Truyền Giáo Là Sống Đức Tin, Đức Cậy Và Đức Mến
(Bài đọc I: Is 60, 1-6; Bài đọc II: 1 tm 2, 1-8; Tin Mừng Mc: 16,15-20)
Trong những ngày này cả thế giới đang theo dõi Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới về vùng Amazon. Có thể nói Thượng Hội Đồng lần này cũng là một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Truyền Giáo cho Giáo hội địa phương tại vùng Nam Mỹ. Có những đề xuất được đưa ra để cứu vãn tình trạng khan hiếm ơn gọi tại đây hay nói khác đi tình trạng thiếu nhân sự truyền giáo tại địa phương. Tuy nhiên tôi luôn hy vọng rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này sẽ mang đến mùa xuân tươi mát cho vùng đất rộng lớn này. Tuy nhiên sứ vụ truyền giáo không phải chỉ dành cho một khu vực hay một số người. Nhưng truyền giáo là sứ vụ của mọi người và ở mọi nơi, mọi thời. Cùng với các Bài đọc Lời Chúa cũng như Sứ Điệp Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo (SĐTG) năm nay của Đức Phanxicô, tôi nhận thấy công việc truyền giáo vẫn đang cấp bách như thời ban đầu của Giáo Hội và đó là một công việc không bao giờ lỗi thời. Từ các sự kiện đó đã gợi lên cho tôi câu hỏi: vậy tôi phải sống tâm tình truyền giáo như thế nào? Câu trả lời có thể là:
Truyền giáo là sống Đức Tin (faith): Đức tin vào Đức Giêsu Kitô giúp chúng ta nhìn mọi sự trong viễn cảnh đúng của chúng, khi chúng ta nhìn thế giới bằng con mắt và trái tim của Thiên Chúa. (SĐTG) Một người ra đi truyền giáo là vì anh ta tin rằng đó là sứ vụ mà Chúa muốn sai người ấy đi. Anh tin vào Thiên Chúa là Đấng cứu độ và Ngài đã mang đến ơn cứu độ cho mọi người. Truyền giáo chính là bài kiểm tra đức tin nơi mỗi người Kitô hữu. Vì lịch sử của mỗi con người nối kết với lịch sử của những người khác và nối kết với lịch sử của Đấng cứu độ mà trong đó Thiên Chúa là trung tâm lịch sử của sự hiện hữu nơi mỗi con người. Có tin vào Thiên Chúa như thế thì mới đi nói điều ấy cho người khác cùng biết, cùng tin và cùng được hưởng ơn cứu độ. Tôi cũng cố gắng bày tỏ niềm tin ấy cho những người mà tôi gặp gỡ, nhất là những ai chưa biết Chúa để họ cũng tin và nhận biết Thiên Chúa.
Truyền giáo là sống Đức Cậy (hope): Đức cậy mở lòng chúng ta ra hướng đến những chân trời vĩnh cửu của sự sống thần linh mà chúng ta được thông phần.(SĐTG) Bài đọc I trong sách tiên tri Isaia và bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cả một viễn cảnh hy vọng lớn lao cho cuộc sống con người. Đó là viễn cảnh của một cuộc sống dồi dào, hạnh phúc, sung túc nơi Thiên Chúa, và không có chỗ cho bóng đêm và chết chóc nơi cuộc sống ấy. Đó là một viễn cảnh tương lai cho mỗi người và cho thế giới và là nền tảng vững chắc cho niềm hy vọng. Niềm hy vọng này là những gì mà thánh Phaolô hướng tới trong Bài đọc II “Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật.”
Truyền giáo là sống Đức Mến (love): Đức ái mà chúng ta được nếm trước trong các bí tích và tình yêu thương huynh đệ, thúc đẩy chúng ta đi đến mọi tận cùng của thế giới.(SĐTG) Thánh Phaolô đã nói “tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5,14). Mọi Kitô hữu trong đó có tôi đã đón nhận tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa trong vô vàn các hoàn cảnh khác nhau. Dó đó, đây là một động lực để mọi Kitô hữu chia sẻ tình yêu này cho những anh em chưa nhận biết Chúa, những người mà Chúa Giêsu đã chết vì. Điều này là một lời đáp trả cho tình yêu mà mỗi người đã được lãnh nhận và là cách để thể hiện lòng yêu mến dành cho tất cả anh em đồng loại.
Như vậy truyền giáo là thi hành sứ vụ giao hòa mà Chúa đã tín thác cho mỗi người trong đó có tôi. Bởi vì chính Chúa đã giao hòa chính Ngài với nhân loại. Cả hai động lực này phụ thuộc vào sự thật của những gì mà mọi người Kitô hữu tin. Nếu điều này không thật, thì nó sẽ không là nền tảng cho Đức Cậy. Và nếu nó không thật thì việc theo đuổi của mỗi người nam nữ trong Giáo hội để bước theo Chúa Giêsu cũng không phải là hành động của Đức Mến. Truyền giáo là bài kiểm tra Đức Tin của tôi và mỗi người Kitô hữu để nói lên rằng Tin Mừng là sự thật. Đó là lý do tại sao Giáo hội phải truyền giáo, mỗi người phải truyền giáo trong đó tôi cũng được mời gọi để làm công việc danh dự và cao cả này. Lời thánh Phaolô nói với cộng đoàn Côrinthô là lời khích lệ cho sứ vụ này “Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.” (1 Cr 9, 23)
Pt. Phạm Minh Triều, C.M