1. Các bài đọc Lời Chúa
Bài đọc I: Is 22,19-23
Sách ngôn sứ Isaia: Thiên Chúa loại bỏ Sobna khỏi địa vị của ông như là người cai quản đền thờ.
Ðáp Ca: Tv 137,1-2a. 2bc-3. 6 và 8bc
Thánh vịnh 137: Lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời.
Bài đọc II: Rm 11,33-36
Thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma: Thánh Phaolô dâng lời ngợi khen Đức Chúa.
Tin Mừng: Mt 16,13-20
Tin Mừng theo thánh Matthêu: Phêrô đã tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và ông đã được trao chìa khóa nước trời.
2. Chia sẻ
Trong thời phong kiến, việc phong vương cho ai luôn là một điều hệ trọng. Vì một vương quyền mới có thể làm cho đất nước phồn thịnh, nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới diệt vong.
Ngày nay, việc chọn người lãnh đạo luôn là một vấn đề quan trọng cả trong Giáo hội lẫn ngoài xã hội. Khi chọn lựa một người vào vị trí lãnh đạo nào, người ta phải xem xét kỹ ứng viên đó có thích hợp và xứng đáng với địa đó hay không. Quá trình chọn lựa thường dựa vào khả năng đã được thể hiện trong thời gian trước đây mà người đó đã có, mối tương quan với những người liên hệ. Thực sự có vô vàn cách tuyển chọn một người vào vị trí lãnh đạo. Nhưng tất cả đều có chung một điểm, đó là người đó có năng lực cho vai trò sắp đảm nhận, xứng đáng về đức, về tài và có thể làm việc hiệu quả cho cộng đoàn. Có thể xem đó là những tiêu chí thông thường mà người ta thường hay thấy khi tuyển chọn một người vào vị trí lãnh đạo.
Trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay, có lẽ chúng ta cũng sẽ thấy được việc tuyển lựa vị trí lãnh đạo trong Kinh Thánh, cả Cựu ước lẫn Tân ước.
Bài đọc một sách ngôn sứ Isaia nói về việc chọn lựa người cai quản đền thờ. Chúa loại bỏ Sobna và chọn Êliaqim, con trai Helcia lên thay thế ông. Có một sự bất trung nơi Sohna, nên ông không còn được Chúa tín nhiệm trao nhiệm vụ cai quản nhà Chúa, và thế là Ngài đã chọn một vị cai quản mới.
Điều này có nghĩa là chìa khóa đền thờ đã được giao cho người khác, kẻ trung tín hơn. Và vị này sẽ có quyền hành để thi hành sứ vụ.
Nơi bài Tin Mừng là việc Chúa tuyển chọn Phêrô lên làm người lãnh đạo tông đồ đoàn, làm người cai quản Giáo hội. Cuộc tuyển chọn này xem ra rất đơn giản, chỉ với vài câu hỏi và Phêrô đã trả lời đúng về bản thân Đức Giêsu, cho nên ông đã được Chúa trao chìa khóa để làm thủ lãnh cộng đoàn những kẻ tin Chúa.
Qua điều này chúng ta thấy một tiến trình tiệm tiến, để có thể được Chúa tín nhiệm trao phó trọng trách.
Chúa luôn có kế hoạch cho công trình của Ngài
Việc chọn lựa Sobna hay Phêrô không phải là chuyện ngẫu nhiên hay tình cảm riêng tư của Chúa với cá nhân họ, nhưng Ngài đã có một kế hoạch cho họ. Kế hoạch cho Sobna là củng cố nhà Đavít và gìn giữ ngai vàng ấy bền vững, qua việc cai quản đền thờ. Kế hoạch cho Phêrô là ông sẽ chăm sóc Giáo hội của Ngài.
Kế hoạch đó được chính Chúa sắp đặt chứ không phải do sự khôn ngoan của con người hay do ý kiến của cá nhân mà có. Những kế hoạch, những sự sắp đặt của Chúa thì theo một tiêu chuẩn khác, và đôi lúc, vượt quá những suy nghĩ thường tình của con người. Điều này thánh Phaolô đã nói trong Bài đọc hai: “sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được!”(Rm 11,33).
Trong cuộc sống, đôi khi có nhiều việc chúng ta sắp xếp thế này, thế nọ, xem ra hoàn chỉnh bài bản, nhưng cuối cùng Chúa lại chẳng cho điều ấy diễn ra đúng tiến trình. Đôi lúc chúng ta cảm thấy thất vọng hay chán nản về điều ấy và than trách Chúa đã chẳng cho kế hoạch ấy thành toàn.
Thế nhưng, xin hãy biết rằng, nếu điều ấy không xảy ra theo ý mình là vì Chúa đã có một kế hoạch sâu xa hơn trong tương lai, mà có thể ngay thời điểm hiện tại, chúng ta không thể thấy điều ấy.
Đòi hỏi một sự hiểu biết sâu xa về Thiên Chúa
Hôm nay, Chúa Giêsu đã muốn trắc nghiệm các môn đệ yêu dấu của mình, nên Ngài đã hỏi họ: “phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (Mt 16,15). Chúa Giêsu muốn biết suy nghĩ của các môn đệ, những người luôn ở cùng Ngài trên hành trình truyền giáo, chứng kiến các phép lạ Ngài làm và cũng làm được các phép lạ khác nhân danh Ngài. Dân Do-thái chỉ dám e dè dành cho Đức Giêsu những tước hiệu không tương xứng với thiên tính của Ngài, nhân dịp này, Chúa muốn thử xem các môn đệ có nhận biết Ngài hơn họ hay không.
Và rồi Phêrô, người đứng đầu trong số các Tông đồ, người trổi vượt trên các anh em mình về sự nhiệt tình, không do dự; và nhân danh tất cả, ông tuyên bố: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Xem ra Phêrô có một sự hiểu biết sâu xa về Đức Giêsu hơn bất kỳ người Do-thái nào. Vì đến lúc này, vẫn chưa có ai dám quả quyết cách công khai và xác thực như Phêrô về danh tính của Đức Giêsu.
Trong đời sống, đôi lúc là những người Kitô hữu lâu năm với mấy chục năm theo Chúa, thế mà đôi lúc người ta biết rất hời hợt về Chúa, về Phúc âm, về giáo lý… Nên hình ảnh của ông Phêrô hôm nay mời gọi chúng ta có một cuộc khám phá Chúa mỗi ngày qua cầu nguyện, đọc Kinh thánh, học hỏi giáo lý, kinh nghiệm qua các biến cố, đọc sách báo về Chúa… để chúng ta có sự hiểu biết về tri thức, rồi với tri thức ấy, chúng ta dễ dàng có sự hiểu biết Chúa cách thiêng liêng và sâu xa trong tâm hồn, vì như người ta nói “vô tri thì bất mộ”. Học biết về Chúa không khi nào được cho là đủ, và luôn có trong mình niềm khao khát để học biết và khám phá về Thiên Chúa trong đời sống luôn.
Sống thuộc về Giáo hội
Bài đọc Tin Mừng hôm nay cho thấy Giáo hội đã được thiết lập và được trao quyền cho Phêrô chăm sóc, hầu xây dựng tòa nhà Giáo hội vững mạnh. Vì thế mỗi người Kitô hữu cần có một cảm thức là một thành phần thuộc về Giáo hội và có bổn phận xây dựng Giáo hội Chúa Kitô ngày càng vững mạnh hơn. Vì đôi lúc, có những cảm thức coi Giáo hội, hay giáo xứ, nhà thờ như là của ông cha, của giám mục, còn người giáo dân thì chỉ nằm trong tương quan liên hệ, có việc cần lãnh bí tích thì đến, xong rồi thì thôi.
Nhưng cần ý thức rằng, mỗi người là một viên đá sống động xây dựng nên tòa nhà của Giáo hội và làm cho Giáo hội mở rộng ra bất cứ nơi nào Giáo hội chưa hiện diện. Vì thế, mỗi người Kitô hữu được mời gọi cố gắng gắn bó với cộng đoàn địa phương, giáo xứ, trong các công tác mục vụ như sinh hoạt thiếu nhi, ca đoàn, hội đạo đức, công tác bác ái, hội đồng mục vụ… để làm cho Giáo hội xinh đẹp và năng động vì “nơi Hội Thánh, người ta luôn luôn có thể gặp được Đức Kitô (Christus vivit, số 34).
Phải chăng để trở nên người lãnh đạo trung tín và được Chúa trao chìa khóa cai quản, đòi hỏi một mức độ sâu xa trong mối tương quan với Chúa. Có thể Chúa trao cho chúng ta chìa khóa của sự tài năng, sự phục vụ, lòng nhiệt thành, vai trò lãnh đạo phụ thuộc vào việc chúng ta sự hiểu biết như thế nào về Chúa chứ không phải vì bất cứ khả năng nào khác.
Pt Phêrô Phạm Minh Triều, CM