Chiều kích thần học của đời sống cộng đoàn

0
2141

IGNACIO FERNÁNDEZ DE MENDOZA, C.M.

Giáo hội có một truyền thống lâu đời về đời sống cộng đoàn với nhiều kiểu mẫu khác nhau. Những kinh nghiệm khác nhau về đời sống chung thường trùng nhau trong một yếu tố cơ bản: tất cả đều nhắm đến mục tiêu tiên quyết là sự trọn lành nơi các thành viên, đồng thời nhấn mạnh một mục đích hay một kết quả đặc thù khác và một vài nhân đức đặc trưng của Hội dòng. Sau biến cố Tin Lành, các hình thái truyền thống đa dạng của đời sống cộng đoàn vẫn tiếp tục hưng thịnh, mà không hề bóp nghẹt sự xuất hiện của những loại hình mới, và trong số đó, kiểu sống cộng đoàn theo ơn gọi Vinh Sơn đã được tìm thấy. Khi phác họa cộng đoàn các nhà thừa sai, thánh Vinh Sơn đã không bắt đầu từ con số 0. Ngài đã khắc cốt ghi tâm những yếu tố cần thiết từ truyền thống đa dạng của đời sống chung, như đan viện, dòng hành khất và Dòng Tên, đồng thời bổ túc thêm những căn tính của ơn gọi Vinh Sơn. Vì vậy, đời sống cộng đoàn của Tu Hội Truyền Giáo sẽ mở ra với phận vụ của Tu Hội, không gì khác hơn là rao giảng Tin Mừng cho người nghèo. Các nhà thừa sai sống trong cộng đoàn sẽ là những nhà chiêm niệm trong hành động và là những tông đồ trong cầu nguyện.

1. Điểm tựa thần học của cộng đoàn Vinh Sơn

Như chúng ta đã nói, thánh Vinh Sơn sử dụng các yếu tố quy chiếu về đời sống chung đã được thực hành trong truyền thống và hiến pháp của các dòng tu trong quá khứ, cũng như đương thời. Thế nhưng, không hài lòng với những gì nhận được từ bên ngoài, ngài đã tiến một bước xa hơn để đặt nền tảng thần học vững chắc cho đời sống cộng đoàn của các nhà thừa sai của ngài. Và với mục đích này, ngài đã chiêm ngắm Lời Chúa, đặc biệt là gương sáng và lời dạy của Đức Giêsu Kitô. Ai cũng biết rằng, việc noi gương Đức Kitô là một nguyên tắc căn bản của linh đạo Vinh Sơn. Việc bắt chước một Đức Kitô trần thế, ngay cả trong những chi tiết tầm thường cũng đem lại cho thánh Vinh Sơn sự đảm bảo về mặt tín lý, thậm chí trong những thời khắc đưa ra những quyết định liên quan đến đời sống thực tế. Thánh Vinh Sơn muốn nói: “giáo huấn của Đức Giêsu Kitô không bao giờ làm cho chúng ta phải thất vọng” (LC II, 1) và rằng: “Đức Giê-su Kitô là gương mẫu đích thực và là người dẫn lối vô hình mà chúng ta phải căn cứ vào mỗi khi hành động” (SV XI, 212). Ngài cũng thường mời gọi các nhà truyền giáo đánh giá những thói quen và việc làm liên quan đến đời sống chung của những dòng tu cổ xưa, đặc biệt khi chúng dựa trên những Giáo huấn của Lời Chúa, mẫu gương của Đức Giêsu Kitô và các Kitô hữu sơ khai.

Chính ở điểm này mà thánh Vinh Sơn tìm thấy những mẫu gương khả tín trong đời sống cộng đoàn của các nhà truyền giáo. Trong các cuộc buổi nói chuyện, Đấng Sáng Lập của chúng ta thường ám chỉ đến Ba Ngôi Chí Thánh như là căn nguyên mẫu mực của đời sống cộng đoàn, một cộng đoàn đã được tạo thành bởi Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài và mang đến đời sống chung cho các giáo đoàn Kitô hữu đầu tiên. Thánh Vinh Sơn đã nhìn thấy một nền tảng thần học vững chắc trong những mặc khải Thánh Kinh, để đặt nền móng cho đời sống cộng đoàn của Tu Hội Truyền Giáo trên đó.

2. Các cộng đoàn đặt nền tảng trên gương mẫu của Chúa Ba Ngôi

Thánh Vinh Sơn nhắc nhở chúng ta rằng: “theo Sắc chỉ thành lập Tu hội, chúng ta bắt buộc phải sùng kính một cách rất đặc biệt mầu nhiệm khôn tả Ba Ngôi Cực Thánh và Nhập Thể” (LC X, 2). Thánh Vinh Sơn đã nại đến hai mầu nhiệm này để đưa ra những bài học và động lực dưới nhiều hình thức khác nhau. Đối với thánh Vinh Sơn, đời sống cộng đoàn của các nhà thừa sai hoàn toàn có nguồn gốc và lý do căn bản để tồn tại trong Ba Ngôi Chí Thánh. Không hề vô nghĩa khi Ba Ngôi Thiên Chúa sáng tạo muôn loài mà trong đó, con người đặc biệt cao quý hơn cả vì được tác tạo theo giống hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa, tức là, hình ảnh Thiên Chúa – cộng đoàn ngôi vị. Một hữu thể nhân linh không thể được nhìn nhận bên ngoài mối tương quan với tha nhân, không bao giờ tách biệt khỏi tha nhân. Đó là điều thiết yếu cho con người và đặc biệt cho các nhà thừa sai Vinh Sơn để biết sống và liên hệ với tha nhân theo hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. 

Trong khi chiêm ngắm mầu nhiệm Ba Ngôi Cực Thánh, thánh Vinh Sơn ghi nhận một vài áp dụng thực tế dành cho đời sống chung. Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần trong sự hiệp thông và hỗ tương hoàn hảo. Do đó, cộng đoàn các nhà thừa sai Vinh Sơn cũng phải phát triển sự hiệp thông hoàn hảo trong đời sống cũng như trong hành động. Khi lưu ý đến đời sống chung, thánh Vinh nói: “Thiên Chúa là Duy Nhất và trong Ngài có ba ngôi, nhưng Chúa Cha không lớn hơn Chúa Con và Chúa Con cũng không vượt trên Chúa Thánh Thần” (SV XIII, 633). Vì vậy, các nhà thừa sai dù có lúc rất đông đảo, nhưng vẫn sẽ là một quả tim và một tâm hồn mà thôi.

Thiên Chúa là sự hiệp nhất của ba ngôi vị từ thuở đời đời, bây giờ và mãi mãi, một sự hiệp nhất lâu dài, không bị giới hạn bởi thời gian. Bởi thế, cộng đoàn các thừa sai sẽ hiệp nhất liên tục ở mọi lúc, mọi nơi. Mỗi ngôi vị của Thiên Chúa Ba Ngôi đều thông dự vào đời sống của Thiên Chúa. Dưới ánh sáng của nguyên tắc này, cộng đoàn các thừa sai phải ưng thuận giá trị của việc thông dự và đồng trách nhiệm. Tình yêu của Ba Ngôi là vị tha và độ lượng, không chiếm hữu hay ích kỉ và sống bình đẳng. Vì thế, về cơ bản, cộng đoàn Vinh Sơn sẽ chấp nhận những thành viên bình đẳng trong phẩm giá, loại bỏ việc kéo bè kéo cánh cũng như sự thống trị của một số người trên những người khác. Tóm lại, theo thánh Vinh Sơn, một cộng đoàn Vinh Sơn sẽ được linh hứng và tìm thấy khuôn mẫu không thể sai lầm nơi đời sống chung của Ba Ngôi Cực Thánh. Khi nhận định về quan niệm này, trong buổi nói chuyện vào 23 tháng 5 năm 1659, thánh nhân đã nói với các nhà truyền giáo: “Chúng ta hãy giữ vững tinh thần này nếu chúng ta khao khát trở nên hình ảnh Chúa Ba Ngôi, nếu chúng ta muốn duy trì một sự kết hiệp thánh thiện với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Điều gì đã tạo nên sự hiệp nhất và mật thiết đó, nếu không phải là sự bình đẳng nhưng khác biệt của ba ngôi vị?” (SV XII, 256-257).

Vào một dịp khác, thánh Vinh Sơn cũng đã khẩn cầu Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, xin Ngài làm nền tảng cho sứ mạng bác ái của cộng đoàn Vinh Sơn. Cuối cùng, ngài nói với các Nữ Tử Bác Ái: “Tôi sẽ lấy làm vui lòng khi thấy các chị em đồng hình đồng dạng với Ba Ngôi Chí Thánh: như Chúa Cha trao phó hoàn toàn cho Chúa Con, và Chúa Con hoàn toàn vâng phục Chúa Cha và từ đó nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần, cũng vậy, các chị em hãy hoàn toàn nên một trong việc sản sinh ra những công việc bác ái… giống như Chúa Ba Ngôi” (SV XIII, 633). Theo thánh Vinh Sơn, cộng đoàn Vinh Sơn phải khuyến khích việc noi gương Chúa Ba Ngôi trong tình yêu hiệp thông, vì chỉ có như thế, mới có thể làm nảy sinh sứ mạng đích thực của chúng ta, không gì khác hơn là một tình yêu đầy trắc ẩn đối với tha nhân.

Tóm lại, trong khi đi theo các chuẩn mực đức tin, thánh Vinh Sơn đã chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi như là cội nguồn mẫu mực đích thực cho đời sống chung của các nhà thừa sai. Các bản hiến pháp của chúng ta vẫn ghi khắc tư tưởng của thánh Vinh Sơn và nhắc nhở chúng ta rằng: “Như Giáo hội và trong Giáo hội, Tu hội tìm thấy nguyên lý tối thượng cho đời sống và hoạt động của mình trong Ba Ngôi Thiên Chúa” (HP 20).  

3. Cộng đoàn của Đức Giêsu với các tông đồ và cộng đoàn Vinh Sơn

Theo dòng thời gian trôi, dân Israel đã phát triển tâm thức và những phong tục nhất định về đời sống cộng đoàn. Tâm thức này đã được diễn tả ngang qua một số thuật ngữ phổ biến: dân tuyển chọn, dân tư tế và số Israel còn sót lại. Vào thời Đức Giêsu, đã tồn tại hai khái niệm cộng đoàn trái ngược nhau. Một phần, theo bản chất tự nhiên, là những người Israel sống gần gũi và đoàn kết với nhau, phần còn lại là những người bị chia tách bởi ảnh hưởng của các thế lực ngoại bang. Cũng vào thời gian đó, các nhóm tự trị và ly khai xuất hiện: những người Sa-ma-ri, những nhà ẩn tu gần Biển Chết và nhóm người theo thánh Gioan Tẩy Giả. Đức Giêsu đã biết tường tận và trên hết là có liên hệ với nhóm của Gioan Tẩy Giả. 

a. Đức Giêsu thiết lập cộng đoàn riêng

Thời điểm đã đến khi Đức Giêsu chia tay Gioan Tẩy Giả và bắt đầu thiết lập cộng đoàn riêng cho mình, một cộng đoàn với sắc thái và những tục lệ riêng biệt. Khác với một ẩn sĩ, Đức Giêsu rao giảng các Mối Phúc, kiếm tìm các mối tương giao với con người, và nhìn chung, Ngài loan báo một sứ điệp vui mừng và giải thoát. Lời loan báo này đã thu thút một nhóm người sẵn sàng đi theo Ngài như hình với bóng và hình thành một cộng đoàn theo đúng nghĩa chặt của từ “cộng đoàn”. Những nhân tố nguyên thủy đã được hình thành bởi nhóm Mười Hai và một cách nào đó, có một số người tuy không thuộc về nhóm Mười Hai nhưng lối sống của họ cũng gần giống vậy. Với tất cả những sự kiện đó, Đức Giêsu đã thành lập một cộng đoàn bền vững và lưu động. Nó rất khác với đời sống của những người dù đã chấp nhận sứ điệp của Đức Giêsu nhưng vẫn tiếp tục sống tại nơi ở riêng của mình.

b. Những đặc nét của nhóm người theo Đức Giêsu

Theo truyền thống Tin Mừng, nhóm này có một số điểm đặc trưng sau: Trước hết, các Tông Đồ đã qui phục hoàn toàn con người của Đức Giêsu hơn bất kỳ mối dây liên hệ gia đình nào. Một sự qui phục vẫn còn tiếp tục được thanh tẩy và bén rễ sâu qua dòng thời gian. Một đặc điểm khác của cộng đoàn Đức Giêsu và các Tông Đồ là sự quy chiếu liên lỉ và minh nhiên về Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu đã luôn tán dương và hướng lời cầu nguyện của Ngài về Chúa Cha. Bằng cách này, Đức Giêsu đã tạo nên một bầu khí tôn giáo đặt nền tảng trên lời cầu nguyện hằng ngày với một Chúa Cha quan phòng và đầy yêu thương.

Đặc nét thứ ba góp phần làm phong phú cho cộng đoàn của Đức Giêsu và nhóm Mười Hai, đó là: tình huynh đệ. Quả thật, mối quan hệ trong nhóm này không hề dễ dàng, bởi sự đa dạng về xuất thân, tính tình, não trạng và khát vọng cá nhân của mỗi người. Đức Giêsu đã chấp nhận các Tông Đồ như họ là, nhờ đó, Ngài mới có thể đổi mới tâm hồn và dẫn dắt họ từ từ đi vào cộng đoàn và thăng tiến tình huynh đệ. Ngài đặc biệt tôn trọng họ nhất là khi xảy ra những vấn đề cá nhân và nhóm. Bằng lời nói và gương sáng của mình, Đức Giêsu đã gieo vào nhóm những chân giá trị mới: tình yêu thương huynh đệ được thể hiện qua thái độ phục vụ, sự khiêm nhường cá nhân cũng như tập thể, lòng biết ơn trong các mối tương quan với nhau, ý nghĩa của thập giá và niềm xác tín vào Chúa Quan Phòng.

Một đặc nét khác của cộng đoàn Đức Giêsu đó là một cộng đoàn mở ra với sứ vụ, luôn sẵn sàng cho sứ vụ, chứ không phải là một nhóm người Do Thái khép kín. Cộng đoàn của Đức Giêsu đã không ngừng gặp gỡ dân chúng. Đức Giêsu và mười hai môn đệ đã rảo khắp các nẻo đường của Palestine, vào các thị trấn và viếng thăm các hội đường. Đức Giêsu đã đích thân rao giảng trong những lúc rảnh rỗi, đồng thời sai các môn đệ của mình đi rao giảng cho tất cả mọi người không phân biệt. Đức Giêsu và các môn đệ thường lên Giêrusalem để tham dự những ngày lễ tôn giáo. Thậm chí trước sự cám dỗ thường lặp đi lặp lại về việc dựng ba cái lều, Đức Giêsu đã kêu mời các môn đệ hãy mở lòng mình ra để đi khắp tứ phương thiên hạ. Cộng đoàn của Đức Giêsu và nhóm Mười Hai đã không nhắm đến chính mình. Nhưng kết quả cuối cùng là, Đức Giêsu đã linh hoạt một cộng đoàn cho sứ vụ.

c. Cộng Đoàn và Mầu Nhiệm Vượt Qua

Đức Giêsu và cộng đoàn của Ngài đã có những thời điểm khó khăn. Nhiều học giả Kinh Thánh đã nói đến cơn khủng hoảng ở Galilê (Ga 6,66-71) khi mà không chỉ có một vài môn đệ rời bỏ Đức Giêsu. Tuy nhiên, thử thách thật sự chính là cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài. Dù rằng đã sát cánh bên cạnh Đức Giêsu từ lâu, nhưng nhóm Mười Hai vẫn như là một nhóm tan rã: một người thì phản bội, người khác thì chối bỏ, số còn lại thì lẩn trốn và kết cục là nhóm tan rã. Tuy vậy, hạt giống mà Đức Giêsu gieo vãi đã không rơi xuống mảnh đất vô dụng. Cuộc gặp gỡ giữa các môn đệ và Đấng Phục Sinh đã tái hợp nhất cộng đoàn và họ đã cùng nhau đi làm chứng cho sự phục sinh.

d. Áp dụng vào cộng đoàn Vinh Sơn

Cộng đoàn được thiết lập bởi Đức Giêsu và nhóm Mười Hai là một kiểu mẫu hoàn hảo cho cộng đoàn Vinh Sơn. Theo thánh Vinh Sơn, các thành viên của cộng đoàn truyền giáo phải được hướng dẫn bằng những lời giáo huấn và nguồn động lực chiếu theo cộng đoàn của Đức Giêsu và nhóm Mười Hai. Cộng đoàn Vinh Sơn sẽ càng chân thực hơn khi càng giống với cộng đoàn của Đức Giêsu, cũng như các môn đệ của Ngài. Vào ngày 14 tháng 11 năm 1659, thánh Vinh Sơn đã nói với các nhà thừa sai: “Tôi xin các anh em hãy ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa vì Ngài đã đặt chúng ta vào trong tình trạng giống như Con của Ngài và các Tông Đồ xưa” (SV XII, 385). Hiến Pháp hiện hành của chúng ta đã tóm lược tư tưởng của thánh Vinh Sơn trong cụm từ này: các nhà truyền giáo của Tu Hội Truyền Giáo “bước theo Đức Kitô – Đấng đã kêu gọi các Tông đồ và Môn đệ, và đã cùng chia sẻ đời sống huynh đệ với họ – để rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (C 20, 2ᵒ).

4. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi và cộng đoàn Vinh Sơn

Trong buổi nói chuyện về Đức Khó Nghèo ngày 6 tháng 8 năm 1655, thánh Vinh Sơn đã nói với các nhà truyền giáo: “Quả là một ân phúc cho Tu Hội Truyền Giáo nếu có thể bắt chước những Kitô hữu đầu tiên trong đời sống chung và trong sự khó nghèo! Ôi Đấng Cứu Thế! Thật là một mối lợi cho chúng con! Chúng ta hãy nài xin lòng thương xót của Chúa, để Ngài ban cho chúng ta tinh thần khó nghèo này” (SV XI, 226). Cũng trong buổi nói chuyện đó, Đấng Sáng Lập của chúng ta đã ca ngợi đời sống chung của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, cũng như một số phẩm chất đặc biệt của họ, như là cộng đoàn của những điều thiện hảo.

Vào ngày 23 tháng 5 năm 1659, thánh Vinh Sơn đã trích dẫn hai đoạn Kinh Thánh gửi đến cho các thừa sai ở nhà Saint Lazare: “Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 15,6); “Xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.” (Pl 2,2). Và theo lối ám chỉ Lời Chúa này, thánh nhân kết luận: “Chúng ta phải khẩn cầu Thiên Chúa để Ngài làm cho tất cả chúng ta nên giống với những Kitô hữu đầu tiên, có cùng một lòng một trí với nhau” (SV XII, 249).

Những cộng đoàn tiên khởi theo sách Tông Đồ Công Vụ

Sách Tông Đồ Công Vụ thuật lại lịch sử phát triển Lời Chúa và thiết lập các cộng đoàn mới, sau cái chết và phục sinh của Con Thiên Chúa. Những cộng đoàn đầu tiên đã được thiết lập bởi chính các môn đệ của Đức Giêsu, những người đã được biến đổi, khi trải nghiệm mầu nhiệm Vượt Qua. Tinh thần của Đức Giêsu Phục Sinh, cùng với niềm tin rằng: Đức Giêsu vẫn sống và là Đấng Mêsia, đã mang đến cho các môn đệ một cung cách sống mới. Những cộng đoàn tiên khởi này đã chào đón nhóm Mười Hai, một số người thân của Đức Giêsu, một nhóm môn đệ không rõ danh tính đã từng theo Đức Giêsu và những người bị cuốn hút bởi gương mẫu về đời sống chung của các Kitô hữu. Những cộng đoàn tiên khởi này mở ra, từng chút từng chút trở nên phức tạp hơn và tiến triển liên tục tách biệt khỏi Do Thái giáo chính thống.

Trong sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta tìm thấy nhiều kiểu mẫu cộng đoàn Kitô hữu, là kết quả của phương pháp hồi ức lịch sử tốt và cũng một phần phát xuất từ khuynh hướng lý tưởng hóa. Chúng ta xem Cv 2,42-47; 4,32-35 và 5,12-16. Thánh Luca nói rõ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu… Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ.” (Cv 2,42-47).

Trong những câu Kinh Thánh này, thánh Luca khắc họa đời sống của các cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem và những vùng lân cận, đồng thời trình bày một mô hình vững chắc về đời sống chung cho Giáo Hội, và dĩ nhiên cho cả cộng đoàn Vinh Sơn nữa. Những ưu tính của các cộng đoàn tiên khởi được phô bày rõ nét qua những đoạn trích dẫn sau:

      • Những thành viên của các cộng đoàn đã quy tụ với nhau, nhờ những kinh nghiệm đức tin mạnh mẽ.
      • Lời loan báo Tin Mừng của các Tông Đồ được các tín hữu và cả các tân tòng chú ý lắng nghe.
      • Tình huynh đệ hiệp nhất được biểu lộ qua việc chia sẻ của cải cho những người túng thiếu.
      • Cầu nguyện chung thường xuyên là một phần trong đời sống chung của họ.
      • Cộng đoàn đã tụ họp để cùng cử hành nghi lễ bẻ bánh.
      • Cộng đoàn không gồm những người ưu tú, nhưng mở ra cho tất cả mọi người mà không hề có sự phân biệt.

Đã hai mươi thế kỷ trôi qua, kể từ khi thánh Luca viết đoạn Kinh Thánh mà chúng ta đã diễn giải ở trên. Các thành viên Vinh Sơn, bắt đầu với thánh Vinh Sơn, đã luôn nhìn thấy một hình mẫu của đời sống cộng đoàn trong những trang Công Vụ Tông Đồ này. Cộng đoàn Vinh Sơn sẽ trở nên xác thực bao lâu nó được thôi thúc bởi đức tin, được chia sẻ bởi các thành viên cộng đoàn, trong sự hiệp thông huynh đệ giữa tất cả anh em, trong việc phục vụ vô vị lợi, trong việc sẻ chia của cải với những người nghèo túng bên trong lẫn bên ngoài cộng đoàn và trong lời cầu nguyện, mà theo thánh Vinh Sơn, “đem lại sức mạnh linh hoạt chúng ta, để chúng ta phục vụ Chúa và anh em đồng loại” (SV XI, 409).

Cộng đoàn Vinh Sơn sẽ trở nên xác thực nếu các thành viên cử hành Bí Tích Thánh Thể cùng với nhau, vì ngay từ đầu và cho đến bây giờ, Bí Tích Thánh Thể là căn nguyên của đời sống cộng đoàn và là cảm hứng cho các khởi xướng tông đồ; Bí Tích Thánh Thể khích lệ cộng đoàn mở ra cho sứ vụ, trở thành một kinh nghiệm vừa mang tính cá nhân vừa mang tính cộng đoàn về Đức Giêsu Phục Sinh.

Thánh Vinh Sơn đã lý luận rằng, tất cả những yếu tố đã nuôi dưỡng đời sống của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, thì cũng nuôi dưỡng đời sống của cộng đoàn Vinh Sơn. Bởi lý do này, ngài đã thốt lên những lời mà ta đã trích dẫn: “Quả là một ân phúc cho Tu Hội Truyền Giáo nếu có thể bắt chước những Kitô hữu đầu tiên!” (SV XI, 226). Hiến Pháp hiện hành của chúng ta đã công nhận rằng vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, các nhà thừa sai của Tu Hội Truyền Giáo sẽ thành lập những cộng đoàn giống như cộng đoàn của các Kitô hữu tiên khởi: “Dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, chúng ta xây dựng sự hiệp nhất giữa chúng ta trong việc hoàn thành sứ mạng của mình, để trình bày một chứng từ đáng tin cậy về Đức Kitô Cứu Thế” (HP 20,3ᵒ).

5. Kết luận

Thánh Vinh Sơn mong muốn rằng, đời sống cộng đoàn của Tu Hội Truyền Giáo phải được đặt trên những nền tảng vững chắc. Và ngài đã tìm thấy những nền tảng đó trong Lời Chúa, đặc biệt trong ba nguồn gốc thần học hay ba kiểu mẫu: Chúa Ba Ngôi, cộng đoàn của Đức Giêsu và các môn đệ, và các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta tin rằng, dù không hề bác bỏ những đóng góp của các ngành khoa học nhân văn có liên quan đến đời sống cộng đoàn, thì việc đọc Lời Chúa cách chăm chú và xác tín đã được hướng dẫn bởi các giáo huấn và định hướng, vẫn tiếp tục là trái tim và là linh hồn của đời sống cộng đoàn Vinh Sơn.