Chúa Nhật lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống – Năm A

0
323

(Bài đọc I: Cv: 2:1-11; Bài đọc II: 1 Cr 12:3b-7,12-13; Tin Mừng: Ga: 20:19-23)

Quà tặng Thánh Thần

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội cử hành Đại Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, và việc tuôn đổ các ân sủng và ơn lành của Ngài trên tất cả những người đã chịu phép rửa. Đây cũng là ngày khai sinh chính thức của Giáo Hội.

Nhiều năm trước Công nguyên, người Do Thái cử hành Lễ Ngũ Tuần như một lễ hội thu hoạch hàng năm. Từ Lễ Ngũ Tuần xuất phát từ bản dịch tiếng Hy Lạp có nghĩa là “năm mươi ngày”, có nghĩa là năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua của người Do Thái. Vì lễ kỷ niệm này, người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới (chủ yếu là đế chế La Mã) đã đến Giêrusalem để dự lễ. Vì sự chết của Chúa Giêsu và sự phục sinh xảy ra vào Lễ Vượt Qua và Lễ Thăng Thiên của Ngài diễn ra bốn mươi ngày sau đó và gần lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa đã sử dụng ngày lễ này của người Do Thái để mang đến món quà vĩ đại tiếp theo cho nhân loại, đó là sự tuôn đổ Chúa Thánh Thần xuống cho nhân loại.

Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba của Thiên Chúa Ba Ngôi hiện đảm nhận vai trò của Ngài trong Kế hoạch Cứu độ của Thiên Chúa. Sau khi Chúa Giêsu Kitô thiết lập nền móng cho Giáo Hội và trao Giáo Hội lại cho các tông đồ của Ngài, Ngài đã hứa sẽ ở với họ mãi mãi (Mt 28:20). Điều này không thể thực hiện được ở dạng thể lý, vì bản tính nhân loại của Ngài cũng chịu sự giới hạn như tất cả con người. Vì vậy, Ngài ở với chúng ta dưới hình thức thiêng liêng, qua việc trao ban quà tặng Chúa Thánh Thần để tiếp tục ở với Giáo hội (Dân Chúa) mãi mãi cách thiêng liêng.

Trong bài đọc I, sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta được nghe trình thuật về biến cố Hiện xuống. Đây là một biến cố ngoài sức tưởng tượng của các Tông đồ và dân chúng thời bấy giờ, dù họ đã được Chúa Giêsu tiên báo về việc Ngài sẽ ban Thánh Thần xuống trên các ông: “Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.  Họ sửng sốt, thán phục và nói : “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư ?” (Cv 2, 6-7). Tất cả họ nhận ra có một sự thay đổi rõ rệt và lạ lùng nơi các tông đồ, và điều này khiến họ bỡ ngỡ. Quà tặng Chúa Thánh Thần đôi khi làm cho chúng ta ngạc nhiên và choáng ngợp, vì quyền năng của Ngài. Từ điều này cũng giúp chúng ta nhận ra rằng, sức mạnh từ “trên cao” luôn là một điều có thể làm ngạc nhiên chúng ta. Và quyền năng đó do Chúa Thánh Thần đang hoạt động trong Giáo hội cũng sẽ làm chúng ta ngạc nhiên, nếu chúng ta thực sự tìm kiếm sự giúp đỡ và cố vấn từ Ngài.

Ân ban Thánh Thần với các đặc sủng khác nhau cũng được Thánh Phaolô nhắc nhớ trong bài đọc II. Ngài nói với giáo đoàn Côrintô về các ân ban Thánh Thần mà họ sẽ có thể được lãnh nhận. Tuy có nhiều ân ban khác nhau, nhưng không phải để chia rẽ, mà để hiệp nhất trong sự phong phú, vì cùng một Thánh Thần: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí.  Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa” (1 Cr 12, 4-5).

Cụ thể hơn, trong bài Tin Mừng Ga 20:19-23, Trong bối cảnh của Lễ Hiện Xuống, nhắc nhở chúng ta về mối liên hệ không thể tách rời giữa các tặng ân bình an và tha thứ với hoạt động của Chúa Thánh Thần: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 22-23). Chúa Giêsu chào các môn đệ với món quà bình an. Sau đó, Chúa Giêsu ủy thác cho các môn đồ tiếp tục công việc mà ngài đã bắt đầu, “như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21). Ngài thổi hơi Thánh Thần trên các môn đệ và sai họ tiếp tục công trình hòa giải của Ngài qua việc tha tội. Hành động thổi hơi Thánh Thần của Chúa Giêsu phản ánh hành động thổi sự sống vào A-đam của Thiên Chúa vào thời điểm Sáng tạo.

Tin Mừng này nhắc nhở chúng ta rằng Giáo hội được kêu gọi trở thành một sự hiện diện hòa giải trên thế giới. Sự hiện diện hòa giải của Chúa Kitô được cử hành trong đời sống bí tích của Giáo hội. Trong Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được tẩy sạch tội lỗi và trở thành tạo vật mới trong Chúa Kitô. Trong Bí Tích Sám Hối, Giáo Hội cử hành lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc tha thứ tội lỗi. Sự hiện diện hòa giải này cũng là một lối sống của các Kitô hữu. Trong các tình huống xung đột, chúng ta phải là tác nhân của hòa bình và hòa hợp giữa mọi người.

Còn có những xung khắc hay bất hòa nào trong đời sống của mỗi người chúng ta, hãy xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết yêu thương và tha thứ cho nhau. Sự yêu thương và tha thứ này sẽ giúp chúng ta tìm được bình an trong Chúa. Đó là món quà cụ thể mà chúng ta có thể thực hiện trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay và tin rằng, dù sự hòa giải có khó khăn như thế nào, thì Chúa Thần Thần vẫn có thể giúp chúng ta thực hiện được. Điều quan trọng là chúng ta biết tin tưởng vào quyền năng chữa lành của Ngài.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM