Nhìn xa hơn những gì đang thấy trong đức tin
1. Các bài đọc
Bài đọc I: St 15:5-12,17-18
Bài trích sách Sáng thế: Thiên Chúa giao ước với Abram và các thế hệ con cháu.
Đáp ca: Tv 27:1,7-8,8-9,13-14
Thánh vịnh 27: Chúc tụng Chúa, Đấng cứu độ chúng ta.
Bài đọc II: Philiphê 3:17-4:1
Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philiphê: thánh Phaolô khích lệ giáo đoàn Philiphê duy trì đức tin vững mạnh, mà Chúa Kitô sẽ phục tùng mọi sự cho chính Ngài.
Tin Mừng: Lc 9:28b-36
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Chúa Giêsu biến hình trước mắt ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan.
2. Chia sẻ
Cả thế giới đang chứng kiến cuộc chiến tranh đang xảy ra tại Nga và Ukraina. Mọi người đều mong các nhà lãnh đạo hai nước hãy tìm kiếm một giải pháp hòa bình và ngừng chiến với nhau. Tất cả giờ đây đang mang một màu sắc u ám trong quan hệ hai nước và người ta cũng đã có nhiều dự đoán về tương lai. Người tích cực thì cho rằng, các nước khác sẽ vào cuộc trong vai trò hòa giải, thì cả hai nước sẽ sớm có tiếng nói chung. Còn người tiêu cực thì xem ra thất vọng và dự đoán những điều không mấy tích cực.
Đứng trước một vấn đề hiện tại để nhìn về một vấn đề tương lai rất khó. Đôi khi người ta có thể dự đoán hoặc sắp xếp được, nhưng nhiêu khi thì đành buông trôi “tới đâu hay tới đấy”. Trong đời sống đức tin điều này cũng thường hay xảy ra. Người ta đòi hỏi cần đón nhận những gì sẽ xảy đến trong tương lai từ những thực tại bằng chính con mắt đức tin.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nhận ra những vấn đề tương lai, qua các biến cố hiện tại bằng con mắt của đức tin.
Tin vào kế hoạch lâu dài của Thiên Chúa
Cả hai câu chuyện của Abram trong bài đọc một và của ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan trong bài Tin Mừng đã đưa chúng ta đến câu chuyện của đức tin. Tất cả đều đã được Thiên Chúa dẫn đưa vào trong một viễn cảnh xa xôi của đức tin và dường như nó vượt xa kinh nghiệm thực tế của con người. Chúa nói với Abram “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không” (St 15,5). Và các môn đệ trên núi đã phải thốt lên, khi Chúa Giêsu biến hình trước mắt các ông “Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người” (Lc 9,32).
Một kinh nghiệm về những thực tại siêu hình qua con mắt thể lý. Thiên Chúa đã khai mở kế hoạch của Ngài và lời hứa tốt đẹp cho tương lai của những ai tin theo Ngài. Với Abram là lời hứa về một vùng đất và một dòng dõi. Ông đã tin và ông ra đi như lời Chúa hứa. Đó chính là khởi đầu của một sự tuyển lựa dân riêng của Thiên Chúa. Một dân chuẩn bị cho công trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Một dân đã được Chúa cứu độ như thánh Phaolô khẳng định trong thư gởi tín hữu Philiphê “Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,21).
Đức tin sẽ mở ra cho chúng ta một viễn cảnh mới trong lời hứa của Thiên Chúa đến cứu độ chúng ta. Đó là cả một hành trình thiêng liêng trong đời sống. Những ai thực sự mở lòng mình ra và để cho Chúa hướng dẫn, người đó sẽ tìm được và sẽ thấy vinh quang tương lai mà Thiên Chúa cho thấy.
Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta thường hay cố gắng bám lấy kế hoạch riêng của mình. Nên có những điều bất ngờ xảy đến không đúng ý, là chúng ta đau khổ và than vãn với Chúa. Chúng ta đặt cho kế hoạch của chúng ta một đảm bảo nhưng không biết rằng, nó chỉ là những gì thuộc về thực tại trần thế mà thôi. Trong khi ấy, kế hoạch của Thiên Chúa thì đòi hỏi chúng ta tin nhiều hơn là những gì chúng ta thấy trước mắt. Chúng ta cần phải nhìn thực tại chúng ta bằng con mắt đức tin, thì điều này sẽ giúp chúng ta nhìn xa hơn kế hoạch hoàn hảo mà Thiên Chúa đang muốn thực hiện trên chúng ta. Kế hoạch đó sẽ giúp chúng ta đạt hạnh phúc đời đời.
Cảm thức siêu nhiên thì quan trọng hơn cảm xúc tự nhiên
Câu chuyện Chúa biến hình hôm nay quả là một sự kiện bất ngờ với ba môn đệ. Ông Phêrô đã như một điển hình cho sự ngạc nhiên ấy. Dù được trực tiếp kinh nghiệm về một biến cố siêu nhiên như thế, nhưng ông lại có phản ứng rất bộc trực và cảm xúc tự nhiên thuần túy “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì” (Lc 9,33). Câu phát biểu của ông thiếu thực tế vì ông chỉ dựa vào cảm xúc của mình.
Thánh Phaolô cũng đưa ra cảnh báo với những người sống theo cảm xúc tự nhiên trước các thông điệp siêu nhiên “có nhiều người sống đối nghịch với thập giá Đức Ki-tô, chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn” (Pl 3,18-19). Nếu những ai chỉ biết gắn bó đời mình với những vị thần xác thịt và cảm xúc thì sẽ khó cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống thiêng liêng. Họ cần phải đi ra khỏi những đam mê và những hoàn cảnh chỉ hài lòng về mặt cảm xúc, để có thể tìm gặp sự hiện diện của Thiên Chúa.
Mùa Chay thánh là mùa của chay tịnh và hy sinh. Điều này đòi hỏi chúng ta cần phải chay tịnh và giảm bớt những ham muốn mang tính thể lý, để có thể đi sâu hơn vào trong cuộc hành trình nội tâm với Chúa. Đó là một cuộc hành trình đòi hỏi sự quên đi những nhu cầu của bản thân, để có thể lắng nghe và nhận ra những sứ điệp quan trọng mà Thiên Chúa đang nói với mỗi người chúng ta.
Xin cho chúng con luôn biết mở lòng mình ra và tin tưởng nơi lời hứa cứu độ của Chúa. Xin cho chúng con biết đặt nhu cầu thiêng liêng lên trên hết, để chúng ta có được sự thân mật trong tương quan với Chúa. Qua đó, chúng con nhận ra kế hoạch yêu thương mà Chúa đang muốn mặc khải cho chúng con, qua các biến cố của đời sống, nhất là đời sống cầu nguyện.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM