Chúa Nhật Thứ V Thường Niên – Năm C

0
826

Sứ vụ rao giảng Lời

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Isaiah 6:1-2a,3-8

Bài trích sách Ngôn sứ Isaia: Isaia mô tả thị kiến của ông và ơn gọi của ông đến từ Thiên Chúa.

Đáp ca: Tv 138:1-5,7-8

Thánh vịnh 138: Ca tụng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta.

Bài đọc II: 1 Cr 15:1-11

Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô: thánh Phaolô nhắc nhớ người Côrintô về Tin Mừng đã được loan báo cho họ.

Tin Mừng: Lc 5:1-11

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: ba môn đệ đầu tiên bỏ chài lưới mà theo Đức Giêsu.

2. Chia sẻ

Thánh Luca đưa chúng ta vào giữa những tương phản trong bài Tin Mừng hôm nay. Bị từ chối một cách kịch liệt tại quê nhà trên những ngọn đồi ở Nazareth, Chúa Giêsu đi xuống Ca-phác-na-um, cách đó khoảng 20 dặm và ở độ cao khoảng 560 feet so với mực nước biển. Ở đó, khi đám đông tụ tập xung quanh Ngài, ít nhất Chúa Giêsu phải bối rối một chút rằng, những người cùng Ngài lớn lên đã cố ném ngài xuống vách đá, trong khi Ngài được ca tụng giữa những người chỉ mới gặp Ngài gần đây.

Mặc dù thánh Luca bỏ qua các chi tiết, chúng ta biết rằng đây không phải là lần xuất hiện đầu tiên của Chúa Giêsu tại Ca-phác-na-um. Những người thân và hàng xóm ở Nazareth của Ngài biết những gì Ngài đã làm ở đó và muốn Ngài làm những gì Chúa đã làm ở làng chài.

Nhưng bây giờ hoàn cảnh đã khác. Thay vì ở trong không gian hạn chế của hội đường, Chúa Giêsu đang ở ngoài trời gần một hồ nước với một đám đông đang chen lấn tụ tập để lắng nghe Ngài. Trong một động thái ít nhất là mang tính biểu tượng nhưng thực tế, Chúa Giêsu quyết định lên thuyền của Simon và giảng dạy từ đó.

Niềm vinh dự để giảng Lời 

Niềm vinh dự này chúng ta dễ dàng có thể nhận thấy nơi các nhân vật trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Nơi bài đọc I, ngôn sứ Isaia cảm nghiệm về sự bất toàn của mình, khi được Thiên Chúa chọn đi để làm ngôn sứ cho Chúa “Khốn thân tôi, tôi chết mất ! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế” (Is 6, 5). Ngôn sứ thấy mình hoàn toàn không đủ tư cách để công bố lời vĩ đại của Thiên Chúa. Quả thực, nếu theo tự nhiên, thì ông hoàn toàn bất xứng. Nhưng rồi Thiên Chúa đã thánh hóa môi miệng ông để ông xứng đáng với Lời đó “Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói:“Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội” (Is 6,7). Lúc ấy ông mới đủ tự tin, tình nguyện để được Chúa sai đi “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8).

Nơi bài đọc II, thánh Phaolô chia sẻ cách tâm tình về sứ vụ tông đồ mà ngài đã được lãnh nhận. Chính thánh Phaolô cũng cảm nhận ra sự thấp kém của mình khi lãnh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ” (1 Cr 15,9). Đứng trước ơn gọi lớn lao, thánh Phaolô cảm nghiệm được ơn kêu gọi của Thiên Chúa thật vĩ đại. Đó cũng là một vinh dự lớn lao để trở nên người loan báo Lời của Chúa.

Cũng giống như Phaolô, thánh Phêrô trong bài Tin Mừng cũng đã nhận ra sự bất xứng của mình trước lời mời gọi của Chúa Giêsu, để kêu mời ông làm tông đồ “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5,8). Phêrô nhận ra khả năng của mình, con người của mình hoàn toàn bất xứng. Ông nghiệm ra trọng trách rao giảng lời của Chúa là một vinh dự quá lớn đối với ông. Vì thế, xem ra ông muốn thoái thác nhiệm vụ mà Chúa Giêsu đang mời gọi ông dấn thân.

Ơn gọi rao giảng Lời Chúa là ơn gọi trở nên tông đồ và ngôn sứ trong đời sống đức tin hằng ngày. Mỗi người Kitô hữu tùy theo hoàn cảnh và địa vị của mình, cũng đều được mời gọi để sống sứ vụ ấy trong cuộc đời của mình. Mỗi người đều được mời gọi đáp trả lại lời mời gọi của Chúa, để trở nên người rao giảng Lời. Vì thế, hãy cố gắng để sống sứ vụ ấy với cả con tim của mình.

Ơn gọi thay đổi cuộc đời

Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để trở nên tông đồ, cũng là lời mời gọi làm thay đổi cuộc đời. Ngôn sứ Isaia, sau khi môi miệng ông đã được thanh tẩy bằng than hồng, ông đã trở nên ngôn sứ của Chúa, chứ không còn là một kẻ lông bông trong cuộc đời. Ông trở nên người mạnh bạo, ra đi để nói lời Chúa cho dân Ngài. Ông đã được biến đổi thành con người mới. Con người của Chúa. Ngôn sứ của Chúa.

Thánh Phaolô cũng nhận ra ơn gọi đặc biệt nơi bản thân mình. Từ một kẻ bắt bớ đạo, đã trở thành một tông đồ nhiệt thành loan báo Tin Mừng cứu độ của đấng, mà ông đã từng lùng bắt và truy đuổi. Ví mình như một kẻ sinh non, giờ đây Phaolô trở thành người loan báo Tin Mừng vĩ đại của Chúa. Cuộc đời Phaolô đã thay đổi, với ơn gọi để trở nên tông đồ.

Phêrô từ một ngư phủ tầm thường đã trở nên “Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (Lc 5,10). Sau mẻ cá lạ lùng, Phêrô đã được Chúa Giêsu thu phục để làm tông đồ. Cuộc đời ông hoàn toàn thay đổi. Thay đổi về nghề nghiệp, thay đổi về lối sống, về môi trường sống. Ông đã thay đổi thực sự và lên đường trở nên người rao giảng Tin Mừng.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho chúng ta nhận ra ơn gọi cao cả của người tông đồ. Mỗi người đều được Chúa mời gọi để sống ơn gọi cao cả, trở nên sứ giả Tin Mừng. Xin cho chúng ta biết can đảm đáp trả lại lời mời gọi đó, để trở nên người mang sứ điệp của Chúa đến cho người khác. Đồng thời chính chúng ta cũng được thay đổi, khi chúng ta sống ơn gọi làm tông đồ của Chúa.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM