Chúa Nhật Thứ V Mùa Chay – Năm C

0
565

Chúa cho con đường sống

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Is 43:16-21

Bài trích sách ngôn sứ Isaia: Thiên Chúa làm những điều mới mẻ cho dân Người.

Đáp ca: Tv 126:1-6

Thánh vịnh 126: Ca ngợi những kỳ công của Chúa.  

Bài đọc II: Pl 3:8-14

Trích thư của thánh Phaolô tông đồ gởi tín hữu Philiphê: thánh Phaolô nói rằng, ngài bỏ qua tất cả mọi thứ để chỉ được một mình Đức Kitô.

Tin Mừng: Lc 8:1-11

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Chúa Giêsu không kết án người phụ nữ phạm tội ngoại tình.

2. Chia sẻ

Hiệu ứng đám đông là một vấn đề đang rất phổ biến trên các mạng truyền thông xã hội hiện nay. Đôi khi một vấn đề nhỏ, với sự tham gia của người dùng mạng xã hội, đã làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng và gây nhiều phiền phức, thậm chí nhiều bất công. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải công nhận có những tác động tốt qua các mạng xã hội nhờ hiệu ứng đám đông.

Câu chuyện của bài Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy sự nguy hại của hiệu ứng đám đông. Một người phụ nữ chân yếu tay mềm, đã bị rượt đuổi và lên án gay gắt, vì bị cho là phạm tội ngoại tình. Tuy chị là người có tội, nhưng sự thiếu khoan dung của những con người đã làm cho chị bị tổn thương khi họ lên án chị.

Cùng với các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta dễ dàng nhận ra hai điều:

Thiên Chúa cứu sống chúng ta từ giữa những đau thương của cuộc đời

Những dòng mở đầu của bài đọc hôm nay từ sách Ngôn sứ Isaia gợi lên những biểu tượng về các sự kiện cứu độ trong cuộc Xuất hành “Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng” (Is 43,16).  Lời này nhắc nhở mọi người nhớ rằng: biển, biểu tượng của nguy hiểm và hỗn loạn, không đáng gì so với quyền năng của Thiên Chúa, Đấng mở một con đường qua đó. Các biểu tượng khác nhắc nhở mọi người rằng, các phương tiện chiến tranh, hiện đại và đáng sợ khi chúng xuất hiện với kích thước và công suất như thế nào, thì cuối cùng là vũ khí tự hủy diệt. Tức là một cách giải thích về sự sụp đổ của quân đội Ai Cập ở Biển Đỏ và đồng thời chỉ ra rằng, trong khi những người đi bộ, tức là những người nghèo, có thể đi qua một con đường lầy lội, trong khi ấy ngựa và xe ngựa của quân Ai cập có thể bị mắc kẹt không thể thoát ra được trong bãi bùn trên biển. Điều đó cho thấy quyền năng cứu sống của Chúa thì mạnh mẽ hơn bất cứ điều gì khác.

Hình ảnh này thật hay để giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa của câu chuyện tương tự trong bài Tin Mừng. Đó là một người phụ nữ tội lỗi đáng thương bị “kẹt” giữa làn sóng hò hét, sỉ vả, kết án của những con người được coi là “công chính”. Xem ra người phụ nữ này không còn gì để biện hộ cho mình vì chị bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và theo luật là bị kết án ném đá.

Nhưng cuối cùng, chị đã tìm được lối thoát cho bản thân mình, khi chính Chúa Giêsu đã lên tiếng bênh vực chị “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏa sáng giữa những đau khổ khốn cùng của người phụ nữ. Chúa Giêsu đã cho chị một lối thoát, khi Ngài đã không lên án chị “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).

Từ chính những đau thương, xem ra không lối thoát vì nô lệ cho tội lỗi hay bất cứ hoàn cảnh nào của con người, thì Thiên Chúa luôn là Đấng yêu thương và cứu sống chúng ta. Người là Thiên Chúa của lòng thương xót. Ngài luôn luôn ở bên cuộc sống của chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi nô lệ cho tính hư tật xấu của mình hay những nỗi gian truân của cuộc sống và mang lại cho chúng ta sự tự do đích thực của người con cái Chúa.

Thiên Chúa là mục đích của cuộc đời

Trong bài đọc II, thư gởi cho tín hữu Philiphe, thánh Phaolô cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về chủ nghĩa thần bí của ngài. Ba cụm từ cụ thể giúp chúng ta đánh giá cao kinh nghiệm tôn giáo của ngài là: biết Đức Kitô, đạt được Đức Kitô, và được kết hợp với Ngài: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3, 8-9).

Như vậy Đức Kitô chính là cùng đích của cuộc đời. Thánh Phaolô dám chấp nhận từ bỏ tất cả để chỉ được Đức Kitô. Mọi thứ khác không còn bất kỳ giá trị nào, nếu so sánh với mối lợi lớn lao là Đức Kitô.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, người phụ nữ bị kết án đã được gặp gỡ Đức Kitô và cuộc đời chị được cứu sống, hay được biến đổi. Chắc hẳn phần đời còn lại của chị không gì khác hơn là cố gắng sống cho những gì mà Chúa Giêsu đã nói: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).  Hôm nay chị được gặp Chúa rồi, thì chị hãy cố gắng sống con đường mới của cuộc đời mình. Hãy làm cho đời mình có ý nghĩa và làm sao để đạt được hạnh phúc đời đời.

Từ bỏ con đường tội lỗi là để sống cho Đức Kitô. Đó chính là cùng đích của cuộc sống mà mỗi người cần theo đuổi trong đời sống của mình. Điều này đòi hỏi chúng ta phải bỏ đi mọi thứ, nhưng những cái bỏ đi sẽ chẳng là gì, nếu chúng ta biết động lực vững mạnh của mình là Chúa và cố gắng đạt được điều đó.

Hành trình Mùa Chay thánh đang dần kết thúc. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở mợi người về giá trị cuối cùng của cuộc đời. Chính vì giá trị này mà chúng ta can đảm theo Chúa trên hành trình dương thế. Tất cả sẽ chẳng là gì nếu chúng ta không biết đặt Đức Kitô là cùng đích của đời sống chúng ta.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM