Hoán cải niềm tin
1. Các bài đọc
Bài đọc I: Xh 3:1-8a,13-15
Bài trích sách Xuất hành: Thiên Chúa nói với ông Môsê từ bụi gai bốc cháy và sai ông đến với nhà Israel.
Đáp ca: Tv 103:1-4,6-7,8,11
Thánh vịnh 103: Ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa.
Bài đọc II: 1 Cr 10:1-6,10-12
Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô: Thánh Phaolô dạy rằng, Kinh Thánh được viết để đặt một gương mẫu cho chúng ta.
Tin Mừng: Lc 13:1-9
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Chúa Giêsu rao giảng về sự hoán cải.
2. Chia sẻ
Hành trình của dân Chúa không chỉ là hành trình của một đời sống thường nhật, nhưng nó còn là hành trình của đức tin. Mỗi một biến cố là một dấu chỉ của Tin Mừng. Và chúng là những lời mời gọi không ngừng nghỉ để nhìn lại chính mình.
Mùa Chay là mùa để người ta đi sâu vào trong mối tương quan với Thiên Chúa và xem lại các mối tương quan với bản thân và chính mình. Đó chính là những gì mà người Kitô hữu cần làm để canh tân bản thân và hoán cải chính mình trước hồng ân cứu độ của Thiên Chúa. Như vậy, hoán cải có nghĩa là vượt qua tâm trí, não trạng hay sự hiểu biết vốn có của mình, để hướng tới những gì lành thánh, cao thượng và tốt đẹp hơn.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta những hình ảnh minh họa cụ thể, để con người thời đại soi xét bản thân mình trong các chiều kích của đức tin.
Hoán cải là thay đổi hành trình, thay đổi niềm tin và thay đổi cuộc đời
Trong bài đọc I, sách Xuất Hành, Thiên Chúa mặc khải Danh Thiên Chúa cho Môsê và sai ông đến với nhà Israel. Sự ái ngại trước lời sai đi của Thiên Chúa nơi Môsê là có lý “Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì ? Thì con sẽ nói với họ làm sao ?” (Xh 3,13). Nhưng chủ thể thực sự của sứ điệp cho dân là chính Thiên Chúa không phải Môsê. Môsê chỉ đơn giản là người đưa tin, người sẵn sàng thi hành những gì mà bản thân có thể vẫn chưa hiểu hết, cho dù đó là ngọn lửa trong bụi rậm hay danh tính của Thiên Chúa, Đấng đang gọi ông ra đi. Vì vậy, Thiên Chúa nói với Môsê, “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3,6).
Sứ điệp đó xác định danh tính Thiên Chúa với truyền thống mà Môsê đã chia sẻ với những người Do Thái bị bắt làm nô lệ ở Ai Cập. Câu tiếp theo giải thích lòng trắc ẩn tích cực của Thiên Chúa “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. 8a Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.” (Xh 3, 7-8a). Môsê học được rằng, Thiên Chúa lắng nghe lời cầu nguyện, rằng Thiên Chúa hiểu những gì con người đang trải qua, và Thiên Chúa quyết tâm hành động thay cho những người đau khổ. Thiên Chúa muốn biến đổi cuộc sống của họ trở nên bình an và hạnh phúc hơn trong cuộc sống của mình.
Câu chuyện cây vả trong bài Tin Mừng hôm nay cũng mang một sứ điệp của sự hoán cải. Thiên Chúa luôn trông chờ chúng ta phát sinh hoa trái qua hành động hoán cải “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.” (Lc 13,8-9). Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi con người hoán cải và sinh hoa trái tốt đẹp thánh thiện trong cuộc sống của mình.
Đời sống của người Kitô hữu nếu không phát sinh những hoa trái tốt đẹp thánh thiện, thì sẽ giống như cây vả không trái. Chúng đã bị ông chủ lên án, thì đời sống của người Kitô hữu không hoán cải hay sinh những hoa trái tốt đẹp cũng đáng bị lãnh hình phạt. Vì họ đã thờ ơ với ân sủng cứu độ đã được ban cho họ và làm cho ơn nghĩa của Chúa trở nên vô hiệu trong đời sống của họ, thì đó là điều đáng tiếc.
Học từ điều hay và điều dở từ tổ tiên để củng cố đức tin
Câu chuyện của Môsê trong bài đọc I cho thấy một điều thực tế rằng, dân Do thái quên rằng, họ là một dân tộc chỉ vì họ có cùng một thứ tiếng nói: ca ngợi về Thiên Chúa của họ. Chính là vì họ có chung Thiên Chúa, Đấng đã sáng tạo ra họ, chứ không phải vì những của cải vật chất họ chung tay làm ra. Tiếc thay, tín ngưỡng thiêng liêng đã bị thay thế bằng vật chất tầm thường. Họ đã chối bỏ nguồn gốc linh thiêng của mình mất rồi. Và vì thế đời sống của họ đã trở nên khốn đốn và đau khổ. Thiên Chúa nhắc nhớ cho họ về nguồn gốc đức tin của tổ tiên họ, để khích lệ họ tiếp tục sống theo đức tin tốt đẹp của cha ông.
Trong bài đọc II, Thánh Phaolô cũng nhắc lại cho dân Côrintô về một truyền thống đức tin của dân Chúa “Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc.” (1 Cr 10,5). Đó là bài học để đời cho những ai đang sống đức tin của mình. Không phải chỉ tin vào Chúa không mà thôi, nhưng đòi hỏi người ta phải sống niềm tin ấy cách mãnh liệt. Nhất là phải luôn biết thay đổi và canh tân đời sống của mình để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Thánh Phaolô đã nhắc dân chúng hãy khiêm tốn nhìn lại con người của mình để biết sám hối, quay về với Chúa. Họ cần phải học bài học khiêm nhượng để đón nhận Tin Mừng và làm trổ sinh những hoa trái thiêng liêng.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng đã nhắc lại cho đám đông dân chúng câu chuyện của 18 người bị tháp Siloac đè chết để kêu gọi hoán cải. Họ cũng sẽ không hơn gì những con người xấu số ấy đâu, nếu họ không biết hoán cải “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy” (Lc 13,5). Chúa Giêsu muốn dùng đến những câu chuyện quá khứ để nhắc nhở họ cần phải học hỏi để rút ra kinh nghiệm đời sống cho bản thân.
Học từ điều hay điều dở của những thế hệ đi trước trong đời sống đức tin là một điều cần thiết. Xét xem họ đã sống như thế nào cho đẹp lòng Chúa. Xét xem hoa trái của họ đã trổ sinh như thế nào để mình coi như gương mẫu. Kinh Thánh chính là nguồn mạch để chúng ta học hỏi các gương mẫu về đức tin đó. Đó chính là sự khiêm tốn và khôn ngoan để làm cho cuộc sống của mình trở nên tốt hơn và sinh hoa thơm trái tốt hơn. Và chắc hẳn đó cũng là điều Thiên Chúa mong mỏi chúng ta, như ông chủ mong mỏi tìm được trái vả khi ông tìm quả nơi chúng.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM