Chúa Nhật Thứ IV Thường Niên – Năm C

0
624

Sống ơn gọi ngôn sứ

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Giêrêmia: 1:4-5,17-19

Bài trích sách Ngôn sứ Giêrêmia: Thiên Chúa khẳng định với Giêrêmia rằng, Chúa sẽ cứu ông khỏi những kẻ chống lại ông.

Đáp ca: Tv 71:1-2,3-4,5-6,15,17

Thánh vịnh 71: Ca tụng ơn cứu độ của Chúa.

Bài đọc II: 1 Cr 12:31—13:13

Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô: thánh Phaolô nói rằng yêu thương là nhân đức cao cả nhất.

Tin Mừng: lc 4:21-30

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Chúa Giêsu bị tẩy chay khỏi hội đường quê hương Ngài.

2. Chia sẻ

Trong những ngày vừa qua, các bài đọc Tin Mừng đã cho chúng ta thấy những hoạt động công khai đầu tiên của Chúa Giêsu trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Cũng qua các hoạt động ấy, người ta dễ dàng nhận ra có hai thái độ đối lập nhau trước sự xuất hiện của Chúa Giêsu. Một bên và là phần đông nhất, là dân chúng nghèo khổ và đơn sơ đã nhận ra nơi bản thân Đức Giêsu một điều gì đó hấp dẫn và đã đổ xô đi theo Ngài. Phần còn lại, ít hơn, tri thức và xem ra đạo đức hơn, thì lại tìm cách chống đối Đức Giêsu, vì họ coi Ngài như một con người phạm thượng.

Hôm nay trong bài Tin Mừng, chúng ta cũng sẽ nhận ra được những mâu thuẫn và sự ghen tức của nhóm thứ hai dành cho Chúa Giêsu. Dường như đối với họ, sự xuất hiện của Đức Giêsu đã gây ra sự rối ren về mặt tôn giáo cho dân chúng. Vì Đức Giêsu đã rao giảng và hành động xem ra đối nghịch với những gì mà lề luật của cha ông đã dạy họ sống. Thậm chí họ còn muốn trừ khử Đức Giêsu khỏi cộng đoàn của họ “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.  Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”(Lc 4, 28-29).

Chúa Giêsu đã bị coi là một tên phản loạn hơn là một ngôn sứ, một kẻ chống báng tôn giáo hơn là một Đấng Mêsia. Những con người này đã không mở lòng mình ra để có thể nhận ra căn tính thật của Chúa Giêsu. Đấng được Chúa Cha sai đến để thi hành sứ mệnh của Đấng Mêsia để cứu độ con người.

Trước những gì đang diễn ra nơi Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra vai trò cao cả và tầm quan trọng của người ngôn sứ trong đời sống đức tin. Thực vậy, nơi bài đọc I, sách ngôn sứ Giêrêmia đã nói về sứ vụ của người ngôn sứ. Đó là người đi loan báo sứ điệp của Chúa cho muôn dân. Nhưng để thi hành sứ điệp đó theo thánh ý Thiên Chúa, người ngôn sứ đã được chọn lựa và huấn luyện từ khi còn trong thai nhi “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi ; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1,5).

Như thế người ngôn sứ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, thậm chí từ khi còn chưa chào đời. Điều này cho thấy ơn gọi và sứ mạng của người ngôn sứ thật cao cả. Đó không phải chỉ là thi hành một lúc hay một giai đoạn nào đó, nhưng là sống ơn gọi ngôn sứ trong suốt cả cuộc đời mình.

Người Kitô hữu khi được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thì cũng đã được tháp nhập vào vai trò của người ngôn sứ. Hôm nay trong bài đọc II, thánh Phaolô cũng đã nhắc lại cho giáo đoàn Côrintô về quà tặng ơn gọi sống đời ngôn sứ ấy, nơi những người anh chị em ở cộng đoàn này. Đó là những ơn gọi ngôn sứ đến từ cùng một Thánh Linh. Chúng đều là thiện hảo như các loài thụ tạo buổi ban đầu trong công trình sáng tạo. Nhưng tất cả đang dần trở nên biến thái hay trở nên vô nghĩa khi những điều ấy được diễn tả theo cách khiếm khuyết tình yêu thương. Tình yêu sẽ là nền tảng để thi hành mọi sứ vụ ngôn sứ. Nó nói đến những khao khát để người ta thi hành sứ vụ ấy. Và thánh Phaolô đã nói rằng “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1 Cr 12,7).

Xem ra nó nói lên cái gì đó nhu nhược, phải chịu đựng cách bất công nơi người Kitô hữu. Nhưng kỳ thực không phải như thế. Điều này sẽ được thể hiện rõ ràng ý nghĩa khi ngài nói rằng “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”( 1 Cr 13,13). Điều này nói với chúng ta niềm tin tưởng nơi người khác với niềm hy vọng. Có nghĩa là không loại trừ bất cứ ai trong cuộc đời này.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã bị dân chúng loại trừ và tìm cách giết chết. Phải chăng đó cũng là số phận của người ngôn sứ? để làm người ngôn sứ của Chúa trong đời sống hằng ngày, cũng đòi hỏi chúng ta sống và đón nhận tất cả những gì Chúa Giêsu đã đón nhận. Đó có thể là sự loại trừ hay bắt bớ, ghét ghen…. Nhưng không có nghĩa là chúng ta đánh mất niềm hy vọng để sống ơn gọi ấy. Một mặt không để đánh mất niềm hy vọng nơi người khác, đồng thời cũng không để người khác đánh mất niềm hy vọng khi họ nhìn vào đời sống ngôn sứ, một đời sống tốt lành nơi bản thân chúng ta.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều CM