(Bài đọc I: Lv: 19:1–2, 17–18; Bài đọc II: 1 Cr 3:16–23; Tin Mừng: Mt 5:38–48)
Sự thánh thiện trong cuộc đời
Trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay, chúng ta được thách đố, “anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Thoạt nhiên, chúng ta có thể nói, ‘ôi! Đó là một thử thách thực sự!’ Tuy nhiên, chúng ta sẽ nhận ra được lời giải thích cho điều này, là nó có thể xảy ra như thế nào. Thiên Chúa biết rằng, chúng ta chỉ là những người trần thế không thể hoàn hảo, hoặc thậm chí không thể thánh thiện, nếu không có sự giúp đỡ của Ngài; và Ngài ở đó, để ban sự giúp đỡ đó khi chúng ta sẵn sàng kêu cầu Ngài về điều đó. Ngài đang chờ đợi chúng ta và muốn chúng ta cầu xin Ngài giúp đỡ, rồi Ngài yêu cầu chúng ta làm phần việc của mình.
Bài đọc I, trích sách Lêvi (19:1-19). Trong đoạn văn ngắn này, chúng ta được trao cho chìa khóa hạnh phúc trong cuộc sống này và chìa khóa tương tự là lối vào thiên đàng của chúng ta. Tất cả được gói gọn trong câu cuối: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa” (Lv 19,18). Nếu có một ai đó khuyên chúng ta rằng “yêu người lân cận” là tất cả những gì bạn phải làm để được hạnh phúc trong thế giới này, thì ít ra điều đó không đủ để bạn cố gắng sao? Và ở đây, Chúa cũng đang cho chúng ta lời khuyên tương tự, và thậm chí Ngài còn để ngỏ cho chúng ta thấy một số trường hợp ngoại lệ.
Thánh vịnh Đáp Ca (103:1-13), là một lời cầu nguyện, trong đó tác giả Thánh Vịnh bảo chúng ta hãy chúc tụng Chúa, vì những ân tứ và phước lành của Ngài đã được ban cho. Nói cách khác, Thiên Chúa không phải là Đấng cầm gậy đứng trên chúng ta, để trừng phạt mọi lỗi lầm chúng ta phạm phải. Ngài xem xét mọi sự, “như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn.” Từ “kính tôn” trong trường hợp này có nghĩa là “tuân theo”
Bài đọc II, trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (3:16-23). Ở đây, thánh Phaolô nói với chúng ta rằng “nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?” (1 Cr 3, 16); nghĩa là, sự thánh thiện của Thiên Chúa luôn ngự trong tâm hồn chúng ta. Vì đây là điều Thiên Chúa muốn nơi chúng ta. Đó là được kết hợp chặt chẽ với Ngài, đến nỗi Ngài thực sự ngự trong chúng ta và sau đó, giống như một hệ thống định vị GPS, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta vượt qua những con đường gập ghềnh của cuộc sống hàng ngày.
Bài Tin Mừng trích từ Tin Mừng Mát-thêu (5:38-48). Đây là phần tiếp theo của Bài Giảng Trên Núi vĩ đại. Toàn bộ Bài Giảng Trên Núi (Mt: 5, 6 và 7) có thể được coi là “kim chỉ nam” hoặc “sách thủ bản” để“làm thế nào để hạnh phúc trong thế giới này”. Tuy nhiên, điều này thì không phải là điều dễ dàng; nhưng rồi, những điều tốt đẹp nào trong cuộc sống này là ‘dễ dàng’? Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách giải thích cho những người thuộc thời đại và nền văn hóa của Ngài rằng, Luật pháp Môi-sê cho phép trừng phạt, nhưng chỉ ở mức độ tổn thương nào đó thôi; và không xa hơn nữa. Tuy nhiên, bây giờ Ngài muốn chúng ta đi “thêm một dặm đường” và “giơ cả má bên kia”.
Tuy điều này không phải là hiểu theo nghĩa đen! Nhưng những gì mà ngài đang nói là, hãy đối xử với kẻ thù của chúng ta, như chúng ta muốn được đối xử trong cùng điều kiện. Nói cách khác, điều này có nghĩa là, hãy yêu kẻ thù của chúng ta, hàng xóm của chúng ta, đứa trẻ ngỗ ngược hoặc người thân của chúng ta,… theo nghĩa Kinh thánh hoặc ý nghĩa của TÌNH YÊU và điều đó sẽ là đủ “như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, 45).
Một đòi hỏi khó khăn khác của những người được gọi vào vương quốc là ôm lấy kẻ thù. Không có mệnh lệnh nào trong Cựu Ước phải ghét cá nhân theo cách riêng tư hoặc thù hận. Nhưng có một lập trường tôn giáo kêu gọi một người ghét điều ác và tránh xa những người tham gia vào điều ác. Ngược lại, Mathêu nhấn mạnh rằng tình yêu Chúa và yêu người lân cận là những điều răn cơ bản mà mọi điều khác tùy thuộc vào. Bởi vì tình yêu của Chúa là vô điều kiện, chúng ta phải cố gắng yêu thương như Chúa, mặc dù, tất nhiên, đó là một thách đố.
Mấu chốt nằm ở câu cuối cùng của bài Tin Mừng “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Thánh Mathêu dùng từ Hy Lạp telos, có lẽ được dịch sát hơn ở đây, có nghĩa là “trọn vẹn”. Chúng ta không trở nên hoàn hảo bằng cách làm mọi thứ một cách chính xác, tức là hoàn toàn đúng đắn về mặt đạo đức. Chúng ta phải trở nên hoàn hảo, khi cố gắng đạt đến sự trọn vẹn mà chúng ta được kêu gọi trong Vương quốc Thiên đàng. Cố gắng yêu kẻ thù của chúng ta, là một phần của nỗ lực đạt được sự trọn vẹn đó.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM