Chúa Nhật Thứ III Thường Niên – Năm C

0
440

Ngôn sứ của Lời Chúa

1. Các Bài đọc

Bài đọc I: Nkm 8:2-4a,5-6,8-10

Bài trích sách Ngôn sứ Nơ-khe-mi-a: Esra đã đọc sách Luật và giải thích cho tất cả để hiểu.

Ðáp Ca: Tv 19:8,9,10,15

Thánh vịnh 19: Ca tụng Lề Luật của Chúa.

Bài đọc II: 1 Cr 12:12-30

Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô: thánh Phaolô giải thích rằng tất cả đều được chịu phép rửa, trong một thân thể của Đức Kitô.

Tin Mừng: Lc 1:1-4; 4:14-21

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Tại hội đường Nazareth, Chúa Giêsu đã đọc lớn tiếng cuốn sách ngôn sứ Isaia và tuyên bố rằng, lời ngôn sứ đã được ứng nghiệm.

2. Chia sẻ

Có lẽ những cảm xúc của mùa Giáng sinh vừa rồi đã dần lui vào quá khứ và mọi người cũng đang chuẩn bị cho mùa xuân mới đang đến. Dòng thời gian trôi đi theo tiến trình tự nhiên của nó. Lật mở các trang Kinh thánh, chúng ta cũng có thể cảm nhận được sự trôi chảy của dòng thời gian. Đó là một hài nhi Giêsu hôm nào còn nằm trong máng cỏ, nay đã trưởng thành là một thanh niên đạo đức tại quê nhà Nazareth.

Cậu Giêsu đó, hôm nay đã làm cho những người đồng hương của Ngài bị ngạc nhiên về những gì Ngài đang nói với họ về Kinh thánh. Một quang cảnh thật cảm động và cũng đầy sự cuốn hút, nơi con người Đức Giêsu, khi Ngài nói với họ với một thần thái của Đấng Mêsia.

Từ những bối cảnh của các bài đọc Lời Chúa hôm nay, gợi lên cho chúng ta những suy nghĩ:

Quà tặng Thánh Linh

Hôm nay, Chúa Giêsu đã trở về quê nhà với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh “Khi ấy, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận” (Lc 4,14). Sau khi chịu phép rửa và vào sống trong sa mạc, Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ của mình, trong sự hướng dẫn của Thần Khí. Nghĩa là Đức Giêsu công khai sứ vụ rao giảng Tin Mừng với việc được xức dầu bằng Thần Khí “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi” (Lc 4,18). Mọi công việc và lời rao giảng của Ngài sẽ được Thần Khí hướng dẫn và Ngài thi hành điều đó trong thánh ý của Thiên Chúa Cha. Như vậy, Chúa Giêsu đã luôn sống và thi hành sứ vụ của mình, trong sự liên kết chặt chẽ của tương quan của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Bằng cách trích dẫn ngôn sứ Isaia và đồng nhất với Đấng được xức dầu, Chúa Giêsu có thể ám chỉ đến những kỳ vọng về một Đấng Mêsia sắp đến. Điều chúng ta cần lưu ý là, Chúa Giêsu không chỉ nói rằng Ngài đã được xức dầu, nhưng Ngài được xức dầu với mục đích mang lại niềm vui cho người nghèo. Ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã tránh được xưng tụng là Đấng Mêsia và mô tả sứ mệnh của mình là được sai đi là để mang lại niềm vui cho người nghèo. Chủ đề này, được bắt đầu bởi thân mẫu của Ngài trong kinh Magnificat, vẫn là một đặc điểm cốt lõi của Phúc âm. Thánh Linh của Thiên Chúa dẫn Chúa Giêsu đến phục vụ người nghèo, và kêu gọi các môn đệ của Ngài cũng làm như vậy. Đây sẽ là định nghĩa của Ngài về việc trở thành Đấng Mêsia.

Trong bài đọc II, thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta về quà tặng Thánh Linh trong đời sống của mỗi người chúng ta “Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,13). Chúa Thánh Thần là quà tặng của Chúa Giêsu cho Giáo hội. Chúa Thánh Thần giúp Giáo hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu. Khi chúng ta làm những gì Chúa Giê-su đã làm – mang lại niềm vui cho người nghèo, tự do cho những người bị giam cầm, chữa lành các bệnh nhân và mang lại tự do cho những người bị áp bức. Đó là chúng ta đang  phục vụ Vương quốc của Thiên Chúa của cùng một Thần Khí của Đức Giêsu. Và chính Thần Khí này sẽ hiệp nhất chúng ta trong sự đa dạng.

Ngôn sứ là đi ngược dòng đời

Chắc hẳn, cậu Giêsu ở làng Nazareth năm nào đã làm cho những người đồng hương với cậu ngạc nhiên rất nhiều. Vì hôm nay cậu Giêsu đó đã là một con người trưởng thành và là một ngôn sứ của Chúa. Những lời cậu Giêsu rao giảng hôm nay, sẽ là một thách đố cho những ai biết, tin và muốn đi theo Ngài làm môn đệ. Những sứ điệp Tin Mừng của Ngài không phải là để làm hài lòng mọi người, nhưng là một lời mời gọi để mọi người sống theo những giá trị Tin Mừng đích thực do Thần Khí hướng dẫn “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4, 18).

Người làm ngôn sứ hay nói lời ngôn sứ thường hay phải đi ngược lại với một số lối sống của con người thời đại. Vì khi người ta sống theo những giá trị của Tin Mừng đòi hỏi, thì người ta cần phải thay đổi lối sống của mình. Do đó, việc trở nên ngôn sứ cũng đòi hỏi phải sống những giá trị của Tin Mừng trước hết, và luôn luôn canh tân bản thân mình cho phù hợp với sứ điệp mà mình loan báo.

Đời sống của một người Kitô hữu cũng chính là đời sống của người sống đời ngôn sứ. Sẽ luôn có những thách đố và đòi hỏi trong đời sống đức tin để sống trọn vẹn sứ điệp Tin Mừng của Chúa. Điều quan trọng là biết ước muốn trở thành một vị ngôn sứ của Chúa. Tuy nhỏ bé, không được mọi người biết đến, không quan trọng, nhưng là một ngôn sứ, như thánh Giáo hoàng Phaolo VI đã nói, có “lửa trong tâm hồn, lời nói trên môi miệng, ngôn sứ trong cái nhìn”.

Giá trị của Kinh thánh trong đời sống

Cả bài đọc I và bài Tin Mừng hôm nay đều mô tả quang cảnh của một buổi đọc Lời Chúa hay Kinh thánh trong đời sống đức tin của người Do thái. Ông Esra trong sách ngôn sứ Nơ Khe Mi a đã hoan hỷ công bố Lời Chúa cho dân chúng và họ đã đón nhận cách hạnh phúc “Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật” (Nkm 8,3). Và trong bài Tin Mừng, chính Chúa Giêsu khi vào hội đường, cũng đã đứng lên công bố Lời Chúa “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh” (Lc 4,16).

Lời Chúa luôn có vị trí quan trọng trong đời sống người Kitô hữu. Lời Chúa cũng chính là trung tâm của những cử hành phụng vụ trong Hội thánh. Lời Chúa luôn có giá trị mang chiều kích hiện tại trong đời sống người Kitô hữu, như Đức Giáo hoàng Phanxicô nói trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng “Khi đọc Thánh Kinh, chúng ta thấy rõ ràng là đề nghị của Tin Mừng không chỉ bao hàm mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa. Và ngay cả sự đáp trả yêu thương của chúng ta cũng không chỉ được hiểu như là tổng số của những cử chỉ cá nhân nho nhỏ đối với một số người đang túng thiếu, là điều tạo thành một loại “thực đơn bác ái theo món”, một loạt các hành động chỉ nhằm mục đích xoa dịu lương tâm của chúng ta. Ðề nghị này của Tin Mừng là Nước Thiên Chúa (Lc 4:43); nó nói về yêu mến Thiên Chúa, là Ðấng cai trị trên thế gian. Theo mức độ mà Ngài có thể trị vì trong chúng ta, đời sống xã hội sẽ là một không gian của tình huynh đệ, công lý, hòa bình và phẩm giá cho tất cả mọi người” (Số 180).

Hôm nay Giáo hội cử hành Chúa nhật Tôn vinh Lời Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta biết đặt Lời Chúa làm trọng tâm của đời sống đức tin và siêng năng tìm kiếm ý Chúa và sống theo Lời Chúa. Vì Lời Chúa không phải là văn tự chết nhưng là lời hữu hiệu sống động và luôn mang chiều kích hiện tại hóa trong đời sống chúng ta “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21).

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM