Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm A

Đăng ngày: 22/04/2023

(Bài đọc I: Cv: 2:14,22-33; Bài đọc II: 1 Pr 1:17-21; Tin Mừng: Lc: 24:13-35)

Nhận ra Chúa giữa đời sống hằng ngày

Chủ đề của các bài đọc Lời Chúa hôm nay là một sự khác biệt thú vị so với việc mừng lễ Phục Sinh, mà chúng ta đã cử hành trong vài tuần qua. Trong các bài đọc này, Thánh Phêrô, trong cả bài đọc thứ nhất và thứ hai, dường như đã hiểu được toàn bộ sứ điệp của Chúa Giêsu. Ông nhận ra rằng, Chúa Giêsu không đột ngột xuất hiện trên đường phố Galilê hay Giêrusalem, mà không cho biết trước và chuẩn bị trước. Điều này đã được tuyên báo bởi các nhà ngôn sứ và tổ phụ, những người đã nói về Chúa Giêsu từ nhiều thế kỷ trước.

Trong Bài đọc I, trích Sách Tông Đồ Công Vụ (2:14-33), Thánh Phêrô đi sâu vào di sản Cựu Ước Kinh thánh để biết rằng, vua Đa-vít đã nói về Chúa Giêsu qua các Thánh vịnh. Ông trích dẫn bài Thánh vịnh 16. Sau đó, Thánh Phêrô nói tiếp rằng, ngay cả Vua Đa-vít vĩ đại cũng đã chết và được chôn cất để không ai nhìn thấy nữa. Những vĩ nhân khác của Cựu Ước cũng đã đến rồi đi, nhưng Chúa Giêsu đã chết, sau đó được Đức Chúa Cha tôn vinh bằng cách sống lại từ cõi chết, để sống đời đời. Đó là “theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết” (Cv 2, 23-24).

Điều này sẽ cho chúng ta lý do để suy ngẫm về cách chúng ta đang hoàn thành vai trò của mình, trong Kế hoạch của Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã làm.

Trong Thánh vịnh Đáp Ca, (16:1-11), tác giả Thánh vịnh hát về sự an ủi thiêng liêng lớn lao đến từ việc gần gũi với Chúa Giêsu và đi theo dấu chân của Ngài. Đây là điều mà chúng ta nên thực hiện một cách nghiêm túc, bởi vì chúng ta không bao giờ biết khi nào thời điểm của mình sẽ đến.

Bài Đọc hai trích Thư thứ nhất của Thánh Phêrô (1:17-21). Trong lá thư mục vụ tuyệt vời này, Thánh Phêrô khuyên chúng ta hãy bước đi với Chúa Giêsu mỗi ngày, vì Chúa Giêsu đã phải trả một giá rất đắt để chúng ta được giải cứu khỏi tội lỗi. Vì vậy, chúng ta không nên xem nhẹ sự hy sinh của Ngài, vì “anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô” (1 Pr 1, 19). Ở đây cũng vậy, như đã được rao giảng trong sách Công vụ ở trên, Thánh Phêrô nhắc lại Kinh thánh Cựu Ước để thừa nhận rằng, Chúa Giêsu tồn tại trước mọi tạo vật “Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này” (1 Pr 1, 20). Nghĩa là Đức Kitô là Đấng hằng sống.

Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng Luca (24:13-35). Trong đoạn này, chúng ta có câu chuyện hay về hai môn đệ trên đường Emmau, nơi họ gặp Chúa Giêsu, nhưng không nhận ra Ngài. Điều này dễ hiểu, vì Chúa Giêsu đã sống lại và hiện đang ở trong “vinh quang” thần linh của Ngài.

Chính Chúa Giêsu đến gần hai người, nhưng họ tưởng Ngài là người lạ. Chúa Giêsu hỏi họ đang thảo luận điều gì. Ngài mời họ chia sẻ kinh nghiệm và diễn giải của họ về các sự kiện xung quanh việc Ngài bị đóng đinh và cái chết. Khi hai môn đệ đã làm như vậy, Chúa Giêsu đưa ra cách giải thích của riêng mình về việc Ngài bị đóng đinh và phục sinh, trích dẫn Kinh thánh Do Thái. Trong cuộc gặp gỡ đó, chúng ta tìm thấy khuôn mẫu cho Phụng vụ Lời Chúa của chúng ta-những gì chúng ta làm, mỗi khi chúng ta quy tụ cộng đoàn để cử hành Bí tích Thánh Thể. Chúng ta suy ngẫm về kinh nghiệm sống của mình và giải thích chúng dưới ánh sáng của Kinh Thánh. “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32).

Trong phần tiếp theo của câu chuyện, chúng ta tìm thấy một khuôn mẫu cho Phụng Vụ Thánh Thể của chúng ta. Các môn đệ mời khách lạ (Chúa Giêsu) ở lại với họ. Trong bữa ăn mà họ chia sẻ việc bẻ bánh, mắt của các môn đệ được mở ra; họ nhận ra người khách lạ là Chúa Giêsu. Trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng chia sẻ việc bẻ bánh và khám phá ra Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Giống như các môn đệ trở về Giêrusalem để kể lại kinh nghiệm của họ cho các môn đệ khác, chúng ta cũng được sai đi từ cuộc họp mặt Thánh Thể của chúng ta. Kinh nghiệm của chúng ta về Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể buộc chúng ta phải chia sẻ câu chuyện với những người khác.

Vì thế, trong mỗi Thánh lễ và trong đời sống hằng ngày, chúng ta hãy cố gắng dành ra những giây phút cầu nguyện hay đọc Kinh thánh để gặp gỡ Chúa, nhất là mỗi khi rước lễ. Chúa luôn đồng hành với chúng ta mọi ngày trong cuộc sống. Đừng cố bước đi một cách đơn độc trên cuộc hành trình của chúng ta. Nhưng hãy mời Chúa cùng bước đi với chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống hằng ngày, “mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (Lc 24, 29).

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM