Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C

0
861

Con đường khổ nạn

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Is 50:4-7

Bài trích sách ngôn sứ Isaia: người tôi tớ Thiên Chúa sẽ đứng vững cho dù có bị bách hại.

Đáp ca: Tv 22:8-9,17-20,23-24

Thánh vịnh 22. Lời than khóc lên Thiên Chúa trong khuôn mặt của sự đau khổ.  

Bài đọc II: Pl 2:6-11

Trích thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philiphê: Đức Giêsu Kitô đã vâng lời cho đến chết, nhưng Thiên Chúa đã tôn vinh Ngài.

Tin Mừng: Lc 22:14—23:56

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: từ trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói những lời tha thứ và hứa sẽ ban Nước Trời cho người trộm lành. 

2. Chia sẻ

Chúa Nhật này, được gọi là Chúa nhật Lễ Lá hay Chúa Nhật Thương Khó, là ngày đầu tiên của Tuần Thánh. Thứ Năm Tuần Thánh, Thứ Sáu Tuần Thánh, và Lễ Vọng Phục Sinh vào Thứ Bảy Tuần Thánh và Chúa nhật Phục Sinh được gọi là Tam nhật thánh, ba ngày này là đỉnh cao trong năm phụng vụ của Giáo hội. Có hai Tin Mừng được công bố trong Thánh Lễ hôm nay. Tin Mừng thứ nhất, được công bố trước cuộc rước lá, kể về việc Chúa Giêsu vinh thắng vào thành Giêrusalem. Cưỡi trên một con lừa con cho mượn, Chúa Giêsu được đám đông tung hô khi họ reo hò chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa.

Xuyên suốt Tin Mừng Luca, chúng ta thấy rằng lời nói và hành động của Chúa Giêsu công bố Nước Thiên Chúa. Bối cảnh này tiếp tục xuyên suốt câu chuyện về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca. Chúa Giêsu đã tổ chức bữa tiệc ly cùng với các môn đệ của mình.

Để nhắc nhở chúng ta rằng việc chia sẻ sự hiệp thông cuộc sống này với Chúa Giêsu là một thách đố như thế nào. Luca cho chúng ta biết rằng tại chính bàn tiệc của Bữa Tiệc Ly, các môn đệ đã tranh luận xem ai là người lớn nhất. Đáp lại, Luca trích dẫn Chúa Giêsu dạy bằng lời điều mà Gioan miêu tả trong cử chỉ khi Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đồ: “Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).

Điều đó trở thành chìa khóa để giải thích tất cả những gì chúng ta nghe trong các Tin Mừng hôm nay, từ việc Chúa Giêsu khiêm tốn và hòa bình vào thành Giê-ru-sa-lem qua lời cầu nguyện cuối cùng của Ngài dành cho người khác, “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Hình ảnh hiền lành và khiêm tốn của Chúa Giêsu được phác họa qua hình ảnh người tôi trung trong bài đọc I, sách ngôn sứ Isaia. Đây là phần thứ ba trong các Bài ca về Người Tôi Tớ Thiên Chúa của Isaia, đã giúp các Kitô hữu ban đầu hiểu cách truyền thống của họ chuẩn bị công việc của Thiên Chúa trong cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu.

Rất có thể điều đó đã xuất hiện trong tâm trí Luca khi ngài viết tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô. Chính Chúa Giêsu chắc chắn đã suy gẫm về bài ca này liên quan đến cuộc đời của chính Ngài và số phận mà Ngài đã biết trước và chấp nhận. Bài ca này giúp chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong tâm điểm truyền thống của Ngài và trong mối quan hệ với Chúa Cha.

Người tôi tớ bắt đầu với sự công nhận rằng Thiên Chúa đã ban cho anh ta một món quà để rao giảng “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (Is 50,4). Khác xa với việc dẫn dắt người tôi tớ đến sự khoa trương, món quà của người tôi tớ là được sử dụng vì lợi ích của những người bị áp bức. Không giống như các ngôn sứ tuyên báo những sự kiện vĩ đại, người tôi tớ chỉ đơn giản lắng nghe Thiên Chúa mỗi sáng, ý thức rằng chính Thiên Chúa là Đấng mở tai cho mình “Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (Is 50, 4). Người tôi tớ thể hiện sáng kiến ​​của mình bằng hành động đơn giản là lắng nghe, không phản kháng, không cưỡng lại.

Sau đó, chúng ta gặp phải một thực tế thường tình là các tôi tớ của Thiên Chúa gặp phải sự chống đối. Dù bị quy cho ác thần, cho kẻ thù của Thiên Chúa, hay cho “thế gian,” người tôi tớ Thiên Chúa càng công bố ý muốn của Thiên Chúa, thì họ càng bị bắt bớ bởi những người mà kế hoạch của Thiên Chúa xem ra không được đón nhận. Điều khiến người tôi tớ này nổi bật là, không giống như nhiều người cầu nguyện chống lại kẻ thù của họ, anh ta bị ngược đãi và sỉ nhục mà không cầu xin sự minh oan hay báo thù.

Bài đọc 2: thư Philipphê là bài thánh thi giải thích sự quan tâm của Đức Kitô, mầu nhiệm tự hủy của Ngài, như là sự mặc khải cốt lõi về sự nhập thể của Ngài. Thiên Chúa tự cho mình trống rỗng và hạ mình bởi vì đó là tình yêu. Khi bài thánh thi tiếp tục, cụm từ, “chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu” (Pl 2,9). Nhắc lại những gì đã xảy ra trong phép rửa và sự biến hình của Chúa Giêsu “Này là con ta yêu dấu, ta hài lòng về Người”.

Theo logic này, vinh quang của Chúa Cha là tình yêu tự hiến. Vinh quang của Chúa Cha, như Phúc âm Gioan đã chỉ ra, được bày tỏ trên thập giá, trong tình yêu không ngừng yêu thương được thực hiện nơi Đức Giêsu. Vinh quang của Chúa Cha được thực hiện qua việc Chúa Giêsu rửa chân cho những người môn đệ, là dấu chỉ yêu thương phục vụ.

Đó là những gì chúng ta đang chiêm ngắm về hình ảnh một Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha hiến thân mình để cứu độ chúng ta bằng một tình yêu không bờ bến. Trong cả tuần này chúng ta sẽ trải nghiệm về những gì Chúa Giêsu đã trải qua trong cuộc khổ nạn của Ngài. Một hành trình thập giá, cũng là một hành trình của tình yêu. Chúa Giêsu đã dám dấn thân và chết cho tình yêu ấy, vì tất cả chúng ta. Xin cho chúng ta bước vào Tuần Thánh trong tâm tình sốt mến và thánh thiện để kết hợp cuộc đời mình với cuộc khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô cho trọn vẹn.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM