Chuẩn bị cho Chúa đến
1. Các bài đọc
Bài đọc I: Br 5:1-9
Bài trích sách Barúc: Giêrusalem sẽ nhìn thấy ánh sáng vinh quang Chúa.
Ðáp Ca: Tv 126:1-2,2-3,4-5,6
Thánh vịnh 126: Ca tụng những kỳ công của Chúa.
Bài đọc II: Pl 1:4-6,8-11
Trích thư thứ nhất thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philipphê: thánh Phaolô cầu nguyện cho người Philipphê.
Tin Mừng: Lc 3:1-6
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Gioan rao giảng sự hoán cải và thanh tẩy trong vùng sông Giodan.
2. Chia sẻ
Tuần thứ II của Mùa Vọng dẫn chúng ta trở về với thực tế lịch sử và xã hội của dân Do thái thời Chúa Giêsu. Bối cảnh của bài Tin Mừng sẽ cho chúng ta thấy rõ được bức tranh xã hội đó và sự xuất hiện của ông Gioan Tẩy giả. Gioan xuất hiện trong truyền thống ngôn sứ vĩ đại. Ông rao giảng sự hoán cải và làm phép rửa sám hối, để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế.
Từ hình ảnh ông Gioan trong giai đoạn lịch sử quan trọng này, trước sự ra đời của Đấng Cứu Thế, gợi lên cho chúng ta chút tâm tình Mùa Vọng:
Cần những sa mạc trong cuộc đời
Hôm nay, bài Tin Mừng cho chúng ta thấy ông Gioan xuất hiện trong sa mạc hay hoang địa “có lời Thiên Chúa phán cùng ông Gio-an, con ông Da-ca-ri-a, trong hoang địa” (Lc 3, 2).
Sa mạc là nơi sinh của Israel. Thiên Chúa đã đưa dân tộc này ra khỏi ách nô lệ và sau đó dẫn họ đi trên Sa mạc kéo dài 40 năm, để dạy dỗ họ cách trở thành một dân riêng của Ngài thì có nghĩa là gì! Họ cần thời gian đó để vượt qua danh tính đặc quyền của mình. Họ đã sống 40 năm đó mà không có sự phân tâm của việc xây dựng nhà cửa và kinh doanh; hay bất kỳ hoạt động nào khác; kinh nghiệm lâu năm luôn di chuyển đã dạy họ chỉ dựa vào Thiên Chúa. Khi họ quên những bài học trong sa mạc, Thiên Chúa đã gửi họ đi đày trong nhiều năm nữa trong xứ sở dân ngoại. Trong cả hai trường hợp, khó khăn tước bỏ mọi thứ, để họ có thể tìm ra đâu là điều cần thiết nhất.
Sa mạc là phản đề của trung tâm mua sắm, của hoạt động làm ăn hay hoạt động xã hội…. Dù bạn có bao nhiêu tiền cũng không có gì để mua trong sa mạc cả…. Khác xa với những ánh đèn thành phố lấp lánh thu hút sự chú ý của chúng ta. Sa mạc cho phép chúng ta ngước mắt nhìn vào các vì sao, nhìn vào vẻ đẹp ngoài tầm với của chúng ta và dường như được tạo ra chỉ để chúng ta thỏa thích. Sa mạc là nơi tâm hồn chúng ta tìm thấy khoảng trống để mở rộng, nơi chúng ta có thể nhớ lại những gì chúng ta thực sự khát khao. Đây là kinh nghiệm về sa mạc phong phú của Chúa. Đây là sa mạc mà chúng ta có thể chọn khi chúng ta muốn hưởng ân phúc của nó.
Chỉ khi ở trong sa mạc, nơi hoang vắng, chúng ta mới dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa và tập trung vào điều cao siêu. Khởi đầu Mùa Vọng, chúng ta được mời gọi hướng về ngày Chúa đến: Chúa đến trong ngày Quang lâm và Chúa đến trong ngày Giáng sinh. Thế nhưng, nỗi khát khao chờ Chúa đến chỉ có thể được thấy rõ, khi chúng ta có những giây phút sa mạc trong lòng mình, với việc vứt bỏ những nỗi bận tâm của cuộc sống bề bộn này để dành giờ với Chúa.
Điều này có thể được thể hiện qua việc tham dự thánh lễ, trực tiếp hay online; thinh lặng cầu nguyện trước khi khởi đầu ngày mới và trước khi đi ngủ. Thinh lặng nghĩ về Chúa dù có thể đang làm việc chân tay… Đó là cách dọn lòng để cho Chúa đến.
Thông điệp hoán cải
Gioan đã rao giảng một thông điệp quan trọng hôm nay là sự hoán cải. Tin Mừng Luca đã dùng từ Metanoia để mô tả nó.
Metanoia là sự kết hợp của các từ Hy Lạp có nghĩa là “vượt ra ngoài” và “tâm trí”. Điều này chỉ ra rằng Metanoia (hoán cải) không chỉ là một vấn đề trí tuệ. Đó là một trải nghiệm, cho phép bản thân bị lôi cuốn vượt ra ngoài những gì chúng ta biết, vượt ra ngoài những khái niệm về bản thân, thần học của chúng ta và đánh giá của chúng ta về các vấn đề hiện tại. Nó cho chúng ta thấy niềm hy vọng ẩn giấu trong sự kết hợp của các sự kiện hiện tại, câu chuyện của chính chúng ta và đức tin của chúng ta. Metanoia là một sự thay đổi, một bản sửa đổi của tất cả những gì chúng ta biết“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Lc 3, 4-5). Nó đưa chúng ta vào một tầm nhìn mới về cuộc sống
Gioan đã nói về sự hoán cải như một trải nghiệm được giải thoát khỏi tội lỗi (sự tha thứ) và phép rửa tượng trưng cho việc bước vào một cuộc sống mới.
Lời mở đầu của thư thánh Phaolô gởi tín hữu Philipphê lặp lại niềm hy vọng mà chúng ta đã nghe thấy ở bài đọc I, sách Barúc “hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng” ( Br 5,2). Chắc chắn rằng, thánh Phaolô yêu thương những người mà ngài đang viết thư cho và ngài vui mừng về đời sống đức tin của họ. Khi ngài nói với họ lý do tại sao ngài cảm thấy như vậy, ngài sử dụng một cụm từ rất hay. Đó là họ đã có “sự cộng tác với Tin Mừng” (Pl 1, 4).
Từ tiếng Hy Lạp cho mối cộng tác này là koinonia, cũng có thể được dịch là “mối quan hệ thông công” hoặc “sự hiệp thông.” Cộng đoàn Philipphê rõ ràng đã bày tỏ lòng yêu mến của họ thông qua sự khích lệ của thánh Phaolô và cách sống Tin Mừng của họ. Họ sống koinonia (cộng đoàn) bằng những hành động cụ thể và một lối sống chung đã làm chứng cho sự đoàn kết của họ.
Chúng ta có thể nói rằng thánh Phaolô đã thấy cộng đoàn Philipphê thực hiện những gì mà sách Barúc đã kêu gọi. Họ sống một cuộc đời đổi mới trong Đức Kitô “Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm” (Pl 1,10).
Đó chính là cuộc đời hoán cải, mà Gioan muốn rao giảng cho dân chúng hôm nay, để chuẩn bị tâm hồn chờ đón Đấng Cứu Thế.
Chúa đến trong lịch sử con người
Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng lưu ý khi thánh Luca chú ý đến các chi tiết chính trị và lịch sử. “Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên” (Lc 3,1). Luca cho thấy rằng sự cứu rỗi dành cho tất cả mọi người và nằm trong các sự kiện thế giới. Do đó, Luca liệt kê những nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo vào thời điểm ông Gioan xuất hiện trong sa mạc. Sự cứu rỗi được hiểu là sự nhập thể của Thiên Chúa vào lịch sử chính trị và xã hội này.
Vậy chúng ta có sẵn sàng để cho Chúa bước vào đời sống của chúng ta, gia đình của chúng ta, xã hội của chúng ta? Hãy mạnh dạn để cho Chúa “đột nhập” vào đời sống chúng ta, để rồi chính Chúa sẽ đưa lịch sử cuộc đời và xã hội mỗi người chúng ta, đến một cùng đích thiêng liêng mà Chúa muốn cho mỗi người chúng ta.
Bước vào tuần II Mùa Vọng, mỗi người chúng ta được kêu gọi “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4) chúng ta có sẵn sàng chưa? Để chuẩn bị con đường tâm hồn mình cho Chúa. Những bất hòa trong gia đình, những giận hờn với anh em, những bận tâm với của cải vật chất, những thù hằn ghen tức, những thói xấu hay đam mê cần được vùi lấp, để con đường tâm hồn mình được ngay thẳng, để Chúa đến trong cuộc đời chúng ta.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM