Chúa Nhật Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ – Năm C

0
471

Vua Đích Thực

Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Thường Niên, toàn thể Giáo hội cử hành lễ Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, Chúa của chúng ta. Vậy điều đó có ý nghĩa gì, hoặc quan trọng như thế nào đối với chúng ta ngày nay? Chúng ta hãy dành vài phút để thực sự hiểu sự kiện quan trọng này, trong đời sống đức tin và trong xã hội hiện đại ngày nay chúng ta đang sống. 

Đặc biệt là với những người trẻ, những từ ngữ như “tuyệt vời”, “rất thú vị” và thậm chí có thể là “hoành tráng” được sử dụng thường xuyên, để mô tả điều gì đó hoặc ai đó là vô cùng quan trọng đối với họ. Thông thường những cảm xúc này không kéo dài lâu, thường chỉ cho đến khi có điều gì đó hoặc ai đó xuất hiện có vẻ tốt hơn. Và thường những phẩm chất của các biến cố hay của những con người này sẽ dễ dàng bị mai một. Nhưng trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể thấy một “phẩm chất” kiên định nơi Đức Giêsu Kitô.

Bài đọc thứ nhất trích từ Sách Samuel quyển thứ II (5:1–3). Trong những ngày đầu trị vì của Vua Đa-vít (thế kỷ 11 trước Công nguyên), không có tổ chức hay cơ cấu nào trong đạo Do Thái. Mỗi bộ lạc của Giacóp đều có thủ lĩnh riêng, người mà tự phong mình là “vua” của chi tộc. Điều này tạo ra nhiều xung đột và rối loạn hơn và cản trở an ninh. Với khả năng thuyết phục tuyệt vời và những lời hứa đảm bảo an ninh (dựa trên lòng trung thành với Thiên Chúa của Israel), Đa-vít đã thành công trong việc thống nhất toàn thể Israel dưới sự lãnh đạo của ông, với tư cách là Vua của họ. Do đó, bắt đầu từ đây, cái thường được gọi là thời đại hoàng kim của Do Thái giáo. Vì như Chúa đã phán với Đa-vít “Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en” (Sm 5, 2).

Thánh vịnh Đáp ca là Tv (122:1-5). Bài Thánh Vịnh này phản ánh tầm quan trọng của Thành Giêrusalem và đặc biệt là đền thờ của nó, là biểu tượng tôn kính về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Ngài. Đối với người dân thời bấy giờ, ngôi đền được coi là “Cung điện của Vua Trời” và là biểu tượng cho sức mạnh và quyền năng của Ngài.

Bài đọc thứ II, trích từ thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê (1:12–20). Đây là một trong những lá thư đầy tâm tình của thánh Phaolô gửi cho dân ngoại, kêu gọi họ bỏ lại sau lưng những thần tượng và ý tưởng ngoại giáo của họ, để tìm kiếm Thiên Chúa của Trời và Đất nơi Đức Giêsu Kitô. Sau đó, thánh Phaolô tiếp tục mô tả Chúa Giêsu này là ai, bằng cách liệt kê nhiều thuộc tính thiêng liêng của Ngài: “…Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình…” (Cl 1, 15). Thật tuyệt vời biết bao, nếu chúng ta có thể từ bỏ tất cả những thần tượng hay quyến luyến của chúng ta, để giành thời giờ thờ phượng Đức Giêsu Kitô Vua, là Đấng hiện hữu, đã có và mãi mãi là như vậy.

Bài đọc Tin Mừng theo thánh Luca (23:35-43). Đây là câu chuyện về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, khi Ngài bị treo trên thập tự giá, bị đám đông nhạo cười và phỉ báng, bởi những người trước đó đã tuyên bố: “chúng tôi không có vua nào ngoài Xêza”. Tuy nhiên, một người đàn ông, được gọi là tên trộm “lành”, đã xin Chúa Giêsu tha thứ cho anh ta về những gì anh ta đã làm, anh ta sẽ thay đổi lối sống của mình mãi mãi. Lời cầu xin của anh trộm được tưởng thưởng bằng một lời hứa về Thiên đàng “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Và, như một lát sau viên Đại Đội Trưởng đã tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Đấng là Con Thiên Chúa, cũng chính là Vị Vua mà chúng ta thờ phượng và tôn vinh ngày lễ hôm nay.

Đời sống nhân loại ngày hôm nay đang miệt mài tìm kiếm các giá trị. Họ tìm kiếm những chỗ dựa chắc chắn để bảo đảm cho hành phúc của mình. Nhưng hầu như đang có một sự lạc lối nào đó. Chúng ta tìm kiếm hòa bình và ổn định nhưng không tìm kiếm nó ở đúng nơi. Vì vậy, điều thách thức mỗi người Kitô hữu chúng ta, là hãy biết gạt bỏ mọi phiền nhiễu sang một bên và cuộc tìm kiếm những ảo ảnh, để biết thực sự thờ phượng Chúa là Thiên Chúa hằng sống, Chúa Giêsu Kitô Vua vũ trụ và Vua của tâm hồn chúng ta.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM