Chúa Nhật Thứ VIII Thường Niên – Năm C

0
931

Sự dẫn đường đui mù

1. Các bài đọc

Bài đọc I: Hc  27:4–7

Bài trích sách Huấn ca: Đối thoại là để thử lòng người.

Đáp ca: Tv : 92: 2–3,13–16

Thánh vịnh 92: Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt.

Bài đọc II: 1 Corinthians 15: 54–58

Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô: Tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta vinh quang qua Đức Giêsu Kitô.

Tin Mừng: Lc 6:39–45

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca: Xem quả thì biết cây.

2. Chia sẻ

Nhìn vào bối cảnh của chính xã hội chúng ta, chúng ta có thể nhận thấy tầm quan trọng của sự chỉ dẫn trong đời sống. Theo các cuộc thăm dò của Gallup, số người tuyên bố gia nhập giáo hội ở Mỹ đã giảm hơn 20% trong 20 năm qua, từ gần 70% vào năm 1999 xuống còn 47% vào năm 2020. Đồng thời, vấn đề tự do chọn lựa tôn giáo ngày càng tăng hơn.

Người ta dường như cho mình là người có thể quyết định mọi điều liên quan đến cuộc sống, kể cả đời sống thiêng liêng. Điều này cho thấy rằng, nền văn hóa yêu độc lập của chúng ta đang trở nên chủ nghĩa cá nhân và cô lập hơn bao giờ hết – một tình huống mà William de Britaine đã cảnh báo vào năm 1682 khi ông nói: “Ai sẽ là cố vấn của chính mình, chắc chắn sẽ có một kẻ khách hàng ngốc cho chính mình.”

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta một thông điệp quan trọng của cuộc sống. Đó là chúng ta luôn cần đến một sự cố vấn, hay một sự hướng dẫn từ người khác. Cụ thể nhất, đó là cần có người thầy Giêsu hướng dẫn trong đời sống của người môn đệ, để sinh những hoa trái tốt trong đời sống.

Trong bất cứ xã hội và bất cứ thời kỳ lịch sử nào, bất kỳ ai cũng cần đến sự chỉ dẫn một điều gì đó từ người khác. Tùy vào lĩnh vực và tùy vào giai đoạn huấn luyện mà người ta sẽ cần sự cố vấn, chỉ bảo khác nhau. Điều quan trọngcuối cùng là làm sao để đạt được thành công trong sự nghiệp hoặc công việc. Tìm kiếm sự cố vấn của người khác là để tránh tối đa sự sai lầm và để đi đúng hướng mà mình muốn đạt đến.

Câu chuyện mà chúng ta nghe trong bài đọc 1, sách Huấn Ca là nói về câu chuyện của một người ông hay một người lớn tuổi trong gia đình đang dạy dỗ và truyền lại cho con cháu những kinh nghiệm sống quý báu mà ông đã kinh nghiệm được. Một sự truyền đạt mang tính giáo dục trong cuộc sống, để mong sao con cháu có cái nhìn đúng đắn và chuẩn mực nhất khi đánh giá một người nào đó, qua cách nói chuyện của họ “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay” (Hc 27,5).

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng đã đưa ra một hình ảnh sống động khi nói về những kẻ dẫn đường đui mù “Mù mà lại dắt mù được sao ? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố ?” (Lc 6,39). Không ai muốn là kẻ dẫn đường đui mù, và cũng không ai muốn được dẫn dắt bởi những người khiếm thị. Người ta luôn mong muốn được thụ huấn với những bậc thầy giỏi, khôn ngoan và sáng suốt nhất.

Cuối cùng, ở nơi điều có vẻ là nghịch lý của nhiều sự khôn ngoan truyền thống, Ben Sira trong sách Huấn Ca khuyên chúng ta nên giữ lại phán xét về mọi người, cho đến khi chúng ta nghe được những gì họ nói. Cho rằng lời nói của chúng ta xuất phát từ nội tâm của chúng ta. Nguyên tắc tương tự sẽ chứng minh rằng mọi người ghi nhận và khen ngợi ở người khác những gì họ đánh giá cao cho cuộc sống của chính họ. Sự khôn ngoan của Sirach là một phần của truyền thống mà từ đó Chúa Giêsu đã đúc kết kho tàng những câu nói của Ngài.

Vì thế, chúng ta cần sống trong một thế giới của sự đối thoại, học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau, để có được những sự chỉ dẫn khoan ngoan và đúng đắn nhất cho cuộc đời của mình. Điều này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo trong thông điệp Fratelli Tutti (Tất Cả Anh Em): “Trong thế giới ngày nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất ngày càng phai nhạt, và giấc mơ cùng chung tay xây dựng công lý và hòa bình dường như là điều không tưởng, lỗi thời. Ngự trị thay vào đó là sự lãnh đạm tiện lợi, lạnh lùng và bao trùm, phát sinh từ mối thất vọng sâu xa, mối thất vọng được che giấu bởi sự xảo trá của ảo tưởng tin rằng chúng ta toàn năng, mà không nhận thấy tất cả chúng ta đều trên cùng một con thuyền.”(Fratelli Tutti số 30) và Đức Giáo hoàng tiếp “Trừ phi chúng ta tìm lại được niềm khát vọng cùng muốn chung tay xây dựng một cộng đồng phụ thuộc và liên đới” (Fratelli Tutti số 36).

Người đọc Tân Ước hiểu rằng câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Giêsu về người mù thực ra hầu như không liên quan gì đến các vấn đề về con mắt thể chất. Sử dụng một kỹ thuật văn chương phổ biến thời đó, Chúa Giêsu đã đưa ra hai câu nói về thị giác để làm sáng tỏ điều Ngài muốn nói về chủ đề mà Ngài đề cập giữa hai người: Ngài thực sự đang nói về các thầy dạy và các môn đệ.

Phần thứ hai của bài đọc này bổ sung cho phần đầu tiên. Người thầy tốt, giống như cây tốt, được nhận biết không phải bởi độ to nhỏ của cây hay tiếng ồn ào chúng tạo ra, mà bởi thành quả của việc giảng dạy của họ nuôi dưỡng người khác như thế nào và cuộc sống của họ minh họa thông điệp họ rao giảng như thế nào. Vào thời của chúng ta, Chúa Giêsu sẽ nói về nơi chúng ta nhìn để tìm kiếm hướng dẫn về một cuộc sống đáng sống – làm thế nào để tìm thấy và trở thành những cây sinh trái “Thật vậy, xem quả thì biết cây” (Lc 6,44).

Thánh Phaolô trong bài đọc 2, đã nói với chúng ta về đời sống ân sủng trong Đức Kitô “Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng : trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (1 Cr 15,58). Như vậy mỗi người chúng ta đều được mời gọi sống với những nỗ lực và cố gắng của chúng ta khi làm việc ở thế gian này, sẽ không trở nên vô ích trong ân sủng của Chúa. Và nhất là chính chúng ta khi sống trong thân xác của cái chết này, hãy cố gắng với ơn Chúa để làm phát sinh những hoa trái thiêng liêng trong đời sống của mình, như Đức Kitô đã chết và sống lại để mang ơn cứu độ đến cho mỗi người chúng ta.

Nên khi sống trong ân sủng của Chúa, chúng ta cũng hãy cố gắng để làm cho đời mình thành những hoa trái thiêng liêng ở trong chính cuộc đời của mình và trở thành những cây sinh hoa trái tốt “người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình ; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu” (Lc 6, 45). Đó là biểu hiện của một đời sống nội tâm tốt trong cuộc đời chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta nhận ra vai trò người thầy và người trò trong đời sống thiêng liêng. Hy vọng mỗi người cố gắng sống làm sao, để người khác nhận ra nơi bản thân chúng ta tấm gương sống tốt lành để sống theo và chúng ta cũng biết tìm đến những người có tấm gương sáng để học hỏi và dấn thân như một người môn đệ. Nhất là biết học nơi Đức Kitô vị thầy vĩ đại nhất của tất cả nhân loại.

Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM