Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm C

0
884

Mối Phúc Ơn Cứu Độ

 1. Các bài đọc

Bài đọc I: Mk 5:1-4

Bài trích sách Mikha : Belem sẽ là nơi hạ sinh Đấng Cứu Độ Israel.

Ðáp Ca: Tv 80:2-3,15-16,18-19

Tv 80: Ca tụng Chúa Đấng Cứu Độ. 

Bài đọc II: Hipri 10:5-10

Trích thư Hipri: Qua sự vâng phục Thiên Chúa, Đức Kitô đã tận hiến chính mình cho nhân loại. 

Tin Mừng: Lc  3:10-18

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Đức Mẹ đã đi viếng bà Elisabeth, là người đã ca ngợi Đức Mẹ và Hài Nhi trong bụng mẹ.

2. Chia sẻ

Vào Chúa nhật cuối cùng trước lễ Giáng Sinh, bài đọc Tin Mừng chuẩn bị cho chúng ta chứng kiến ​​sự ra đời của Chúa Giêsu, bằng cách cho chúng ta thấy cách Chúa Giêsu được công nhận là Đấng Mêsia. Đấng được mong đợi từ lâu của dân Israel, ngay cả trước khi Ngài ra đời. Phúc Âm hướng sự chú ý của chúng ta từ sứ vụ của ông Gioan Tẩy Giả, sang những sự kiện xảy ra trước khi ông ra đời. Câu chuyện về ông Gioan Tẩy Giả và cha mẹ của ông, bà Êlisabét và ông Dacaria, chỉ được tường thuật trong Tin Mừng Luca. Luca kết hợp sự ra đời của ông Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu, thiết lập mối liên hệ ban đầu của ông Gioan với Đấng Mêsia.

Mầu nhiệm nhập thể

Càng gần Giáng Sinh, thì chúng ta càng được thấy rõ hơn về mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa. Đó cả là một lịch sử cứu độ, được thực hiện trong lịch sử của thế giới loài người. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay đã tỏ lộ cách rõ rệt hơn về công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô.

Trong bài đọc II, thư Hipri đã tỏ lộ về kế hoạch nhập thể của Chúa Giêsu khi nói rằng “theo ý đó, chúng ta được thánh hoá nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (Hr 10,10). Vì Thiên Chúa đã “tạo cho Đức Giêsu một thân thể” và Ngài đã đến để thực thi thánh ý Thiên Chúa. Đây là một mầu nhiệm lớn lao trong đức tin của chúng ta.

Theo cha Robert Witham, chúng ta không nên tìm kiếm trật tự tự nhiên trong những điều vượt ngoài tự nhiên. Nếu bạn hỏi: điều này sẽ được thực hiện như thế nào, vì tôi không hiểu gì cả? Vâng, chính sự thiếu hiểu biết của con người yếu đuối là lý do vì sao câu hỏi đó lại gợi ra trong tâm trí bạn. Nếu bạn không trong trắng, bạn sẽ không bao giờ được coi là xứng đáng với một mầu nhiệm lớn lao như vậy. Nguyên nhân không phải là vì hôn nhân tồi tệ, mà sự trinh khiết còn tuyệt vời hơn nhiều. Thiên Chúa của loài người, khi sinh ra, dĩ nhiên phải có một cái gì đó chung với tất cả chúng ta, nhưng Người vẫn sẽ có một điều gì đó khác biệt. Người được thụ thai và sinh ra từ lòng mẹ, nhưng Người khác chúng ta ở chỗ được sinh ra từ một người trinh nữ. Và biến cố ấy đã được ngôn sứ Isaia loan báo “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14). Và khi Đấng Emmanuel xuất hiện, thì Ngài sẽ mang lại ơn cứu độ cho con người, như trong bài đọc I, sách ngôn sứ Mikha đã loan báo “Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Ít-ra-en cho đến thời người sản phụ sinh con. Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó sẽ trở về với con cái Ít-ra-en” (Mk 5, 2).

Ba mối phúc

 Bà Elisabeth, tự mình đóng vai trò là một nhà ngôn sứ, tuyên bố ba mối phúc đầu tiên của truyền thống Phúc Âm: “em được chúc phúc” (Lc 1, 42); “người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42) và lời chúc phúc hay nhất “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Hai mối phúc đầu tiên của bà Elisabeth ít nhiều lặp lại lời chào của thiên thần Gabriel với Đức Maria. Lời chúc phúc thứ ba là bản lề kết nối giao ước cũ và mới. Ơn gọi và cuộc đấu tranh của Israel qua nhiều thế kỷ là tin rằng lời hứa của Thiên Chúa sẽ được thực hiện, như cả một truyền thống đức tin đã được loan báo về Belem, nơi sinh của Đấng Cứu Thế, mà chúng ta nghe trong bài đọc I “Phần ngươi, hỡi Bê-lem Ép-ra-tha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giu-đa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ít-ra-en” (Mk 5,1). Đức Maria cam kết thực hiện lời hứa cứu độ đó với lời hứa của mình “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Từ lời chúc phúc mang tính cá nhân dẫn đến lời chúc phúc mang tính cộng đoàn đức tin. Khi chúng ta tin vào mầu nhiệm nhập thể và tin vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đấy là một phần phúc trong cuộc đời mỗi người Kitô hữu và cho cả Giáo hội. Vì khi tin như thế, là chúng ta đã đặt cuộc đời mình vào trong chiều kích cứu độ đời đời của Thiên Chúa và đó cũng là đích điểm của một cuộc đời tìm kiếm. Ân phúc mầu nhiệm nhập thể không chỉ dành riêng cho Đức Mẹ, hay gia đình ông Gioan Tẩy Giả, nhưng “sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất” (Mk 5,3).

Tình thân trong gia đình, cộng đoàn

Câu chuyện Đức Mẹ đi viếng bà Elisabeth luôn là một câu chuyện đẹp cho tình thân trong gia đình, họ hàng và hàng xóm láng giềng. Cuộc sống luôn cần sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, nhất là khi những người anh chị em gặp hoàn cảnh khó khăn. Sự quan tâm này thể hiện một chiều kích bác ái và đức tin. Đức Mẹ không chỉ đi thăm bà chị họ cách bình thường, nhưng Mẹ mang Chúa đến cho người chị em của mình “Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng” (Lc 1,44). Mẫu gương này sẽ là mẫu gương chia sẻ cho tất cả chúng ta khi luôn biết quan tâm đến người khác và chia sẻ cuộc sống của mình cho người khác

Càng gần ngày Chúa Giáng Sinh chúng ta càng được mời gọi khám phá những chiều kích cao siêu của mầu nhiệm nhập thể. Khám phá công trình cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, và khám phá lại mối tương quan của chúng ta trong mầu nhiệm ấy và trong các mối tương quan của chúng ta.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM