CHO ĐI LÀ CÒN MÃI

0
2269
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? để gió cuốn đi, để gió cuốn đi[1]? Lời bài hát thật tinh tế, thẳm sâu khi tác giả gửi gắm vào đó một thông điệp cho mọi người là sống bác ái, yêu thương người đồng loại của mình. Thật vậy, lòng nhân ái, yêu thương là một tình cảm cao quý giữa con người với con người trong mọi thời, mọi lúc. Thứ tình cảm ấy vượt lên trên cả không gian và thời gian để như sợi chỉ đỏ níu kéo con người sát lại gần nhau trong cái lạnh của đất trời.
Ngoài kia, thời tiết đang se lạnh nhưng những tấm lòng hảo tâm của Qúy Cha, Qúy Thầy trong tỉnh dòng Vinh Sơn Việt Nam, quý anh chị trong hội Ozanam, quý ân nhân và bà con giáo dân giáo sở Thánh Tâm đã thấm đượm tình bác ái yêu thương. Cụ thể trong chương trình buổi tiệc vì người nghèo trong thành phố Đà Lạt đêm 03 tháng 01 năm 2019 vừa qua. Hơn 500 người nghèo được tiếp đón trong buổi tiệc, ai ai cũng hỷ hoan, vui mừng, phấn khởi. Từ khâu chuẩn bị đến khâu tiếp đón, những nụ cười nở ra trên khuôn mặt của những người phục vụ và những người được phục vụ. Đối với người nghèo, họ vui không phải chỉ vì những phần quà hay những món ăn mà chúng tôi chuẩn bị, nhưng họ vui vì tình người được lan tỏa, sưởi ấm những tâm hồn khô héo vì chưa được yêu thương, chăm sóc. Còn đối với người phục vụ, họ vui vì họ thấy Đức Kitô ở trong người nghèo, mà ở điểm này Thánh Vinh Sơn Phaolô đã từng nói: “Phục vụ người nghèo là phục vụ Đức Kitô[2]”.
Thật vậy, giữa đoàn người ấy, có người kém mắn khi sinh ra đã bị khiếm thị, có người khuyết tật phải ngồi xe lăn, có người còn cầm trên tay những tờ vé số chưa bán hết trong ngày hôm nay. Nhưng khi nhìn vào ánh mắt họ, tôi tự hỏi? “họ là ai” phải chăng họ là anh, là chị, là em của chúng ta, dù không có máu mủ ruột thịt nhưng tim tôi như thắt lại. Càng nhìn sâu trong ánh mắt họ lòng tôi tràn ngập nhiều thổn thức, trăn trở cho cuộc sống mưu sinh, gia đình của những người anh, chị, em ấy. Thật là chính xác khi thánh Gioan tác giả Tin Mừng đã giúp chúng ta hiểu: “Làm sao bạn có thể nói rằng bạn yêu một Thiên Chúa mà bạn không thấy được, nếu bạn không yêu thương người đồng loại mà bạn thấy[3]”. Làm sao chúng ta có thể vui với người vui, khóc với người khóc? (Rm 12, 14). Đó có vẻ là một yêu cầu quá khắt khe nhưng chính thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người ai cũng muốn được yêu thương, chia sẻ, quan tâm bất kể họ là ai.
Có thể, những người nghèo họ nghèo về vật chất nhưng họ lại giàu về tấm lòng, sự bác ái, yêu thương? Ở điểm này, chúng ta bắt gặp nơi Mẹ Têrêsa Calcutta một con người phục vụ, bác ái vô vị lợi; mẹ đã chứng kiến nhiều trường hợp những người nghèo được mẹ và các soeur giúp đỡ nhưng họ không ngại khi chia sẻ sự giúp đỡ ấy cho những người nghèo khác. Thật vậy, cái nghèo về vật chất có thể đeo bám cuộc đời họ nhưng họ lại giàu có về tình yêu và sẻ chia cho những người đồng loại, cùng cảnh ngộ.
Nhiều lúc, giữa dòng đời ngược xuôi, vất vả và đầy lo lắng chúng ta đã bao giờ tự hỏi bản thân mình đã làm được gì cho tha nhân, xã hội và Giáo Hội. Một nghị sĩ Hoa Kì từng nói: “Quay lưng với người nghèo không khác gì quay lưng lại với Đức Kitô[4]” Nhiều khi, vì quá lo lắng cho cuộc sống mà chúng ta bỏ quên những nhu cầu của anh chị em xung quanh. Đó có thể là một lời động viên, một lời chia sẻ, một niềm cảm thông hay có thể là những giọt nước mắt đồng cảm cho số phận mỏng manh, yếu đuối của kiếp người. Vâng, đó có thể là những công việc tầm thường, nhỏ bé nhưng chúng ta hãy làm với một tình yêu phi thường (Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu). Đến lúc này, lòng nhân ái không còn phân biệt công việc này, công việc kia mà nó hệ tại bởi lòng thương xót của con người. Chính bởi lòng thương xót mà lòng nhân ái được nhân lên gấp bội. Và khi đó, tính thiện trong con người được tỏ lộ ra bên ngoài bằng những hành động cụ thể khi chúng ta giúp đỡ, chia sẻ cho người nghèo. Nhờ những hành động cụ thể ấy mà tình yêu của con người được lan tỏa. Ở điểm này, chúng ta lại bắt gặp nơi Thánh Vinh Sơn Phaolô một tượng đài của sự bác ái, từ thiện. Ngài nói: “Hãy rộng mở lòng nhân ái cho tha nhân, để không một ai túng thiếu nào gặp được chúng ta mà không được giúp đỡ. Hỏi thử chúng ta sẽ hy vọng vào đâu nếu như Thiên Chúa cũng rút lại lòng nhân ái của Người dành cho chúng ta?”. Bên cạnh đó, Thánh Vinh Sơn còn chia sẻ: “Nếu người nghèo là thầy chúng ta, thì nơi người nghèo ẩn giấu hình ảnh của Vua chúng ta”. Qủa thật, mỗi người chúng ta sẽ có những kinh nghiệm phục vụ người nghèo khác nhau, nhưng ở người Kitô hữu công cuộc từ thiện, bác ái không chỉ phục người nghèo mà họ còn phục vụ Đức Kitô ẩn thân trong những người nghèo khó. Từ đó, người phục vụ mang trong mình niềm vui, tình yêu, sự dấn thân và sự hy sinh cho người mình được phục vụ. Đó là điểm dị biệt lớn nhất giữa các công cuộc từ thiện của người Kitô hữu và các nhân viên xã hội.
Tựu trung lại, tôi muốn nhấn mạnh câu nói của Thánh Vinh Sơn Phaolô: “phục vụ người nghèo là phục vụ Đức Kitô”. Chính khi phục vụ người nghèo mà chúng ta tìm gặp được sự đồng cảm, sự quan tâm, yêu mến nơi những người xung quanh. Đó cũng là điều mà Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta: “thực hành đức bác ái là cách tốt nhất để rao giảng Phúc âm”. Như vậy, mỗi người chúng ta hãy trở nên như những ngọn lửa đốt cháy lòng bác ái, yêu thương nhằm lan tỏa hơi ấm cho những người kém may mắn sống xung quanh chúng ta. Và chính lúc đó, chúng ta sẽ vui mừng, hân hoan cho cuộc sống đời đời vì chúng ta vẫn tin tưởng rằng lời của Đức Kitô vẫn còn đó “Hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là nước trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các người đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta” (Mt 25, 34-36).
Phêrô Đặng Đình Thịnh
[1] Trích bài hát Để gió cuốn đi, Trịnh Công Sơn
[2] SV IX,252
[3] Dẫn lại Con Tim Tràn Đầy Yêu Thương, Têrêsa Calcutta, trang 19-20, Thiên Phúc dịch.
[4] Dẫn lại Con Tim Tràn Đầy Yêu Thương, Têrêsa Calcutta, trang 15, Thiên Phúc dịch