Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh – Năm C

Đăng ngày: 01/01/2022

Cuộc tìm kiếm của Đức tin

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Isaia 60:1-6

Bài trích sách Ngôn sứ Isaia: Giêrusalem sẽ là ánh sáng cho mọi dân, mọi nước.

Ðáp Ca: Tv 72:1-2,7-8,10-11,12-13

Thánh vịnh 72: Mọi dân trên trái đất sẽ thờ lạy Chúa.

Bài đọc II: Ep 3:2-3a,5-6

Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Êphêsô: dân ngoại sẽ thừa hưởng lời hứa cứu độ của Đức Kitô.

Tin Mừng: Mt 2:1-12

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mathêu: các đạo sĩ tìm thấy Chúa Giêsu và thờ lạy Người.

2. Chia sẻ

Câu chuyện về ba nhà đạo sĩ tìm đến hang đá Bêlem luôn là một câu chuyện cuốn hút người nghe, dù họ là Kitô hữu hay không. Chính những con người này đã dựa vào sự minh triết của con người, để nhận biết về một nhân vật đặc biệt, vừa xuất hiện trên dương gian theo triết lý của họ.

Mặt khác, về siêu nhiên, biến cố đó chính là biến cố Chúa Hiển Linh hay Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Giờ đây tin vui về Đấng Cứu Thế đã không còn loanh quanh ở Bêlem hay Giêrusalem, mà đã lan rộng ra đến những phương trời xa xôi, để mọi người nhận biết về ánh sáng Đấng Cứu Độ. Từ các nhân vật trong câu chuyện Chúa Hiển Linh gợi lên cho chúng ta một vài suy nghĩ.

Học hỏi đức tin nơi người khôn ngoan và kinh nghiệm thiêng liêng

Cuộc tìm kiếm của ba nhà đạo sĩ đã không chỉ dựa trên kiến thức và sự hiểu biết cá nhân của các ông. Nhưng các ông đã biết chạy đến với những người bản xứ, những người mà họ tin tưởng rằng, những người này cũng được nhận biết các dấu chỉ thiên thiên về vị vua mới sinh, Đấng mà họ đang muốn đi tìm “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2,2). Họ tin tưởng nơi sự khôn ngoan và đức hạnh của Hêrôđê, cũng như quần thần của ông, để có thể giúp họ nhận định về nơi vị vua mới sinh cách chính xác hơn. Tuy Hêrôđê không phải là một con người như những gì các nhà đạo sĩ đặt niềm tin nơi ông, nhưng họ đã thật sự khiêm tốn để tìm kiếm sự cố vấn khôn ngoan.

Đi tìm Thiên Chúa ở trong đời sống, cũng cần những con người khôn ngoan và kinh nghiệm về đức tin. Họ có thể là một tia sáng để giúp soi sáng cho những gì chúng ta tìm kiếm. Chẳng hạn trong đời sồng gia đình, thì các con các cháu cũng cần học biết đức tin nơi ông bà, cha mẹ như trong thông điệp Christus Vivit, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói “Lời Chúa khuyên chúng ta đừng quên tiếp xúc với những bậc cao niên, để có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các vị: “Hãy có mặt khi các bậc lão thành hội họp, thấy vị nào khôn ngoan, hãy hết lòng gắn bó… Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ (Hc 6,34.36)” (Christus vivit, số 188). Vì “Vấn đề đơn giản chỉ là mở lòng ra để đón nhận sự khôn ngoan được lưu truyền qua các thế hệ, một sự khôn ngoan gần gũi với thân phận khốn khổ của con người, và không có lý do gì để tan biến trước những cái mới lạ của xã hội tiêu thụ và thị trường” (Christus vivit, số 190).

Vì thế, trong đời sống đức tin luôn cần đến các linh mục, tu sĩ, ông bà cha mẹ, anh chị giáo lý viên… để tìm kiếm những chỉ dẫn khôn ngoan trong đời sống đức tin của mình, để có thể dễ dàng hơn tìm gặp được Thiên Chúa sống động trong đời sống.

Một sự tìm kiếm Thiên Chúa không ngừng nghỉ

Ba đạo sĩ đã lên đường để tìm kiếm hài nhi Giêsu mới sinh, dù họ không biết ngài là ai. Họ đã cất công đi tìm và bỏ lại sau lưng niềm tin truyền thống, quê hương xứ sở và bao nhiêu điều tốt đẹp khác. Tuy nhiên, họ ra đi, vì họ tin rằng, họ sẽ tìm gặp được một nhân vật vô cùng đặc biệt trên thế giới này. Niềm hy vọng đó đã luôn được ghi khắc trong tâm họ. Vì thế họ hân hoan ra đi “Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem” (Mt 2,1).

Cuộc tìm kiếm của con người với Thiên Chúa, luôn đi cùng với tiến trình mặc khải của Ngài dành cho nhân loại. Không có sự tỏ lộ của Thiên Chúa, tự bản chất tự nhiên, chúng ta sẽ không thể khám phá về Thiên Chúa cho đủ. Chúng ta biết và hiểu biết được các mầu nhiệm về Thiên Chúa là nhờ Thiên Chúa không ngừng nghỉ mặc khải chính mình cho chúng ta, như bài đọc II, thư Phaolô nói với chúng ta “Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Ki-tô” ( Ep 3, 3a).

Như vậy, thì chính bản thân chúng ta cũng hãy luôn luôn đi tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc đời mình, có thể qua một biến cố nào đó của cá nhân, gia đình hay qua một ai đó. Từ những nỗ lực tìm kiếm đó, sẽ dần dần thanh tẩy những suy nghĩ của bản thân mỗi người và có thể tìm thấy một Thiên Chúa chân thật và xinh đẹp trong cuộc sống.

Thuộc về một cộng đoàn phổ quát

Ngày lễ Hiển Linh là một ngày lễ hội cho mọi dân mọi nước, vì đã được Chúa mặc khải ánh sáng cứu độ cho tất cả. Ở khắp mọi nơi, mọi ngôn ngữ, sắc tộc và dân cư trên khắp trái đất đều được nhận biết tin vui ngày Chúa Giáng Sinh làm người “Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi : con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông” (Is 60, 4).

Một quang cảnh của sự phổ quát và rộng lớn. Niềm vui ơn cứu độ không bị trói buộc cho một ai hay một nước nào, mà cho tất cả những ai đang ngồi dưới bóng đêm tội lỗi và sự chết đều sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa, như bài đọc I đã mô tả “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60,3). Như vậy, khi đón nhận ánh sáng ơn cứu độ, là nhắc nhớ chúng ta thuộc về một cộng đoàn đức tin phổ quát. Không chỉ là nhóm của tôi, xứ của tôi, nước của tôi hay giáo hội của tôi, nhưng là tất cả những ai thành tâm thiện chí tìm kiếm Thiên Chúa và ơn cứu độ của Ngài.

Điều này là một thông điệp để nhắc nhớ chúng ta về sứ vụ loan báo Tin mừng cho mọi dân, mọi nước về hồng ân ơn cứu độ của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta “Mầu nhiệm đó là: trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6).

Lễ Chúa Hiển Linh, hay lễ Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, là một ngày lễ của niềm tin và lòng hăng say tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc sống. Chúng ta đã cố gắng như thế nào để tìm kiếm Thiên Chúa trong cuộc sống? Chúng ta có cảm thấy vui mừng và hạnh phúc để không ngừng nghỉ tìm kiếm Thiên Chúa như ba nhà đạo sĩ hôm nay? Điều này phụ thuộc vào niềm tin và lòng khát vọng của chúng ta, để tìm kiếm Thiên Chúa trong đời sống của mình.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM