Chúa Nhật III Mùa Vọng – Năm A

0
426

Cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả

Các Bài đọc Chúa Nhật III Mùa Vọng đề cập đến chiến thắng cuối cùng của Thiên Chúa trên mọi loại sự dữ. Vai trò của chúng ta trong tất cả những điều này là thực hiện phần việc của mình và sau đó kiên nhẫn chờ đợi Chúa là Thượng Đế đến và hành động thay cho chúng ta. Điều này, như chúng ta đều biết, rất khó thực hiện. Đã bao nhiêu lần bạn nói, nghĩ, hoặc nghe người khác nói “Chúa ở đâu khi chúng ta cần Ngài?” trong tình huống này hay tình huống kia? Khi cuộc sống dường như vô vọng, chúng ta khao khát Chúa can thiệp, nhưng chúng ta cũng phải nhớ rằng “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28).

Trong Bài đọc I, trích sách Ngôn sứ Isaia (35:1 – 6a, 10), vị ngôn sứ diễn tả niềm vui sẽ đến với dân Israel, là những người đã kiên nhẫn và không từ bỏ hy vọng trong khi chờ đợi sự giải thoát khỏi ách nô lệ Ba-by-lon. Cũng vậy, các tín hữu, những người đang chờ đợi sự giải thoát khỏi cuộc sống trần gian này để vào thiên đàng, “họ sẽ được hớn hở tươi cười, đau khổ và khóc than sẽ biến mất” (Is 35,10).

Trong Thánh vịnh Đáp ca (146:6-10), tác giả tán dương lòng nhân từ và rộng lượng của Thiên Chúa, là Đấng cung cấp mọi nhu cầu cần thiết cho nhân loại vào thời điểm thuận tiện của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta thường khó nhìn thấy điều này, giữa những cuộc đấu tranh của cuộc sống. Vì thế, chúng ta phải thường xuyên kêu xin Thiên Chúa “Lạy Chúa, xin đến cứu chúng con”, trong lời cầu nguyện để đổi mới đức tin của chúng ta và ban cho chúng ta những nhân đức hy vọng và kiên nhẫn.

Trong Bài đọc II, từ Thư của Thánh Giacôbê (5:7-10), chúng ta nghe vị tông đồ khuyến khích đàn chiên của mình, bằng cách khuyên họ hãy kiên nhẫn, “anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5,8). Bức thư này được viết trong thời kỳ bị đàn áp khốc liệt, khi tất cả dường như đã bị tiêu diệt. Nhưng Thánh Giacôbê gợi ý rằng mọi người hãy tìm đến các ngôn sứ ngày xưa, những người đã bị chính người dân của họ khinh thường, nhưng chưa bao giờ từ bỏ hy vọng. Hoặc hãy xem Gióp, người đã mất tất cả; nhưng nhờ niềm tin và hy vọng vào Chúa, ông đã lấy lại được tất cả và hơn thế nữa.

Trong Bài đọc Tin Mừng theo Thánh Mátthêu (11:2-11), chúng ta nghe câu chuyện quen thuộc về Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, lúc bấy giờ đang ở trong tù. Ông Gioan hẳn đã rất nản lòng khi biết rằng, ngày tàn của mình đã gần kề. Ông đã gửi những người môn đệ đến gặp Chúa Giêsu để tìm hiểu xem Ngài, Chúa Giêsu, “có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11, 3). Đây có thể dùng một cụm từ khác có nghĩa là “Đấng cứu thế”. Chúa Giêsu, thay vì trả lời bằng một câu “Có” chủ quan hoặc trừu tượng, thì Ngài lại chỉ ra những điều mà Ngài đã hoàn thành “Người mù xem thấy, kẻ què bước đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5). Chính vì lý do này mà ông đã làm việc rất chăm chỉ, để rao giảng phép rửa sám hối. Bây giờ ông có thể yên nghỉ. Nhưng hãy nghe câu cuối cùng! Nó sẽ khiến một người phải bật tỉnh và chú ý. Chúa Giêsu nói “…kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.” Làm thế nào mà điều này có thể được?

Mùa Vọng là thời gian tìm kiếm và chuẩn bị tâm hồn, chờ đợi và hy vọng; nhưng chúng ta đừng để đây là lần duy nhất chúng ta nghĩ đến việc “Chúa đến”. Mỗi lần chúng ta đến gần bàn thờ để rước Mình Thánh Chúa, là chúng ta đến gần Chúa Giêsu Kitô. Một lời cầu nguyện để chuẩn bị tâm trí của chúng ta khi chúng ta đón nhận Ngài, chúng ta sẽ cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, người chưa bao giờ có cơ hội lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kitô.

Chúa Nhật III Mùa Vọng theo truyền thống được gọi là Chúa Nhật Gaudete. Gaudete là từ tiếng Latinh có nghĩa là “vui mừng”. Chúa nhật này được đặt tên như vậy vì “Hãy vui lên” là từ đầu tiên trong điệp ca nhập lễ của Thánh lễ hôm nay trích từ Phi-líp phê: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4, 4-5). Một số người đánh dấu Chúa Nhật này trên vòng hoa Mùa Vọng của họ bằng một cây nến màu hồng, thay vì một cây nến màu tím. Chúa nhật này là một lời nhắc nhở vui mừng rằng sự cứu rỗi của chúng ta đã gần kề.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM