I. Các bài đọc
Bài đọc 1: Ds 11,25-29
Bài trích sách Dân số: Thiên Chúa trao ban thần khí Ngài cho bảy mươi vị bô lão.
Đáp ca: Tv 19,8,10,12-13,14
Thánh vịnh 19: Luật pháp Chúa làm hoan hỷ cõi lòng.
Bài đọc 2: Gc 5,1-6
Trích thư của thánh Giacôbê Tông đồ: thánh Giacôcô cảnh giác cho những ai theo đuổi sự giàu có bất chính.
Tin Mừng: Mc 9:38-43,45,47-48
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Maccô: Chúa Giêsu dạy rằng tất cả những ai không chống lại Ngài là thuận với Ngài.
II. Chia sẻ
Nhìn vào thực tại chúng ta đang sống trên bình diện Giáo hội hay xã hội, chúng ta sẽ nhận ra tính cơ cấu và tổ chức luôn có trong thực tại này. Đó là một cách để duy trì sự quản trị, hầu giúp cho một tổ chức được tổ chức tốt và hiệu quả. Nhưng đôi khi, chính cơ cấu đã cản trở những chiều kích trưởng thành cá nhân hoặc tính cá vị của các thành viên.
Các câu chuyện trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay, tiếp tục là những câu chuyện xung quanh tập thể của đời sống của những môn đệ. Mối tương quan giữa các người trong cùng một cộng đoàn luôn là vấn đề nổi trội. Vậy cần nhìn những mối tương quan này như thế nào, trong một cộng đoàn đức tin?
Những gì của người anh em hôm nay, sẽ là thực tại của chúng ta ngày mai
Thế giới trong thời kỳ đại dịch này đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Có nhiều nước rơi vào tình trạng đói nghèo và thiếu thốn mọi thứ. Ngay cả Giáo hội cũng phải chật vật hơn với các vấn đề tài chính và việc thực thi bác ái. Những gì đang diễn ra đó, không thể là chuyện riêng của một nhóm, một nước hay một tổ chức riêng biệt, nhưng cách nào đó, nó liên quan đến tất cả mọi người.
Sở dĩ như thế, vì chúng ta đang sống trong cùng một tập thể xã hội loài người, mà cụ thể hơn là trong cùng một cộng đoàn đức tin Kitô giáo. Những điều đang diễn ra nơi anh em mình, cũng phải được xem như những gì đã và sẽ xảy ra với bản thân mỗi người chúng ta.
Kinh nghiệm này đi từ bài học trong thư của thánh Giacôbê, khi ngài nhắc nhớ các người anh em trong cộng đoàn phải biết quan tâm đến những anh em khác, nhất là những anh em đang thiếu thốn. Sự quan tâm đó, vừa là do tính bác ái ở trong cộng đoàn mà vừa là sự liên đới của những “thành phần” trong một “tổng thể”. Ngài lên án những ai đã không biết quan tâm chia sẻ những gì mình có với những người thiếu thốn: “Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh” (Gc 5,4).
Đó mới là “tấn bi kịch” của cuộc đời. Là nỗi đau của một cộng đoàn đức tin. Vì thế, chúng ta hãy biết chia sẻ cho nhau những của cải vật chất đối với các anh chị em thiếu thốn một cách quảng đại. Vì những gì của anh em mình hôm nay, sẽ là thực tại của chúng ta ngày mai. Tất cả chúng ta đều liên đới với nhau: “Ai nhân danh Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, Thầy bảo thật các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41). Như Chúa Giêsu dạy chúng ta trong bài Tin Mừng.
Trong những ngày Sài gòn và một số nơi bị phong tỏa ngặt, chúng ta dễ dàng nhận ra sự chia sẻ của tất cả mọi người với những anh chị em đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Mỗi người tùy theo khả năng, đã quyên góp gạo, mì tôm, rau củ quả… để cứu trợ. Không những thế, họ còn chia sẻ bằng lời cầu nguyện, bằng sự tình nguyện dấn thân phục vụ trong các bệnh viện, khu thu dụng bệnh nhân covid… Tất cả nói lên sự chia sẻ huynh đệ cả tinh thần lẫn vật chất, cho tất cả những ai khốn khó, bất kể thuộc tôn giáo nào.
Chia sẻ ơn ngôn sứ và quyền năng chữa lành của Chúa
Không chỉ chia sẻ của cải vật chất, mà Chúa cũng đòi hỏi chúng ta biết chia sẻ các giá trị thiêng liêng cho những người anh em xung quanh chúng ta. Câu chuyện về 70 người được ơn ngôn sứ trong bài đọc I hôm nay cho chúng ta nhận ra điều đó. En-đát và Mê-đát là hai người cũng được ơn nói ngôn sứ, nhưng họ lại không ở cùng với những người khác trong trại. Vì thế, người ta đã nói ông Môsê nên cấm hai ông này nói ngôn sứ. Thế nhưng, ông Môsê đã chỉ cho những người này thấy sự ích kỷ của họ, hay sự ghen tương của họ “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ”(Ds 11, 29).
Tương tự như thế trong bài Tin Mừng, các môn đệ cũng tỏ ra không hài lòng với những kẻ không cùng đi với các môn đệ, nhưng cũng đã trừ quỷ và làm phép lạ nhân danh Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (Mc 9,38).
Xem ra luôn có sự ghen tức và ích kỷ nơi những người trong cộng đoàn đức tin. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã dạy họ rằng, đừng ngần ngại chia sẻ quyền năng của Thiên Chúa cho người khác. Đó là hồng ân Chúa ban một cách tự do, nhưng không và dùng để phục vụ người khác “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9, 40).
Vì thế, đừng đặt những cản trở đức tin cho những người trong cùng cộng đoàn đức tin với mình. Nhưng hãy vui mừng chia sẻ điều đó với người khác. Chẳng hạn như có rất nhiều anh chị em tân tòng đã vẫn bị coi là “ngoại đạo” trong những cộng đoàn đức tin của chúng ta. Nhiều khi những anh chị em đạo “gốc” còn tỏ ra thái độ kỳ thị và chinh chê những anh chị em này. Vì những điều ấy, những anh chị em tân tòng này không còn cảm nhận được đức ái của cộng đoàn Kitô hữu và dần cũng rời bỏ đức tin còn non trẻ mà họ mới lãnh nhận. Đây là điều hay gặp trong các cộng đoàn của chúng ta. Đúng ra với những anh chị em này, chúng ta cần phải quan tâm họ nhiều hơn, khích lệ hơn, nâng đỡ hơn và hướng dẫn họ hơn trong việc giữ đức tin.
Người “ngoài cộng đoàn” trong đời sống chung
Cả hai câu chuyện về En-đát và Mê-đát trong bài đọc I và những “kẻ nhân danh Thầy” trong bài Tin Mừng xem ra cùng một cảnh ngộ. Họ bị coi là những kẻ “ngoại” trong cộng đoàn đức tin, và người ta coi họ như không có bất kỳ quyền hạn nào để sống hay làm những gì là “việc của Chúa”. Đây có thể là một bài học cho chúng ta những người đang sống trong cộng đoàn đức tin. Đôi khi chúng ta tự hào là người có đạo, là người Công giáo, chỉ chúng ta mới có thể nói về Chúa, chỉ chúng ta mới có “giáo lý tinh tuyền”. Rồi tỏ ra khinh thường những giá trị tinh thần, giá trị Tin Mừng đã có nơi các anh em ngoài cộng đoàn đức tin của chúng ta.
Kỳ thực, dù có thể có những cộng đoàn sống ngoài cộng đoàn chúng ta, nhưng nơi họ vẫn chất chứa “hạt giống của Lời”, để một lúc nào đấy, họ tin vào Chúa và làm cho danh Chúa hiển trị. Chúng ta cũng cần tôn trọng và vui mừng để chia sẻ với những anh chị em này. Đôi khi họ còn sống tốt hơn chúng ta rất nhiều. Chính Chúa luôn khích lệ để chúng ta sống sự liên đới này với những người dường như bị coi như “người ngoại” trong cộng đoàn chúng ta.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ sự tương quan giữa những người trong cộng đoàn và cả những người ngoài cộng đoàn đức tin. Qua đó, chúng ta thấy mỗi người cách nào đó đều có sự liên đới với nhau và tác động đến cuộc sống của nhau. Đồng thời chúng ta nhận ra rằng, hồng ân Chúa ban vô cùng tự do và quảng đại. Đó không phải là “đặc ân” của bất kỳ ai để sở hữu cho riêng mình. Mà là hồng ân Chúa ban riêng để sinh ích lợi cho cộng đoàn đức tin, cho những người anh em trong cộng đoàn của mình.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM