Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm A

0
395

Chuẩn Bị Sẵn Sàng

Hôm nay là Chúa Nhật I Mùa Vọng, cũng là Chúa Nhật đầu tiên của năm Phụng Vụ mới đối với Giáo Hội. Mùa Vọng bao gồm bốn Chúa Nhật trước Lễ Giáng Sinh. Đó là thời gian chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Trong mùa này, chúng ta nhớ lại hai yếu tố trung tâm của đức tin chúng ta: sự quang lâm cuối cùng của Chúa trong vinh quang và sự nhập thể của Chúa trong ngày giáng sinh của Chúa Giêsu. Các chủ đề chính của Mùa Vọng là chờ đợi cách thận trọng, chuẩn bị và công lý.

Trong Bài đọc I, trích sách Ngôn sứ  Isaia (2:1-5), chúng ta nghe vị ngôn sứ vào đầu thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên, tán dương những phúc lành vĩ đại trong tương lai dành cho Giêrusalem sắp bị quân Assyria phá hủy. Giêrusalem được người Do Thái coi là trung tâm của thế giới, nơi hiện diện và quyền năng của Chúa nằm ở đó. Bây giờ nó sắp bị phá hủy, nhưng một ngày mới sẽ đến và nó sẽ lại tỏa sáng với ánh sáng vĩnh cửu. Mục đích của Isaia là kêu gọi dân chúng chuẩn bị cho thời điểm đó ngay từ bây giờ, trở về với Chúa ngay từ bây giờ, và không đợi thêm một phút nào nữa “Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4). Chúng ta cũng được kêu mời như vậy, khi khởi đầu Mùa Vọng với tâm tình hoán cải.

Bài Thánh vịnh Đáp Ca (122:1-9) có chủ đề tương tự, nhưng vào thời điểm muộn hơn nhiều khi dân Israel  trở về sau cuộc lưu đày ở Babylon. Cuối cùng họ đã nhận được thông điệp mà ngôn sứ Isaia đã rao giảng trước đó. Bây giờ họ đang trở về Giêrusalem và đang thực hiện một giấc mơ đã lảng tránh họ trong hơn 50 năm, “Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.”

Bài đọc II, trích Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma (13:11-14). Ở đó, chúng ta nghe thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu đầu tiên hãy chuẩn bị cho ngày Chúa đến. Bức “thư” này được viết trong một thời kỳ rất khó khăn, đối với các Kitô hữu đầu tiên, giống như những người Do Thái thời Isaia. Các điều kiện cũng giống như vậy, ngoại trừ lần này người La Mã chuẩn bị phá hủy Giêrusalem. Thánh Phaolô khuyên các Kitô hữu sẵn sàng chịu khổ, nếu cần, vì đức tin và vì Thiên Chúa “vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13, 12).

Trong Bài đọc Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (24:37-44), chúng ta thường nghe điều được gọi là “ngày tận thế nhỏ” hay lời tiên đoán của Chúa Giêsu về sự hủy diệt của Giêrusalem vào năm 70 sau Công nguyên. Ở đây, như trong thư của Thánh Phaolô ở trên, các Kitô hữu sơ khai được khuyên nên cầu nguyện và chuẩn bị cho điều mà đối với họ dường như là “ngày tận thế”. Tuy nhiên, đối với những người đang sống theo lời dạy của Chúa Giêsu Kitô, thì tận cùng của thế giới này, sẽ là khởi đầu của thiên đàng.

Các bài đọc vào cuối Mùa Thường Niên (Chúa nhật trước) và phần đầu của Mùa Vọng (hôm nay) chứa đầy những điều dường như là u ám và diệt vong; nhưng chúng chỉ là những lời nhắc nhở rằng, cuộc sống này, thế giới này, chỉ là tạm thời và chúng ta nên nhìn về tương lai, về Giêrusalem Mới trên thiên đàng. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không nên tận hưởng cuộc sống ở đây, trên trái đất này, nhưng nó có nghĩa là, chúng ta nên chuẩn bị vì “anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em sẽ đến” (Mt 24,42). Tuy nhiên, sự chuẩn bị của chúng ta nên ở làm, là kiểm điểm bản thân về hành trình thiêng liêng của chúng ta với Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta có đang đi theo dấu chân Ngài không?

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM