Một cuộc sống mới
1. Các bài đọc
Bài đọc I: Gs 5:9a,10-12
Bài trích sách Giosuê: Dân Israel cử hành lễ vượt qua trong miền Đất Hứa.
Đáp ca: Tv 34:2-7
Thánh vịnh 34: Ca ngợi Thiên Chúa.
Bài đọc II: 2 Cr 5:17-21
Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô: Thánh Phaolô loan báo sự hòa giải của chúng ta trong Đức Kitô.
Tin Mừng: Lc 15:1-3,11-32
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Chúa Giêsu dạy về sự tha thứ trong dụ ngôn người con hoang đàng.
2. Chia sẻ
Cách đây không lâu Henri Jozef Machiel Nouwen đã xuất bản cuốn sách với tựa đề: Đứa con hoang đàng trở về. Trong cuốn sách này, tác giả đã có những suy tư rất sâu sắc về câu chuyện người con hoang đàng hay còn gọi câu chuyện người cha nhân hậu trong Tin Mừng Luca chương 10 qua bức bích họa của Rembrandt, một họa sĩ tài ba thế kỷ XVII.
Cuốn sách là phần cảm nghiệm của Henri Nouwen khi có dịp ông sang Pháp và được một người bạn tên Simon giới thiệu về bức tranh đứa con hoang đàng của Rembrandt và khi bắt gặp bức tranh đó, tác giả đã mê man suy nghĩ về các nhân vật được thể hiện cách nghệ thuật và thần học của Rembrandt. Khi đích thân ông được được chiêm ngắm bức tranh tuyệt diệu tại viện bảo tàng Hermitage ở thành phố Saint Petersburg Liên Xô cũ.
Câu chuyện người con hoang đàng là câu chuyện hay tuyệt vời về tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho con người. Đó là bức tranh nói về ngôi nhà với người cha già, hai người con trai. Thiên Chúa và con người, lòng thương xót và sự đau khổ trong vòng tròn của tình yêu thương; về ý nghĩa của cái chết và cái sống trong ân sủng. Đó là bức tranh mà Thiên Chúa muốn kể cho chúng ta nghe. Mà còn là trung tâm của câu chuyện chúng ta muốn kể cho người khác. Tất cả Tin Mừng đều ở đó. Tất cả cuộc sống chúng ta ở đó. Tất cả cuộc sống của những người chúng ta ở đó.
Câu chuyện cái nhìn về Thiên Chúa và kinh nghiệm của con người: cô đơn và tình yêu, đau khổ và niềm vui, oán giận và biết ơn, chiến tranh và hòa bình. Nó nói về tình trạng thăng trầm của cuộc đời, với cơn đói khát thiêng liêng mà chỉ Thiên Chúa mới thỏa mãn.
Trong bài đọc I, Sách Giôsuê, dân Israel đang ở trong một thời khắc chuyển tiếp được mong đợi từ lâu. Thiên Chúa phán “Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai-cập” (Gs 5, 9a). Mọi người không còn là nô lệ nữa, và quan trọng hơn, họ không còn là những kẻ lang thang trên sa mạc. Họ đã đến một vùng đất mới, Đất Hứa. Thay vì chờ đợi “manna” từ trời rơi xuống, họ đã ăn hoa trái từ đất giống như A-đam đã làm lúc đầu trong vườn địa đàng, và sau đó là phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn. Bất kể họ phải làm việc vất vả, xây dựng nhà cửa, đào giếng, v.v., họ là những tác nhân tự do, là hình ảnh của Thiên Chúa sáng tạo và thành quả lao động của họ.
Dân Israel đã có một cuộc sống mới nơi vùng đất Thiên Chúa hứa. Ở đó họ được sống tự do và bình an. Họ không còn bị lệ thuộc vào Pharaô và thực sự sống sung túc với những gì Chúa hứa ban cho họ trong miền đất mới. Một cuộc sống mới, tự do hoàn toàn của dân đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh nô lệ Ai cập.
Tương tự như thế, trong lá thư thứ hai gửi cho tín hữu Côrintô dựa trên thông điệp này ở dòng đầu tiên, thánh Phaolô đã quả quyết “Thưa anh em, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17). Những ai giải thoát mình khỏi tội và sống trong Đức Ki tô đều trở thành những con người mới. Họ thực sự được sống trong sự tự do của Thiên Chúa ban cho họ qua sự yêu thương và tha thứ. Khi họ sống theo đường lối Thiên Chúa dạy bảo, và từ bỏ con đường cũ là họ đã sống và trở nên những thụ tạo mới trong Chúa.
Cả hai bài đọc đều phản ánh về hoàn cảnh của một thanh niên ăn chơi sa đọa, đã bỏ nhà ra đi và thổi bay tài sản của cha mình về những gì anh ta nghĩ sẽ là cuộc sống tốt đẹp. Đó chính là hình ảnh người con thứ trong câu chuyện người cha nhân hậu, anh ta thực sự đã mang lại sự sỉ nhục cho bản thân, như tất cả những gì anh ta tự bán mình làm nô lệ.
Có lẽ điều khiêm tốn nhất mà người con thứ đã thưa với cha của mình “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa …” (Lc 15,21). Điều tuyên bố này cho chúng ta thấy, anh ta đã nhận ra con người thật của mình. Anh nhận ra các tương quan đã bị đổ vỡ và anh đã trở nên nô lệ cho những đam mê tội lỗi của mình. Anh đã sống và đã theo đuổi những điều anh nghĩ là tốt, nhưng kỳ thực nó làm cho con người anh trở nên “xuống cấp” và gần như đánh mất đi phẩm giá của một người con; phẩm giá của một người con cái Thiên Chúa.
“Chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 10, 22) có nghĩa anh đã từng xứng đáng với tư cách là một thành viên của gia đình. Sự thật, anh ta không bao giờ có thể làm bất cứ điều gì để có được uy tín đó. Đó là một điều kiện hoàn toàn nhưng không, khi anh được sinh ra trong một gia đình có người cha luôn yêu thương anh ta.
Không ai trong chúng ta có thể nói điều gì về việc được sống hoặc bất kỳ đặc quyền hoặc tài năng nào đi kèm với sự sinh ra của chúng ta. Cuộc sống và tài năng của chúng ta là những món quà miễn phí, vô vị lợi. Món quà đó chính Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta. Phẩm giá người con là do người cha trao tặng cho chúng ta.
Dụ ngôn mà chúng ta gọi là đứa con hoang đàng mô tả một Thiên Chúa nhân từ vô bờ bến, Đấng biết rằng tình yêu thương không bao giờ có thể được yêu cầu. Đúng hơn, trong khi tình yêu phải được chờ đợi, Thiên Chúa đáp lại một tình yêu nhỏ bé bằng lòng quảng đại và niềm vui tràn ngập, không ngừng nghỉ, không thể đền đáp.
Dường như dụ ngôn này và các bài đọc kèm theo mời gọi chúng ta từ bỏ việc tập trung vào bản thân và những cách thức nông nổi hay sai lầm của chúng ta. Khi thoát khỏi lòng tự ái về tội lỗi nội tâm hay sự công bình, chúng ta có thể “nếm và thấy” bữa tiệc do Thiên Chúa không ngừng khao khát cho chúng ta khi chúng ta quay trở về “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ” (Lc 15,10). Người con trai đã trở về để hưởng trọn cuộc sống mới trong nhà cha mình. Anh đã nối lại mối tương quan phụ tử và tận hưởng niềm vui tình yêu thương trong chính ngôi nhà mà anh đã cố tình từ bỏ ra đi. Một cuộc sống mới, một tương lai mới đang chờ đợi anh sống, nếu anh quyết tâm làm lại từ đầu và sống trong vòng tay yêu thương của người cha.
Theo truyền thống, Chúa nhật thứ tư của Mùa Chay được gọi là Chúa nhật Laetare. Laetare là một từ Latinh có nghĩa là “vui mừng.” Các bài đọc Lời Chúa hôm nay mô tả lý do khiến chúng ta vui mừng: Tình yêu cao cả của Thiên Chúa dành cho chúng ta đã được bày tỏ nơi Chúa Giêsu. Qua cuộc Khổ nạn, Cái chết và Sự Phục sinh của Người, Chúa Kitô đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa và với nhau.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM