Tình Yêu Ba Ngôi
1. Các bài đọc
Bài đọc I: Cn 8:22-31
Bài trích sách Châm ngôn: Đức Khôn Ngoan được sinh ra trước khi trái đất được tạo thành.
Đáp ca: Tv: 8:4-9
Thánh vịnh 8: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa trên khắp địa cầu.
Bài đọc II: Rm 5:1-5
Trích thư của thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Roma: chúng ta tự hào về những nỗi gian truân của chúng ta.
Tin Mừng: Ga 16:12-15
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan: tất cả những gì của Cha là của Con và Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn.
2. Chia Sẻ
Theo phụng vụ của Giáo hội, chúng ta đã kết thúc mùa Phục sinh. Vì vậy, sau 50 ngày của lời tung hô Alleluia được vang lên cách trọng thể, chúng ta dễ dàng nhận ra hai mầu nhiệm lớn lao khi chúng ta cử hành theo mùa “thường niên”. Hai mầu nhiệm mà chúng ta nhấn mạnh trong thời điểm khởi đầu lại của mùa thường niên đó là hướng đến mầu nhiệm Thiên Chúa là Ba Ngôi và kế đến đặc biệt nhấn mạnh đến “sự hiện diện thực sự” của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Đây là những chủ đề của những ngày lễ mở ra cho chúng ta sau 50 ngày Phục sinh.
Việc cử hành lễ Chúa Ba Ngôi mời gọi chúng ta dành thời gian để chiêm ngưỡng Thiên Chúa là Đấng như thế nào và điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống của chúng ta. Chúng ta tuyên xưng rằng Thiên Chúa có Ba ngôi: Ba ngôi là một Thiên chúa, một niềm tin duy nhất của Kitô giáo, nghe có vẻ như báng bổ với một số tôn giáo trên thế giới và vô nghĩa đối với những người khác.
Thánh Patrick cho rằng cách duy nhất để tiếp cận ý tưởng này là chiêm nghiệm điều đó như một mầu nhiệm. Điều đó có nghĩa là nghiền ngẫm điều này với một thái độ say mê và không cần phải có câu trả lời rõ ràng. Bản thể Ba Ngôi của Thiên Chúa là một mầu nhiệm theo nghĩa sâu nhất của từ này, một thực tại hấp dẫn chúng ta, lôi cuốn chúng ta về phía Thiên Chúa, và quá sâu xa đến nỗi khiến chúng ta phải suy nghĩ và cầu nguyện, thì mới có thể cảm nghiệm được thực tại cao vời này.
Thánh Phaolô đã diễn tả cảm nghiệm thiêng liêng của mình về tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc đời của mình. Ngài đã chia sẻ điều đó cho các tín hữu Rôma “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Đoạn ngắn này trong Thư của thánh Phaolô mô tả mối quan hệ hòa hợp giữa Thiên Chúa và nhân loại có được nhờ Đức Ki tô và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô mở đầu bằng ý tưởng rằng chúng ta đã được xưng “công chính” bởi đức tin.
Đối với thánh Phaolô, sự công chính tương đương với điều mà người Công giáo gọi là sự cứu rỗi. Nó bao hàm sự tha thứ tội lỗi và tự do. Người có đức tin được xưng công chính, nghĩa là người đó đã chấp nhận sự tha thứ yêu thương của Thiên Chúa. Qua tiến trình đó, những người có đức tin cũng được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi. Điều này cũng có nghĩa là họ đã được giải phóng khỏi những ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa như một thẩm phán theo chủ nghĩa pháp lý đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt và niềm tin rằng cái chết sẽ kết thúc cuộc sống.
Ân sủng mà chúng ta được ban qua Chúa Thánh Thần, đổ vào lòng chúng ta để trở thành động lực bên trong, động lực của toàn bộ đời sống chúng ta. Đấy chính là mối tương quan thân mật của Thiên Chúa với nhân loại, diễn tả chiều kích tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và chúng ta.
Bài đọc II, thánh Phaolô nói về ân sủng của Thiên Chúa: sự công chính của chúng ta qua Đức Kitô và Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho chúng ta. Trong Phúc âm của thánh Gioan, chúng ta nghe Chúa Giêsu mô tả Thánh Thần là người dạy nội tâm của các môn đệ “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13). Sự xuất hiện của người thầy này là cần thiết, bởi vì Chúa Giêsu sẽ không ở với họ mãi mãi – ngắn hơn nhiều so với Đấng sẽ đến sau. Mặc dù các môn đệ không thể hiểu được điều đó trong Bữa Tiệc Ly, nhưng Thánh Thần là món quà lớn nhất của Thiên Chúa dành cho họ.
Như vậy quà tặng Thần Khí được trao ban cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô cũng đã được diễn tả theo hình ảnh của Đức Khôn Ngoan trong bài đọc I sách Châm Ngôn. Đấng ấy cũng đã xuất hiện ngay từ giây phút đầu tiên trong khởi thủy của công trình sáng tạo của Thiên Chúa “Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực thẳm. khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra”(Cn 8,24). Như vậy mầu nhiệm Thiên Chúa là mầu nhiệm tự hữu. Thiên Chúa có từ đời đời và tồn tại muôn đời.
Khi hứa ban Thánh Linh, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ không chỉ đi theo Ngài, nhưng để cho bản thân được thúc đẩy bởi chính tình yêu thương đã thúc đẩy Ngài. Đây là một mối quan hệ mật thiết hơn cả những gì mà con người có thể đạt được bởi hoặc giữa họ với nhau. Như bài đọc của chúng ta từ thư Rôma đã chỉ ra, điều này có thể được gọi là ân sủng hoặc binh an.
Khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu mô tả Thần Khí theo những cách phản ánh cuộc sống và ơn gọi của chính Người “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe”(Ga 16,13) Nói cách khác, giống như Chúa Giêsu, Thánh Linh nói từ trái tim của Thiên Chúa, từ một ý chí và quan điểm được chia sẻ.
Một cách khác mà Chúa Giêsu mô tả sự kết hợp mà Ngài chia sẻ với Chúa Cha và Thánh Linh là nói rằng Thánh Linh “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,15). Sự mô tả về mọi thứ chung này đưa ra một viễn tượng về động lực của tình yêu tạo nên bản thể của Thiên Chúa. Chúa Giêsu mô tả sự kết hợp của Ngài với Chúa Cha và Thánh Linh là một trong những điểm chung. Rõ ràng, vì điều này không ám chỉ đến của cải vật chất, mà nó đang nói về việc chia sẻ những thuộc tính bên trong như kiến thức, cảm xúc và ý chí, tất cả những điều này chúng ta tóm tắt bằng cách đề cập đến tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta khi tin theo Chúa là chúng ta được mời gọi sống trong sự hợp nhất của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa và tình yêu này thấm nhập vào trong đời sống của chúng ta. Xin cho chúng ta luôn biết diễn tả thực tại mầu nhiệm này trong đời sống của chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa, tha nhân và với tất cả thụ tạo của Thiên Chúa.
Lm Phêrô Phạm Minh Triều, CM