Thập giá và vinh quang
(St: 12:1-4a; 2 Tm: 1:8b-10; Mt: 17:1-9)
Các bài đọc hôm nay có nhiều chủ đề và gợi ý để chúng ta suy gẫm, tất cả đều thích hợp cho Mùa Chay. Chúng trải dài từ sự vâng lời trong bài đọc thứ nhất, đến vinh quang trong Tin Mừng, nhưng làm thế nào để chúng ta kết nối chúng lại với nhau? Chúng ta hãy thử trả lời câu hỏi đó theo cách này: Có bao giờ bạn tự hỏi hoặc nghĩ rằng: “Tôi được gì khi vâng lời và trung thành hoặc thậm chí là thanh khiết? Tôi được lợi gì?” Chúng ta hãy xem các bài đọc Lời Chúa hôm nay nói gì về điều này.
Trong Bài đọc I, trích sách Sáng Thế (12:1-4), chúng ta nghe về việc Thiên Chúa kêu gọi ông Abram (Abraham) đem tất cả tài sản và gia đình của ông đi đến một vùng đất mà ông không hề biết. Ông Abraham đã không nói, “Chúa ơi, nhưng tôi được lợi ích gì? Ông đã vâng lời ra đi và Thiên Chúa, không chỉ ban cho ông một đứa con vào cuối đời, mà Abraham đã trở thành cha của nhiều dân tộc và là Tổ phụ của các tôn giáo Do Thái, Kitô giáo và Hồi giáo. Ông được tưởng nhớ mỗi ngày trong lời cầu nguyện của hàng triệu người trên khắp thế giới. Quả thực, điều này đã được như Chúa hứa với ông “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12, 2).
Trong Thánh vịnh Đáp Ca, (33:4-22), tác giả Thánh vịnh dâng cuộc đời mình trước mặt Thiên Chúa với sự tin cậy hoàn toàn, biết rằng bất cứ điều gì Thiên Chúa làm với mình, đó sẽ là điều tốt nhất. Tin tưởng vào Thiên Chúa là một nhân đức, mà hầu hết chúng ta ít nghĩ đến. Mùa Chay là thời điểm tốt, để kiểm điểm xem chúng ta đang trông cậy vào điều gì.
Bài đọc II, trích thư thứ hai của Thánh Phaolô gửi Timôthê (1:8-10). Ở đó, chúng ta nghe Thánh Phaolô khuyến khích ông Timôthê hãy vững vàng trước những khó khăn. Chúng ta không biết khó khăn đó là gì, nhưng chúng ta biết từ các lá thư khác rằng, lúc đó thánh Phaolô đang ở trong tù và Timôthê đang đối mặt với những khó khăn, trong việc tiếp tục sứ vụ của Thánh Phaolô. Chúng ta chưa bao giờ nghe một trong hai vị tông đồ này phàn nàn về những khó khăn của họ; đúng hơn, các ngài tin cậy nơi Chúa Giêsu, là Đấng “đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2 Tm 1, 10).
Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng Mátthêu (17:1-9). Trong đoạn này, chúng ta nghe câu chuyện quen thuộc mà chúng ta gọi là Sự Biến Hình. Ở đây, Chúa Giêsu xuất hiện cùng với hai ông Môsê và Êlia trong trạng thái vinh quang. Thông điệp ở đây là dành cho tất cả chúng ta: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay” (Mt 17, 4). Nói cách khác, nếu chúng ta trung thành và vâng lời như Môsê và Êlia, như Phêrô và Phaolô và nhiều tông đồ khác, thì chắc hẳn chúng ta sẽ được vinh hiển khi lên thiên đàng. Hai ông Môsê và Êlia được giao cho những công việc rất khó khăn trong Kế hoạch Cứu rỗi của Thiên Chúa và họ đã hoàn thành chúng một cách xuất sắc.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng được giao những công việc nhỏ bé, đơn sơ và đôi khi không đáng kể và chúng ta thường coi thường chúng; nhưng Thiên Chúa yêu cầu mỗi người chúng ta chịu trách nhiệm hoàn thành vai trò của mình trong kế hoạch của Ngài, và phần thưởng của chúng ta sẽ không thể diễn tả được.
Câu chuyện Chúa Giêsu Biến Hình được kể trong ba Tin Mừng Nhất Lãm: Mátthêu, Máccô và Luca. Trong mỗi sách Phúc âm đó, Sự Biến Hình diễn ra sau lời tiên báo của Chúa Giêsu về cái chết của Ngài và lời dạy của Ngài về cái giá phải trả để trở thành môn đệ. Sự Biến Hình của Chúa Giêsu là một lời hứa về vinh quang của Chúa Giêsu, sự Phục Sinh của Ngài.
Biến cố Biến Hình, việc Chúa Giêsu tự mạc khải mình là người Con yêu dấu của Thiên Chúa, cho chúng ta nhận ra ơn gọi thần linh của Ngài. Sự Biến Hình của Chúa Giêsu với tư cách là người Con yêu dấu của Thiên Chúa, sự mặc khải của Ngài về thần tính trong nhân tính, cho chúng ta thấy trước số phận của chính mình. Nó nhắc nhở chúng ta về sự thật trong lời dạy của sách Sáng Thế Ký rằng, con người được định hướng để trở thành những hình ảnh ngày càng vĩ đại hơn của Thiên Chúa.
Phụng vụ hôm nay nói với chúng ta rằng, biến hình là định mệnh mà tất cả chúng ta chia sẻ với Chúa Kitô, miễn là chúng ta để cho mình được yêu thương như Ngài. Đó là con đường dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp “đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5).
Trung thành tuân theo các quy luật của Mùa Chay không phải là điều dễ dàng. Chúng ta nên có một mục đích, một mục đích hoặc một mục tiêu để giúp chúng ta tuân giữ Mùa Chay. Tất cả những gì chúng ta phải làm, là nhìn vào Tin Mừng để thấy mục tiêu cuối cùng, mà mỗi người chúng ta được ở với Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài trên đỉnh núi đó và ở trong vinh quang của sự Phục Sinh. Đó chính là con đường của Mùa Chay, đang dẫn chúng ta đến sự Phục sinh của Chúa.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM