(Bài đọc I: Is 50,4-7; Bài đọc II: Pl 2,6-11; Tin Mừng: Mt 26,14—27,66)
Tình yêu hiến tế
Các Bài Đọc hôm nay không nói bất cứ điều gì khác, ngoài Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô. Trong tuần cuối cùng của Mùa Chay, chúng ta kỷ niệm những thăng trầm trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu, và có một số chủ đề, nhưng tất cả chúng có thể được tóm tắt trong một từ: TÌNH YÊU. “Vì Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài để chúng ta được sống” (Ga 3,16). Chúng ta phải nhớ rằng Chúa Giêsu không đến thế gian này chỉ để bị đóng đinh, nhưng Ngài đến để cho chúng ta thấy Ngài yêu thương chúng ta đến mức nào, thậm chí đến nỗi chịu chết vì chúng ta.
Trong Bài Đọc Rước Lá, từ Tin Mừng Thánh Mátthêu (21,1-11), chúng ta nghe câu chuyện Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua, bữa ăn cuối cùng của họ với nhau, và sau đó chúng ta biết cuộc rước khải hoàn của Ngài vào Giêrusalem, nơi vài ngày sau, một số người trong số này sẽ hét lên “Đóng đinh nó!” Trong bài đọc này, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu biết điều gì sắp xảy đến với Ngài, rằng với mỗi bước đi là Ngài sẽ tiến gần hơn đến cái chết. Tuy nhiên, Ngài sẵn sàng vượt qua điều đó, vì sự vâng lời và tình yêu thương dành cho Cha của Ngài và cho tất cả nhân loại.
Bài đọc I, trích sách Ngôn sứ Isaia (50,4-70): Chúng ta nghe từ vị ngôn sứ, giống như Chúa Giêsu, đã bị bắt bớ, vì người dân Israel không thích những gì ông nói.
Ở đây, vị ngôn sứ đang giải thích cách ông tiến lên phía trước ngay cả khi bị bắt bớ khốc liệt: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50,5). Chúng ta có thể nhận ra ngôn sứ Isaia là hình ảnh tiên báo về Chúa Giêsu, người được chính dân của Ngài cho là một nhà ngôn sứ, tuy nhiên, họ đã giết Ngài như họ đã làm với tất cả các ngôn sứ khác.
Thánh vịnh Đáp ca (22,8-24) bắt đầu bằng câu: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” Đây là những lời Chúa Giêsu kêu lên trên thập giá; trước tiên vì Ngài là con người và đang đau khổ, nhưng cũng vì những lời này đã được viết về Ngài 200 năm trước, như một lời tiên báo về người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, một vai trò mà Chúa Giêsu hiện đang hoàn thành. Phần kết của bài Thánh Vịnh này là một bài diễn văn chiến thắng báo trước sự sống lại; do đó, Chúa Giêsu có thể nói: “hôm nay, lời ngôn sứ này sẽ ứng nghiệm trước mắt các ngươi.”
Bài Đọc II, từ Thư Thánh Phaolô Gửi Tín Hữu Phi-líp-phê (2,6-11), là một bản tóm tắt đầy chất thơ (thánh thi) về vai trò của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã từ bỏ tư cách là Con Thiên Chúa, để đến thế gian và sống chết vì tình yêu dành cho chúng ta: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8).
Bài Đọc Tin Mừng là bài đọc gồm ba phần từ Tin Mừng Mát-thêu (26,14-66). Trong đó, chúng ta nghe câu chuyện quen thuộc về Bữa Tiệc Ly, sự phản bội của Giuđa, việc Chúa Giêsu bị bắt và chịu khổ hình, và cuối cùng là cuộc đóng đinh. Mãi đến Chúa Nhật Phục Sinh, chúng ta mới nghe nói về phần thứ ba của biến cố trọng đại này. Vì vậy, hãy lắng nghe cẩn thận! Đặt mình vào khung cảnh đám đông. Chúng ta có phải là người đang la hét, “đóng đinh nó đi” hay chúng ta đang là người đứng lặng lẽ bên cạnh Chúa và nói thầm rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”
Như vậy là bắt đầu tuần lễ long trọng nhất trong năm phụng vụ của chúng ta, tức là Tuần Thánh. Mùa Chay sẽ sớm kết thúc và niềm vui lớn của Lễ Phục Sinh sẽ đến. Chúng ta đã sống tâm tình Mùa Chay như thế nào? và rằng chúng ta có sẵn sàng thực sự để dự phần vào Niềm vui Phục sinh không? Vẫn chưa quá muộn. Bắt đầu ngay bây giờ!
Các biến cố Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu được gọi là Mầu Nhiệm Vượt Qua. Không có bất cứ nghiên cứu nào có thể giải thích hết hoặc giải thích được chiều sâu của tình yêu thương mà Chúa Giêsu đã thể hiện khi dâng của lễ này cho chúng ta. Sau khi xem xét và đọc kỹ những câu chuyện, chúng ta nhận ra được về những sự kiện này là: chúng ta hãy học về sự tha thứ mà sự vâng lời của Chúa Giêsu đã giành được cho chúng ta.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM