(Bài đọc I: Is 40:1-11; Bài đọc II: 2 Pt 3:8-14; Tin Mừng: Mc 1:1-8)
Dọn đường cho Chúa đến
Chủ đề của các Bài đọc hôm nay được trình bày rõ ràng với chủ đề, đó là “hãy dọn đường cho Chúa”. Điều này không có nghĩa là đi làm mới những con đường của cuộc đời, hay mở những “cao tốc” để nên thánh, mặc dù bài đọc thứ nhất có sử dụng từ “xa lộ”. Ý nghĩa của các bài đọc này là: “Hãy loại bỏ mọi trở ngại ngăn cản Chúa Giêsu đến với chúng ta trong vinh quang thiêng liêng của Ngài”. Đây là sự chuẩn bị của trái tim. Trong Mùa Vọng này và cũng là mùa cuối năm, xem ra mọi người rất bận rộn và nó đã tạo ra đủ loại chướng ngại vật cản đường chúng ta: thất vọng, thái quá, ươn lười, ngạo mạn v.v… Chúa Kitô đã đến như một hài nhi đơn sơ. Ngài muốn chúng ta đến với Ngài theo cách tương tự.
Bài đọc thứ nhất, trích từ sách ngôn sứ Isaia (40:1-11). Vị ngôn sứ đang nói chuyện với dân chúng Israel ngay sau khi kết thúc thời kỳ lưu đày ở Babylon (cuối thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên). Dân Israel đang trở về với những hy vọng, ước mơ mới và một quyết tâm mới để trung thành và vâng phục Thiên Chúa. Vì vậy, vị ngôn sứ đang rao giảng cho họ hãy mở lòng ra và loại bỏ bất cứ điều gì có thể ngăn cản Thiên Chúa của Israel đến và ở với họ về mặt tinh thần: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40, 3). Đó là cách để Thiên Chúa có thể đến và ở lại với họ. Sự hiện diện của ngài sẽ chấm dứt tình trạng bị bỏ rơi và không có ai chăm sóc, như đoàn chiên bơ vơ.
Thánh Vịnh Đáp Ca (85:9-14). Ở đây, tác giả Thánh Vịnh tiếp tục thông điệp của ngôn sứ Isaia ở trên, nói với dân của Ngài và chúng ta rằng, nếu chúng ta dâng tấm lòng mình cho Thiên Chúa, Ngài sẽ ban cho chúng ta những ân phúc vượt xa những giấc mơ ngông cuồng nhất của chúng ta, bắt đầu bằng sự bình an và tất cả những ân phúc thiêng liêng khác sẽ theo sau.
Bài đọc thứ hai trích từ Thư thứ hai của Thánh Phêrô (3:8-14). Đây là lá thư ít khi được đọc, nhưng nó lại mang một thông điệp rõ ràng cho chúng ta. Đó là Thánh Phêrô khuyên chúng ta hãy chuẩn bị cho sự tái lâm của Chúa vào lúc chúng ta chết, cũng như vào ngày tận thế. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào cuộc sống này, thì chúng ta sẽ có gì khi Đức Kitô đến vì chúng ta? Thế giới này cuối cùng sẽ qua đi, vậy tại sao phải bám víu vào những thứ của thế giới này? Do đó, họ cần phải chăm lo cho phần thiêng liêng của mình: “Vì thế, anh em thân mến, trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pt 3, 14).
Bài đọc Tin Mừng bắt đầu từ phần đầu Tin Mừng Máccô (1:1-8). Trong lời mở đầu, Thánh Máccô lặp lại câu nói của Ngôn sứ Isaia về việc chuẩn bị con đường cho Chúa: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1, 3). Đây là toàn bộ thông điệp của ông Gioan Tẩy Giả và điều này đề cập đến sự chuẩn bị nội tâm hoặc đời sống thiêng liêng. Ông Gioan biết rằng, ai đó sẽ “vĩ đại hơn ông” sẽ sớm đến và mọi người nên chuẩn bị sẵn sàng. Thông điệp đó cũng là cho chúng ta, mỗi người Kitô hữu ngày nay, như vẫn đúng cũng như thời của ông Gioan, thời của Thánh Macco hay thậm chí là thời của Ngôn sứ Isaia.
Tin Mừng trình bày cho chúng ta khung cảnh quen thuộc của Gioan Tẩy Giả trong sa mạc dọc bờ sông Giođan. Ở đó, ông đang rửa tội cho những người tìm cách ăn năn tội lỗi của họ. Thánh Macco coi hành động này của ông Gioan là ứng nghiệm lời Ngôn sứ Isaia rằng, người ta sẽ dọn đường (tức là một con đường) cho Chúa. Vậy con đường đó là gì?
Đầu tiên, chúng ta thấy rằng mục đích của con đường này là để kết nối dân Chúa với Chúa. Những người dân đã phải phục vụ và phải chịu hình phạt gấp đôi bình thường vì tội lỗi của mình. Nhưng họ đã phục vụ như thế nào nào? Trong tiếng Do Thái, từ này có nghĩa là nghĩa vụ quân sự, và do đó, dân chúng, vì sự không trung thành của họ, mà họ đã bị ép vào quân đội và bị đày sang một vùng đất xa lạ, lưu vong ở Babylon. Cuộc chiến thiêng liêng của họ ở nơi đó là để làm chứng cho vinh quang của Thiên Chúa ở những vùng đất xa lạ này, vì họ đã không làm như vậy khi ở Giêrusalem.
Cũng vậy, giữa cuộc hành hương trần thế của chúng ta, với tư cách là thành viên của Giáo hội chiến đấu, việc phục vụ và thử thách thiêng liêng của chúng ta có thể dường như rất lớn lao và bất tận. Thời gian phục vụ của chúng ta dường như kéo dài và là do sự trở lại của Chúa chậm trễ; tuy nhiên, như Thánh Phêrô nói trong bài đọc thứ hai, sự chậm trễ này là theo kế hoạch của Thiên Chúa. Nhưng tại sao Ngài lại chậm trễ trong việc ban cho chúng ta những niềm an ủi ở đời này? Ngài cho chúng ta thời gian để ăn năn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Thường thì sự tiến triển thiêng liêng của chúng ta bị trì trệ vì vẫn còn một số tội lỗi mà chúng ta không thể từ bỏ, một số tội lỗi mà chúng ta không thể tha thứ.
Chúng ta càng bám vào tội lỗi thì sự phục vụ của chúng ta càng kéo dài. Nhưng tại sao điều này lại kéo dài hành trình của chúng ta? Bởi vì tội lỗi là sự chối bỏ Thiên Chúa và sự vinh hiển của Ngài. Nó tạo ra những trở ngại giữa chúng ta và Thiên Chúa.
Vậy câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ còn lại gì, khi tội lỗi của chúng ta được loại bỏ? Nếu chúng ta dành cả cuộc đời để gây ra những trở ngại giữa chúng ta và Chúa, thì kho tàng nào sẽ chất chứa trong tâm hồn chúng ta? Chẳng phải nó đã được chi cho những rào cản, khiến chúng ta bị phá sản về mặt tinh thần sao? Nhưng nếu chúng ta dành cả cuộc đời để ăn năn và phá bỏ những trở ngại giữa chúng ta và Thiên Chúa, để con đường tình yêu của Ngài có thể xuyên thẳng vào tâm hồn chúng ta, thì chúng ta có thể tích lũy kho tàng bác ái và việc lành. Vì tất cả những gì còn lại sau khi ngọn lửa tình yêu thiêng liêng đến với chúng ta chính là lòng bác ái.
Giáo Hội cùng với con cái của mình tiếp tục kế hoạch chuẩn bị này. Mẹ Giáo hội hướng dẫn chúng ta cách chuẩn bị con đường cho Chúa đến với tâm hồn chúng ta. Chúng ta biết rằng Chúa đang trên đường đến, Ngài đang đến trong vinh quang. Mong sao chúng ta sử dụng Mùa Vọng này để sắp xếp lại trại linh hồn của mình và sắp xếp các con đường dẫn đến đó. Cầu mong chúng ta chiến đấu chống lại những tật xấu và tội lỗi đang đeo bám chúng ta, thay vào đó chúng ta cố gắng lớn lên trong tình yêu và nhân đức. Vì quả thật Chúa sắp đến, cầu mong chúng ta có mặt ở tháp canh, sẵn sàng vui vẻ chào đón Ngài khi Ngài đến.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM