Chúa nhật Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm A

0
801

(Bài đọc I: Xh: 34:4b-6,8-9; Bài đọc II: 2 Cr 13:11-13; Tin Mừng: Ga 3:16-18)

Mầu nhiệm Ba ngôi: hiệp thông của tình yêu

Hôm nay toàn thể Giáo Hội cử hành Đại Lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là một ngày lễ đặc biệt, sau khi chúng ta đã cử hành trọng thể biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu và biến cố lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Tất cả những chiều kích này dẫn chúng ta đến một tương quan đặc biệt giữa các ngôi vị ấy, khi cùng chiêm ngắm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Chúa Ba Ngôi là khái niệm phức tạp nhưng sâu sắc nhất trong tất cả các giáo lý của Giáo hội. Nếu chúng ta chưa hiểu hết về Chúa Ba Ngôi, đừng quá lo lắng, vì không ai có thể hiểu hết thực tại vĩ đại này. Đó là một mầu nhiệm vĩ đại và kỳ diệu, không phải theo nghĩa “bí ẩn giết người”, mà là một mầu nhiệm quá vĩ đại, mà lý trí hữu hạn của con người không ngừng nghỉ được mời gọi, để chiêm ngưỡng thực tại thần linh này. Tuyệt vời, bởi vì nó thể hiện bản chất Tam Vị Nhất Thể của Thiên Chúa và tuyệt vời, bởi vì nó là cách diễn tả chân thực nhất điều mà Thiên Chúa là – điều vượt trên và vượt xa mọi tạo vật.

Trong bài đọc I, sách Xuất Hành, sẽ tiết lộ nhiều điều hơn cho chúng ta khi Môise dẫn chúng ta lên núi. Một trong những điều đầu tiên cần chú ý ở đây là danh xưng, “Đức Chúa” (Xh 34,6). Từ đó là một từ gồm có bốn chữ cái trong tiếng Do thái, “YHWH,” để chỉ Danh Thiên Chúa. Hay từ này còn có thể nói bằng ngôn ngữ đặc thù hơn là: “Ta là Đấng ta là” (Xh 3,14). Từ thời xa xưa, người Do Thái đã cố gắng phát âm danh xưng quá thiêng liêng đó. Bất cứ nơi nào nó khi muốn diễn tả danh xưng này thì đều đọc trại ra là Adonai “Chúa tôi”, để tôn kính Danh Chúa. Điều đầu tiên sách Xuất Hành nói với chúng ta hôm nay là Danh Thiên Chúa thật thiêng liêng vô cùng. Chúng ta không thể định nghĩa Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của chính con người. Không điều gì có thể diễn tả hết được mầu nhiệm sâu thẳm này. Tuy nhiên, hiểu theo nghĩa Kinh thánh, thì danh này mặc khải một Thiên Chúa duy nhất và cứu độ, một Thiên Chúa “nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6).

Bài đọc II, thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô, Phần cuối lá thư này được lựa chọn hôm nay, vì đây là một trong số ít đoạn Kinh Thánh nói rõ ràng về Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần. Khi Thánh Phaolô chúc lành cho dân chúng qua việc nêu danh Thiên Chúa Ba Ngôi: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giê-su Ki-tô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần. A-men.” (2 Cr 13,13).  Dùng công thức này, Thánh Phaolô dường như muốn diễn tả một tương quan hiệp nhất yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, như là một khuôn mẫu cho đời sống đức tin của dân thành Côrintô và cho mỗi người Kitô hữu.

Tin Mừng hôm nay trích từ đầu Tin Mừng Gioan. Phân đoạn chúng ta đọc theo sau cuộc trò chuyện của Chúa Giêsu với một người Pharisiêu, là Nicôđêmô, về ý nghĩa của việc sinh ra bởi cả nước và Thần Khí. Nicôđêmô đến gần Chúa Giêsu vào ban đêm và thừa nhận Chúa Giêsu là bậc thầy đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói với ông ta rằng, chỉ những người được sinh ra từ trên cao mới nhìn thấy Nước Thiên Chúa. Nicôđêmô hiểu lầm và đặt câu hỏi làm thế nào một người có thể được sinh ra nhiều lần. Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần. Về cơ bản, Chúa Giêsu đang giải thích Bí tích Rửa tội mà chúng ta cử hành như một bí tích ngày nay. Tuy nhiên, Nicôđêmô, như chúng ta được biết, vẫn không hiểu những gì Chúa Giêsu nói. Chúa Giêsu tiếp tục bằng cách làm chứng về sự cần thiết phải được sinh ra từ trên cao, để một người có thể có sự sống đời đời. Sau cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô, tác giả Tin Mừng đưa ra lời giải thích của riêng ngài về lời Chúa Giêsu. Đây là những gì chúng ta đọc trong Tin Mừng hôm nay, Ga 3:16-18.

Trong bối cảnh hôm nay tập trung vào mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bài đọc mời gọi chúng ta chú ý đến hành động của Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì yêu thế gian, Thiên Chúa Cha đã sai Con của Người đến thế gian để cứu độ thế gian. Qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Con, chúng ta đã được ban cho Chúa Thánh Thần. Là Ba Ngôi Vị, Thiên Chúa luôn hành động như một Thiên Chúa tình yêu; Người không lên án thế giới mà hành động để cứu thế giới.

Tin Mừng cũng kêu gọi sự chú ý đến câu trả lời đòi hỏi nơi chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta mời gọi chúng ta đáp lại bằng đức tin, bằng cách tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Con Thiên Chúa là Chúa Giêsu và ơn cứu độ mà Người đã giành được cho chúng ta. Việc tuyên xưng đức tin này là dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta.

Tình yêu là trung tâm của việc bắt đầu hiểu biết Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu đích thực luôn hướng về người khác. Khi hai người yêu nhau, tình yêu không chỉ ở người này hay người kia; tình yêu phải ở giữa họ và phải đoàn kết họ với nhau. Tình yêu gắn kết họ lại với nhau. Cũng như thế, chúng ta nghe những lời của Thánh Gioan trong Tin Mừng Chúa Nhật tuần này: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha. Tình yêu không chỉ nơi Chúa Cha và không chỉ nơi Chúa Con, tình yêu là mối dây mầu nhiệm liên kết giữa Chúa Cha và Chúa Con. Chúng ta gọi mối dây yêu thương mầu nhiệm đó là Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể nói một cách đúng đắn rằng, Chúa Ba Ngôi là mối tương quan của tình yêu thương.

Do đó, trong đời sống, khi chúng ta sống tình yêu thương và liên đới với người khác, là chúng ta đang sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi ngay trong đời sống hằng ngày. Và đó cũng là khởi đầu, để giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba ngôi.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM