự hiện hữu của con người là một ân ban. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi bằng lời sáng tạo của Thiên Chúa, và lời này mời gọi chúng ta sống một cách có ý thức trong sự hiện diện của Thiên Chúa. Đáp lại lời kêu gọi mà cuộc sống gửi đến chúng ta, chúng ta có thể gặp gỡ Đấng đã ban cho chúng ta một cái tên độc nhất và tất cả những gì chúng ta là, qua việc lắng nghe và đáp lại. Chỉ bằng cách quay về với Thiên Chúa, là khởi nguyên và cứu cánh của chúng ta, chúng ta mới có thể hiểu được căn tính của chính mình.

Từ quan điểm này chúng ta có thể khẳng định “cầu nguyện là tự nhiên,”[29] gần như là bản năng. Giống như những gì xảy ra với mọi thứ được khắc ghi trong bản tính, kiến ​​thức hoặc kỹ thuật đặc biệt là không cần thiết cho khả năng đạt tới sự sung mãn của con người. Cầu nguyện tuôn chảy một cách tự nhiên. Đó là lý do tại sao trẻ em, phụ nữ miền quê, những người thấp kém nhất và khiêm tốn nhất… đều có khả năng cầu nguyện.[30] Điều này không có nghĩa là không cần phải hình thành hoặc cải thiện chiều kích tương quan giữa con người và Thiên Chúa, như chúng ta sẽ thấy. Chính thánh Vinh Sơn đã đề xuất một phương pháp chi tiết để mang đến sự hoàn hảo mà người ta đã tìm thấy trong bản tính con người.

2. Kitô hữu phát triển nhờ cầu nguyện. Trong cầu nguyện, con người dần dần trở nên giống Chúa Kitô hơn. Do đó, chúng ta có thể cho rằng Kitô hữu không cầu nguyện không phải là Kitô hữu. Nếu Kitô hữu chỉ đơn thuần là một người thợ hoặc người hầu trong Vương quốc của Thiên Chúa, thì cầu nguyện sẽ không phải là một đặc điểm thiết yếu. Chỉ cần tuân thủ các đòi hỏi của Vương quốc Thiên Chúa là đủ. Nhưng thực tế là mọi Kitô hữu, đã được kêu gọi trở thành “con cái của Thiên Chúa” (1 Ga 3,1), “là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2,19), “bạn hữu của Chúa Kitô” (Ga 15,15). Không có cách nào để có một mối quan hệ thân thuộc và yêu thương mà không trò chuyện thân mật. Vì thế, đối với tất cả các Kitô hữu, cầu nguyện trở thành vấn đề sống còn. Thánh Vinh Sơn đã tuyên bố đầy xác tín trong dòng suy nghĩ này: “Chúng ta không thể bền tâm vững chí nếu không cầu nguyện”. Ý tưởng tương tự này được thể hiện rõ trong Luật Chung số 21b.

Thánh Vinh Sơn đã đi đến kết luận tương tự khi nhìn vào cuộc đời của chính Chúa Giêsu. Trong Buổi đàm luận ngày 31 tháng 5 năm 1648, thánh nhân quả quyết với các Nữ tử Bác ái rằng “chính Chúa chúng ta là người cầu nguyện vĩ đại nhất”,[31] hơn nữa “Công việc liên lỉ chính yếu của Ngài là cầu nguyện.”[32] Đây là lý do mạnh mẽ nhất để đưa đến một cuộc đời cầu nguyện. Trong thực tế, Đấng Cứu Thế xuất hiện trong Tin Mừng như một người cầu nguyện thực sự. Từ lúc Ngài đến thế gian cho đến khi Ngài trở về với Chúa Cha, toàn bộ cuộc đời của Ngài bao gồm cầu nguyện và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa (Dt 10,9; Lc 23,34). Cầu nguyện luôn đi kèm những quyết định quan trọng và những sự kiện lớn: chịu Phép Rửa (x. Lc 3, 21), Chọn Mười hai Tông đồ (x. Lc 6,12), việc tuyên tín của Phêrô (x. Lc 9,18), biến hình (x. Lc 9,28-29), tại Gethsemani (x. Mt 26,36-44), trên thập giá (x. Mt 27,46), v.v… Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu phù hợp với truyền thống của dân Ngài, vào những giờ xác định trong ngày, vào sáng sớm, lúc hoàng hôn (x. Mt. 14,21-23; Mc 6,46-48). Chúa Giêsu có thể cầu nguyện với Chúa Cha ở bất cứ nơi đâu: sa mạc, núi, đồng bằng, một mình hoặc đi với người khác (x. Mt 1,35; 6,46; 4,1…)

Hơn nữa, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài cách trò chuyện với Thiên Chúa, dạy cho họ những điều kiện cần thiết phải đi kèm với việc cầu nguyện: đi vào nội tâm, kiên trì, đức tin và tình yêu (x. Mt 5,44; 7,7-11; Mc 14,38; 11,25; Lc 11,13). Trong Kinh Lạy Cha và trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu đã cho thấy cụ thể hơn kinh nguyện của Kitô giáo cần phải như thế nào (x. Lc 11,1-4; 5-8; 18,1-8; Mt 7,7).

Vì đời sống của mỗi Kitô hữu bao gồm việc bắt chước và bước theo Chúa Giêsu về mọi mặt, nên cầu nguyện là một trong những nguyên tắc cơ bản mà nếu không có thì không được coi là môn đệ của Ngài. Ngoài ra, cầu nguyện là nền tảng cần thiết để phát triển tất cả các khía cạnh khác.

3. Cầu nguyện là cần thiết để sống ơn gọi phục vụ người nghèo của chúng ta. Cầu nguyện có khả năng đem lại sức sống cho những gì nó chạm vào. Do đó, để duy trì đời sống thiêng liêng (đức tin, đức cậy và đức mến), cầu nguyện phải sống động hết sức có thể. Đời sống nội tâm của chúng ta phát triển khi chúng ta thực hành các nhân đức trong bối cảnh cầu nguyện. Theo nghĩa này, ơn gọi của chúng ta được nối kết trực tiếp với việc cầu nguyện. Ơn gọi đó cũng liên quan đến những nhân đức đối thần trong chương trình sống của chúng ta. Nói đơn giản hơn, ơn gọi phụ thuộc vào việc cầu nguyện. Thánh Vinh Sơn đã khẳng định với các môn đệ của mình rằng: “Mọi thứ đều đến từ cầu nguyện.”, thánh nhân liệt kê một cách cụ thể: “Sự bền vững trong ơn gọi, sự thành công trong công việc, việc tránh xa tội lỗi, gìn giữ sự thánh thiện, sự cứu rỗi của chúng ta…”[33]

“Tất cả mọi thứ đến với chúng ta qua cầu nguyện,” là nền tảng cho một ơn gọi sinh hoa kết trái và tràn đầy hy vọng. Do đó, “không có gì đến với chúng ta nếu không cầu nguyện”, nên chúng ta phải kết luận rằng việc mất ơn gọi bắt nguồn từ việc không cầu nguyện thường xuyên với Thiên Chúa. Thánh Vinh Sơn trình bày điều này một cách rõ ràng dưới nhiều hình thức: những người cầu nguyện đầy đủ thì tiến bộ trong ơn gọi phục vụ người nghèo, những người cầu nguyện ít và hời hợt thì thoái lui.[34] Không còn nghi ngờ gì nữa, sự bền tâm vững chí một cách trung thành thể hiện một đời sống cầu nguyện phong phú. Những người từ bỏ ơn gọi chắc chắn đã từ bỏ đời sống cầu nguyện, điều này khiến họ trở thành “những người chết đối với ân sủng.”[35] Nhà truyền giáo không rao giảng từ việc cầu nguyện của mình sẽ không thành công trong việc lay động tâm hồn người khác để lắng nghe mình. Ngược lại, bất kỳ Nhà truyền giáo nào coi cầu nguyện là cuốn sách hướng dẫn quý giá cho việc rao giảng, lời nói của người ấy sẽ dễ dàng kêu gọi người nghe đến với vấn đề hơn.[36] Cuối cùng, thánh Vinh Sơn đã nói từ kinh nghiệm của mình: sự tiến bộ trong đường nhân đức và sự hoàn hảo phụ thuộc vào cầu nguyện, cũng như khả năng mặc lấy tính cách và tình cảm của Chúa Giêsu,[37] năng lượng để phục vụ người nghèo[38] và sức mạnh của linh hồn.[39] Thánh nhân biết rằng mối nguy hiểm lớn nhất đối với con cái của mình không phải là những đòi hỏi đến từ sự phục vụ người nghèo, mà là mất đi ý nghĩa cuộc sống khi không có đời sống cầu nguyện.

Vì cầu nguyện là sự bảo đảm cho mỗi và mọi ơn gọi dấn thân phục vụ người nghèo, điều đó có nghĩa là “Tu hội Truyền giáo sẽ tồn tại chừng nào còn trung thành với việc thực hành tâm nguyện.[40] Đây cũng là cách để đảm bảo đặc sủng. Bằng ngôn ngữ mạnh mẽ, thánh Vinh Sơn giải thích cách cầu nguyện, một mặt là duy trì Tu hội trong hy vọng, và mặt khác trong sức mạnh cần thiết để hiến thân cho việc rao giảng Nước Thiên Chúa. Thánh nhân đã nói điều tương tự với Tu hội Nữ tử Bác ái.[41] Tuy nhiên, vì cả hai Tu hội là kết quả của việc đến với nhau của các thành viên của hai Tu hội, hai Tu hội sẽ cầu nguyện để họ là  các nhà truyền giáo và Nữ tử Bác ái. Lời của thánh Vinh Sơn rất quả quyết: “Thực hiện việc cầu nguyện một cách chính xác nhất”,[42]Cầu nguyện cần cho sự sống của linh hồn cũng như không khí đối với con người, hoặc nước đối với cá”,[43] đừng bao giờ bỏ cầu nguyện và đừng làm gì mà không cầu nguyện.[44] Vì vậy, trong trường hợp có sự xung khắc giữa cầu nguyện và phục vụ, thì rõ ràng là phải: “rời cầu nguyện.” Trong suy nghĩ của thánh Vinh Sơn, điều này không bao giờ có nghĩa là bỏ cầu nguyện, nhưng là hoãn lại.[45]

Những hình thức cầu nguyện theo học thuyết Vinh Sơn

Học thuyết của thánh Vinh Sơn về cầu nguyện không phải là nguyên bản, nhưng dựa trên học thuyết chung của thời đại ngài. Giáo huấn của thánh nhân khai sáng trí tuệ và thôi thúc ý chí để hiểu biết, cảm kích và ao ước những gì giáo huấn ấy đưa ra. Đối với những người mới bắt đầu, những giáo huấn này trình bày các ý tưởng đơn giản và rõ ràng.

1. Khẩu nguyện. Việc này bao gồm việc đọc các công thức kinh nguyện. Thánh Vinh Sơn lặp lại truyền thống trong lịch sử của Giáo hội đã được thực hành ở khắp nơi bởi tất cả các tầng lớp Kitô hữu trong suốt nhiều thế kỷ. Thánh nhân thường giải thích rằng mỗi công thức kinh nguyện mà Giáo hội gìn giữ trong di sản của mình giống như một cách tiếp cận chắc chắn và dễ dàng với Thiên Chúa, một cách tiếp cận quí giá cho mọi người từ trẻ nhỏ đến các thánh. “Với những đứa trẻ… lời cầu nguyện nhỏ bé của chúng rất đẹp lòng Thiên Chúa đến nỗi một số nhà thần học nói rằng Thiên Chúa có niềm vui to lớn trong chúng. Đức cố Giám mục Genève vĩ đại đã tôn kính những đứa trẻ đến nỗi khi nhìn thấy chúng, ngài sẽ hướng dẫn chúng ban phép lành cho ngài.”[46]

Sự tách biệt giữa tâm trí, trái tim và môi miệng sẽ hủy hoại hình thức cầu nguyện này bởi vì những gì thiết yếu nhất của con người sẽ bị ngăn cách với Thiên Chúa. Chính Chúa đã lên án điều này: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”(Is 29,13; Mc 7,6). Vị thánh của chúng ta đã khẳng định rõ ràng rằng để lời cầu nguyện này có giá trị, cần có sự hoà hợp giữa con người nội tâm và môi miệng của người ấy, sự hoà hợp này là điều cần phải được chú ý.[47] Trong chủ đề khẩu nguyện này, chúng ta nên đề cập đến lời nguyện tắt. Trong lịch sử linh đạo, chúng ta cần quay trở lại thời cổ, khi các tu sĩ nam nữ đầu tiên sử dụng điều này như một hình thức cầu nguyện ưa thích. Ngay cả Chúa Giêsu cũng thường xuyên thực hiện những lời cầu nguyện vắn tắt này giữa cuộc sống năng động của mình. Thánh Vinh Sơn dùng nguyên ngữ của từ này (“iaculum” = mũi tên) để giải thích cho các Nữ tử rằng những lời nguyện tắt này là mũi tên tình yêu đích thực “xuyên qua những đám mây”.[48] Đây là lối cầu nguyện thiết yếu nhất, dễ tiếp cận nhất và dễ đạt được nhất đối với mọi người. Đây có thể là lý do thánh Vinh Sơn kiên quyết giới thiệu cho các Nữ tử Bác ái.[49] Điều này cũng có thể tạo điều kiện cho việc kết hợp hài hòa giữa cầu nguyện và công việc, chiêm niệm và hành động trong cuộc sống.[50]

2. Tâm nguyện. Tâm nguyện có thể được thực hành theo chủ yếu theo hai cách, theo lý trí hay ý chí / khao khát. Nếu lý trí chiếm ưu thế, nó được gọi là “suy niệm”. Nếu ý chí/khao khát chiếm ưu thế, nó được gọi là “chiêm niệm”. Cả hai hình thức là một phần của đời sống cầu nguyện hằng ngày mà chúng ta được kêu mời thực hành. Theo đó, việc chiêm niệm không nên được coi là một hình thức cầu nguyện ngoại thường, mà là một hoa trái tự nhiên của chính việc cầu nguyện. Thật là bình thường khi một Kitô hữu luôn trung thành gặp gỡ Chúa hàng ngày để trải nghiệm việc cầu nguyện chiêm niệm vào những thời điểm nhất định.

a) Suy niệm. Hình thức cầu nguyện này xuất hiện vào thế kỷ 16. Kể từ đó, nó đã có được một tầm quan trọng ngoại thường trong Giáo hội. Trong cách sử dụng ngôn ngữ thông thường, thuật ngữ “cầu nguyện” thường được áp dụng một cách cụ thể cho việc suy niệm. Việc sử dụng này có thể được nhìn thấy trong các tác phẩm của thánh Vinh Sơn, mặc dù bối cảnh thường làm rõ nghĩa của từ ngữ ấy hơn.

Trong suy niệm, lý trí được sử dụng đầu tiên để đến gần Thiên Chúa thông qua sự hiểu biết, bằng cách suy nghĩ và nhập vai vào mầu nhiệm đức tin hoặc một khung cảnh Kinh thánh nào đó, hoặc bằng cách tự vấn chính mình dưới ánh sáng những đặc tính của một Kitô hữu. Cần phải có một điểm khởi đầu cho việc suy niệm, nói cách khác, có một số thần hiện (những tỏ hiện của Thiên Chúa) nhằm chuẩn bị cho chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa. Kinh thánh, suy tư thần học, các dấu chỉ của thời đại, thế giới, những người nghèo, cuộc sống và kinh nghiệm của chính người ấy là những nơi phổ biến mà tâm trí con người có thể dựa vào để suy niệm.

Tuy nhiên, chức năng của lý trí và trí nhớ con người có giới hạn, do đó có nguy cơ biến suy niệm thành một nghiên cứu, phá hủy chiều kích cầu nguyện của suy niệm.[51] Mục tiêu của năng lực lý trí con người là kích hoạt yếu tố ảnh hưởng ý chí. Cả hai cần phải cùng nhau phát triển. Trong mọi trường hợp, tốt hơn là hãy để tình yêu lấn át các diễn ngôn của tâm trí. Cuối cùng, chiều kích lý trí có thể mở ra một cách hoàn hảo thông qua nghiên cứu hoặc đọc sách thiêng liêng. Theo suy nghĩ của thánh Vinh Sơn, mục đích của việc suy niệm là khơi dậy tình yêu, chứ không phải để đánh lừa nó, để khuyến khích một cuộc gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa, để không bị phân tâm trước sự hiện diện của các Ngôi vị Thiên Chúa. Với một ví dụ đơn giản nhưng chính xác, chúng ta có thể hiểu ý tưởng như vậy: người ta đập vào đá lửa cho đến khi tạo ra tia lửa để đốt lửa. Theo cùng một cách, lý trí phục vụ chúng ta để thổi bùng ý chí của chúng ta bằng tình yêu. Bất kỳ cách nào khác sẽ biến đổi lời cầu nguyện của chúng ta thành một hình thức nghiên cứu nhàm chán.[52] Trong một lần lặp lại lời cầu nguyện vào tháng 6 năm 1657, cha Coglee, rất có thể có chút bối rối, thú nhận rằng lời cầu nguyện của mình giàu cảm xúc hơn là ý tưởng. Trước sự ngạc nhiên của những người đang lắng nghe, thánh Vinh Sơn đã dành những lời khen ngợi dành cho vị thừa sai này, đồng thời đề xuất phương pháp này cho toàn thể Tu hội vì đó là một cách “cầu nguyện tốt.”[53]

Suy niệm có phù hợp với tất cả mọi người không? Các bậc thầy vĩ đại của Tây Ban Nha vào thế kỷ 16 đã nói: chỉ “tùy theo khả năng của mỗi người”.[54] Thánh Vinh Sơn quả quyết rằng: “Mọi người đều có thể làm được, tùy theo khả năng của mình và sự linh hứng mà Chúa ban cho.”[55] Có thể sự đối lập này mang tính lý thuyết hơn là thực tế, nếu chúng ta lưu tâm đến việc thánh Vinh Sơn đã nói những lời này với các Thừa sai và Nữ Tử Bác ái đầu tiên, những người mà chúng ta cho rằng đã có sự chuẩn bị và đào tạo tối thiểu. Mặt khác, thánh Têrêsa và thánh Inhaxiô cho rằng suy niệm dành cho tất cả môn đệ của Chúa Giêsu. Việc huấn luyện Kitô giáo mà thánh Vinh Sơn gọi là “kiến thức”, luôn có thể hữu ích khi người ta biết áp dụng nó một cách đầy đủ, nhưng nó không phải là yếu tố thiết yếu, bởi vì cuối cùng, điều kiện thiết yếu nhất vẫn là tình yêu. Để minh họa cho ý tưởng này, vị thánh của chúng ta đã kể câu chuyện sau đây: “Một ngày nọ, một Thầy Dòng Phanxicô nói với Thánh Bonaventure rằng: Cha thật may mắn biết bao với sự uyên bác và việc thực hành cầu nguyện thật tốt! Thật là một sự trợ giúp tuyệt vời đối với Cha!” Thánh nhân trả lời thầy ấy: “Thầy ơi, để cầu nguyện tốt, chúng ta không cần biết đến kiến thức; chỉ yêu Chúa thôi cũng đủ rồi. Nếu yêu mến Chúa, thì một cụ bà nghèo nhất và một Tu sĩ ngu dốt nhất cũng thực hiện việc suy niệm tốt hơn tôi rồi.”[56]

Sự thiếu hiểu biết không phải là một trở ngại cho việc suy niệm, đặc biệt nếu người ta lưu ý rằng chính qua lời cầu nguyện, Thiên Chúa thông truyền chính mình cho người cầu nguyện, ban cho họ sự hiểu biết sâu sắc. Thánh Vinh Sơn phân biệt hai cách để đạt được sự hiểu biết về Chúa: nghiên cứu/kiến thức của con người/suy gẫm, và cách khác là thông qua kinh nghiệm về Thiên Chúa, hay theo cách nói của thánh Vinh Sơn, “tri thức thủ đắc”“tri thức thiên phú”. Trong hai cách, sâu sắc và đầy đủ nhất là qua kinh nghiệm. Vì lý do này, thánh nhân không ngần ngại khẳng định một cách thuyết phục rằng “các nhà thần học nên im lặng khi có mặt người cầu nguyện.”[57]

b) Chiêm niệm. Nguyên ngữ của từ này có nghĩa là hướng ánh nhìn của một người về phía ngôi đền, nơi thần thánh cư ngụ. Nói chung, điều đó có nghĩa là mở rộng tầm nhìn của một người về phía đền thờ vĩ đại của thế giới thụ tạo, nơi những người yêu quý nhất của Thiên Chúa cư ngụ, đó là gia đình nhân loại. Ngoài ra, nó có nghĩa là tập trung sự chú ý của một người vào nơi tôn nghiêm bên trong chính mình, nơi Thiên Chúa cũng ngự ở đó. Trong mọi trường hợp, sự chiêm niệm gợi lên một điều gì đó vượt ra khỏi lời nói, lý trí và kỹ năng để dẫn đến cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, một nhận thức sắc bén về phần người cầu nguyện để khám phá và nhìn thấy Thiên Chúa, nơi đó người khác chỉ nhìn thấy những thực tại thụ tạo, một ân sủng đặc biệt đến từ Thiên Chúa, Đấng đã tự do ban tặng hồng ân thiêng liêng quý giá này. Theo một cách nào đó, sự chiêm niệm là một mục tiêu, một đích điểm mà người ta nhắm đến; tuy nhiên, cũng như mọi thứ liên quan đến đời sống thiêng liêng, nó đồng thời là một khởi điểm mới. Đây là cách thánh Vinh Sơn diễn tả điều đó: “Loại cầu nguyện khác được gọi là chiêm niệm. Trong đó, trước sự hiện diện của Thiên Chúa, linh hồn không làm gì khác hơn là nhận những gì Ngài ban cho. Linh hồn không hành động và không cần nỗ lực, nhưng chính Thiên Chúa soi dẫn nó với mọi thứ nó có thể đang tìm kiếm, và nhiều hơn thế nữa.”[58]

Từ mô tả này, chúng ta có thể rút ra hai yếu tố thiết yếu của việc cầu nguyện chiêm niệm: hành động trực tiếp của Thiên Chúa và sự thụ động (việc tiếp thu) của con người. Và ở giữa cả hai điều đó, có một mối liên hệ tỷ lệ nghịch: sự can thiệp của Thiên Chúa càng lớn thì hoạt động của con người càng ít đi và ngược lại. Từ quan điểm này, người ta có thể nói về các mức độ trong hình thức cầu nguyện, mặc dù thánh Vinh Sơn không suy đoán về chúng. Như ai đó đã viết về cầu nguyện, người bảo vệ những người nghèo khổ của chúng ta “không phải là bác sĩ phẫu thuật trong vấn đề tâm linh.”[59] Hành động trực tiếp của Thiên Chúa được cụ thể hóa trong việc củng cố hai cơ năng thiết yếu trong con người: lý trí và ý chí. Do đó, một người chiêm niệm hiểu những mầu nhiệm thiêng liêng theo một nghĩa sâu hơn, không phải bằng lý trí của kiến ​​thức, mà bằng sự hiểu biết thấu đáo hơn qua kinh nghiệm; đến lượt mình, lời cầu nguyện đặt ra nhiều phương tiện hơn để ý chí có thể thăng tiến dễ dàng hơn trên con đường hoàn thiện.[60] Sự thụ động (sự tiếp thu) của một người có nghĩa là theo kinh nghiệm, bị cuốn vào đời sống đức tin và tình yêu của chính mình, đến mức nhận thức được đó là nguyên nhân hiện hữu của chính người đó. Trong góc độ tâm lý, lời cầu nguyện này có vẻ dễ dàng, dễ hiểu, xác thực và bổ ích. Thật là bình thường khi trải nghiệm kiểu cầu nguyện này bất cứ lúc nào, đặc biệt là khi chuẩn bị đầy đủ cho cuộc gặp gỡ này với Thiên Chúa.[61]

Cần phải làm rõ rằng việc chiêm niệm này theo quan điểm Vinh Sơn là một phần của việc cầu nguyện thông thường, hay theo ngôn ngữ của thánh Têrêxa là một phần của việc cầu nguyện chủ động. Thánh Vinh Sơn quen thuộc và tôn trọng những hình thức cầu nguyện cao quý hơn khác, chẳng hạn như các môn đồ thần bí người Flemish của Harphius, Ruysbroek, v.v… nhưng bản thân ngài thích một cách thức đơn giản hơn để bảo đảm hơn.[62] Thánh Vinh Sơn hiểu rất rõ tâm lý con người và nhận thức được những nguy cơ có thể đe dọa một người khi tìm kiếm những hình thức cầu nguyện cao siêu này; những rủi ro có thể được tóm kết như một sự tìm kiếm cá nhân dưới chiêu bài của chủ nghĩa thần bí.

Vì lý do này, thánh Vinh Sơn khuyên con cái của mình đừng để bị thu hút bởi những lối cầu nguyện cao siêu. Thánh Vinh Sơn nói với các Thừa sai rằng chúng là những tấm gương phản chiếu.[63] Trong thời kỳ được đặc trưng bởi “sự tràn ngập huyền bí”, thánh Vinh Sơn có quan điểm rằng những kinh nghiệm như vậy không dẫn người ta đến ý muốn của Thiên Chúa. Thánh nhân đã mạnh mẽ khẳng định với các Nữ Tử Bác Ái, “trạng thái xuất thần… có hại hơn là hữu ích.”[64] Cơ sở của suy nghĩ này đối với thánh Vinh Sơn đơn giản đó là: sự hoàn hảo không hệ tại ở việc tuân theo một kiểu cầu nguyện cụ thể, mà ở lòng bác ái.[65] Cầu nguyện là một phương tiện để tiếp cận Thiên Chúa và một bảo đảm cho công việc bác ái. Cùng với người bạn của mình là thánh Francis de Sales, thánh Vinh Sơn thích con đường đã được thử nghiệm và chân thật hơn là con đường không rõ và không chắc chắn. Cuối cùng, những cách thức cầu nguyện truyền thống mang lại các khả năng tuyệt vời để kết hợp với Chúa và duy trì lòng bác ái sống động đối tha nhân.

Phương pháp cầu nguyện của Vinh Sơn

Lời thỉnh cầu của các môn đệ với Chúa Giêsu, “Xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,19) mở ra cho tất cả các Kitô hữu khả năng học hỏi này. Nhưng chúng ta không chỉ nói rằng cầu nguyện hoàn toàn là ân sủng, một món quà của Thần Khí của Chúa Giêsu, Đấng cầu bầu trong chúng ta hay sao? Vậy thì có ý nghĩa gì khi nói về khoa sư phạm hoặc một phương pháp cầu nguyện? Tại sao thánh Vinh Sơn sau khi nói lời cầu nguyện là của “bố thí” từ trời rơi xuống, rồi trình bày lời cầu nguyện cho chúng ta như một “con đường” để đi theo với tất cả các chỉ dẫn để lời cầu nguyện không đánh mất mục tiêu của cuộc gặp gỡ với Chúa? Cầu nguyện là một món quà thiêng liêng hay một kỹ năng của con người? Với thánh Vinh Sơn, chúng ta cần tin rằng không có gì mâu thuẫn giữa hai quan điểm cầu nguyện này, nhưng chúng bổ sung cho nhau. Trên thực tế, cầu nguyện như một món quà từ Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta về nguồn gốc của tất cả các hình thức của cuộc sống (cầu nguyện là một trong số chúng), nhưng đó là sự sống dưới dạng một hạt giống hoặc một chồi non. Nó cần được phát triển theo thời gian để “chuẩn bị đất” để “hạt giống” có thể sinh hoa kết quả (x. Mt 13, 1-9). Ý tưởng thứ hai này liên quan đến người mà Thiên Chúa nói với, tức là con người. Theo cách này, cần phải nói đến việc học hỏi cầu nguyện và những yêu cầu cá nhân khiến con người đáp lại đời sống cầu nguyện của chính mình. Thánh Vinh Sơn đã phát triển một phương pháp sư phạm hoàn hảo mà vẫn còn giá trị cho chúng ta ngày nay.

Trong nhiều dịp khác nhau, thánh Vinh Sơn đã giới thiệu thánh Têrêxa Avila như một bậc thầy về nghệ thuật cầu nguyện, vì thánh nữ đã đạt được “ơn cầu nguyện quá cao, đến nỗi kể từ thời các tông đồ, chưa có ai đạt đến trình độ cao như vậy”. Thánh Têrêxa đã tóm tắt toàn bộ học thuyết và kinh nghiệm cầu nguyện của mình trong một điều gì đó đơn giản như “một luận thuyết về tình bạn”“ở một mình với người mà chúng ta biết là yêu thương chúng ta.”[66] Đây là hướng đi mà thánh Vinh Sơn thực hiện, thêm vào những lời của thánh Têrêxa: “Và đây là cầu nguyện, hỡi các con của Mẹ, nó đại diện cuộc hôn nhân thiêng liêng, từ đó luôn luôn sinh ra những công việc, những công việc.”[67] Cầu nguyện là trở nên bạn hữu với Thiên Chúa và làm việc cho Nước Thiên Chúa. Rốt cuộc, đây chính là mục tiêu kép của mọi lời cầu nguyện. Tiếp theo, thánh Vinh Sơn đã đưa ra các phương tiện cụ thể để đạt được cam kết thiêng liêng này. Tất cả các phương pháp mà thánh Vinh Sơn trình bày đều đơn giản vì thánh nhân tin rằng cuối cùng thì tất cả đều hiệu quả và đáng giá.

1. Một số phương pháp cầu nguyện đơn giản

Dưới tiêu đề này, chúng tôi tập hợp các cách cụ thể khác nhau mà thánh Vinh Sơn bắt đầu giảng giải việc cầu nguyện cho các Nữ tử Bác ái đầu tiên. Những phương pháp này thực sự giữ được sự mới mẻ và giá trị chắc chắn đã có trong cuộc đời của thánh nhân.

a) Phương pháp của người phụ nữ đạo đức hoặc các hình ảnh. Phương pháp này bao gồm việc suy gẫm về những cảm giác cụ thể gợi lên từ hình ảnh của Đức Maria, đồng thời đưa ra những tham chiếu đến cuộc sống của chính mỗi người. Ngày nay, phương pháp trực quan này đã áp dụng cho việc cầu nguyện được sử dụng khá thường xuyên. Ví dụ: có rất nhiều tập tin PowerPoint lan truyền trên internet với thông điệp thiêng liêng kèm theo hình ảnh, âm thanh và từ ngữ. Nhưng chúng ta hãy lắng nghe thánh Vinh Sơn của chúng ta: “Cô ấy (một người phụ nữ đạo đức) đã lấy một bức ảnh của Đức Trinh Nữ, và nhìn vào đôi mắt, cô ấy nói: ‘Ôi đôi mắt thật dễ thương!’ … và cô ấy cầu xin Chúa ban cho cô ấy ân sủng không bao giờ xúc phạm Ngài bằng những cái nhìn. “Lạy Chúa, xin ban cho con sự khiêm tốn của Mẹ thánh của Ngài.” Sau đó, cô ấy quyết tâm bảo vệ đôi mắt của mình, và không cho phép chúng lang thang vào những điều vô ích. Vào những lần khác, cô ấy suy ngẫm về đôi tai của Đức Trinh Nữ và nghĩ: ‘Ôi đôi tai của Mẹ, thật hạnh phúc biết bao vì đã chăm chú lắng nghe Lời Chúa và các Điều Răn của Con Mẹ.’ Sau đó, cô ấy dừng lại một lúc để suy nghĩ xem bằng cách nào cô ấy có thể làm được như vậy.”[68]

b) Phương pháp của ông thống đốc hay tiên liệu ngày sống của bạn. Thánh Vinh Sơn đã học được từ những Kitô hữu đơn sơ. Hình thức cầu nguyện này bao gồm việc đặt trước mặt Chúa tất cả các công việc và tình huống mà người ấy mong sẽ gặp. Vì suy niệm là sự phản ánh cuộc sống của chính con người, nên nó có thể dễ dàng dẫn đến những quyết tâm cụ thể. “Một ông chủ tịch đã tĩnh tâm với chúng tôi khoảng một năm trước…. “Cha có biết không, thưa Cha, về cách tôi suy niệm? Tôi thấy trước những gì mình sẽ phải làm trong ngày và đưa ra các quyết định của mình cho phù hợp. Tôi sẽ đến Tòa án Công lý; Tôi sẽ biện hộ như thế nào trong trường hợp này; có lẽ tôi sẽ gặp một người cùng tầng lớp với tôi có thể cố mua chuộc tôi. Với sự trợ giúp của ân sủng Chúa, tôi sẽ hết sức đề phòng điều đó. Có lẽ ai đó sẽ tặng tôi một món quà mà tôi rất muốn có; Tôi sẽ không lấy nó! Nếu tôi cảm thấy có khuynh hướng từ chối ai đó, tôi sẽ nói chuyện với anh ta một cách tử tế và hòa nhã.”[69]

c) Phương pháp đọc với sự chú ý và điềm tĩnh. Mục tiêu của phương pháp này không gì khác hơn là đưa ra những gợi ý cho người cầu nguyện để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đối thoại với Chúa. Thánh Vinh Sơn đã giải thích điều đó theo cách sau: Thật là một ý kiến hay nếu mỗi người có một cuốn sách (nói với các Nữ Tử Bác Ái), hoặc ai đọc thì nên đọc từng câu, sau đó tạm dừng ở cuối câu đầu tiên bao lâu tuỳ nhu cầu, sau đó chuyển sang câu thứ hai và tạm dừng ở đó, sau đó đến câu thứ ba, v.v… Thời gian cầu nguyện của con sẽ trôi qua rất dễ dàng. Nếu con không tìm thấy điều gì để thu hút sự chú ý của con trong câu đầu tiên, hãy chuyển sang câu thứ hai hoặc sang câu khác.”[70]

d) Phương pháp chiêm ngắm cuộc Thương khó của Chúa. “Có một phương pháp rất đơn giản khác, đó là lấy Cuộc Khổ nạn của Chúa chúng ta làm chủ đề cho việc cầu nguyện của con. Không có ai trong các con không biết tất cả những gì đã diễn ra trong thời gian đó, đã nghe giảng hay đã suy niệm về nó. Cuộc Khổ nạn của Chúa chúng ta là một phương tiện suy niệm tuyệt vời, thưa các chị em!… Thánh Phanxicô không có chủ đề cầu nguyện nào khác hơn là chiêm ngắm Cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta, và ngài khuyên tất cả những con cái thiêng liêng của mình hãy thường xuyên sử dụng nó.”[71]

e) Phương pháp dành cho những người bị bệnh. Khi một người nào đó đang ở trong tình trạng hoặc trạng thái thể lý ngăn cản việc suy niệm mãnh liệt, thì chỉ cần đặt hoàn cảnh của họ trước mặt Chúa, tìm cách duy trì việc nhận biết sự hiện diện của Ngài là đủ. Phương pháp này bao gồm: “ở lại bình an trong sự hiện diện của Thiên Chúa, bày tỏ nhu cầu của mình với Ngài mà không cần nỗ lực tinh thần nào khác, giống như một người nghèo mở ra các vết thương của mình và cách này hiệu quả hơn trong việc xin người qua đường bố thí cho anh ta so với việc người ấy cố gắng đứng ra thuyết phục họ về nhu cầu của mình.”[72]

f) Phương pháp đọc những công thức cầu nguyện. Khẩu nguyện luôn được khuyến khích bởi tất cả các tác giả thiêng liêng trong mọi thời đại, có thể sử dụng cho mọi trạng thái thiêng liêng. “Nếu bạn không thể suy nghĩ, hãy nâng tâm hồn lên Chúa bằng một khát vọng. Và nếu sau đó bạn không có suy nghĩ gì, hãy đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính, rồi bắt đầu lại. Nếu bạn vẫn cảm thấy khô khan, hãy đọc Kinh Mân Côi.”[73]

2. Một phương pháp cầu nguyện hoàn chỉnh và tiến triển

Điều này cũng đơn giản như các phương pháp khác. Phương pháp này phản ánh những gì phổ biến vào thời của thánh nhân, và mặc dù chúng ta có thể gọi nó phương pháp của thánh Vinh Sơn, tuy nhiên nó dựa trên phương pháp của thánh Phanxicô de Sales, mà lần lượt được cho là của thánh Bonaventura, thánh Bruno, cha Granada, thánh Têrêxa Avila và những người khác. Phương pháp này gồm 3 phần: chuẩn bị, suy niệm hoặc thân nguyện, và kết nguyện. Chúng ta sẽ khám phá từng bước.

a) Chuẩn bị. Để cầu nguyện thực sự được tràn đầy Thánh Thần, không nên cầu nguyện một cách tùy hứng. Vì vậy, giai đoạn đầu tiên này đặc biệt quan trọng để việc cầu nguyện thực sự có kết quả.

Vì cầu nguyện là một hành động hiện sinh của con người, trước hết đòi hỏi người cầu nguyện phải có thái độ thích hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Trong số những nhân đức khác, thánh Vinh Sơn nói đến nhân đức khiêm nhường mang lại cho người cầu nguyện cảm giác lệ thuộc vào Thiên Chúa.[74] Chỉ một người khiêm nhường mới hiểu Chúa là ai, mình là ai và mối tương quan nào tồn tại giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo. Người thu thuế trong Tin Mừng (x. Lc 18,13) đã có thái độ khiêm nhường nên anh ta rời đền thờ như một người công chính.[75] Hãm mình là một nhân đức khác cần có cho việc cầu nguyện. Bất cứ ai khao khát làm theo chân lý của đức tin và tình yêu thương của Chúa cần thấy mình thoát khỏi sự thống trị của các thụ tạo. Đối với thánh Vinh Sơn, “Tôi tự hỏi bản thân tại sao người này hay người kia tiến bộ rất ít trong việc thực hành suy niệm thánh thiện… đó là họ không chuyên tâm hãm mình đủ…. Khi những tác giả nổi bật nhất về đời sống thiêng liêng viết về việc thực hành tâm nguyện, họ nhất trí khẳng định việc thực hành khổ chế là hoàn toàn cần thiết để tiến bộ trong việc tâm nguyện. Để một người có khả năng cầu nguyện tốt như vậy, người đó không chỉ phải hãm mình qua đôi mắt, lưỡi, tai và các giác quan bên ngoài khác, mà còn cả các năng của linh hồn: sự hiểu biết, lý trí và ý chí.”[76]

Im lặng và hồi tưởng làm cho việc suy niệm trở nên khả thi, và do đó dẫn đến một đời sống cầu nguyện. Trong im lặng, tâm hồn tận hưởng sự bình an cần thiết, ngày nay điều ấy cần thiết hơn bao giờ hết, bởi vì xung quanh chúng ta có nhiều sự xao lãng ồn ào khi chúng ta cố gắng đi theo con đường dẫn đến Thiên Chúa. Thánh Vinh Sơn đã nhấn mạnh trong một lần khác là không thể cầu nguyện nếu không có sự im lặng.[77]

Ngoài những đức tính cần thiết cho cầu nguyện, việc chuẩn bị mỗi lần suy niệm cũng là điều quan trọng để trổ sinh hoa trái như mong đợi. Đó là lý do tại sao ngay từ đầu thánh Vinh Sơn đã ấn định việc thực hành đọc vào cuối mỗi ngày những điểm cần suy ngẫm của ngày hôm sau, đầu tiên với Tu Hội Truyền Giáo và sau đó là với các Nữ Tử Bác Ái. Ngài cũng mời một người nào đó trong cộng đoàn chú giải về những gì đã đọc nhằm khơi gợi một số tư tưởng cho việc suy niệm.[78] Từ lúc này trở đi, thánh Vinh Sơn liên tục nhấn mạnh đến điều mà ngài gọi là “sự thinh lặng thánh” sẽ kéo dài cho đến buổi cầu nguyện sáng hôm sau. Đấng sáng lập của chúng ta biết rằng bản thân sự im lặng không có giá trị lớn trong chính nó, nhưng đó là sự trợ giúp tốt nhất cho việc cầu nguyện. Chúng ta có thể coi rằng trong sự im lặng của đêm đen, hạt giống của Lời Chúa có thể thấm sâu vào tâm hồn. Hơn nữa, nó có thể truyền từ mức độ ý thức đến tiềm thức con người.

Theo tâm lý học, những hình ảnh, những suy nghĩ và cảm giác cuối cùng trong ngày sẽ được tiềm thức tự động chuyển đổi thành vấn đề ưu tiên số một cần thực hiện thêm”. Hôm nay, thánh Vinh Sơn sẽ nói gì với con cái của ngài khi họ đang sống trong một xã hội truyền thông đại chúng, nơi mà việc đi ngủ với “chương trình truyền hình muộn” và thức dậy với “bản tin đầu tiên trên đài phát thanh” đã trở nên phổ biến? Với một cảm thức tâm lý nhạy bén, ý định của thánh Vinh Sơn trong thời của ngài là việc suy niệm buổi sáng sẽ diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.[79] Chúng ta nên diễn giải theo cách tương tự về việc thực hành việc dậy sớm một cách nhanh chóng và vui vẻ: “… ân sủng của cầu nguyện tùy thuộc vào việc thức dậy”[80] dâng lên Chúa những suy nghĩ đầu tiên của chúng ta: “… mọi việc bạn làm trong ngày sẽ phát huy sức mạnh từ của lễ đầu tiên dâng lên Thiên Chúa;”[81] giây phút tôn thờ Thiên Chúa: “Sau khi bạn thức dậy, hãy thờ lạy quyền năng của Thiên Chúa;”[82] kết thúc bằng lời tạ ơn về một đêm đã qua và dâng ngày sống.[83]

Sự chuẩn bị trước mắt cho việc cầu nguyện đặc biệt tập trung vào việc nhận thức được “sự hiện diện của Thiên Chúa.”[84] Chúng ta có thể nghĩ về điều đó như là đang ngồi trước người mà chúng ta sắp nói chuyện. Nơi sự chuẩn bị này, người cầu nguyện phát huy vai trò của đức tin, đức cậy và đức mến. Thánh Vinh Sơn gợi ý những phương thức khác nhau để làm điều này: suy nghĩ về sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể,[85] để hiểu rằng Thiên Chúa ngự trong mỗi người chúng ta qua mầu nhiệm Ba Ngôi luôn ngự trị[86] ý thức về sự toàn năng và sự quan phòng của Thiên Chúa trong thế giới,[87] lưu ý đến việc Đức Kitô luôn luôn quan tâm mỗi người chúng ta.[88] Tất cả những điều này đều là những phương thức hữu hiệu, nhưng quan trọng nhất là làm sống lại ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa. Chất lượng của cầu nguyện phụ thuộc vào nhận thức này.

b) Suy niệm hay tâm nguyện: từ suy nghĩ/suy gẫm đến cam kết/quyết tâm. Trong phần này, lý trí bắt đầu phát triển một diễn ngôn phản chiếu liên quan đến chủ đề được đề xuất. Thánh Vinh Sơn đã gợi ý về chủ đề là mọi thứ liên quan đến cuộc đời của nhà Thừa Sai hoặc Nữ Tử Bác Ái, mặc dù phần quan trọng nhất của bất kỳ việc cầu nguyện nào là để nó tạo ra hoặc kích hoạt mối quan hệ giữa người cầu nguyện với Chúa. Các chủ đề chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu này.

Thánh Vinh Sơn đã phân biệt hai loại chủ đề suy niệm: “khả giác và trừu tượng”. Trong số các chủ đề “khả giác”, phần lớn đề cập đến những việc làm và câu nói của Chúa Giêsu, thánh Vinh Sơn khuyến khích và sử dụng trí tưởng tượng để nhớ lại tất cả các chi tiết và hoàn cảnh nhằm lồng ghép càng nhiều càng tốt về con người, công việc và thông điệp của Chúa Giêsu. Mặt khác, khi chú ý đến các chủ đề trừu tượng hơn, (ví dụ, các nhân đức, lời khuyên phúc âm, v.v…) thì trí tuệ phải mở đường cho suy niệm. Trong trường hợp này, việc tiếp cận chủ đề bằng trí tưởng tượng sẽ không hữu ích. Nói cách khác, cần phải tôn trọng các phương tiện để nối kết vào từng chủ đề, tùy theo loại của nó.[89]

Tuy nhiên, suy niệm không chỉ là một suy tư lạnh nhạt và theo phương pháp. Nó vượt ra khỏi khuôn khổ của việc suy tư với những tình cảm và các quyết tâm. Suy tư không phải là mục đích của suy niệm, như thể suy niệm là thời gian để nghiên cứu. Thay vào đó, suy tư phải liên hệ đến tình cảm của con người. Suy niệm là để thổi bùng ngọn lửa tình yêu chứ không phải để dập tắt nó. Theo thánh Vinh Sơn, coi trọng việc suy tư quá mức cần thiết thì thật là vô ích cũng giống như “tiếp tục đập đá lửa sau khi ngọn nến đã được thắp sáng.”[90] Yếu tố ảnh hưởng đến ý chí là điều khiến chúng ta biết ơn, cảm thấy lệ thuộc vào Thiên Chúa và ngợi khen Ngài.[91]

Sự cam kết hay nói theo ngôn ngữ của thánh Vinh Sơn, “quyết tâm” là thời điểm quan trọng nhất của cầu nguyện. Tất cả đều dẫn đến điều này: nếu việc suy tư của chúng ta có chức năng là tình yêu được bày tỏ đối với Thiên Chúa, thì nó nên kết thúc bằng một điều gì đó cụ thể bởi vì “các nhân đức được suy gẫm không được thực hành sẽ có hại hơn là hữu ích.”[92] Thánh Vinh Sơn không thể quan niệm về việc suy niệm mà không có một quyết tâm tốt để hoàn thành, ngay cả khi người đó đã không trung thành với những điều trước đó: “Chúng ta không bao giờ ngừng đưa ra những quyết tâm mới trong mỗi lần suy niệm, cũng như chúng ta không ngừng ăn ngay cả khi dường như không có ích lợi gì.”[93] Điều quan trọng là phải nhấn mạnh vào các quyết tâm được thực hiện trong lời cầu nguyện cho đến khi các mục tiêu đề xuất này đã được hoàn thành.[94] Nhưng không nên đưa ra các quyết tâm này một cách vội vàng. Thánh Vinh Sơn một lần nữa cho thấy sự hiểu biết sâu sắc của mình về tâm lý con người, ngài đưa ra những gợi ý sau đây: các quyết tâm không nên chỉ nằm trong lãnh vực trừu tượng, mà phải cụ thể, càng cụ thể càng tốt, để chúng hoạt động và hiệu quả. Trong khi lặp lại lời cầu nguyện, thánh Vinh Sơn đã dành nhiều lời khen ngợi cho một linh mục và hai chủng sinh vì trong khi cầu nguyện, họ đã nhắc đi nhắc lại những thiếu sót của mình một cách cặn kẽ. Cũng trong dòng tư tưởng ấy, thánh Vinh Sơn yêu cầu cha Delespiney, giám đốc chủng viện, luôn luôn duy trì thực hành này bởi vì “đó là cách tâm nguyện cần phải được thực hiện, và làm theo cách khác không phải là tâm nguyện thực sự”[95] Hơn nữa, điều thích hợp là các quyết tâm chỉ giải quyết vấn đề trước mắt: ngày mới bắt đầu, nghĩa vụ hàng ngày, thực hiện Luật chung. Và để cho chắc chắn, thánh Vinh Sơn đã đưa cho các Nữ Tử Bác Ái một danh sách toàn bộ các quyết tâm có thể thực hiện, chẳng hạn như làm thế nào để trở nên nhạy cảm với từng chị em trong cộng đoàn, để an ủi người nghèo, nói chuyện với họ như là chủ nhân, chịu sự chỉ trích càng nhiều càng tốt, v.v…[96] Cuối cùng, cần phải ngăn chặn hoặc giảm thiểu những trở ngại có thể cản trở cho việc hoàn thành các quyết tâm.[97]

c) Kết nguyện. Việc suy niệm nên kết thúc bằng lời tạ ơn Chúa về món quà tuyệt vời này, “ân sủng tuyệt vời nhất mà Chúa có thể ban tặng”. Nếu cầu nguyện là ân sủng, thì lòng biết ơn phải tuôn trào như một đòi hỏi của công bằng.[98] Hơn nữa, chúng ta phải ý thức rằng “lòng biết ơn là sự chuẩn bị cho ân sủng mới.”[99] Một dấu hiệu khác của lòng biết ơn, tình yêu và việc nhìn nhận sự vĩ đại của Thiên Chúa khi đối mặt với sự nghèo khó của con người là việc thực hành dâng lên Thiên Chúa những quyết tâm của chúng ta được thực hiện trong lời cầu nguyện cũng như cầu xin Chúa giúp đỡ cần thiết để kiên trì trong những quyết tâm này.[100] Kết thúc cầu nguyện cũng như lúc khởi đầu: với sự quy chiếu trực tiếp đến Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc, ý nghĩa và căn nguyên cho tất cả. Không thể kết thúc theo bất kỳ cách nào khác.

Lặp lại lời cầu nguyện: chia sẻ lời cầu nguyện và trường học cầu nguyện

Việc lặp lại lời cầu nguyện bao gồm việc chia sẻ lớn tiếng bài suy niệm của một người đã thực hiện trước đó trong nội tâm. Thực hành này ít nhiều tương đương với điều mà ngày nay được gọi là “chia sẻ cầu nguyện”, ngày nay vẫn được thực hiện trong các nhóm Kitô hữu khác nhau. Chúng ta có thể khẳng định rằng thánh Vinh Sơn là người đầu tiên ấn định việc thực hành này cho con cái của mình, mặc dù ngài được truyền cảm hứng bởi Bà Acari, người mà theo thánh nhân đã thực hành điều này với người hầu của bà Andree La Voix.[101] Theo cùng một lời chứng, có vẻ như trong thời gian ở Rôma, bà không hài lòng với các buổi đàm luận được tổ chức trong Dòng Oratory của thánh Philip Neri, và vì vậy họ đã thực hành hình thức cầu nguyện này để khích lệ nhau.[102] Thánh Vinh Sơn dựa trên những tiền đề này, như chúng ta sẽ thấy về sau, để làm thành một “trường học cầu nguyện” thực sự cho hai Tu hội. Điểm độc đáo của thánh Vinh Sơn liên quan đến việc lặp lại lời cầu nguyện này là ở chỗ tạo cho nó hình thức riêng và kết hợp nó vào thói quen cầu nguyện trong linh đạo Vinh Sơn. “Chúng ta có lý do để tạ ơn Chúa vì đã ban ân huệ này cho Tu hội, và chúng ta có thể nói rằng cách thực hành này, vốn chưa bao giờ thịnh hành trong bất kỳ cộng đoàn nào, sẽ cứu chúng ta”.[103] Thánh Vinh Sơn quả quyết với các Thừa sai, mời gọi họ tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho họ ân sủng như vậy.[104]

Trong suốt cuộc đời của mình, thánh Vinh Sơn hẳn đã hướng dẫn hơn 3500 đến 4000 lần lặp lại lời cầu nguyện, mặc dù chúng ta chỉ sở hữu 50 bản văn trong số đó (từ năm 1642 đến 1655) ghi lại chi tiết việc thực hành mà Đấng sáng lập của Lòng Bác ái đã rất tâm huyết. Hai hoặc ba lần một tuần khi kết thúc buổi suy niệm, thánh Vinh Sơn sẽ mời cộng đoàn, vốn rộng khắp nhà thờ cũ ở Saint Lazare, tụ tập quanh thánh nhân.[105] Trong một bầu không khí cởi mở và đơn sơ, thuận lợi để cởi mở tâm hồn họ, thánh Vinh Sơn sẽ hỏi một hoặc hai anh em về nội dung lời cầu nguyện của họ. Thánh nhân sẽ kiên nhẫn lắng nghe những suy tư của họ, đôi khi có giá trị nhỏ, nhưng được bổ sung bởi sự đơn sơ và quảng đại mà họ thể hiện.[106] Sau đó, một trong những linh mục sẽ chia sẻ suy nghĩ của mình và thánh Vinh Sơn sẽ kết thúc buổi cầu nguyện bằng một lời khích lệ ngắn, dựa trên sự suy niệm trong ngày hoặc về những ý tưởng được thể hiện, những sai lầm quan sát được hoặc về những sự kiện bên ngoài.

Với việc thực hành này, chúng ta có thể thấy rằng thánh Vinh Sơn có một mục đích kép trong tâm trí: trước hết là chia sẻ lời cầu nguyện để làm sinh động lẫn nhau trên hành trình hoàn thiện Kitô giáo. Trong những khoảnh khắc đó, cầu nguyện trở thành một kinh nghiệm thiêng liêng rất riêng tư và không phải lúc nào cũng được chia sẻ với người khác. Cần phải mở cánh cửa của những lời cầu nguyện để giúp họ có thể chia sẻ những kho báu bên trong của họ. Giá trị của lời cầu nguyện được chia sẻ còn mở rộng đến cả nền tảng của đời sống cộng đoàn, giúp củng cố nó. Thánh Vinh Sơn nhận thức rõ rằng việc lặp lại lời cầu nguyện là một cách thích đáng để xây dựng Giáo hội, và kết quả là tạo ra cộng đoàn.[107] Thứ hai, chúng ta có thể coi việc lặp lại lời cầu nguyện như một hình thức trường học công cộng về cầu nguyện. Không có cách nào tốt hơn để tránh sai lầm và biết cách cầu nguyện cụ thể hơn là đọc to lời cầu nguyện của mình. Với “kiểu mẫu” này, thánh Vinh Sơn đã cố gắng dạy các Nữ Tử Bác Ái và các Nhà truyền giáo cách cầu nguyện và giúp họ hoàn thiện việc cầu nguyện của mình. Cụ thể hơn, trong nhiều lần lặp lại lời cầu nguyện, thánh Vinh Sơn liên tục nhắc lại những chủ đề quan trọng như: phương pháp thực hành suy niệm tốt đòi hỏi phải xem xét mục tiêu của việc suy niệm, điều này phải là trọng tâm ngay từ đầu.[108] Rất hiệu quả khi chọn một đoạn văn từ Kinh Thánh và suy niệm trong nội tâm.[109] Lời cầu nguyện tốt nhất không phải là sự gia tăng của lý luận mà là sự hữu hiệu, kết thúc bằng việc cụ thể hóa bản thân bằng những quyết tâm thiết thực cho cuộc sống.[110] Những biến cố trong cuộc, dù chỉ là những điều nhỏ nhặt, khi được coi là đến từ Thiên Chúa, rất hữu ích cho việc học các bài học quan trọng của Kitô giáo. Các Thừa sai nên suy tư về những chủ đề rộng lớn của đời sống Kitô giáo. Giống như Chúa Giêsu đã dạy cầu nguyện cho các tông đồ, thánh Vinh Sơn cũng dạy cho các môn đệ của mình. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta có thể xác nhận rằng nhiều Thừa Sai và Nữ Tử Bác Ái vào thời Thánh Vinh Sơn và sau đó, đã học được tinh thần Vinh Sơn trong ngôi trường tuyệt vời về việc lặp đi lặp lại lời cầu nguyện này.

Một số đặc tính của cầu nguyện Vinh Sơn trong thời đại và thế giới của chúng ta

1. Cầu nguyện Vinh Sơn phải luôn hướng đến người nghèo. Giống như mọi lối cầu nguyện khác, cầu nguyện Vinh Sơn mang tính cá nhân, nhưng hướng tới cộng đoàn và người nghèo. Nếu chiều kích xã hội cố hữu trong mọi kinh nguyện Kitô giáo, thì điều ấy cũng cố hữu trong việc cầu nguyện Vinh Sơn với một lý do lớn hơn. Vì lý do này, chúng ta có thể nghi ngờ lời cầu nguyện không kết thúc trong việc dấn thân cho người nghèo. Hãy chú ý đến người đã hiểu rõ nhất linh đạo của thánh Vinh Sơn, đó là thánh Louise de Marillac; lời cầu nguyện của thánh nữ luôn kết thúc với một số cam kết đem lại lợi ích cho tha nhân. Có vô số đoạn văn, nhưng tôi chỉ xin nhắc tới ba khoảnh khắc sau đây trong đời sống cầu nguyện của thánh nữ: Khi thánh nữ trải qua đêm thần bí đầu tiên và trải nghiệm về sự thanh tẩy cần thiết để có thể phục vụ người nghèo. Một khoảnh khắc quan trọng khác đã diễn ra khi thánh nhân thi hành sứ mạng đến thăm các Hội bác ái. Đây là lúc thánh nữ nhận được một lời hứa hôn thần bí. Thánh nhân đã viết lại rằng: “Trong suốt chuyến đi của mình, tôi dường như đang hành động mà không đóng góp gì về phần mình; và tôi đã được an ủi rất nhiều bởi ý nghĩ Thiên Chúa muốn rằng, mặc dù tôi không xứng đáng, tôi phải giúp người thân cận của tôi biết Ngài.”[111] Khi trần nhà rơi xuống nơi họ đang gặp nhau, nhưng việc cứu thánh nữ, thánh Vinh Sơn và những người quý tộc khác, dẫn đến kết luận rằng họ cần phải trung thành với Thiên Chúa để phục vụ những người nghèo. Vào cuối đời, khi thánh nữ thực hiện cuộc tĩnh tâm nổi tiếng về Chúa Thánh Thần, trong một lần cầu nguyện, một điều cho thấy thánh nữ là một người chiêm niệm: “Tôi cảm thấy có sức hút lớn đối với nhân tính thánh thiện của Chúa chúng ta và tôi muốn tôn vinh và noi gương trong khả năng có thể đối với người nghèo và của tất cả những người thân cận của tôi.”[112]

Gia đình Vinh Sơn nên đề phòng sự cám dỗ của việc tìm kiếm sau một lời cầu nguyện là “chủ nghĩa thân mật” (khép kín bản thân mà không đưa ra lời cam kết) và “ẩn dật” (tìm kiếm nơi nương tựa trong lời cầu nguyện). Môi trường thế tục, những khó khăn vốn có trong sứ vụ, v.v… tất cả đều có thể khiến chúng ta dễ dàng rơi vào vòng nguy hiểm này. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy trong quá trình trình bày này, hình thức cầu nguyện như vậy sẽ không mang tính Vinh Sơn. Chính thánh Vinh Sơn đã cảnh báo chúng ta về mối nguy hiểm có thể xảy ra: “Sau khi tôi ra đi, sẽ có… những người anh em giả dối… những người chỉ có tầm nhìn hạn hẹp, giới hạn quan điểm và ý muốn của họ trong một chu vi cố định mà họ tự đóng kín như trong một điểm; họ không muốn rời khỏi đó, và nếu họ được giới thiệu một cái gì đó bên ngoài và đến gần để xem xét, ngay lập tức, họ rút về trung tâm của họ, như con ốc chui vào vỏ vậy.[113]

2. Lời cầu nguyện Vinh Sơn phải lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Điểm này phù hợp với giáo thuyết của thánh Vinh Sơn. Chắc chắn, những người nói về cầu nguyện luôn nhắc đến con người cầu nguyện của Chúa Giêsu. Trong trường hợp của chúng ta, thánh Vinh Sơn luôn trình bày Chúa Giêsu là Người đã hoàn thành sứ mệnh bác ái mà Ngài đã được sai đến. Nếu người ta thấy Chúa Giêsu cầu nguyện ở nơi riêng tư hoặc nơi công cộng, thì trong những hành vi sau đó người ta thấy Ngài chữa bệnh, cho kẻ đói ăn, an ủi kẻ đau khổ và rao giảng cho dân chúng. Nếu khi có người nhìn thấy Ngài từ giã đám đông, chìm ngập trong sự im lặng để tôn vinh Cha Ngài, thì ngay sau đó người ta thấy Ngài ở giữa dân chúng, tìm kiếm các con chiên lạc. Nếu người ta chiêm ngắm Chúa Giêsu đang cử hành bữa tiệc Vượt Qua với các môn đệ của Ngài, thì đồng thời người ta thấy Ngài quấn khăn và rửa chân cho các môn đệ; Ngài nói: Vậy, nếu Thầy là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau (Ga 13,14).

Không còn nghi ngờ gì nữa, Chúa Giêsu Nazaret đã dạy bằng chính Lời và gương của Ngài, đi cầu nguyện, nhưng phải ở lại trong cầu nguyện, tôn thờ và yêu mến ý muốn của Thiên Chúa, muốn dấn thân vào việc truyền giáo và phục vụ người nghèo. Nếu chúng ta thấy thánh Vinh Sơn xét mình về những nhân đức này, thì đó là vì những nhân đức này cần thiết cho việc thi hành sứ mạng. Vì vậy, thánh Vinh Sơn đã xem xét lại khi cầu nguyện với từng nhân đức này và thấy chúng được chiếu sáng nơi Chúa Giêsu, Đấng rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Qua việc xét mình dưới ánh sáng của Đức Kitô là Đấng đơn sơ, khiêm nhường và bác ái, đôi khi thánh Vinh Sơn bày tỏ lòng biết ơn và xin ơn tha thứ: “Khi Thiên Chúa ban ơn soi sáng, ân huệ hoặc một tưởng tư đẹp, thì ngay lập tức ân ban sẽ được sử dụng tốt bằng cách áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của chính người đó trong cuộc sống. Những tội lỗi của chính mình phải được xem xét, thú nhận và thừa nhận trước Thiên Chúa và thậm chí là trước toàn thể cộng đoàn….[114]

Trong thế giới của chúng ta, chúng ta nhận thấy sự cần thiết của kinh nghiệm về Thiên Chúa. Những căng thẳng trong cuộc sống và sự yếu kém về đức tin của nhiều người đã khiến họ càng cần cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhận định này càng cấp thiết, đặc biệt là ở giới trẻ. Bây giờ chúng ta biết rằng nhiều người cần đến Thiên Chúa nên đã tham gia vào các buổi cầu nguyện của giáo dân hoặc của các tu sỹ với bản sắc của phương Đông chiêm niệm siêu việt, yoga, thiền hoặc New Age. Khi đối mặt với tất cả hình thức suy niệm này mục tiêu có thể là nhấn chìm người đó trong trạng thái niết bàn, cầu nguyện theo Vinh Sơn có thể đưa ra một hình thức cầu nguyện dẫn người ta đến sự đồng hình đồng dạng với con người của Đức Giêsu Kitô.

3. Lời cầu nguyện Vinh Sơn phải đưa đến kinh nghiệm về Thiên Chúa. Hãy nhớ là Thiên Chúa của người nghèo cũng chính là vị Thiên Chúa mà chúng ta cảm nghiệm được trong chính mình, cách cầu nguyện đầu tiên trong suốt quá trình phục vụ của chúng ta là gặp gỡ vị Thiên Chúa bên trong chúng ta, không chỉ theo cách hoàn toàn lý thuyết hay một đối tượng đơn thuần, nhưng là một kinh nghiệm về sự hiện diện cá vị của người khác trong sâu thẳm hữu thể của chúng ta. Điều quan trọng là phải nhấn mạnh đến sự hiện diện cá vị với Thiên Chúa, bởi vì đã có những trào lưu triết học và tâm lý học đề ra một Thiên Chúa phi ngã vị. Thánh Vinh Sơn từng nhắc đến việc khám phá Thiên Chúa trong con người là “không ngừng cầu nguyện.[115] Trái lại, đây chính là hình thức cầu nguyện mà chúng ta cần trao tặng cho thế giới tại nơi mà chúng ta đang sống và làm việc hôm nay.

Thật khó để nghĩ đến Thiên Chúa trong suốt quá trình chúng ta phục vụ; tuy nhiên, đó là điều mà thánh Vinh sơn và thánh nữ Louise muốn con cái của mình phải làm. Trong việc cầu nguyện của thánh Louise, thánh nhân cảm thấy cần phải luôn chú ý đặt mình dưới sự hiện diện của Thiên Chúa, điều mà thánh nữ không bao giờ từ bỏ ngay cả khi không nghĩ về điều đó nữa. Thánh nữ đã đề nghị với các Nữ tử đầu tiên rằng: “Nếu chị em thường xuyên đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, sự tốt lành của Ngài sẽ không thể không nhắc chị em về tất cả những gì Ngài muốn nơi chị em.” Nhiều nhà thần học hiện nay có cùng ý tưởng này. Ví dụ, Luis Briones đã đề xuất lý thuyết sau: “Là điều có thể và thực tế khi ở lại trong Thiên Chúa (hoặc sống bên ngoài và bên trong một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa) một cách cách thường xuyên trong kinh nghiệm cuộc sống thường ngày.”[116]

Những gì chúng tôi đã đề cập cho đến thời điểm này, chúng tôi không có ý muốn nói là thánh Vinh Sơn tin rằng kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa phải liên tục và không bị gián đoạn. Điều đó là không thể. Điều thánh nhân mong đợi ở chúng ta, ít nhất là có một cuộc sống được dẫn dắt bởi ý thức làm điều tốt cho Chúa. Về mặt chủ quan, mọi giây phút chúng ta đều được sống trong Chúa; đôi khi chúng ta nhận thức được điều này và những lúc khác chúng ta biết nó thông qua xu hướng và quan điểm của chúng ta.

Để nhận thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta, chúng ta cần ý thức rất rõ về ý nghĩa của việc phục vụ được giao phó cho chúng ta. Theo quan điểm điển hình của tinh thần Vinh Sơn, việc cầu nguyện bao gồm việc nhận ra sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi những người nghèo và cảm nghiệm rằng trong Thiên Chúa, người nghèo là một nhân vị, và tương quan với họ như một nhân vị. Vì vậy, những người nghèo trở thành “lời cảnh tỉnh” cho một người Vinh Sơn trong cầu nguyện, nhắc nhở rằng nơi tuyệt vời nhất mà chúng ta tìm thấy Thiên Chúa là ở người nghèo. Chính trong các mối tương quan của chúng ta, nơi mà sự tiếp xúc xảy ra giữa con người với nhau, và nếu chúng ta nhận ra rằng Thần Khí của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào những tương quan cởi mở, tương tác và nâng đỡ, liên kết chúng ta với mọi người trong tình yêu, thì khi đó chúng ta đang cầu nguyện.

Đây là lời cầu nguyện không ngừng: lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng thúc đẩy chúng ta phá bỏ những bức tường của sự vô danh, sản xuất hàng loạt, cô lập và thiếu giao tiếp của những người nghèo. Tất cả đều tùy thuộc vào chúng ta: nếu chúng ta ý thức giúp đỡ người khác kêu cầu Thần Khí của Chúa Cha, thì chúng ta đang cầu nguyện. Mặt khác, chúng ta không cầu nguyện nếu sự giúp đỡ của chúng ta chỉ đơn giản là phản xạ, máy móc. Việc sửa đổi mà thánh Louise thêm vào Quy tắc mà thánh Vinh Sơn đã viết cho các nữ tử tại các giáo xứ là đáng lưu tâm: “Cần thêm điều khoản này… các chị em phải quan tâm khuyến khích người bệnh lãnh nhận các bí tích, cố gắng hết sức để giúp đỡ họ chuẩn bị tốt cho việc này. Các Nữ tử cũng phải an ủi người bệnh khi họ thực sự cần, tôn trọng họ và nói với họ một cách nhẹ nhàng và khiêm nhường, đừng bao giờ nghĩ rằng người nghèo nợ chúng ta bất cứ điều gì vì sự phục vụ này.[117]

4. Cầu nguyện Vinh Sơn phải dẫn đến chiêm niệm trong hoạt động. Nói cách khác, nhận ra Chúa trong lời cầu nguyện chuẩn bị cho chúng ta nhận ra Chúa nơi những người nghèo. Chúng ta hãy khám phá khía cạnh Vinh Sơn này một cách sâu sắc hơn.

Henry Bremond đã mô tả thánh Vinh Sơn là một “nhà thần bí trong hoạt động.” Guiseppe L. Coluccia đã sử dụng các thuật ngữ gần giống như vậy trong tác phẩm của mình, Linh đạo Vinh Sơn, Linh đạo hoạt động. Về phần mình, tinh thần Tu hội hiện nay nói về “những nhà thần bí theo chiều ngang”chiêm niệm trong hoạt động.” Chắc chắn, tất cả những cách diễn đạt này đều nói đến cùng một cách thức tích hợp hai yếu tố của đời sống thiêng liêng mà thoạt nhìn có vẻ mâu thuẫn: cầu nguyện và hoạt động.

Nếu chúng ta đề cập đến những kinh nghiệm đời sống của thánh Vinh Sơn, thì có những tác giả, như những người chúng ta đã đề cập trong suốt bài này, chắc chắn rằng thánh Vinh Sơn là một nhà thần bí hay chiêm niệm thực sự, chứ không phải vì ngài là chủ thể của những hiện tượng phi thường như những mặc khải, những trạng thái xuất thần hoặc thị kiến, nhưng đúng hơn là vì ân huệ của Thiên Chúa hiện diện trong thánh nhân lớn đến nỗi cuộc đời và công việc của ngài dường như tràn đầy Thiên Chúa. Hoạt động tuyệt vời mà thánh nhân đã phát triển không gì khác ngoài hệ quả, được thúc đẩy bởi tình yêu, phát xuất từ Thiên Chúa. Có một loại thần bí giả hiệu, đó là sự phóng đại, tự yêu bản thân một cách thiêng liêng quá mức, những cảm tính thuần tuý, những cách thức của lời nói hay suy nghĩ đưa một người đến với Chúa. Trái với điều này, thánh Vinh Sơn đề xuất một cuộc sống thực sự chìm trong sự chiêm niệm và hướng về thế giới thực, nơi chủ nghĩa thần bí kết hợp hài hòa giữa cầu nguyện với hành động, hai khía cạnh mà trong thực tế không nên quá tách biệt. Đời sống thiêng liêng khép kín trong những cuộc đấu tranh cá nhân của mình, mà không nhận ra “tiếng kêu của những người nghèo khó” là thiếu xác thực bởi vì “một mình tôi yêu Chúa thì chưa đủ nếu người thân cận của tôi không yêu Chúa”. Linh đạo của Thánh Vinh Sơn là linh đạo hòa nhập. Trong đó, có sự giao thoa kỳ diệu của trời và đất, là con trai/con gái và là anh/chị/em, khổ hạnh và thần bí, chiêm niệm và hành động. Như người ta đã nói, Thánh Vinh Sơn không bao giờ có thể trở nên hoạt động như vậy nếu mà trước đó đã không thụ động, dễ tiếp thu và ngoan ngoãn với ý muốn của Thiên Chúa, hay nói cách khác, một nhà thần bí thực sự như thế.”[118] Nhà thần bí để cho chính mình được thúc đẩy bởi thánh ý của Thiên Chúa, điều luôn luôn kết thúc bằng cách chỉ ra con đường dẫn đến người nghèo. Không có nền tảng với người nghèo như vậy, nhà thần bí không có giá trị và cũng không có hành động. Thánh Vinh Sơn khẳng định một cách mạnh mẽ điều đó: “Sự hoàn hảo không phải nằm ở việc xuất thần, mà ở việc làm theo ý muốn của Chúa.”[119]

Về khía cạnh này, thần học gia Gustavo Gutierrez cho rằng câu hỏi tối hậu mà mọi trường phái linh đạo phải trả lời là hòa hợp sự hiện diện trong thế giới với sự hiện diện trước mặt Thiên Chúa. Làm thế nào để hai khái niệm này có thể được kết hợp với nhau để khắc phục tính nhị nguyên này? Như chúng ta đã thấy, thánh Vinh Sơn đã trả lời câu hỏi này qua cuộc sống hoà nhập của ngài. Bây giờ chúng ta còn phải nghiên cứu câu trả lời về mặt học thuyết của thánh Vinh Sơn, như đã trình bày, hoàn toàn hoà hợp với câu trả lời từ cuộc sống của ngài. Không có cách nào khác. Học thuyết nào của Thánh Vinh Sơn chứa đựng công thức “chiêm niệm trong cầu nguyện” và tương ứng với nó “tông đồ trong cầu nguyện”? Chúng ta hãy xem xét từng phần:

a) Trước hết, chúng ta có thể xem xét sự hội tụ khách quan giữa cầu nguyện và hoạt động, trong khía cạnh cả hai đều liên quan đến việc xây dựng Triều đại Thiên Chúa. Điều trước liên quan trực tiếp đến con người, nhưng không bị giới hạn bởi nó, bởi vì cầu nguyện Vinh Sơn phải làm cho thế giới trở nên mục tiêu của những lời chuyển cầu và cầu xin của người đó. Ví dụ, chúng ta có thể trích dẫn yêu cầu của thánh Vinh Sơn đã đưa ra cho các nhà truyền giáo trong việc lặp lại lời cầu nguyện ngày 13 tháng 6 năm 1655: “Tôi đề nghị với những người cầu nguyện của Tu hội ở Ba Lan, nơi đang ở trong tình trạng kinh hoàng tột độ vì số lượng lớn kẻ thù đang tấn công. Ở đây liên quan đến vinh quang của Thiên Chúa…”[120] Đến lượt mình, hoạt động tông đồ tìm cách xây dựng Nước Thiên Chúa trên thế giới, nhưng thánh Vinh Sơn không quên rằng trong ý định này, người được lợi nhất là chính các Nhà Truyền giáo hoặc các Nữ tử Bác ái.[121]

b) Thứ hai, hai cách diễn đạt này gợi ý cho chúng ta sự bổ sung cần thiết giữa hoạt động và cầu nguyện, dựa trên ý tưởng rằng không có hai kinh nghiệm về Thiên Chúa – kinh nghiệm trong cầu nguyện và kinh nghiệm trong hoạt động. Chúng chỉ là một nhưng trong hai khoảnh khắc xuất hiện khác biệt chỉ đối với con người mà không phải đối với Thiên Chúa. Sắc lệnh Perfectae Caritatis khuyến khích các thành viên của tất cả các dòng tu tích hợp việc chiêm niệm và tình yêu tông đồ.[122] Tính bổ sung nằm ở chỗ việc cầu nguyện Vinh Sơn đích thực dẫn đến hoạt động tông đồ. Đối với thánh Vinh Sơn, cuộc gặp gỡ Thiên Chúa luôn được chuyển thành sự dấn thân cho người nghèo vốn là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, được bày tỏ nơi con người, được cụ thể hóa bằng hành động, như chúng ta đã đề cập ở trên. Ngược lại, hoạt động tông đồ dẫn đến và kết thúc bằng lời cầu nguyện bởi vì trong cùng lời cầu nguyện này người Vinh Sơn nhớ lại và trau dồi ý nghĩa sâu xa những hoạt động của mình. Trong cầu nguyện, các Nhà Truyền giáo và Nữ tử Bác ái liên tục canh tân đức tin và sự dấn thân của họ đối với người nghèo, đồng thời tăng trưởng sự nhạy bén để tiếp xúc nhiều hơn với sự hiện diện của Thần Khí trong thế giới và trong người nghèo.

Thánh Vinh Sơn đã trình bày rất rõ ràng về sự bổ sung này, ngài quả quyết với các nhà truyền giáo: “Mọi điều tốt lành đều đến nhờ cầu nguyện; kiên trì trong ơn gọi của mình, sự thành công trong công việc của chúng ta, tránh xa tội lỗi, sống trong tình trạng bác ái, sự cứu rỗi của chúng ta… ”[123] Và cùng ý tưởng đó, thánh Vinh Sơn nhấn mạnh với các Nữ Tử Bác Ái rằng việc phục vụ những người nghèo phải kết thúc bằng cầu nguyện. Đây là nơi những nhu cầu của tất cả những người nghèo được thổ lộ với Thiên Chúa.[124] Trong linh đạo Vinh Sơn, cầu nguyện không thể bị tách biệt khỏi thế giới và sự nghèo đói. Như Hiến pháp của Tu hội Truyền giáo quy định, các Nhà Truyền giáo “cần phải tìm một kinh nghiệm cầu nguyện độc đáo trong… các biến cố của cuộc sống.”[125] Thánh Vinh Sơn cũng bày tỏ ý tưởng tương tự: “Không có gì phù hợp với Tin Mừng hơn là, một mặt, thu thập ánh sáng và sức mạnh cho linh hồn trong việc cầu nguyện, đọc sách thiêng liêng, và thinh lặng, và sau đó ra đi và phân phát điều tốt lành thiêng liêng này cho con người. Đây là tham gia vào công việc của Martha và Mary. Điều này cũng giống như chim bồ câu, tiêu hoá một nửa thức ăn và sau đó đặt phần còn lại vào miệng của con non để cho chúng ăn.”[126]

c) Cuối cùng “trở thành những người chiêm niệm trong hoạt động” được kết nối chặt chẽ với trọng tâm linh đạo Vinh Sơn. Thánh Vinh Sơn đã thành công trong việc kết hợp hai thái cực này với nhau rất tốt đến mức ngài đã đưa việc chiêm niệm vào những hoạt động phục vụ. “Một nữ tu sẽ đi thăm người bệnh mười lần một ngày, và mười lần một ngày cô ấy sẽ tìm thấy Thiên Chúa ở đó.”[127] Hiến pháp hiện nay của Nữ Tử Bác Ái kết thúc với cùng một kết luận: “Các Nữ tử tìm thấy Chúa Giêsu, chiêm ngắm Ngài trong tâm hồn và trong cuộc sống của người nghèo… Nhờ đức tin họ thấy Đức Kitô nơi người nghèo, và họ thấy người nghèo trong Đức Kitô.”[128] Những biến cố, cuộc đời, người nghèov… không thể trở thành đề tài chiêm niệm, nếu người ta không học cách nhìn thấy Thiên Chúa trong chúng, để nghe tiếng của Ngài và cảm nhận trong chính mình niềm đam mê của Thiên Chúa đối với tất cả nạn nhân của sự bất công trên thế giới. Khi đó, người ta không thể chắc chắn liệu rằng Thiên Chúa có thật hay chỉ đơn thuần là một ý tưởng.

(Trích Tạp chí Vinh Sơn 06)


[1] X. A. D’Agnel, Saint Vincent de Paul, Maitre d’oraison, 20 ed. P. Tequi (Paris, 1929). (Saint Vincent de Paul: Teacher of Prayer).

[2] X. A. Dodin, La ()radon del Sefior Vicente, ‘Anales de la Congregation de la MisiOn” 86 (1978), p. 664.

[3] Ibid.. p. 652.

[4] Abelly, The Life of the Venerable Servant of God. III, C. VII, p. 40.

[5] SV. IX, 327-328.

[6] SV. XI, 83

[7] Ibid.

[8] SV. III, 241, 258; IX, 976-995, 921-922, 265-272; XI, 695, 684, 270, 782, 512-513, 485-486, 662

[9] H. Bremond, Histoire Litteraire du Sentiment Religieux en France, A. Colin (Paris, 1967), vol. III. p. 219.

[10] Francis de Sales, đến lượt mình, đã nói về món nợ của ngài với thánh Bonaventure, Bruno, Fr. Granada, Teresa Avila cũng như các bậc thầy linh đạo khác của Tây Ban Nha.

[11] Abelly, Chương 7, đoạn 1, tr 45.

[12] SV. XI, 77-83

[13] SV. IX, 329.

[14] Ibid.

[15] A. Royo Marin, Teologia de la Perfection Cristiana,” BAC (Madrid, 1955), pp. 584-585.

[16] SV. IX, 316

[17] Ibid.

[18] SV. IX, 322.

[19] Saint Francis de Sales, Treatise on the Love of God, VI, Ch. IV

[20] SV. X, 484.

[21] Op. cit., Conference 103, p. 459.

[22] SV. XI, 77-83

[23] Op. cit., Conference 153, pp. 324-325.

[24] Ibid., p. 323.

[25] SV. IX, 94.

[26] Op. cit., Conference 37, p. 327 and Conference 105, p. 468.

[27] Op. cit., Conference 51, p. 77.

[28] B. Haring, Oracion, en Nuevo Dittionario de Espiritualidad, Paulinas (Madrid, 1983), pp. 1015-1020.

[29] SV. IX, 330.

[30] SV. IX, 330-333

[31] SV. IX, 326

[32] Ibid.

[33] SV. XL, 285 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[34] SV. XL, 282 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[35] SV. X, 468

[36] SV. VII, 171

[37] SV. IX, 326

[38] SV. IX, 327

[39] Ibid.

[40] Conference 51, p. 77

[41] SV. X, 468

[42] SV. X, 470

[43] SV. X, 484

[44] Ibid.

[45] SV. X, 435

[46] SV. IX, 330.

[47] St Teresa, Moradas del Castillo interior, I, 1,7; Camino de Perfection, C6dice del Escorial, 37, 1.

[48] SV. IX, 32

[49] SV. X, 538

[50] Quan điểm này dựa trên thánh Francis de Sales: “Cầu nguyện tắt không khó, và có thể đan xen với mọi hoạt động của chúng ta cũng như với những công việc mà chúng ta tham gia. Nó gói gém những gì còn thiếu trong các lời nguyện khác của chúng ta, khi sự thiếu sót cuả tất cả các kinh nguyện khác không thể được thay thế bởi bất cứ phương tiện nào khác.” Introduction, 2nd part, ch. 13.

[51] SV. XI, 245 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[52] Op. cit., pp. 405-406

[53] Op. cit., pp. 373-374

[54] S. Ignacio, Constitutions de los Colegios nn 14-15; Santa Teresa, Camino de Petfeccion. C6dice del Escorial, c. XVII.

[55] SV. IX, 330

[56] Op. cit., Conference 4, p. 27

[57] Op. cit., Conference 37, p. 332

[58] Ibid., p. 330

[59] A. Orcajo, El segultniento de Jestis Segzin can Vicente, ed. La Milagrosa (Madrid, 1990), p. 81

[60] Abelly, Chương 7, đoạn 1.

[61] SV. IX, 330-331

[62] Abelly, o.c., III, 55

[63] Abelly, o.c., III, 80-81

[64] SV. IX, 26

[65] Ibid.

[66] Santa Teresa, Libro de la Vida, c. VIII

[67] Id., Moradas, IV, p. 6

[68] SV. X, 462; IX, 26-27

[69] SV. IX, 25

[70] Op. cit., Conference 37, pp. 335-336

[71] Op. cit., Conference 21, p. 172

[72] SV. IV, 385

[73] SV. X, 458

[74] X. J. Rivera-J.M. Iraburu, o.c., 735

[75] SV. IX, 778 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[76] Abelly, Chương 7, đoạn 1, tr 48

[77] SV. XI, pp. 463-465 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[78] Ibid., p. 467

[79] SV. IX, 3, 18, 165 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[80] SV. III, 532

[81] SV. IX, 3

[82] Ibid.

[83] Ibid.

[84] X. Ch. A. Bernard, Meditacion en Nuevo Diccionario de Espiritualidad, Paulinas (Madrid, 1983), p. 904

[85] X. SV. IX, 28, 240, 462 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[86] Ibid, 28, 463

[87] Ibid, 462-463

[88] Ibid, 462

[89] SV. XI, 240-241; 779-780 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[90] Ibid, 180-181

[91] SV. IX, 81, 97, 173, 178; 1132 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[92] AbeIly I, chương 19; đoạn VII, tr 311

[93] SV. XI, 781 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[94] SV. IX, 6-7 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[95] Ibid, p. 287

[96] SV. IX, 27 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[97] SV. XI, 622-623 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[98] SV. IX, 1135-1136 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[99] SV. XI, 247 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[100] SV. IX, 1135 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[101] Còn gọi là Barbara Avrillot, ngài gia nhập dòng mới của nhánh Camêlô cải cách ở Pháp. Là tu sĩ, ngài mang tên là Maria Nhập thể.

[102] SV. IX, 20 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[103] SV. XI, 279-283 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[104] SV. XI, 664 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[105] Ibid, 202, 309, 314, 349

[106] SV. IX, 203, 387, 708, 873; X, 794 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[107] SV. XI, 279-283, 664; X, 794 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[108] Op. cit., pp. 420-421, 374 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[109] Cf. Op. cit., p. 194 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[110] Ibid., pp. 245-246, 421, 374, 287 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[111] SW A. 50, pp. 704-705

[112] SW, A. 26, p. 820.

[113] SV. XI, 610, 612 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[114] Abelly III, chương 7, đoạn 1, tr 48

[115] SW, Letter 193, p. 219

[116] L. Briones, ¿Dónde está Dios?. ed. Verbo Divino (Estella, 1998), pp. 147-148

[117] SW A. 91, p. 741

[118] V. de Dios, Vicente de Paul. Biograffa y Espiritualidad, ed. Claveria (Mexico, 1991), p. 58

[119] SV. XI, 300 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[120] G. Gutierrez, Reber en su propio pozo, ed. Sigueme (Salamanca, 1984), p. 28

[121] SV. XI, 186-187; XI, 381 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[122] SV. IX, 199

[123] SV. XI, 285 (Ẫn bản Tây Ban Nha)

[124] SV. IX, 1147; XI, 186, 381 (Ẫn bản Tây Ban Nha)

[125] HP 44

[126] SV. XI, 50 (Ấn bản Tây Ban Nha)

[127] SV. IX, 199

[128] HP 10