Chúa Nhật II Phục Sinh (Kính Lòng Chúa Thương Xót) – Năm C

0
837

Những môn đệ của Lòng Thương Xót

 1. Các bài đọc

Bài đọc I: Cv 5:12-16

Bài trích sách Công vụ Tông đồ: thánh Phêrô và các môn đệ làm nhiều dấu lạ và các việc lạ lùng.

Đáp ca: Tv 118:2-4,13-15,22-24

Thánh vịnh 118: Ca tụng Thiên Chúa.  

Bài đọc II: Kh 1:9-11a,12-13,17-19

Bài trích sách Khải Huyền: Thánh Gioan nhận được những sự hướng dẫn để ghi lại những thị kiến của ngài.

Tin Mừng: Ga 20:19-31

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: ông Tôma tin, vì ông đã được nhìn thấy Chúa.

2. Chia sẻ

Hôm nay toàn thể Giáo hội cử hành lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Năm 2000, trong bài giảng của buổi lễ phong thánh cho nữ tu Maria Faustina, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Tương lai của nhân loại trên mặt đất này sẽ ra sao? Chúng ta không được biết. Tuy nhiên, con người có thêm tiến bộ thì không may cũng không thiếu kinh nghiệm đớn đau. Nhưng ánh sáng của Lòng thương xót Chúa sẽ chiếu sáng đường đi cho con người trong thiên niên kỷ thứ ba.” Đức Thánh Cha cũng đã chính thức công bố từ nay về sau, Chúa nhật II Phục sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.

Từ ý nghĩa của ngày lễ và từ ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể nhân ra:

Các môn đệ của Lòng Thương Xót

Trong sách Công vụ Tông đồ hôm nay, chúng ta nhận thấy ông Phêrô và các tông đồ đã được dân chúng tuôn đến với các ông, vì các ngài đã làm những điềm thiêng dấu lạ. Đến nỗi họ còn trông chờ rằng “Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phê-rô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó” (Cv 5,15). Có nghĩa là họ tin rằng chỉ cần được bóng của ông Phêrô phủ lên như vậy, thì họ cũng đã được chữa lành bệnh tật thể lý.

Hôm nay các tông đồ đã trở nên như những sứ giả của Đấng Phục Sinh, sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa cho dân chúng. Họ đang đau khổ vì bệnh tật và họ trông mong Chúa thực hiện quyền năng của Ngài qua các tông đồ.

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta nhận ra có rất nhiều người đã được ơn chữa lành phần hồn, cũng như phần xác qua việc tin tưởng thực hành việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa. Mỗi khi làm việc kính Lòng Thương Xót Chúa, họ đều cảm nhận được một sự an ủi sâu xa trong tâm hồn và ơn nâng đỡ qua những đau khổ, vất vả, thậm chí cả tội lỗi trong cuộc sống hằng ngày. Đó là nhờ lòng thương xót yêu thương của Chúa luôn được trao tặng cho con người chúng ta và mời gọi chúng ta trở nên những tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa.

Khi trở thành môn đệ của Lòng Thương Xót, chúng ta dễ thông cảm yêu thương và tha thứ cho người khác. Khi trở thành môn đệ của Lòng Thương Xót, chúng ta sẽ không quản ngại bất cứ khó khăn nào để thực thi Lòng Thương Xót của Chúa cho anh chị em của mình qua sự tha thứ, bác ái, giúp đỡ, an ủi, viếng thăm bệnh nhân…

Bình an – dấu chỉ của Lòng Thương Xót

Khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, Ngài đã nói: “Shalom – Bình an cho anh em” (Ga 20,19). Shalom (bình an) là một từ mang ý nghĩa nội tại. Điều này có nghĩa rằng, “tôi không có gì để bạn phải sợ hãi và không có gì chống lại bạn đâu.” Một lời dạy của người Do Thái cổ đại cho rằng shalom-hòa bình là “từ duy nhất của Thiên Chúa chất chứa khả năng giữ một ân phúc.” Từ đó cũng là một danh xưng của Thiên Chúa.

Shalom là lời đầu tiên của Chúa Giêsu nói với “những người bạn hữu” của mình sau khi Ngài phải chịu đau khổ. Shalom của Chúa Giêsu đã tái tạo lại mối quan hệ của Ngài với từng và tất cả các môn đệ đang tụ họp trong nhà. Theo một cách nào đó, nó cũng đáng kinh ngạc như chính sự phục sinh của Ngài. Về mặt nào đó, bình an giống hệt với sự phục sinh của Ngài, vì nó thể hiện một thực tế rằng, sức mạnh của tình yêu thương không gì có thể vượt qua được. Shalom, lời tha thứ của Chúa Giêsu, đem lại sự cứu chuộc.

Vì lý do nào đó, những người đã gặp ông Tôma vào một ngày khác không có khả năng truyền đạt toàn bộ thông điệp cho ông ta “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Họ đã cố thuyết phục để khiến ông tham gia cùng họ một tuần sau đó, nhưng ông Tôma vẫn không hoàn toàn hiểu được sự biến đổi đã bắt đầu giữa những người bạn của mình – và trong lịch sử của vũ trụ, khi Chúa phục sinh.

Bình an là quà tặng của Chúa Phục Sinh dành cho các môn đệ của mình và mời gọi họ tin tưởng vào tình thương cứu độ của Ngài. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên sứ giả của tình thương Chúa qua việc trao ban bình an cho người khác. Điều này đòi hỏi chúng ta phải trở thành con người của sự yêu thương và tha thứ, trở thành một “ân phước” cho người khác. Hay nói khác đi chính là làm cho mình trở thành đáng tin cậy trong mọi tương quan của đời sống. Có như vậy người khác mới không lo lắng hay sợ hãi khi tương quan với chúng ta. Vì chúng ta luôn làm cho người khác cảm thấy bình an khi gặp gỡ và sống cùng chúng ta trong đời sống cộng đoàn và gia đình, như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong bài giảng trong ngày phong thánh cho nữ tu Faustina, chứng nhân của Lòng Thương Xót “chỉ khi nào con người cảm nhận được Lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì con người mới có thể nhìn vào anh chị em của mình với đôi mắt mới, với thái độ vị tha và liên đới, đại lượng và tha thứ.” Đấy là cảm thức của bình an trong đời sống chúng ta. Bình an mà Chúa Phục Sinh đã ban tặng cho các tông đồ và cho mỗi người chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta không ngừng cảm nghiệm tình thương và Lòng Thương Xót của Chúa trong đời sống của mình và biết trao tặng món quà của Lòng Thương Xót của chúa cho mọi người chung quanh chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa!

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM.