Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm A

0
243

(Bài đọc I: St 2,7-9; 3,1-7 ; Bài đọc II: Rm 5,12-19; Tin Mừng: Mt 4,1-11)

Mùa Chay – Mùa hồng phúc

Chúng ta đã bước vào Mùa Chay thánh 2023. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay phần nào cho chúng ta thấy lịch sử tội lỗi trong Kinh Thánh. Điều này là thích hợp cho sự khởi đầu của Mùa Chay. Chúng ta cần được nhắc nhở rằng, chúng ta là tội nhân. Ngay cả Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ, nhưng nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần bên trong, Ngài đã không sa ngã. Con người chúng ta không may mắn như vậy. Vâng, chúng ta cũng có sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần trong việc xua đuổi tội lỗi, nhưng lòng kiêu hãnh, ích kỷ và sự yếu đuối của con người cản trở chúng ta. Vậy tội lỗi là gì?

Trong Bài đọc I, trích Sách Sáng Thế (2,7-9; 3,1-7), chúng ta nghe thấy tội lỗi đã đến thế gian qua Ađam và Evà như thế nào. Họ sống trong một địa đàng, nơi họ có mọi thứ kể cả việc tiếp cận với Thiên Chúa, nhưng sự kiêu ngạo cản đường, và họ đã bất tuân mệnh lệnh trực tiếp của Thiên Chúa. Điều đó thực sự làm đảo lộn “trật tự” và chúng ta đã sống với các vấn đề kể từ đó “chẳng chết chóc gì đâu ! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,4). Trong trường hợp này, nguyên tổ đã không yêu Chúa đủ để trung thành. Đó chính là tội lỗi!

Thánh vịnh Đáp ca (51,3-17) là bài “Miserere” vĩ đại – thánh vịnh sám hối, một lời cầu nguyện ăn năn dựa trên nỗi buồn của vua Đa-vít và một lời cầu nguyện mà tất cả chúng ta nên quen thuộc như một hành vi ăn năn.

Bài Đọc II, trích Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (5,12-19). Trong đoạn này, thánh Phaolô đang so sánh tội lỗi đã xâm nhập thế gian như thế nào, qua sự sa ngã của người nam và người nữ đầu tiên, với sự đền bù đến từ sự chết và sự phục sinh của Thiên Chúa-làm người. Đó là “thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15). Sự kiện đầu tiên đã giam cầm toàn thể nhân loại, về mặt tinh thần. Sự kiện thứ hai đã giải phóng tất cả những ai tin và sống theo lời dạy của Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội của Ngài.

Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng Mát-thêu (4,1-11). Trong đoạn này, chúng ta nghe câu chuyện quen thuộc về Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc sau cuộc tĩnh tâm 40 ngày, trong đó, Ngài không ăn không uống. Nhiều điều đã được giải thích từ đoạn văn này, nhưng chúng ta hãy tập trung vào sự kiện là Chúa Giêsu bị cám dỗ, vì Ngài vừa là con người, vừa là Thiên Chúa. Mặc dù những lời đề nghị và cám dỗ do Sa-tan đưa ra rất hấp dẫn, nhưng Chúa Giêsu đã vượt thắng trên những cám dỗ đó. Vì, trên hết, những cám dỗ đó trái với ý muốn của Thiên Chúa, “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4,7), là Đấng sai Chúa Giêsu xuống thế gian này vì một mục đích cụ thể—sự cứu rỗi nhân loại đã bị cầm tù kể từ thời A-đam.

Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu dùng quyền năng để xoa dịu cơn đói, hắn cám dỗ Chúa Giê-su thử thách lời hứa bảo vệ của Thiên Chúa; và chúng dâng cho Chúa Giêsu tất cả các vương quốc trên thế giới, nếu Chúa Giêsu thờ phượng ma quỷ. Trong mỗi trường hợp, Chúa Giêsu chống lại sự cám dỗ, quở trách ma quỷ bằng những lời trong Kinh thánh.

Bây giờ, chúng ta có thực sự cần trả lời câu hỏi đặt ra ở trên không? Tội lỗi không chỉ là vi phạm luật lệ và quy định; nó đi sâu hơn thế nhiều. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta đang hành động giống như A-đam và Ê-va, những người muốn trở nên giống như Thiên Chúa hoặc giống như các vị thần. Về bản chất, khi chúng ta phạm tội là như chúng ta muốn nói rằng: “Tôi tốt như Chúa và tôi không cần phải vâng lời Ngài.” Mùa Chay Thánh là thời gian để suy nghĩ lại về các giá trị, lối sống và mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Đây cũng là lúc để xem xét việc “hoán cải tâm hồn”. Đây là cách Chúa Thánh Thần có thể dẫn dắt chúng ta, giống như Ngài đã dẫn Chúa Giêsu ra khỏi sa mạc một cách an toàn “thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người” (Mt 4,11).

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM